Việt Nam và Philippines mua tên lửa mới… (Thanh Phương)

...để tăng cường khả năng phòng thủ trên Biển Đông

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là giữa Bắc Kinh và Manila, Việt Nam, giống như Philippines, sẽ trang bị một hệ thống tên lửa của Ấn Độ để tăng cường khả năng phòng thủ trước đối thủ chung là Trung Quốc.

brahmos1

Tên lửa Brahmos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất là vũ khí Việt Nam đang nhắm tới. Reuters

Theo báo chí Ấn Độ, Việt Nam sắp sửa ký một hợp đồng trị giá 700 triệu đô la mua hệ thống tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ. Các cuộc đàm phán đã bước vào giai đoạn cuối và hợp đồng theo dự kiến sẽ được ký trong những tháng tới. Theo hợp đồng, New Delhi sẽ cung cấp các tên lửa BrahMos cho cả Lục quân và Hải quân Việt Nam. Nếu hợp đồng được ký kết, như vậy Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á mua hệ thống tên lửa siêu thanh lợi hại này của Ấn Độ.

Do Ấn Độ và Nga cùng phát triển, bay rất nhanh với vận tốc siêu thanh từ Mach 2.8 đến Mach 3.0, BrahMos là một loại tên lửa rất khó bị đánh chặn và có thể được phóng từ đất liền, từ trên không và trên biển, với tầm bắn lên tới 450 - 600 km.

Hợp đồng tên lửa BrahMos được xem là một bước tiến đáng kể trong việc củng cố quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ, hai nước có chung lợi ích chiến lược ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây cũng là một bước phát triển quan trọng làm thay đổi cán cân quân sự khu vực Đông Nam Á. Với việc tiếp nhận hệ thống tên lửa BrahMos, khả năng đánh chặn từ xa của Việt Nam sẽ được nâng cao, đặc biệt là trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc vẫn gay gắt ở Biển Đông. Khả năng của BrahMos tiến hành các vụ oanh kích chính xác trên bộ cũng như trên biển mang lại một lợi thế rất lớn cho chiến lược phòng thủ của Việt Nam.

Philippines vừa trang bị BrahMos vừa tìm mua tên lửa Typhon

Đã nhận được lô tên lửa BrahMos đầu tiên vào năm 2024 trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 375 triệu đô la ký với Ấn Độ từ năm 2022, Philippines cũng xem việc trang bị vũ khí này là "một bước ngoặt quan trọng".

Vốn vẫn khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Trung Quốc dĩ nhiên không muốn thấy hai nước tranh chấp Philippines và Việt Nam sở hữu một hệ thống tên lửa lợi hại như BrahMos.

Nhưng ngoài Brahmos, Philippines cũng đang tìm cách mua hệ thống tên lửa tầm trung "Typhon" của Hoa Kỳ để tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ trên biển. Tờ nhật báo Philippine Daily Inquirer trích lời tổng tư lệnh quân đội Philippines, trung tướng Roy Galido tại một cuộc họp báo ngày 23/12/2024 : "Chúng tôi dự định mua vì tính khả thi và chức năng của hệ thống tên lửa Typhon phù hợp với kế hoạch triển khai phòng thủ quần đảo".

Với tính cơ động và khả năng tấn công cả mục tiêu trên bộ và trên không, nếu được bổ sung vào kho vũ khí của Philippines, hệ thống tên lửa này sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của Manila. Typhon có thể được gắn các loại đạn như tên lửa hành trình Tomahawk, loại tên lửa có tầm bắn 1.500 dặm, có thể bao phủ các đảo nhân tạo quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và phần lớn bờ biển phía đông của Philippines.

Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon đến miền bắc Philippines từ đầu năm 2024 để tham gia các hoạt động tập trận chung với đồng minh, nhưng sau đó họ không mang về nước mà để lại. Kể từ đó, quân đội Philippines sử dụng hệ thống này để huấn luyện cho lực lượng của họ. Mặc dù Washington và Manila nhấn mạnh việc triển khai Typhon chỉ nhằm mục đích huấn luyện, Bắc Kinh vẫn phản đối kịch liệt. Mao Ninh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã tuyên bố : "Với việc đưa vũ khí tấn công chiến lược này vào, Philippines đang cho phép một quốc gia bên ngoài khu vực gây căng thẳng và kích động đối đầu địa chính trị... Chúng tôi kêu gọi Philippines sửa chữa những hành vi sai trái của mình, rút hệ thống tên lửa Typhon như đã cam kết công khai và ngừng đi sâu hơn vào con đường sai trái".

Đáp lại phản đối của Bắc Kinh, bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã trả lời rằng hệ thống tên lửa Typhon chỉ nhằm đối phó với "các rủi ro, mối đe dọa và thách thức về an ninh" chứ không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Thanh Phương