Đừng nhìn những con số tăng trưởng mỹ miều của CSVN công bố mà vội mừng (VNTB)
(VNTB) – Chỉ dựa vào những con số hoa mỹ giả dối thì làm sao có thể đưa ra các chính sách thực tiễn và hiệu quả để sửa chữa, thay đổi tích cực được?
Trong một thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trên biểu đồ phát triển. Theo các báo cáo từ nhà chức trách, từ năm 2015 đến 2025, GDP Việt Nam gần như đã tăng gấp đôi, từ 240 tỷ USD lên xấp xỉ 500 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng vọt từ khoảng 2.558 USD lên mức gần 5.000 USD/năm. Nhiều con đường cao tốc được xây mới, các khu đô thị cũng mọc lên như nấm, nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất. Những thành quả này dường như đang tạo dựng một hình ảnh “Việt Nam cất cánh” đầy ấn tượng.
Tuy nhiên, người dân có thực sự khá lên không? 5.000 USD/người/năm tương đương khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu công nhân khu công nghiệp, bao nhiêu giáo viên hợp đồng vùng sâu, bao nhiêu tiểu thương chợ phố, bao nhiêu tài xế công nghệ… đang thực sự chạm tới mức thu nhập đó? Thực tế, thu nhập của phần lớn lao động Việt Nam vẫn quanh quẩn 5–7 triệu đồng/tháng, trong khi giá điện, xăng, nhà ở, học phí… liên tục leo thang.
Không thể phủ nhận, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn bùng nổ hạ tầng. Cao tốc Bắc – Nam liên tục dài thêm, đường sá mở rộng, sân bay, cảng biển được nâng cấp, đô thị được “tô son điểm phấn”. Nhưng khi đi xa khỏi ánh đèn thành phố, sự đối lập hiện ra rõ rệt. Nhiều vùng quê vẫn đi trên con đường đất lầy lội mỗi mùa mưa. Trạm y tế xã thiếu bác sĩ, thiếu thuốc. Trường học vùng cao thiếu nhà vệ sinh, thiếu phòng học kiên cố. Học sinh phải đi bộ cả chục cây số để đến lớp, trong khi bản báo cáo cấp tỉnh vẫn báo cáo thành tích “hoàn thành mục tiêu giáo dục”.
Ngay cả ở các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, nơi được xem là trung tâm phát triển, hạ tầng mới lại đi kèm với vô vàn bất cập: kẹt xe triền miên, ngập nước mỗi khi mưa lớn, ô nhiễm không khí ở mức báo động đỏ. Nhà cao tầng mọc san sát nhưng quy hoạch đô thị rối ren, thiếu không gian xanh, thiếu chỗ học, thiếu bệnh viện.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có “Thu nhập trung bình thấp” theo số liệu của Ngân hàng thế giới
Nhìn qua thì thấy có nhiều người mới giàu lên, phô trương siêu xe, biệt thự, hàng hiệu. Nhưng cũng có hàng triệu người Việt đang “trả góp cuộc đời” bằng những khoản vay mua nhà 25 năm, sống trong căn hộ chưa đầy 60m² và một giấc mơ trung lưu ngày càng xa vời. Chưa kể hàng triệu người khác vẫn loay hoay trong những căn nhà trọ chật chội, cả gia đình 4-6 người chui rút trong căn phòng 15m2, mà có khi cuối tháng không kiếm ra 1 triệu đồng đóng tiền trọ. Rõ ràng là khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn trong xã hội.
Chỉ nói sơ qua như vậy là thấy các số liệu tăng trưởng tại Việt Nam rất mập mờ, thậm chí là báo cáo láo, chạy theo chỉ tiêu, thành tích, làm đẹp mắt các lãnh đạo trung ương. Nhưng thực tế chỉ là vẻ đẹp trên giấy, còn đời sống nhân dân vẫn bấp bênh gập ghềnh. Phải hiểu cơ bản rằng một nền kinh tế phát triển ổn định và thịnh vượng là khi người dân cảm thấy được sống an toàn, có tương lai, có hy vọng. Chứ báo cáo hoa mỹ cỡ nào mà đại đa số người dân vẫn dao đao khổ cực thì lại càng tai hại hơn. Nhìn vào những con số giả dối đó làm sao có thể đưa ra các chính sách thực tiễn và hiệu quả để sửa chữa, thay đổi tích cực được?
Dân Trần
11/07/2025
Nguồn: vietnamthoibao.org