Lực lượng an ninh Việt Nam và những nhát dao đã đâm vào lòng đất nước (Chu Tuấn Anh)

Tôi viết bài viết này trước tiên là để gửi đến những người an ninh thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi mà tôi lần đầu tiên tiếp xúc với an ninh chế độ cộng sản; những người an ninh Hà Nội, Sài Gòn, cùng các địa phương khác và đội ngũ an ninh thuộc Bộ Công An. Trước nay giới đấu tranh vẫn nói ngành an ninh là cánh tay nối dài của chế độ cộng sản để đàn áp, dập tắt mọi tiếng nói bất đồng trên đất nước Việt Nam. Nhưng đến một thời điểm nào đó thì người ta sẽ chẳng phân biệt kẻ đàn áp và công cụ đàn áp vì máu đã nhuốm quá lâu và lập trường hòa giải dân tộc đã bị chế độ bác bỏ. Nhiều người trong số các anh sẽ bắt buộc phải chịu trách nhiệm cho những bất công, những vi phạm nhân quyền, và tội ác mà mình gây ra: đây là vấn đề các anh phải đối mặt chứ không thể né tránh. Điều khác biệt là cách chúng ta đối mặt với nó.

Các anh từng yêu cầu tôi “lập công chuộc tội” khi tôi bị các anh tạm giữ để làm việc dù tôi chẳng có một tội nào cả. Cá nhân tôi nghĩ rằng những người cần phải cố gắng “chuộc lại lỗi lầm” ngay từ bây giờ chính là các anh. Không nên nghĩ đó là một cách nói thách thức, tôi chỉ muốn nói một cách ôn hòa nhưng thẳng thắn nhất cho những ai còn lương tri, còn lý chí để hiểu được chiều sâu của vấn đề.

Nếu nhìn một cách chi tiết thì đó là những hành vi cụ thể như đánh đập, bỏ tù người bất đồng chính kiến, dân oan; ngược đãi, hạ nhục trong tù cả về thể xác lẫn nhân phẩm, tiếp tay cho cướp bóc, bịa đặt sự thực để kết án, những tiểu xảo gài bẫy mua chuộc, vv. Nhưng nhìn một cách rộng hơn thì các anh chính là lực lượng trực diện nhất đã tham gia vào việc chia rẽ đất nước Việt Nam, đập phá đất nước Việt Nam một cách không thể hung bạo hơn.

Một người bạn của tôi từng nói rằng một cán bộ an ninh nói với anh này rằng họ đối xử với “những người đấu tranh ôn hòa” và những người Thượng “đòi ly khai” khác nhau, những người có ý đồ ly khai thì họ sẽ “không nương tay”. Đó là một sự xác nhận về quan điểm: những người Thượng phản kháng chế độ thì họ coi là khủng bố hơn là người đồng bào của mình, họ sẽ đàn áp bằng những công cụ ngay cả không có trong luật pháp chế độ, thậm chí “giết nhầm còn hơn bỏ sót”- nghĩa phải thẳng tay loại trừ. Nhát dao chí mạng đầu tiên là các anh tấn công triệt hạ những đại diện của cộng đồng người Thượng, làm sâu sắc sự chia rẽ giữa một cộng đồng vô cùng quan trọng với đất nước Việt Nam. Phải những ai yêu nước và có tâm hồn mới thấy hành vi của các anh là vô cùng nghiêm trọng: đó không khác gì một hành vi đập phá để đất nước giải thể nhanh hơn.

Những người an ninh Quảng Nam chất vấn tôi rằng danh sách 364 tù nhân chính trị mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có đúng hết không. Nghĩ lại tôi thực sự cũng tiếc vì không trả lời họ một cách thẳng thắn hơn. Có lẽ họ nói về những người bị đi tù vì bị cáo buộc liên quan đến bạo loạn ở Đắk Lắk. Nhiều người bị khởi tố hoặc phải trốn chạy tham gia liên minh người Thượng vì công lý. Người ta có quyền đặt dấu hỏi vì có thể họ chỉ lấy cớ để đàn áp các tổ chức của người Thượng, chứ tổ chức này cho rằng họ không tham gia vào vụ việc đó. 

Nhưng cũng có thể họ đang nói về những người bị chế độ kết tội vì tham gia nhóm Đào Minh Quân. Nhóm người đã tin theo Đào Minh Quân đa số là những người dân lao động ít học: họ chỉ nhìn thấy sự bất mãn trước mắt và bạo lực như một phương pháp giải quyết vấn đề, dù thế thì chưa ai trong số họ đã gây bất cứ thiệt hại cụ thể nào cho đất nước. Những người thuộc nhóm Đào Minh Quân hay “Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam lâm thời” đáng ra phải được xem là nạn nhân của một chế độ độc tài toàn trị và một tên tâm thần lừa đảo (có nhiều dấu hiệu còn bị chế độ lợi dụng để chỉ điểm, bắt bớ những người có ý định phản kháng chế độ) hơn là những người có tội.

Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng chính những người an ninh của chế độ cũng đã lựa chọn bạo lực để giải quyết vấn đề: hơn thế nữa còn là thứ bạo lực của kẻ bạo quyền và thứ bạo lực kết hợp với nhục mạ, áp chế và chà đạp lên nhân phẩm con người. Như vậy họ có nghĩ nếu họ đặt những người là nạn nhân của Đào Minh Quân như kể trên ra ngoài vòng pháp luật, thì theo lý lẽ đó phần lớn người dân Việt Nam có mọi LÝ DO để loại bỏ họ ra khỏi vòng tay Tổ quốc vì những bạo lực họ đã gây ra không? Việc cố đào bới, tìm kiếm thêm tội trạng để kết tội người bất đồng thay vì tìm cách hóa giải là một sự ngu dại vì có thể ngày mai có những người oán hận sẽ tìm đủ mọi bằng chứng để kết tội những người an ninh chế độ.

Một nhát dao nữa họ đã đâm vào dân tộc Việt Nam là tạo ra lớp lớp những người dân oan. Họ đối xử với những người dân oan đặc biệt tàn bạo vì họ cần đàn áp những người này càng nhanh càng tốt để mở đường cho các dự án phân lô, bán nền, những dự án kinh tế. Những nạn nhân mà dính dáng đến việc ăn chia của chế độ thì họ cũng chẳng nương tay. Chúng ta chưa hết bàng hoàng vì họ đàn áp gia đình ông Lê Đình Kình một cách tàn bạo như đối xử với khủng bố, dù ông Kình từng là một cựu chiến binh, một đảng viên. Chúng ta cũng thấy phẫn nộ cách họ đối xử với gia đình bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương: những người nông dân hồn hậu và lương thiện và khảng khái nhất. Họ là dáng đứng, là một phần của tâm hồn người Việt Nam. Tất cả những gì họ làm là hạ gục ý chí chống trả của gia đình này. Nhiều vụ án oan sai về đất còn nhắm đến cả những ngôi chùa (chùa Liên Trì) và nhà thờ, tu viện (nhà thờ Thái Hà, tu viện (Dòng Thánh Phao lô)- những con người đã lựa chọn lối đức tin, vượt lên xã hội thế tục và phải hiểu là những con người đại diện cho những gì đẹp nhất, quảng đại nhất của căn cước loài người.

Nhát dao cuối cùng họ đã đâm vào đất nước Việt Nam là gọi một tổ chức có lập trường hòa giải dân tộc như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là “phản động lưu vong”. Khi họ gọi như vậy thì họ mang một hàm ý là “những người này đứng ngoài vòng đất nước Việt Nam. Thật nực cười khi chúng tôi thực tế là tổ chức nói về đất nước Việt Nam, về tương lai chung của đất nước Việt Nam nhiều hơn bất cứ một tổ chức chính trị nào. Tất cả những viên an ninh nào khi làm việc với anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không thể không kết luận đó là những người hoàn toàn tử tế, đứng đắn về cá nhân và chưa bao giờ đấu tranh vì đồng tiền, hoặc vì một lợi ích cụ thể nào ngoài lý tưởng và lập trường yêu nước. Những người như ông Trần Độ đã lựa chọn gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, các ông Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín là người nhà và anh em của chúng tôi, còn Trần Xuân Bách cũng tuyên bố Việt Nam phải đi theo con đường dân chủ đa nguyên, sếp của ông Nguyễn Phú Trọng là nhà văn Trần Hoài Dương cũng là một người ủng hộ lập trường dân chủ đa nguyên một cách nhiệt thành. Chế độ cộng sản có gì ngoài việc để mất đi những con người trung thực và ưu tú nhất của đất nước và để những con người bạo ngược và thiếu văn hóa, thiếu tinh thần yêu nước nhất lên cầm quyền? 

Đến thời gian gần đây thì họ đã đẩy mọi việc lên một tình trạng không thể sửa chữa là đàn áp một tổ chức gần như thành lập ra để thực hiện hòa giải dân tộc, và cũng có thể là cơ hội cuối cùng để dân tộc Việt Nam được hòa giải. Sau những sự đàn áp anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong nước và bắt bớ Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang thì tình hình đã không thể xấu hơn. 

Những người an ninh cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và lương thiện: dân chủ không triệt hạ hay biến họ thành nạn nhân, nếu Việt Nam không dân chủ hóa chỉ là một tương lai bạo lực lan rộng và họ sẽ là nạn nhân của bạo lực, trả thù và báo oán. Dân chủ không là cái phao cho họ thoát tội, nhưng nó hứa hẹn một Kỷ nguyên mới sẽ sớm đến khi giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ diễn ra thành công. Ở đó, chúng ta bắt buộc phải giải quyết cuộc khủng hoảng công lý bằng cách đền bù xứng đáng cho những nạn nhân của chế độ, giải quyết các án oan sai và khiếu kiện của họ. Hòa giải dân tộc sẽ không ở trên công lý, nhưng hòa giải dân tộc cho phép sự thứ tha trước khi chúng ta cần một thứ công lý tuyệt đối vì chúng ta đều là anh em, đồng bào. Do đó, những người an ninh cần phải CHẤM DỨT tiếp tay cho luồng suy nghĩ muốn tiếp tục duy trì chế độ và kéo dài sự tàn ác thêm để hòa giải dân tộc trở nên quá khó khăn. 

Điều đầu tiên họ phải làm là hãy dần thả những tù nhân chính trị, những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam. Nếu được, hãy gặp riêng để xin lỗi những người dân oan, những nạn nhân của họ. Và tuyệt đối, hãy tìm mọi lý để không phải bắt bớ thêm bất cứ một ai nữa. Trong những ngày tháng họ tiếp tục trên vai trò một công chức của chế độ, hãy đồng thời là một tác nhân của hòa giải dân tộc! Đất nước chúng ta cần nhiều con người vận động hòa giải và tha bổng cho đồng bào mình hơn là những người kết tội, đập phá. Những người an ninh cần phải nhớ rằng mọi cố gắng ở thời điểm này vẫn chưa muộn, nhưng nếu tiếp tục kéo dài thêm tội ác với đồng bào, chia rẽ và đập phá đất nước- mỗi hành động sẽ chỉ khiến mình bước ra ngoài vòng tay của dân tộc, cơ hội được hòa giải, và là bằng chứng kết tội chính mình. Những người anh em, đồng bào trong ngành an ninh cần sự dũng cảm và sáng suốt ở thời điểm này.

Chu Tuấn Anh

(12/7/2025- Sekong Lào)