Con đường dân chủ đa nguyên là giải pháp cho một tình trạng khẩn cấp quốc gia (Chu Tuấn Anh)

 Chúng ta đã mở ra một cuộc thảo luận toàn diện về tương lai đất nước, trong đó, dân chủ đa nguyên là lựa chọn đúng đắn nhất. Dĩ nhiên, suốt bốn thập kỷ qua, đất nước đã nhiều lần đi vào những con đường sai lầm tại những khúc quanh lịch sử, và chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn duy trì sự thủ cựu, đàn áp mọi tiếng nói đối lập. Nhưng năm 2025, dân chủ đa nguyên vẫn là một lựa chọn – lựa chọn của những người tin vào giải pháp và tương lai của đất nước.


Năm 2025 là một thời điểm vô cùng đặc biệt đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, vì đây là dấu mốc kỷ niệm 10 năm kể từ khi dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai ra đời, đồng thời cũng là năm tổ chức này phải chịu một đợt đàn áp thô bạo từ chính quyền. Chính quyền đã bắt giam chí hữu Trần Khắc Đức vào năm ngoái và Quách Gia Khang vào năm nay. Đây là một tổn thất lớn không chỉ đối với tổ chức mà còn đối với đất nước, bởi chúng ta luôn cần sự hiện diện của một lực lượng lương thiện và đứng đắn để đảm bảo rằng đất nước đi đúng hướng, đồng thời không ai trở thành nạn nhân trong những khúc quanh lịch sử quan trọng—những thời điểm có thể làm thay đổi trật tự xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ và bạo lực.

Chế độ đã đẩy anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên—những con người không có gì ngoài thiện chí—vào tình trạng bị đe dọa về an toàn cá nhân, thậm chí đối mặt với cảnh tù đày. Thế nhưng, trong thời khắc đầy thử thách đó, chúng tôi đã cùng nhau khẳng định rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ và đa nguyên phải tiếp tục, bởi giờ đây, đó không chỉ là một lựa chọn duy nhất mà còn là con đường tất yếu. Dân chủ đa nguyên không đơn thuần là một quá trình chuyển đổi tự nhiên, mà còn là bản sắc, là sáng tạo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dành cho đất nước Việt Nam. Con đường ấy được bảo đảm bằng sự lương thiện, những nỗ lực về tư tưởng, cùng tinh thần bao dung và hòa giải dân tộc.

Chỉ với quý đầu đầu tiên của năm 2025, đất nước đã đi vào một loạt các tình trạng khẩn cấp. Và trước những tình trạng khẩn cấp đó, con đường dân chủ đa nguyên lại càng hiện rõ như một giải pháp cứu nguy của đất nước.

Tình hình kinh tế ngày càng nguy ngập

Có lẽ đây là thời điểm mà, dù muốn hay không, chế độ cũng không thể phủ nhận rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn khủng hoảng kinh tế, và thực tế tình hình đã trở nên vô cùng nguy ngập.

Trước hết, tình trạng thương chiến leo thang sẽ khiến hàng hóa sản xuất và gia công tại Việt Nam rơi vào cảnh ế ẩm, trong khi xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng Mỹ—vốn chiếm từ 25-30% GDP của đất nước—sẽ suy giảm đáng kể. Peter Navarro, cố vấn thương mại của chính quyền Trump, đã tuyên bố trên truyền thông rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận đề xuất giảm thuế quan xuống 0 đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Ông ta cũng khẳng định rằng Việt Nam phải chấm dứt vai trò như một trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ.

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này thế nào khi nguồn gia công từ Trung Quốc cũng đóng góp đáng kể vào GDP của Việt Nam? Hơn nữa, việc cân bằng cán cân thương mại hơn 100 tỷ đô la với Hoa Kỳ—dù chỉ một phần—cũng dường như là điều bất khả thi. Trong tháng này, chúng ta vẫn phải chờ xem liệu có xuất hiện một kết quả khả quan nào hay không.

Dù vậy, như tôi đã trình bày trong bài viết Thương Chiến: Những kẻ đơn phương sẽ mất thế giới, sẽ không có một giải pháp đơn giản nào cho hậu quả cuối cùng của những chính sách kinh tế cẩu thả và thiếu lương thiện. Chính phủ có thể làm lạm phát đồng tiền để đối phó với thuế quan của Hoa Kỳ và tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Hoặc họ có thể chấp nhận những điều khoản nhượng bộ lớn với Hoa Kỳ, kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các nền kinh tế và khu vực khác trên thế giới.

Dù lựa chọn hướng đi nào, thì các biện pháp “cứu nguy” cũng chỉ là đánh đổi một số khu vực khác để bảo vệ thị trường Hoa Kỳ mà thôi. Vào thời điểm này, chúng ta gần như phải chấp nhận thực tế rằng đất nước sẽ buộc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sắp tới: tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lao động, đình trệ sản xuất và sự lao dốc của thị trường tài chính. Điều quan trọng còn lại là chúng ta sẽ vượt qua và kết thúc nó như thế nào.

Các cuộc khủng hoảng chồng chéo

Chỉ trước đó, chính phủ của ông Phạm Minh Chính đã thúc ép các bộ, ngành và địa phương phải “phấn đấu với cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương” nhằm hoàn tất kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đến ngày 15 tháng 3 năm 2025, có 19 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao trong kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước đầu tư công. Chính phủ thậm chí còn yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật và Nhà nước.

Bên cạnh đó, đến ngày 31 tháng 3, có 30 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thế nhưng, ông Phạm Minh Chính đã bao giờ tự đặt câu hỏi: tại sao việc giải ngân cho đầu tư công (mà theo ông hiểu là tiêu tiền) lại cần phải đi kèm với những lời đe dọa xử lý kỷ luật nếu không thực hiện đúng tiến độ? Bởi lẽ, những khoản tiền đó chính là nợ công, là gánh nặng mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Đó cũng là nguồn vốn lẽ ra phải được đầu tư một cách hợp lý để đảm bảo những lợi ích thiết thực nhất cho tương lai đất nước—chứ không phải đổ vào những công trình tạm bợ, được làm cấp tốc chỉ để đổi lấy con số tăng trưởng 8% giả tạo.

Trong tình thế đó, chính quyền buộc phải bơm thêm 100 tỷ đô la vào nền kinh tế, một phần nhằm giúp các doanh nghiệp và dự án bất động sản tiếp tục vay nợ, tránh viễn cảnh sụp đổ của liên minh ngân hàng – bất động sản.

Bên cạnh đó, một khoản tiền khác cũng bắt buộc phải có để giải quyết vụ bê bối Vạn Thịnh Phát, với số tiền được chi trả trong nhiều năm, chiếm đến 5% GDP của đất nước.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã gần như kiệt quệ, và cuộc thương chiến chỉ là một tai họa từ trên trời rơi xuống mà thôi.

Những áp lực lạm phát sẽ đè nặng nên những người dân vốn thuộc mức trung bình thấp, với mức lương và điều kiện sống rất bấp bênh. Theo nhiều con số thống kê, thu nhập mỗi hộ gia đình sau thuế (disposable household income per capita) chỉ khoảng 2.500 đô la hàng năm, còn ở rất xa so với mức trung bình trên 10.000 đô la Mỹ. Các hộ gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn,. Những ước mơ của họ cũng tan vỡ vì giá nhà ở đã quá đắt và vượt ra ngoài tầm với. Ngay cả nhà “ở xã hội” (theo lý thuyết thì dành cho dân lao động, và những thành phần yếu thế) cũng ở mức 70.000.000 đồng/m2. Chính trị gia cộng sản Tiệp Khắc Alexander Dubček đã từng có một khẩu hiếu trứ danh “mang đến một khuôn mặt người cho chủ nghĩa xã hội” (give socialism a human face). Vậy ngày hôm nay chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là khuôn mặt gì?

Nhưng cuộc hoảng kinh tế chỉ là bề nổi

Nhưng cuộc khủng hoảng về kinh tế – tài chính chỉ là cuộc khủng hoảng bề nổi. Một cuộc khủng hoảng về niềm tin và định hướng trong xã hội, hay một tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng đang nổ ra. Nói cách khác, đây là thời điểm quyết định (make or break moment) về sự thành bại của đất nước chúng ta.

Nếu lấy thập niên 80 của thế kỷ trước và năm 1986, thời điểm chế độ cộng sản Việt Nam đã quyết định mở cửa nền kinh tế thông qua chính sách đổi mới, thì Việt Nam có ba thế hệ kinh tế (economic generations) cần được bàn tới. Thế hệ kinh tế đầu tiên là những người trong đội tuổi lao động, trưởng thành từ thập niên 80 cho đến năm 2010. Họ đã sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực (có tới trên 70% dân số phải chịu cảnh đói). Những sự mở cửa kinh tế, cố gắng tham gia ASEAN vào năm 1995, APEC vào năm 1998, và WTO vào năm 2006, đã góp phần giúp cho Việt Nam đi lên rất nhanh cùng với đà toàn cầu hóa của thế giới. Năm 2010, tỷ lệ đói nghèo cùng cực đã giảm xuống ở dưới mức 5%. Nếu nhìn vào con số người ta có quyền lạc quan vào tương lai của đất nước.

Dù vậy, đất nước dưới chế độ cộng sản Việt Nam chỉ phát triển nhanh nhờ vào làn sóng toàn cầu hóa và quá trình chuyển giao sản xuất gia công các thành phẩm giá trị thấp từ các nền kinh tế bậc cao xuống các nền kinh tế bậc thấp, chứ không phải nhờ vào sự tài tình hay sáng suốt của họ.

Thực tế, thời kỳ của Nguyễn Tấn Dũng cũng là giai đoạn mà phần lớn đảng viên Đảng Cộng sản nhìn nhận là tham nhũng nhất, với một mô hình kinh tế dựa trên vay nợ vô tội vạ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để trục lợi, cùng hàng loạt dự án thất bại như gang thép, phân đạm, đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Vinashin – Vinalines, v.v. Không thể không kể đến những thảm họa kinh tế – môi trường như Bô-xít Tây Nguyên và Formosa.

Chính quyền của Nguyễn Tấn Dũng đã tước đoạt trắng trợn những nguồn lực lẽ ra phải được dùng để đầu tư cho tương lai đất nước.

Tỉ lệ dân số Việt Nam sống trong cảnh đói nghèo cùng cực từ năm 1981 đến 2019 (Nguồn : Our World In Data)

Thế hệ kinh tế thứ hai gia nhập thị trường lao động sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào khoảng năm 2010. Đây là một thế hệ khao sát sự ổn định và sung túc (abundance) sau khi vừa thoát nghèo và thoát khỏi sự thắt lưng buộc bụng của cuộc khủng hoảng tài chính. Lẽ ra vấn đề chuyển hóa Việt Nam thành một nước trung bình cao đã phải đặt ra vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Nhưng cũng trong thời điểm này, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ chính sách chuyển trục về châu Á – Thái Bình Dương và làn sóng tư bản đào thoát khỏi Trung Quốc bắt đầu vào năm 2014. Giai đoạn năm 2015-2020 cũng đã là giai đoạn Việt Nam nhận được nhiều vốn FDI nhất (về cả lượng FDI ròng – FDI net inflow và số lượng dự án đầu tư), được đánh dấu bởi sự ký kết hai hiệp ước TPP/CPTPP với khối châu Á – Thái Bình Dương, và EVFTA với châu Âu, thị trường chung lớn nhất thế giới.

Đầu tư FDI vào Việt Nam từ năm 1990 đến 2022

Tuy vậy, khái niệm nghèo đói cũng đã thay đổi. Người ta không còn xét đến nghèo đói cùng cực, không đủ ăn (extreme poverty), mà nghèo đói sẽ được đánh giá dưới nhiều khía cạnh (multidimensional poverty) dựa trên y tế, giáo dục, và điều kiện sống. Chính ông Tô Lâm cũng thừa nhận là “70% ngân sách nhà nước dùng để trả lương, chi thường xuyên cho hoạt động”. Trong con số 30% ngân sách còn lại đã phải dùng để nuôi bộ máy công an, quân đội cồng kềnh, vậy giáo dục và y tế có chăng cũng chỉ là ưu tư cuối cùng mà thôi? Điều kiện sống và lương của người lao động thực tế không được cải thiện, và trở nên bấp bênh hơn với những tôi đã trình bày căn kẽ trong loạt bài: Chuyển đổi kinh tế để đi vào kỷ nguyên thứ hai.

Thực tế, đại dịch Covid-19 đã bùng nổ vào năm 2019 đã làm lộ ra những chỉ dấu rõ rệt về sự mong manh của người dân lao động Việt Nam. Chúng ta chẳng thể nào quên được tình trạng người lao động mất việc bỏ về quê do cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp giải thể tăng tới 20% vào năm 2021 (119,8 ngàn doanh nghiệp). Năm 2019 thực tế đã đẩy giấc mơ sung túc (a dream of economic abundance)—mà thực chất là mục tiêu đạt mức thu nhập trung bình cao— xa vời hơn một chặng. Giá nhà ở đã tăng cao một cách quá đáng, và cơn bão lạm phát vào năm 2025 sẽ giáng một đòn chí mạng vào giấc mơ giàu có, sung túc của thế hệ bắt đầu tham gia lao động từ năm 2010.

Về mặt chính trị, sau khi kết thúc kỷ nguyên làm chính trị cẩu thả và hoang dại của Nguyễn Tấn Dũng, họ đã lựa chọn Nguyễn Phú Trọng—một người giáo điều và thủ cựu nhất—lên nắm quyền. Ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, nhưng thực tế, nạn tham nhũng dưới chính quyền của ông ngày càng gia tăng và không có dấu hiệu được kiểm soát.

Việt Nam đã kết thúc thế hệ kinh tế thứ hai trong thất bại, bởi vì chúng ta không có một sự thay đổi thể chế chính trị cần thiết.

Thế hệ kinh tế thứ ba bao gồm những người bước vào độ tuổi lao động trong thập kỷ này, từ năm 2020, sau thời kỳ đại dịch. Đây là thế hệ lớn lên cùng với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và một nền kinh tế dựa trên thông tin và tri thức.

Họ kỳ vọng được làm việc với mức đãi ngộ và phúc lợi cao hơn, nhưng đồng thời cũng buộc phải có năng suất lao động cao hơn so với thế hệ trước. Vì vậy, sự năng động và sáng tạo sẽ là công cụ không thể thiếu để nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển. Nhưng làm sao có thể có sự năng động và sáng tạo dưới một chế độ chính trị toàn trị, nơi thiếu vắng các quyền dân sự, chính trị và thậm chí cả quyền tự do ngôn luận cơ bản nhất?

Lớp trẻ có thể không đấu tranh đòi hỏi quyền tự do thông qua con đường chính trị—vốn chỉ là lựa chọn của một thiểu số—nhưng họ có thể sẽ từ bỏ nỗ lực vươn lên khi những công cụ lao động cần thiết trong một bối cảnh xã hội mới (tự do, nhân quyền) bị tước đoạt. Nếu giấc mơ của thế hệ kinh tế thứ hai ngày nay đã tan vỡ, thì thế hệ thứ ba còn lý do gì để phấn đấu, nếu không phải là tham gia vào phong trào “nằm bất động” (lie flat), như những gì đang diễn ra ở Trung Quốc?

Vào năm 2036, chúng ta sẽ là một đất nước già. Nếu chế độ này còn được duy trì, chúng ta chỉ có một tầng lớp vẫn còn bấp bênh dù đã qua độ tuổi lao động, và một tầng lớp lao động trẻ đã lựa chọn bỏ cuộc với các cố gắng cho đất nước. Đất nước chúng ta có thể không đổ vỡ, nhưng trên thực tế cũng không còn một động cơ để tiếp tục vận hành, và sẽ trượt dài trong đà tụt hậu cho đến khi chúng ta không còn tiếp tục nhìn nhau như một đất nước. Nếu không dân chủ hóa, chúng ta sẽ kết thúc cuộc khủng hoảng năm 2025 với một quốc gia không thành (a failed state).

Nhưng vẫn còn đó một con đường Dân Chủ Đa Nguyên

Nhưng chúng ta vẫn còn đó một con đường: dân chủ đa nguyên.

Con đường này đã bắt đầu từ năm 1982, khi một nhóm trí thức có nguyện vọng dân chủ hóa đất nước gặp nhau để thảo luận về những tinh thần và nội dung cần thiết cho một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam. Kết quả của những cuộc thảo luận đó là tài liệu Cơ sở tư tưởng, được hoàn tất như một nền tảng lý luận cho phong trào.

Chúng tôi nhận thức rằng đất nước vừa trải qua một cuộc nội chiến, và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không thể là một di sản nối tiếp của sự chia rẽ đó. Chúng tôi lựa chọn đoạn tuyệt với những mâu thuẫn và thù địch của cuộc nội chiến Việt Nam bằng cách đặt tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc làm triết lý chính trị cốt lõi, đồng thời kiên trì con đường đấu tranh cho dân chủ, đa nguyên bằng phương thức bất bạo động.

Chúng ta đã mở ra một cuộc thảo luận toàn diện về tương lai đất nước, trong đó, dân chủ đa nguyên là lựa chọn đúng đắn nhất. Dĩ nhiên, suốt bốn thập kỷ qua, đất nước đã nhiều lần đi vào những con đường sai lầm tại những khúc quanh lịch sử, và chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn duy trì sự thủ cựu, đàn áp mọi tiếng nói đối lập.

Nhưng năm 2025, dân chủ đa nguyên vẫn là một lựa chọn – lựa chọn của những người tin vào giải pháp và tương lai của đất nước.

Tất nhiên, chế độ CSVN đã lợi dụng quá trình dân chủ hóa tại Myanmar và Thái Lan (với những giai đoạn bất ổn), cũng như các thử nghiệm dân chủ hóa ở Trung Đông, để reo rắc nỗi sợ hãi và khiến nhiều người lầm tưởng rằng dân chủ đồng nghĩa với hỗn loạn.

Tuy nhiên, một nền dân chủ đúng nghĩa mang lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Cho đến nay, không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy độc tài đảng trị ưu việt hơn dân chủ. Dù vậy, quá trình dân chủ hóa không hề dễ dàng và có thể dẫn đến những bất ổn, thậm chí đổ vỡ, nếu không được dẫn dắt bởi những con người lương thiện, có tổ chức, có đường lối rõ ràng và dựa trên nội lực.

Dân chủ không thể thành công nếu nó là kết quả của một sự thỏa hiệp thiếu lương thiện với các thế lực độc tài, tài phiệt, hoặc là một sự áp đặt từ bên ngoài, như trường hợp của Afghanistan.

Chúng ta sẽ cần một lực lượng đấu tranh quyết liệt cho nhân quyền và các giá trị dân chủ, các giá trị tiến bộ—ngay cả khi họ đã nắm quyền—để đảm bảo sự cởi mở, minh bạch và những quyền tự do có thể khai phóng tiềm năng của đất nước. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc phát triển một nền kinh tế tư nhân lành mạnh, đảm bảo cạnh tranh công bằng, loại bỏ những hình thức cạnh tranh tiêu cực và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho sự phát triển.

Chúng ta sẽ có một nhà nước nhẹ và không tham nhũng vì nhà nước chỉ thực hiện đúng những chức năng cần thiết và không làm những gì tư nhân và xã hội dân sự có thể làm tốt hơn. Chúng ta thực thi chính sách tản quyền và tổ chức chính quyền vùng để giảm tải áp lực của chính quyền Trung Ương và đưa phát triển cùng nguồn lực dân số phân bổ đến các vùng lãnh thổ của đất nước. Đó là chính sách triệt để và thực chất hơn những cuộc cải cách hành chính, tinh giản bộ máy của ông Tô Lâm.

Chúng ta sẽ tổ chức một nền dân chủ đại nghị với công thức bầu cử đơn danh kết hợp với đầu phiếu theo một tỷ lệ một cách hợp lý, với các cuộc bầu cử tuyệt đối lương thiện. Lựa chọn Tổng thống chế cần được bác bỏ vì nó có hại cho đất nước.

Chúng ta sẽ ưu tư xây dựng  một hạnh phúc quốc gia phẩm chất ngay trong cố gắng, nghĩa là đề cao liên đới xã hội, sự tiến bộ của con người, điều kiện sống, và bảo vệ môi trường.

Đó cũng không phải là những ý kiến ngẫu nhiên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay cá nhân tôi: đó là một tinh thần từ năm 1982, và đã được hoàn thiện trong năm 2015 với dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ hai trong các chương IV. Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ, V. Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, và VI. Thể chế và hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam. Và đó là những đảm bảo rất lớn để con đường dân chủ đa nguyên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dẫn dắt sẽ không thất bại.

Trong bối cảnh sắp tới, việc cầm quyền sẽ trở thành một tai họa và là điều bất hạnh của những người đại diện cho một thời đại đã qua, trước những vấn đề quá khó khăn đòi hỏi một nền tảng và ngôn ngữ mới và những sự chuẩn bị cần thiết. Chỗ dựa Trung Quốc cùng với hình ảnh “Vành đai – Con đường” cũng đã sụp đổ và không còn là chỗ dựa.

Tại sao chúng ta phải tiếp tục đàn áp, phải cố bám vào những điều mà sớm muộn gì cũng phải vượt qua, mà không lựa chọn một con đường có lợi cho đất nước? Chúng ta đừng quên rằng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2025 gần như là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một sự cởi mở dân chủ và những nỗ lực động viên đất nước, cùng với những định hướng đúng đắn, sẽ tạo ra những nguồn lực mới và giúp khủng hoảng kết thúc trong vài năm, tránh được tình trạng đổ vỡ, để chúng ta có thể tiếp tục tiến tới một tương lai đảm bảo, thay vì một cuộc khủng hoảng kéo dài gần một thập kỷ do khủng hoảng chính trị và mất niềm tin xã hội.

Tại sao một số thành phần trong đảng cộng sản tiếp tục đàn áp cứu cánh của họ nếu ngày mai họ có khả năng trở thành nạn nhân do chính những gì họ tạo ra? Đây là một thời điểm của lý chí, của đất nước và của dân tộc. Thời gian tới, có thể ông Tập Cận Bình sẽ đi công du dài ngày tại nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong một bối cảnh Trung Quốc cũng bị đặt trong những tình trạng khẩn cấp trước những bối cảnh mới của thế giới. Ông ta sẽ nói gì với chế độ? Tiếp tục khuyên Việt Nam cột chặt vào cộng đồng vận mệnh với Trung Quốc hay chỉ thở dài rồi nói “các anh nên đi tìm một con đường khác”? Dù sao, những người cộng sản cần hiểu rằng Trung Quốc không còn là chỗ dựa để cứu nguy Việt Nam. Nhưng Việt Nam có thể tự cứu mình nếu những người đảng viên trong chế độ biết đặt niềm tin nơi người dân Việt Nam và nhìn thấy nhu cầu hòa giải dân tộc bằng cách chấp nhận từ bỏ quyền lực để đất nước đi vào con đường dân chủ đa nguyên.

Cuối cùng, trái với những vu khống trắng trợn trong bài viết trên trang Nhân Văn Việt, một sản phẩm truyền thông của Tuyên giáo chế độ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng anh em chúng tôi chưa bao giờ “kích động” hay “chống phá”. Chúng tôi đấu tranh để xây dựng một tương lai và một giấc mơ cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng cuộc vận động dân chủ hóa sẽ cần một lộ trình dài, kéo dài vài thập kỷ, thay vì chỉ vài năm để “kích động” hay “chống phá”.

Chúng tôi tuyệt đối không lợi dụng những thời điểm nguy cấp của đất nước, hay sự rối ren của chế độ, để thực hiện “âm mưu đen tối” mà họ chụp mũ lên cá nhân tôi và anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Những gì chúng tôi đã nói, đã viết, và đã đấu tranh là những điều mà người đồng bào đã nói với nhau, những điều chúng ta cần phải thuyết phục nhau để đưa đất nước vào một Kỷ nguyên mới.

Trong đấu tranh chính trị, nếu không thuyết phục được nhau thì sẽ có những cuộc nội chiến xảy ra, như chúng ta đã thấy ngay tại quê hương mình. Nhưng chúng tôi không cần một cuộc nội chiến, không cần bạo lực hay ngôn từ kích động, vì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tin rằng lòng yêu nước và niềm tin của mỗi chúng ta với Việt Nam là sức mạnh lớn hơn tất cả.

Chu Tuấn Anh

(09/04/2025)