Khi đồng minh phản bội (Trần Quốc Việt dịch)

 

Cuộc nói chuyện giữa tổng thống Nixon với ngoại trưởng Kissinger diễn ra vào ngày 3 tháng Tám năm 1972 khi Henry Kissinger nói với Nixon rằng ông nghĩ xác suất mà ông có thể đạt được hiệp định hòa bình với Bắc Việt là khoảng 50/50.

Thời đó mối quan tâm hàng đầu là vấn đề bảo đảm an ninh cho Việt Nam Cộng Hoà. Lúc đó người ta sợ rằng sau khi quân đội Mỹ rút đi, Bắc Việt lại tiếp tục gây chiến tranh. Nixon hỏi Kissinger điều gì sẽ xảy ra nếu Hà Nội chỉ cần chờ thêm một thời gian rồi xâm chiếm Nam Việt ?

“ Nếu chừng một hay hai năm nữa Bắc Việt sẽ thôn tính Nam Việt, “ Kissinger đáp , “ thì chúng ta có thể có chính sách ngoại giao khả thi nếu điều xảy ra đó như thể là do sự bất tài của Nam Việt. “

Một lát sau, ông giải thích : “ Cho nên chúng ta phải tìm ra cách nào đấy mà duy trì thêm một hai năm, rồi sau đó, thưa Tổng thống, một năm sau Việt Nam sẽ là nơi lạc hậu. Nếu chúng ta giải quyết nó xong, chẳng hạn, vào tháng Mười này, thì đến tháng Một năm 74 chẳng ai còn quan tâm nữa . “

Nixon dường như thực sự bị lương tâm cắn rứt về những gì họ đang đồng ý với nhau thốt lên : “ Ôi Việt Nam, tôi phải thú nhận…Lạy Chúa họ đã chiến đấu rất lâu, đang chết, thế mà bây giờ…Tôi không biết sao. “

Cuộc nói chuyện này đã trở thành cơ sở cho sự tố cáo rằng Nixon và Kissinger tuy không nói ra nhưng họ đều tin chính quyền Sài Gòn không thể tồn tại sau khi Mỹ rút quân. Vì vậy điều mà hai người thực sự tìm kiếm là “ khoảng thời gian hợp lý “ giữa thời điểm Mỹ rút quân và thời điểm Nam Việt sụp đổ.

Chưa đến sáu tháng sau cuộc nói chuyện này thì Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào ngày 27 tháng Một, 1973. Đây là hiệp định mà họ đã áp đặt lên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù bị chính quyền Nixon gây áp lực nặng nề nhưng , rất đáng khen thay , Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã can đảm chống lại hiệp định trước sự khó chịu của Nixon. Có lẽ điểm bế tắc chính của ông là hiệp định cho phép quân đội Bắc Việt vẫn được ở lại Miền Nam Việt Nam .

Vào tháng Mười 1973, chín tháng sau khi ký hiệp định, Kissinger và Lê Đức Thọ của Bắc Việt được trao chung Giải Nobel Hòa bình ( tuy Thọ từ chối nhận giải ). Vào ngày 30 tháng Tư , 1975, xe tăng Bắc Việt tiến vào Sài Gòn rồi Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Ngày hôm sau Kissinger cố gắng trả lại Giải Nobel. Ủy ban Nobel khước từ yêu cầu của ông .

Nguồn:  Trích dịch từ bài viết tiếng Anh tựa đề “ Will Ukraine Be Trump’s Vietnam?  “ của tác giả William McGurn đăng trên báo Mỹ Wall Street Journal ra ngày 17 tháng Hai, 2025. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.