Sự hoang tàn của nền kinh tế và trách nhiệm những người đứng đầu (Thiên Duy - BlueVN)

Một nhà máy xơ sợi đầu tư 7.000 tỷ đồng chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động đã đắp chiếu, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Một nhà máy bột giấy ở Long An được Bộ Tài chính bảo lãnh vay 3.000 tỷ đầu tư rồi bỏ hoang. Một nhà máy cán thép ở Thái Nguyên đầu tư 8.000 tỷ không sản xuất được, cũng bỏ hoang. Một nhà máy đạm có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng, máy hỏng hóc vì dùng công nghệ và hệ thống kém chất lượng của Trung Quốc đang cầu cứu…điểm chung của những sự việc này là không có khuôn mặt nào được nhận diện cụ thể, cũng không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm. 

Nhà máy Đạm Ninh Bình đầu tư gần 700 triệu USD,  lỗ liên tiếp 3 năm đang đắp chiếu chờ “giải cứu”. Còn lãnh đạo dự án vẫn ung dung, hưởng thụ bật chấp những thua lỗ do bản thân gây ra.


Trên đây chỉ là một vài dự án nghìn tỷ thua lỗ điển hình đang nằm chờ chết trải dài khắp Việt Nam. Vẫn không thiếu các dự án, công trình nghìn tỷ bỏ hoang lãng phí sau nhiều năm đầu tư, trở thành bãi chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân sống lân cận tại các địa phương. Phía sau những dự án bỏ hoang đó không chỉ là sự lãng phí của cải xã hội, không chỉ là sự lãng phí tài nguyên, mà còn là sự hoang tàn của một nền kinh tế, là sự hoang lạnh của lòng người.

Nguyên nhân của tình trạng này do cơ chế xin cho dự án hiện nay rất tùy tiện, chủ yếu dựa trên quan hệ chứ không có cơ chế ràng buộc về tính hiệu quả, không trên nguyên tắc ưu tiên trong phát triển kinh tế và tính toán nguồn vốn từ đâu ra. Ngân sách bị ném qua cửa sổ, tài nguyên sử dụng hoang phí mà không một ai chịu trách nhiệm bồi hoàn. Lúc nhận dự án, cầm tiền ngân sách, mồ hôi nước mắt của dân thì “gióng trống mở cờ”, hứa hẹn, quảng cáo rầm rộ, còn khi hoạt động thì âm thầm báo lỗ, cầu cứu Chính phủ, không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm cho dự án, cho tiền của nhân dân, lãng phí tài nguyên quốc gia và cho niềm tin đã đánh mất.

“Lãng phí trong đầu tư công là câu chuyện rất lớn và thiệt hại không kém gì, thậm chí là hơn cả tham nhũng, thất thoát trong đầu tư công” – Tiến sĩ Vũ Đình Ánh khẳng định.

Nhớ lại vụ Formosa xả thải hủy diệt cả khu vực biển miền Trung, cá tôm chết la liệt, ngư dân gác chèo suốt nhiều tháng qua. Mặc dù ban lãnh đạo Formosa đã đồng ý chịu trách nhiệm, cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Nhưng về phía các nhà quản lý Việt Nam thì thế nào? Ai là người đã ký duyệt dự án, “rước” Formosa vào Việt Nam kèm theo nhiều ưu đãi “không tưởng” lên đến 70 năm? Nếu quá trình ký duyệt dự án được xem xét kỹ lưỡng, kèm theo yêu cầu cao về hệ thống máy móc vận hành, đảm bảo việc xử lý nước thải, kiểm qua quá trình vận hành thường xuyên thì thảm họa miền Trung có xảy ra không? Trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ TN-MT, chính quyền Hà Tĩnh đến đâu trong vụ việc này?

Đến sáng ngày 03/11/2016, nghĩa là sau khi thảm họa diễn ra hơn 6 tháng, công tác kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân liên quan đến Formosa xả thải tại Bộ Tài nguyên – Môi trường vẫn “đang được tiến hành, chưa có kết quả cuối cùng”.

Đáng nói hơn, mặc dù Nguyên Bộ trưởng TN-MT ông Nguyễn Minh Quang tuyên bố “sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật”. Nhưng, nghe đâu ông chỉ nói thế thôi, chứ theo cơ chế thì ông Quang đã nghỉ hưu nên… “không là thành viên của Ban Cán sự Đảng ủy Bộ TN&MT, không thuộc đối tượng yêu cầu xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong sự cố Formosa”. (?!!!)


Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sau vụ Formosa dù đứng ra sẵn sàng chịu trách nhiệm nhưng nghe nói ông không bị truy cứu trách nhiệm

Gần đây nhất, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất như cái gai gây cản trở sự phát triển ngành hàng không, vẫn tồn tại như thách thức các chuyên gia hàng không, cử tri cả nước và người dân thành phố. Đường bay thiếu trước hụt sau nhưng sân golf thì thênh thang, một trái bóng nhỏ xíu với vài đại gia ung dung hưởng thụ, còn ngay cạnh đó hành khách thiếu chỗ ngồi, máy bay không có chỗ đậu, chuyến bay thiếu đường lăn, đường cất/hạ cánh, thiệt hại kinh tế không sao đo đếm được. Có nhiều vấn đề về trách nhiệm trong việc dựng lên cái sân golf đó và điều hành hoạt động bay hiện nay. Ai là người đã phê duyệt cho đại gia Dương Công Minh chiếm đất sân bay để xây khu giải trí sân golf hạng sang này? Người nào đã đặt bút phê duyệt một dự án phản khoa học, một tiền lệ chưa hề có trên thế giới này? Đây vẫn là một “ẩn số” đối với người dân.

Có thể thấy, căn nguyên của những yếu kém trong khâu quản lý, những nghịch lý tồn tại trong nền kinh tế do cơ chế quản lý của Việt Nam còn thiếu công khai minh bạch, chưa thực hiện tốt quá trình giải trình và không yêu cầu chịu trách nhiệm chính trị, hình sự nếu không hoàn thành trách nhiệm đối với những người được giao nhiệm vụ. Khi giao cho anh quản lý dự án hàng nghìn tỷ đồng, nếu anh cảm thấy năng lực không thực hiện được có thể từ chối, nhường cho người khác có năng lực hơn, còn nếu anh tự tin nhận nhiệm vụ, thì khi xảy ra thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả, anh phải chịu trách nhiệm, không thể cứ rút kinh nghiệm từ năm này sang năm khác.


Nghịch lý tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm

PVN sẽ không xảy ra thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nếu không giao cho một Trịnh Xuân Thanh sử dụng bằng cấp giả mạo, lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, nắm quyền điều hành cao nhất tại PVN nhưng lại không có cơ chế kiểm soát, giải trình thường xuyên khiến sự việc chỉ được phát hiện và phanh phui khi tập đoàn “bung bét”, tân lãnh đạo PVN phải nộp đơn xin… phá sản (?!!!) Còn Trịnh Xuân Thanh? Dù điều hành một đơn vị làm ăn thua lỗ, không thuộc diện Bộ Chính trị điều chuyển nhưng lại được về Bộ Công Thương, rồi về làm Bí thư tỉnh Hậu Giang.

Phải chăng đã đến lúc yêu cầu trách nhiệm cao hơn từ phía những người có thẩm quyền? Nếu như các nhà quản lý, chủ tập đoàn tiếp tục không cần chịu trách nhiệm chính trị lẫn pháp lý cho những thiệt hại gây ra, chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm cho những quyết định sai lầm, những thất thoát, sai phạm nghìn tỷ thì hà cớ gì họ phải suy nghĩ quá nhiều cho an nguy của người dân?

Họ sẽ không thấy động lực nào để lèo lái bằng được một tập đoàn nhà nước, bởi đơn giản tiền đầu tư không phải của họ, dự án này thất thoát, thua lỗ thì xin cứu và nhận dự án khác. Họ không thấy lý do gì phải suy nghĩ về an nguy của bà con khi quyết định mở đập xả lũ (trái lại, thiệt hại cho đập thủy lợi sẽ khiến họ chịu trách nhiệm với cấp trên). Thậm chí, họ cũng không thấy lý do gì phải suy nghĩ, đắn đo trước khi đặt bút ký bất kỳ quyết định nào, phê duyệt dự án nào, bởi đơn giản, sai thì rút kinh nghiệm, làm lại, sai tiếp lại rút kinh nghiệm. Nhiều người nói vui rằng ở Việt Nam, chỉ có sợi dây kinh nghiệm dường như là vô tận, rút hoài không hết.


Nếu không yêu cầu trách nhiệm, người ta không thấy lý do gì phải suy nghĩ về an nguy của bà con khi quyết định mở đập xả lũ (trái lại, thiệt hại cho đập thủy lợi sẽ khiến họ chịu trách nhiệm với cấp trên)

Vậy thì hãy ngừng trách móc, ngừng rút sợi dây kinh nghiệm dài lê thê vốn đã trở thành “đặc sản” tại Việt Nam, mà hãy kêu gọi một lời xin lỗi, một hành động chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả do sự thiếu trách nhiệm đó gây ra. Quan trọng hơn, không phải cứ nghỉ hưu sẽ hoàn thành trách nhiệm chính trị. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu cho những ai gần đến tuổi nghỉ hưu ký duyệt dự án vô tội vạ, gây sai phạm nghiêm trọng vì khi “hạ cánh” là xong?
Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, “từ chức” đã trở thành một nét văn hóa và trở thành động lực phát triển của đất nước, buộc những người đứng đầu các tập đoàn làm ăn thua lỗ chịu trách nhiệm. Từ chức ở đây được hiểu như một lời xin lỗi của người có trách nhiệm với người dân khi ông ta không làm tròn nhiệm vụ.

Thủ tướng Ý Matteo Renzi từ chức vì thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch cải tổ hiến pháp của mình; còn Thủ tướng New Zealand John Key cũng từ chức là vì lý do gia đình. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won sau vụ chìm phà Sewol năm 2014 đã xin từ chức và cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc: “Lúc này đây, điều đúng đắn mà tôi cần làm chính là nhận trách nhiệm cho những gì đã qua và xin từ chức”.

Năm 2015, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Nhật Bản Hakubun Shimomura xin từ chức vì xây dựng sân vận động chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 chậm tiến độ, do thay đổi thiết kế và chi phí cao hơn dự toán ban đầu. Còn tại Brazil hồi tháng 06/2016, Bộ trưởng Du lịch Henrique Alves cũng từ chức vì những cáo buộc có liên quan vụ bê bối và tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras…

Thế mới thấy ngán ngẩm với những “ông quan” Việt Nam chỉ đơn giản là xin kiểm điểm rút kinh nghiệm khi tai họa ập xuống đầu dân, rồi lại tiếp tục an nhiên tại vị như không có chuyện gì xảy ra. Việc từ chức sớm giúp doanh nghiệp có cơ hội chọn được người điều hành có năng lực, sớm chèo lái doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, thay vì cứ tiếp tục tại vị và đưa doanh nghiệp vào vòng thua lỗ lớn hơn.

Một động thái đáng chú ý gần đây được truyền thông nhắc đến nhiều đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần tuyên bố xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng. Thậm chí, Thủ tướng còn giao Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn Nghị định về “văn hóa từ chức”, buộc những người có trách nhiệm từ chức khi cần. Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố của Thủ tướng, người dân cả nước vẫn “chờ đợi” những hành động cụ thể nhằm lôi cổ các cá nhân, những người đứng đầu các dự án thua lỗ ra ánh sáng để chịu trách nhiệm trong thời gian tới?