TIÊU ĐIỂM NGÀY 10/02/2025 (The Economist)
Trung Quốc đáp trả thuế quan của Donald Trump
Tuần trước, Donald Trump đã tuyên bố rằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thêm 10% thuế bổ sung vào các mức thuế đang áp dụng. Từ thứ Hai tuần này, biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực. Một loạt các mặt hàng năng lượng xuất khẩu của Mỹ sẽ phải chịu thuế 15%; các sản phẩm khác, bao gồm xe tải và máy móc nông nghiệp, cũng sẽ bị áp thuế 10%. Gói biện pháp đối phó này cũng bao gồm kiểm soát xuất khẩu kim loại hiếm, hạn chế đối với hai công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, và một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.
Loạt thuế mới của Trung Quốc thực ra không quá lớn: trong khi đòn đánh của ông Trump nhắm vào 450 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm, thì phản ứng của Trung Quốc chỉ tác động đến khoảng 20 tỷ USD hàng hóa. Song điều này cho thấy cách nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối phó với ông Trump. Các ngành bị đánh thuế tạo ra từ 400.000 đến 700.000 việc làm tại Mỹ, theo Viện Brookings. Những việc làm này chủ yếu tập trung ở vùng công nghiệp Trung Tây, thành trì chính trị của ông Trump.
Thượng đỉnh về AI tại Paris
Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Trí tuệ Nhân tạo của chính phủ Pháp sẽ khai mạc vào thứ Hai tại Paris. Các nhà lãnh đạo công nghệ, chính trị gia, và các tổ chức phi chính phủ từ khắp nơi trên thế giới sẽ tranh luận về cách xử lý công nghệ này. Những người lo sợ tiến bộ nhanh chóng của AI có thể gây thảm họa cho nhân loại sẽ thúc đẩy các quy định nghiêm ngặt. Nhóm ủng hộ “đạo đức AI” sẽ tìm cách hạn chế các vấn đề như deepfake, phân biệt đối xử bằng thuật toán, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, và việc đốt nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu. Những người khác sẽ lại lập luận rằng nên thúc đẩy AI để tăng năng suất.
Những người ủng hộ các quy tắc toàn cầu về AI có thể sẽ bị phản đối. Trung Quốc dường như không có ý định tuân theo các quy tắc chung; còn tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ các quy định sâu rộng về AI của người tiền nhiệm. Nước chủ nhà Pháp muốn hạn chế các quy định của EU về AI để có thể cạnh tranh với những đối thủ toàn cầu lớn nhất. Cùng với đồng chủ tịch hội nghị thượng đỉnh, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư lớn vào lĩnh vực này trong một bữa tối dành cho các nhân vật cấp cao vào tối thứ Hai.
Các cuộc đàm phán ngân sách hỗn loạn của Mỹ
Elon Musk đang thu hút nhiều sự chú ý khi Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE), do ông lãnh đạo, đe dọa đóng cửa các cơ quan liên bang và cắt giảm chi tiêu. Nhưng nhiệm vụ quan trọng hơn là soạn thảo ngân sách vẫn thuộc về Quốc hội. Luật tạm thời để tài trợ cho chính phủ sẽ hết hạn vào ngày 14 tháng 3, song đàm phán để thông qua dự luật chi tiêu dài hạn hiện đang diễn ra không suôn sẻ. Trong tuần này, cả Hạ viện và Thượng viện dự kiến sẽ đề xuất các giải pháp để phá vỡ bế tắc.
Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, nhưng do mâu thuẫn nội bộ, họ phải dựa vào phiếu bầu của đảng Dân chủ để đạt được một thỏa thuận ngân sách. Đảng Dân chủ có rất ít động lực để giúp đỡ phe Cộng hòa và hai bên không đồng thuận về các vấn đề chính. Trong khi đó, đảng Cộng hòa muốn thiết lập một khuôn khổ để gia hạn các khoản cắt giảm thuế và các ưu tiên khác. Nhưng Hạ viện và Thượng viện vẫn chưa thống nhất về việc có nên thông qua một dự luật lớn hay chia thành hai phần nhỏ hơn. Không có gì đảm bảo cuộc tranh luận lập pháp này sẽ được giải quyết.
Những khó khăn kinh tế của Bangladesh
Hồi tháng 8, sinh viên ở Bangladesh đã lật đổ Sheikh Hasina, nhà lãnh đạo độc tài của đất nước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc nổi dậy là tình trạng tham nhũng; thậm chí tới nay chính phủ mới vẫn đang cố gắng thu hồi số tiền bị chế độ trước đây biển thủ. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã công bố việc thành lập 11 nhóm điều tra nhằm thu hồi số tài sản trị giá 17 tỷ USD, được cho là đã bị đánh cắp từ các ngân hàng thương mại.
Kiểm soát lạm phát là một nhiệm vụ cấp bách khác. Tỷ lệ lạm phát năm chưa bao giờ giảm xuống dưới 9% trong gần hai năm qua; và giá tiêu dùng đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 1. Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất năm lần kể từ đầu năm 2024, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Hơn nữa, các mối đe dọa thuế quan từ Donald Trump đã làm tăng giá đồng đô la, vốn có thể làm trầm trọng thêm lạm phát vì đẩy giá nhập khẩu lên cao. Điều này sẽ khiến cho công việc của Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã khó lại càng khó hơn.
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy