Nỗi lo của Ukraina trở thành sự thực : Trump bắt tay với Putin (Thụy My)

Nếu Donald Trump mơ đến giải Nobel hòa bình như người tiền nhiệm Barack Obama, việc ông điện đàm với Vladimir Putin để cố gắng chấm dứt chiến tranh ở Ukraina sẽ chẳng ích lợi gì cho Trump. Putin, tội phạm quốc tế bỗng nhiên được tẩy trắng, nạn nhân bị xâm lăng và châu Âu bị gạt ra bên ngoài.

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20 ở Hamburg, Đức ngày 07/07/2017.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20 ở Hamburg, Đức ngày 07/07/2017. AP - Evan Vucci
Xuất bản trước khi diễn ra cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Vladimir Putin, hồ sơ các tuần báo nói về chế độ hưu trí, về Pierre-Édouard Stérin - một tỉ phú ủng hộ cựu hữu, về Friedrich Merz - chính khách có thể trở thành tân thủ tướng Đức, hay cuộc chiến tranh trí thông minh nhân tạo. 
Riêng Courrier International chạy tít trang nhất « Hoa Kỳ : Đế chế phản công » Từ Groenland đến Gaza, tổng thống Mỹ chủ trương một chính sách đế quốc. Một nền ngoại giao của kẻ mạnh làm lung lay trật tự quốc tế thiết lập từ 1945.
Đang là tội phạm quốc tế, Putin bỗng ngang hàng với tổng thống Mỹ
Le Monde số cuối tuần cho rằng « Giờ của châu Âu đã điểm trong việc đàm phán về Ukraina ». Nếu ông Donald Trump mơ đến giải Nobel hòa bình như người tiền nhiệm Barack Obama, cách thức mà ông vừa thử để cố gắng chấm dứt chiến tranh ở Ukraina sẽ chẳng ích lợi gì cho Trump.
Chỉ với cuộc điện đàm hôm thứ Tư 12/02, tổng thống Hoa Kỳ đã phục hồi vị thế cho một nhà độc tài đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, qua việc đối xử ngang hàng, thậm chí còn dự định có những chuyến thăm chính thức. Khó hiểu nhất là việc ngay từ đầu đã loại bỏ hai đòn bẩy rất hữu ích cho đàm phán : Ukraina gia nhập NATO và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia đã bị Nga xâm lăng từ 2014. Cường quốc Mỹ cũng chính thức hóa mà chẳng cần thảo luận về việc Nga tự tiện thay đổi biên giới châu Âu bằng vũ lực, cướp đoạt mất 20 % lãnh thổ Ukraina.
Đúng là từ khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump đã thản nhiên coi thường luật pháp quốc tế như việc dòm ngó Groenland, Canada, Panama, Gaza. Nhưng nghiêm trọng hơn nữa, là khởi động tiến trình hòa bình bằng việc đối thoại với kẻ xâm lăng, loại ra ngoài không chỉ nạn nhân bị xâm lược mà cả các nước ủng hộ và đang phải gánh chịu hậu quả. Rõ ràng là các đồng minh châu Âu sẽ phải lo tái thiết Ukraina và thực hiện một thỏa thuận mà họ không được tham gia. Chính quyền Trump lại còn trơ trẽn hơn khi đòi nguồn đất hiếm của Ukraina với lý do bồi thường số tiền đã chi ra để bảo vệ.
Châu Âu phải trả giá khi không tự chủ quốc phòng
Le Monde cho rằng không thể chỉ thông báo cho tổng thống Volodymyr Zelensky về diễn tiến thương lượng là đã đủ. Kiev và các đồng minh phải tiếp tục đòi hỏi không một hiệp ước nào có thể đàm phán mà không có sự tham gia thực chất của Ukraina.
Về phần châu Âu, thái độ ngạo mạn và khinh thường của tổng thống Mỹ, phó tổng thống J. D. Vance, và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth là cả một sự sỉ nhục. Lẽ ra điều này không phải bất ngờ, mà đã dự báo được ngay từ nhiệm kỳ đầu của Donald Trump. Đa số nước châu Âu vẫn không muốn nhận ra, liên tục hoãn lại những quyết định khó khăn về trách nhiệm quốc phòng. Và nay họ phải trả giá cho sự thiếu sáng suốt và thiếu can đảm về chính trị.
Một số nước trong đó có Pháp đã bắt đầu đoàn kết lại, thảo luận về bảo đảm an ninh cho Ukraina, và giờ đây cần phải gia tăng nỗ lực chung. Đây chính là thời điểm của châu Âu : Ukraina trước hết là một vấn đề của châu lục. Một nền hòa bình què quặt chỉ kéo dài chiến tranh, dẫn đến việc Nga mở thêm những mặt trận mới. Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, châu Âu không được mời tham gia đàm phán ! Pháp và các đồng minh có thể mở hội nghị thượng đỉnh không chính thức về Ukraina vào thứ Hai 18/02.
Nỗi lo của Ukraina trở thành sự thực
Vài tiếng đồng hồ trước cuộc điện đàm trên, trả lời phỏng vấn The Economist, tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảnh báo : « Nếu để Nga nói chuyện tay đôi với Mỹ, Putin với Trump hay ê-kíp, họ sẽ nhận được những thông tin nhào nặn ». Và quả thật là như vậy. Dù vậy Zelensky cố gắng tỏ ra tích cực, sau cuộc nói chuyện Trump-Putin ông viết trên X : « Không ai mong muốn hòa bình bằng Ukraina. Cùng với Hoa Kỳ, chúng ta sẽ vạch ra các giai đoạn mới để chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga và bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, bền vững ».
Zelensky cho biết sẵn sàng đàm phán, nhưng chỉ khi nào có những bảo đảm an ninh ngăn được những cuộc xâm lược mới của Nga. Ông cảnh báo, năm ngoái Putin tăng 140.000 quân và năm nay 150.000, đang định gởi sang Belarus « tập trận » như đã từng làm trước khi xâm lăng Ukraina. Liệu ông ta có đang nhắm đến Litva hay Ba Lan ? Nga có 220 lữ đoàn (3.500 đến 5.000 quân cho mỗi lữ đoàn), Ukraina có 110, còn châu Âu chỉ có 80 lữ đoàn.
Donald Trump từng đe dọa áp thuế và trừng phạt thêm nếu Nga từ chối thương lượng, nhưng bỗng nhiên đổi hướng. Trump gần như bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Nga mà không đòi hỏi nhượng bộ cụ thể. Bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth nói rằng việc quay lại với biên giới Ukraina năm 2014 là « không thực tế », Ukraina sẽ không gia nhập NATO, Hoa Kỳ không gởi quân sang, cũng không bảo đảm an ninh cho Ukraina trong khuôn khổ NATO. Sau cuộc điện đàm với Putin, Trump có chỉnh lại đôi chút, khẳng định « Tôi ủng hộ Ukraina ». Tuy vậy tâm trạng các viên chức ở Kiev hết sức u ám, nghi ngờ rằng mọi việc sẽ được quyết định sau lưng Ukraina.
Nga « đang chết đuối vớ được phao »
Le Point nhận định, khi loại tổng thống Volodymyr Zelensky ra khỏi cuộc đối thoại với Vladimir Putin, ông Donald Trump không quan tâm đến chính nghĩa của Ukraina, và làm cho châu Âu yếu đi.Vẫn còn cơ hội cho Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu được tham dự vào đàm phán ở Ả Rập Xê Út, nhưng Trump và Putin đã bàn bạc trên cơ sở những yêu sách của Matxcơva ! Zelensky chỉ được thông báo về cuộc điện đàm dài này sau đó. Ngoại trưởng Ukraina phải đợi đến ngày 13/02 mới trao đổi được với đồng nhiệm Mỹ Marco Rubio, nghĩa là hơn ba tuần sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn. Tại Kiev, người ta cảm thấy bị lăng nhục. Ngoại trưởng Andrii Sybiha bức xúc : « Không có cả Yalta 2 lẫn Minsk 3 ! ».
Cho đến phút cuối, chính phủ Ukraina đã cố gắng thuyết phục Washington lắng nghe, nhưng Kiev chỉ có được thông tin qua báo chí, không có kênh đối thoại nào giữa hai tổng thống và kể cả cấp bộ. Mikhailo Podoliak, một trong các cố vấn của Zelensky nhấn mạnh, Trump chỉ lặp lại các yêu sách ban đầu của Putin nhằm biện minh cho cuộc xâm lăng của Nga. Nếu Trump áp đặt ngưng chiến theo cách này, quân đội và ngay cả tình báo Ukraina sẽ không nghe theo, người Ukraina không bao giờ đầu hàng.
Trong khi đó Matxcơva đang đuối sức, quân đội Nga buộc lòng phải dùng đến lạc đà và lừa để tải đạn trên mặt trận. Nga đã mất đến gần 4.000 xe tải, và chưa thể bù đắp số xe tăng, thiết giáp bị lực lượng Kiev phá hủy. Lạm phát ở Nga đang tăng cao chưa từng thấy, và triển vọng về lâu về dài rất ảm đạm. Còn tại Ukraina, kỹ nghệ hỏa tiễn đã tái sinh, tổng thống Volodymyr Zelensky ấn định mục tiêu 3.000 tên lửa tấn công vào đất Nga trong năm nay.
Chống lãng phí hay thanh trừng ?
Về đối nội, các tuần báo L’Express, Le Nouvel Obs, Le Point, Courrier International đều có bài bình luận về việc Donald Trump và cánh tay mặt Elon Musk làm đảo lộn bộ máy chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Trump và Musk sẽ còn đi đến đâu nữa ? Đây là việc cắt giảm ngân sách để chống lãng phí hay thanh trừng ? Chris Murphy, thượng nghị sĩ Dân Chủ cảnh báo : « Nếu bạn bắt đầu nói xấu về Elon Musk trên mạng xã hội, ông ta có thể ngưng hoặc làm chậm lại việc trợ cấp cho mẹ của bạn ». Nhưng Donald Trump đã báo trước, tất cả đều có ghi trong 900 trang của Project 2025 do think tank bảo thủ The Heritage Foudation soạn thảo. Không một ai, một cơ quan nào thoát khỏi trận cuồng phong Musk, kể cả CIA.
Nhà chính trị học Lucan Way, đại học Toronto gọi đây là « autogolpe » (tự đảo chánh theo tiếng Tây Ban Nha), khi tổng thống tiếm quyền các định chế dân chủ khác. Nhà sử học Timothy Snyder cho rằng Musk là người thống trị, Trump chỉ nghe theo. Tuy nhiên theo The Economist, cho đến nay bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của Musk phá tan tành mọi thứ trong chính quyền liên bang, ngoại trừ cắt giảm thâm hụt lại không làm được.
Trump 2 tấn công cả kẻ thù lẫn đồng minh
L’Express nhận định, những ai lạc quan cho rằng nhiệm kỳ hai của Donald Trump không đến nỗi nào, đã thất vọng nặng nề. Tổng thống Mỹ thứ 47 chỉ trong hai tuần lễ đã ký đến 80 sắc lệnh. Theo Bloomberg, với tốc độ này, Trump sẽ qua mặt tổng thống Franklin Roosevelt, trong suốt nhiệm kỳ đã ký 300 sắc lệnh hành pháp.
Về đối ngoại, Trump 2 hung hăng hơn Trump 1, dùng sức mạnh của Hoa Kỳ để đè bẹp đối thủ, cả kẻ thù lẫn đồng minh. Trong thế giới của Trump, tất cả đều có giá : bảo vệ Ukraina đổi lấy đất hiếm, còn Đài Loan thì phải nhượng bộ về chất bán dẫn. Charles Kupchan, cựu cố vấn của Obama cho rằng Donald Trump có cái nhìn địa lý theo kiểu riêng : xem bản đồ thế giới và nhận diện những « tài sản » mình thích, một sự quay lại với nước Mỹ thế kỷ 19.
Tuy nhiên « phương pháp Trump » bắt đầu tỏ ra có những hạn chế. Việc áp thuế 25 % lên hàng Canada và Mêhicô đã được hoãn lại một tháng. Đổi lại Trump được gì ? Thật ra không nhiều, Canada gia tăng chống buôn lậu fentanyl, Mêhicô hứa triển khai lực lượng 10.000 người ở biên giới chống di dân – điều mà lâu nay nước này vẫn làm. Trong nhiệm kỳ đầu, thỏa thuận thương mại năm 2020 với Trung Quốc được cho là « quan trọng chưa từng thấy » nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ tôn trọng ; Kim Jong Un không từ bỏ vũ khí nguyên tử.
Và « cuộc kháng chiến » đang được tổ chức. Tòa án Mỹ bác nhiều sắc lệnh, Trung Quốc có biện pháp trả đũa, và không phải là nước duy nhất nếu Mỹ tiếp tục áp thuế lên các quốc gia khác. Đây là món quà cho Tập Cận Bình khi quyền lực mềm Hoa Kỳ bị xói mòn, và cho Vladimir Putin khi nói rằng Ukraina « một ngày nào đó có thể thuộc về Nga ».
Ba chiến lược khác nhau để đối phó
Đối với nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược trên Le Nouvel Obs, chúng ta đang trong thời đại những kẻ mạnh làm vua. Nhưng cần phân biệt những kẻ tính toán máu lạnh như Vladimir Putin và Tập Cận Bình với những người máu nóng như Donald Trump hay Javier Milei, bốc đồng hơn. Với Trump, là chiến lược những cú sốc thường xuyên, hủy diệt một cách sáng tạo. Không chỉ phá hoại từ bên trong nước Mỹ, mà với bên ngoài còn ở mức độ chưa từng thấy, như rút khỏi các hiệp ước và định chế từ hiệp định khí hậu Paris đến Hội đồng Nhân quyền...
Thời Bush hay Trump 1 đã có những động thái tương tự, nhưng lần này là xô đổ hẳnn mọi thứ. Chủ trương bành trướng một « thế giới Mỹ » cũng giống như Bắc Kinh muốn một « thế giới Trung Hoa » và Matxcơva mơ một « thế giới Nga ». Nhưng nếu Putin và Tập nhắm vào quân sự, thì với Trump, thế giới là một thị trường địa ốc. Phải chăng quốc tế sẽ trở nên hỗn loạn ? Theo ông Tertrais, có một số yếu tố giúp trấn an. Khi Canada đáp trả bằng cách đánh thuế tương đương, Trump nhượng bộ dù tạm thời. Và kinh tế Mỹ vẫn là động cơ tăng trưởng cho thế giới.
Nhưng trong liên minh các giá trị và lợi ích đã liên kết phương Tây từ 1945, nay giá trị bị đẩy xuống hạng nhì. Trước sự thay đổi này, có ba chiến lược tốt của Trudeau, Zelensky và Macron. Thủ tướng Canada lập tức biểu dương sức mạnh ; người Ukraina thì tạo ra không gian thương lượng, tỏ ra cởi mở hơn Putin - Zelensky thậm chí còn đề nghị ưu tiên cho Mỹ khai thác đất hiếm. Còn tổng thống Pháp tách biệt Musk và Trump, dành những mũi tên nhắm vào nhà tỉ phú công nghệ, trong khi vừa trân trọng vừa kiên quyết đối với tổng thống Hoa Kỳ.
Ngược lại chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đề nghị mua khí hóa lỏng (GNL) của Mỹ ngay trước khi Trump nhậm chức, theo ông Tertrais không phải là chiến lược tốt. Cho cá sấu ăn chỉ bảo đảm được mình là người cuối cùng bị ăn thịt. Trump thương lượng theo kiểu Liên Xô thời chiến tranh lạnh : « Những gì của tôi là của tôi, những gì của anh chúng ta thương thảo », nên nếu chưa chi đã nhượng bộ là sai lầm.
Gaza : Các nước Ả Rập bị dồn vào chân tường
Về đề nghị gây sốc liên quan Gaza, chuyên gia Tertrais nhận định Hoa Kỳ không còn là mẫu mực về giá trị, khác hẳn với thời ông Bush junior - khi đưa quân sang Irak năm 2003 tổng thống Mỹ thực sự muốn mở rộng dân chủ. Tuy nhiên theo Le Point, ý kiến « biến Gaza thành Côte d’Azur Trung Đông » tuy khó thực hiện nhưng cũng đáng chú ý. Đó là vì tổng thống Mỹ nhấn vào hai vấn đề cùng một lúc: tương lai cho người Palestine và đưa họ thoát khỏi móng vuốt của Hamas.
Sau 16 tháng chiến tranh, dải đất này hầu như không còn có thể sinh sống. Hai phần ba số nhà cửa đã bị phá hủy, hàng tấn bom và chất nổ dưới những đống gạch vụn, cơ sở hạ tầng chẳng còn sử dụng được. Tệ hại nhất là nhóm Hồi giáo gây ra vụ khủng bố đưa họ đến thảm cảnh này vẫn đang nắm quyền. Hamas vẫn còn đó, Israel sẽ không dỡ bỏ phong tỏa, các nhà tài trợ quốc tế và Ả Rập không dám đầu tư, nhất là phe này liên tục khiêu khích mỗi lần thả con tin. Cho dù bắt đầu ngay từ bây giờ, việc tái thiết mất ít nhất một thập niên. Khi đề nghị di dân dù tạm thời, ông Trump thay đổi một phương trình không lời giải.
Trục xuất người Palestine khỏi Gaza là tội ác chiến tranh, ngược lại việc tự nguyện ra đi là đáng khuyến khích. Theo một thăm dò trước vụ thảm sát ngày 07/10, một phần ba người Palestine muốn di cư. Tỉ lệ này giờ đây chắc chắn cao hơn, nhưng họ không dám nói ra vì sợ Hamas. Ai Cập và Jordanie đều từ chối nhận, lo lắng trước một dân số từ hai thập niên đã bị Hồi giáo cực đoan tẩy não.
Đưa ra một giải pháp không thể chấp nhận, tổng thống Mỹ dồn các nước Ả Rập vào chân tường. Hoặc chấp nhận, hoặc có nguy cơ không còn được Hoa Kỳ bảo vệ an ninh. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã đạt được thỏa thuận Abraham. Lần này thay vì buộc Israel phải chấp nhận một Nhà nước Palestine, là việc buộc người Palestine chấp nhận sống bên cạnh Israel. Có thể Donald Trump sẽ không thành công, nhưng ít nhất ông khiến các bên phải động não.
Thụy My - RFI Tiếng Việt
16/02/2025