Những điểm yếu của Phong trào dân chủ Việt Nam (Việt Hoàng) (Phần 1)

Một lý do nữa khiến PTDCVN không nên chạy theo các sự kiện thời sự vì nó sẽ làm chúng ta kiệt sức, các sự kiện mới luôn xảy ra hàng ngày hàng giờ và nếu không có thì ban tuyên giáo sẽ tạo ra các sự kiện đó. Khi các sự kiện kết thúc thì cũng là lúc chúng ta quay lại điểm xuất phát ban đầu.  

 
Chạy theo các sự kiện!

Phong trào dân chủ Việt Nam (PTDCVN) bao gồm những thành phần nào? Có thể tạm chia thành ba thành phần chính. 

1.Những người dân bị áp bức đứng dậy đấu tranh, ví dụ những người nông dân bị mất đất.

2.Những tổ chức thuộc “Xã hội dân sự”, là những trí thức nhân sĩ bất đồng chính kiến với đảng cộng sản VN. Họ mong muốn thay đổi và có những mục tiêu tranh đấu cụ thể nhằm cải thiện xã hội.

3.Các tổ chức chính trị dân chủ đối lập, là những tổ chức tranh đấu với quyết tâm thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị độc tài hiện nay bằng một thể chế dân chủ và văn minh.

Nếu nhìn vào hai thành phần 1 và 2 thì chúng ta có thể thấy rằng PTDCVN đã có những bước tiến vượt bậc. Người dân VN bị áp bức ngày càng đông đảo và họ đã chuyển từ trạng thái im lặng, sợ hãi, cam chịu sang tinh thần dứt khoát, mạnh mẽ và không khoan nhượng. Bà Cấn Thị Thêu, một dân oan mất đất vừa bị tuyên án 20 tháng tù giam là một ví dụ. 

Xã hội dân sự VN cũng phát triển mạnh với sự ra đời của gần 30 tổ chức khác nhau. Những khuôn mặt bất đồng chính kiến của XHDS đã trở nên quen thuộc với dân chúng VN và tấm gương không sợ hãi trước bất công và bạo quyền của họ đã làm thức tỉnh và lay động nhiều người. Ví dụ luật sư Nguyễn Văn Đài, Bùi Hằng hay mới đây nhất là Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người vừa bị tòa phúc thẩm Hà Nội y án 5 năm tù giam vì cổ vũ cho tự do ngôn luận.

Khác với hai thành phần này thì thành phần thứ 3, tức các tổ chức chính trị dân chủ đối lập lại có dấu hiệu suy thoái hoặc dậm chân tại chổ. Điều này rất đáng chú ý và cần mổ xẻ một cách nghiêm túc vì đây là thành phần quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Đầu tiên chúng ta cần phải minh định rõ một điều rằng, công cuộc dân chủ hóa đất nước là công việc của toàn dân, của tất cả mọi người VN quan tâm đến đất nước. Đây là một cuộc tranh đấu vĩ đại nhất từ trước đến nay để đưa VN từ bóng đêm độc tài sang kỷ nguyên của ánh sáng, tự do và dân chủ. Ai cũng có quyền và nghĩa vụ tham gia vào cuộc tranh đấu này, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Chúng ta tôn trọng và ghi nhận mọi sự hy sinh đó.

Với sự nhìn nhận của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập, chúng tôi xin đưa ra những nhận xét về thành phần thứ ba của PTDCVN, tức là các tổ chức đối lập. Theo chúng tôi chính các tổ chức chính trị đối lập sẽ là lực lượng để tập hợp và hướng dẫn hai thành phần còn lại. Tiếc thay, đến giờ thì thành phần này vẫn chưa phát triển và có được tầm vóc cần thiết.

Có nhiều lý do để dẫn đến tình trạng hiện nay đó là PTDCVN chưa có tổ chức, chưa có tư tưởng, chưa có lãnh đạo, chưa có sự đoàn kết và vì thế chỉ biết chạy theo…các sự kiện.

Thật ra việc bám theo các sự kiện để khai thác các sự kiện và đưa ra các giải pháp và hướng dẫn quần chúng đấu tranh là việc cần thiết và nên làm nhưng vì thiếu tư tưởng và định hướng nên PTDCVN chỉ biết chạy theo các sự kiện một cách vô thức và cuối cùng chẳng thu hoạch được gì.

Hai sự kiện lớn nhất trong thời gian qua đó là việc bầu cử quốc hội khóa 14 và đại hội đảng 12. Hầu như mọi tinh thần và sức lực của PTDCVN đã vắt kiệt cho hai sự kiện này, nhất là cuộc bầu cử quốc hội khóa 14. Đã có hơn 300 người tự ứng cử vào quốc hội và rốt cục là không một người nào lọt được vào vòng hai. Quốc hội 14 với 100% người của đảng vẫn thành công tốt đẹp. Đại hội 12 của đảng cũng vậy, cuộc đấu đá khốc liệt giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng rồi cũng kết thúc với phần thắng thuộc về ông tổng bí thư nhưng dù ông Nguyễn Tấn Dũng có thất bại và về vườn làm “người tử tế” thì đảng cộng sản VN vẫn còn nguyên đó, thậm chí còn tệ hơn rất nhiều khi các tướng lĩnh công an như Trần Đại Quang và Nguyễn Đức Chung nên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Có gì thay đổi đâu?

Sau sự kiện Yên Bái, bây giờ lại đến sự kiện Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Dư luận lại quay cuồng theo một vòng xoáy mới, và rồi các sự kiện như vậy lại xuất hiện, một cách bất tận. Đảng CSVN rất biết cách tạo ra các sự kiện hoặc khai thác các sự kiện, chỉ có chúng ta là không. Ví dụ với dân chúng thì bất cứ một sự kiện nhỏ nào như việc anh tài xế xe tải cứu chiếc xe khách ở Đà Lạt hay chuyện hợp đồng tình ái giữa đại gia và hoa hậu Mỹ-Nga…đều được báo chí khai thác tối đa và người dân tha hồ theo dõi, bình luận và quên hết sự đời.

Vì sao PTDCVN cũng chạy theo các sự kiện như dư luận VN? Cũng dễ hiểu vì các sự kiện luôn mới mẻ, hấp dẫn, lôi cuốn và được người dân quan tâm theo dõi. Trong khi đó các công việc “hậu trường” của một tổ chức chính trị như học tập, nghiên cứu các tài liệu về dân chủ, xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ… thường rất tẻ nhạt, khó khăn và mất nhiều thời gian. Cần phải có một quyết tâm rất lớn cũng như sự bền bỉ, kiên trì và bao dung trong một thời gian dài. Chính vì khó khăn như vậy nên PTDCVN chọn cách dễ làm nhất đó là chạy theo các sự kiện và làm chính trị kiểu nhân sĩ. Gây ồn ào và đánh bóng bản thân rồi ngồi…chờ.

Chúng ta cần xác quyết với nhau một điều rằng, tiêu chí để đánh giá các hoạt động của các tổ chức đối lập thuộc PTDCVN là nó đã đóng góp được gì cho việc xây dựng một lực lượng có uy tín và tầm vóc cho PTDCVN. Bởi vì VN chỉ có thể có dân chủ khi PTDCVN có được một lực lượng hùng mạnh và tầm vóc để làm đối trọng với đảng CSVN. Chính lực lượng dân chủ này sẽ là áp lực, dưới sự hậu thuẫn của quần chúng VN buộc đảng CSVN thay đổi về hướng dân chủ một cách dứt khoát và cũng chính lực lượng dân chủ này sẽ thay thế cho đảng CSVN trong tương lai.

Nhiệm vụ chính của PTDCVN hiện nay đó là xây dựng lực lượng. Không có lực lượng chúng ta chỉ là những kẻ đứng bên lề của thời cuộc. Cũng chẳng khác gì đi xem một trận bóng đá, bình luận và chém gió chán chê rồi giải tán, ai về nhà nấy. PTDCVN phải là “cầu thủ” tham gia thi đấu chứ đừng làm “khán giả” hoặc “cổ động viên”. Chúng ta không ủng hộ ông Trọng hay ông Dũng vì ông nào thắng hay thua cũng vậy thôi. Chúng ta cần thay đổi thể chế chính trị độc tài và lạc hậu hiện nay tại VN. 

Một lý do nữa khiến PTDCVN không nên chạy theo các sự kiện thời sự vì nó sẽ làm chúng ta kiệt sức, các sự kiện mới luôn xảy ra hàng ngày hàng giờ và nếu không có thì ban tuyên giáo sẽ tạo ra các sự kiện đó. Khi các sự kiện kết thúc thì cũng là lúc chúng ta quay lại điểm xuất phát ban đầu. Thời gian thì vẫn trôi, kim đồng hồ vẫn quay. Giá như hơn 300 vị ứng cử viên đại biểu quốc hội khóa 14 thuộc lề dân tìm đến hoặc ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ thì mọi việc có lẽ tốt hơn nhiều.

ĐCSVN đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ai, lực lượng nào sẽ thay thế và lấp vào chổ trống quyền lực đó nếu không phải là một lực lượng của PTDCVN? Chúng ta đã có được một lực lượng như vậy chưa? Rõ ràng là chưa. Để VN không rơi vào hỗn loạn hoặc bị một thế lực đen tối nào đó cướp mất quyền lực từ tay ĐCSVN thì ngay từ bây giờ chúng ta phải cùng chung ta xây dựng một lực lượng dân chủ có tầm vóc và có thực lực. Trách nhiệm này thuộc về trí thức VN và những người VN còn ưu tư với đất nước.

(Còn tiếp)

Việt Hoàng (2016)