Bốn cách tiếp cận khác nhau về « hòa bình » giữa Ukraina, Liên Âu, Mỹ, Nga (Thu Hằng)

 Mỹ, Nga, Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu đều muốn chấm dứt mọi hành động thù nghịch nhưng mỗi bên lại có cách tiếp cận và lập trường về hòa bình khác nhau.

A former soldier looks at the buildings destroyed by recent Russian attacks in Kyiv, Ukraine, Friday, Dec. 20, 2024.
Sau một cuộc oanh kích của Nga tại thủ đô Kiev, ngày 20/12/2024. AP - Efrem Lukatsky

Ukraina muốn « hòa bình bền vững » và có « bảo đảm về an ninh ». Để có được hòa bình bền vững, Kiev muốn lấy lại toàn bộ các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng và sát nhập (gần 20% lãnh thổ). « Toàn vẹn lãnh thổ » là vấn đề chủ đạo trong các cuộc đàm phán. Nhưng theo báo Le Monde ngày 04/03/2025, tổng thống Zelensky tỏ ra « mập mờ » hơn khi nhắc đến khả năng có thể từ bỏ một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Ngược lại, Ukraina phải được cam kết bảo đảm an ninh vững chắc để tránh bị Nga lợi dụng thế yếu tấn công lần nữa vì tổng thống Putin đã làm như vậy cách đây 11 năm và sáp nhập bán đảo Crimée mà không cần nổ súng.

Liên Hiệp Châu Âu và Anh có lập trường giống với Ukraina nhưng khác trong cách tiếp cận. Rút bài học từ các thỏa thuận Minsk (2014 và 2015), Liên Hiệp Châu Âu « không thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình yếu thế mà Nga có thể vi phạm dễ dàng, như thỏa thuận Minsk ». Để yểm trợ Kiev trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn, châu Âu dự tính triển khai quân ở hậu phương, hỗ trợ cho quân đội Ukraina ở tiền tuyến. Và để bù đắp cho việc Mỹ rút dần khỏi châu lục, Liên Hiệp Châu Âu lên kế hoạch 800 tỉ euro giúp các nước thành viên đầu tư vào quốc phòng. Nhưng việc này phải mất vài năm.

Hoa Kỳ, dưới thời tổng thống Trump, muốn một lệnh « ngừng bắn ép buộc, nhanh chóng và một thỏa thuận về khoáng sản ». Để đạt được mục tiêu, Nhà Trắng ngừng viện trợ Kiev, xích lại gần với Nga, đàm phán trực tiếp với tổng thống Putin. Theo báo Le Monde, cách nhìn của Washington về hòa bình ít nhiều phù hợp với lập trường của Matxcơva : yêu cầu Kiev ngừng bắn nhanh chóng mà không có bảo đảm an ninh thực sự, loại châu Âu khỏi các cuộc đàm phán, không cho Ukraina gia nhập NATO, không triển khai quân Mỹ tại Ukraina và đình chỉ viện trợ của Hoa Kỳ.

Cuối cùng, « hòa bình » đối với Nga chỉ là « bề ngoài », dù tổng thống Putin khẳng định « sẵn sàng » đối thoại với tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng mục tiêu cuối cùng của Nga « không hề thay đổi » : buộc Ukraina đầu hàng, buộc tổng thống Zelensky ra đi, sau đó thành lập một chính phủ thân Nga nhân danh « giải trừ phát xít » tại nước này, và ngăn Ukraina gia nhập NATO, không từ bỏ bất kỳ khu vực nào đã bị sáp nhập (Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijia, cũng như Crimée, Nga chiếm từ năm 2014).

Thu Hằng - RFI Tiếng Việt

5/3/2025