Chúng tôi muốn Chúa ! (Peggy Noonan)

Lời người dịch : Cách đây 45 năm Giáo hoàng mới John Paul II viếng thăm Ba Lan. Qua những thông điệp của mình ông đã thức tỉnh lương tâm của hàng triệu người và chính những lương tâm thức tỉnh này không những thay đổi lịch sử của Ba Lan mà còn thay đổi cả lịch sử của Châu Âu và thế giới. (TQV)

pope01

Cách đây 45 năm Giáo hoàng mới John Paul II viếng thăm Ba Lan, ngày 2/6/1979.

-----------------------

Tuần qua mọi người đều nói về vai trò của John Paul II trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản Xô viết và giải phóng Đông Âu. Chúng ta không biết mọi chuyện, hay thậm chí biết nhiều, về những động thái ngoại giao thầm lặng- những gì đã diễn ra bí mật, những trao đổi gì giữa Giáo hoàng với những con sư tử lớn của những năm 1980, Reagan và Thatcher. Và những người khác, kể cả Bill Casey, con cáo già cứng cỏi của CIA, và Lech Walesa của Công đoàn Đoàn kết.

Nhưng tôi nghĩ tôi biết thời điểm chủ nghĩa cộng sản xô viết bắt đầu sụp đổ. Thời điểm ấy diễn ra công khai. Ai cũng có thể thấy. Thời điểm ấy là một trong những thời điểm tinh thần vĩ đại của thế kỷ 20, có lẽ là vĩ đại nhất.

Lúc ấy là tuần lễ đầu tiên của tháng 6/1979. Châu Âu chia thành hai phe giữa đông và tây, những nước dân chủ và khối cộng sản - những nhà nước công an trị dưới sự kiểm soát của Liên Xô và dưới sự cai trị của các đảng cộng sản và công an mật địa phương.

John Paul là Giáo hoàng mới, được thăng chức Giáo hoàng chỉ tám tháng trước đấy. Ông nói rõ ràng vào ngày sau khi ông trở thành Giáo hoàng rằng ông muốn trở về quê hương Ba Lan để thăm đồng bào với tư cách Giáo hoàng.

Những người cộng sản cai trị Ba Lan ở trong tình thế khó xử. Nếu họ không cho phép Giáo hoàng mới trở về quê hương thì họ có vẻ phòng thủ và sợ hãi, như thể họ sợ ông có nhiều quyền lực hơn họ. Khước từ ông thì chẳng khác gì thừa nhận họ yếu hơn ông. Còn nếu họ để ông trở về thì biết đâu dân chúng nổi dậy chống chính quyền, rồi biết đâu nhân đó khiến Liên Xô xâm lăng Ba Lan.

John Paul liền chấp nhận lời mời. Ông đi Ba Lan.

Và những biên giới của thế giới bắt đầu thay đổi chính từ ngày ông đến Ba Lan.

Hai tháng trước ngày Giáo hoàng đến, guồng máy cộng sản Ba Lan đã bắt đầu có những biện pháp nhằm kiềm chế sự phấn khởi trong dân chúng. Họ gởi cho các giáo viên một chỉ thị mật giải thích giáo viên nên hiểu và giải thích chuyến thăm viếng của Giáo hoàng như thế nào. "Giáo hoàng là kẻ thù của chúng ta", chỉ thị viết. "Ông nguy hiểm ở chỗ ông rất có tài ăn nói và khéo dí dỏm vì thế ông thu hút mọi người, đặc biệt các nhà báo. Ngoài ra, khi tiếp xúc với đám đông ông chọn những cử chỉ rẻ tiền, chẳng hạn, ông đội mũ vành, bắt tay với tất cả mọi người, hôn trẻ em, mà đều bắt chước theo những cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Vì sự khích động của Giáo hội ở Ba Lan cho nên những hoạt động của chúng ta nhằm vô thần hóa tuổi trẻ không những không thể nào giảm mà còn phải tăng cường mạnh mẽ. Về phương diện này tất cả các phương tiện đều được phép dùng và chúng ta không được để cho bất kỳ tình cảm nào chi phối".

Chính quyền cũng đưa ra chỉ thị cho truyền thông Ba Lan phải kiểm duyệt và hạn chế đưa tin về các thông điệp và sự xuất hiện trước công chúng của Giáo hoàng.
Giáo hoàng đến Ba Lan vào ngày 2/6/1979. Những ai chứng kiến cảnh diễn ra ngay sau đó đều sẽ không bao giờ quên.

Ông quỳ xuống hôn lên đất, phi đạo xám xịt của phi trường bên ngoài Warsaw. Những nhà thờ im lặng của Ba Lan ngay lúc ấy bắt đầu đổ chuông. Đoàn xe của Giáo hoàng đi từ phi trường đến thủ đô Warsaw.

Chính quyền lo sợ hàng trăm hay hàng ngàn hay thậm chí hàng vạn người sẽ xếp hàng dài hai bên đường nhìn đoàn xe của ông đi qua.

Vào cuối ngày, cùng với những người xếp hàng dài hai bên đường cộng với những người tập trung bên ngoài Warsaw và rồi bên trong Warsaw - tất cả những người này đều hoan hô và ném hoa và vỗ tay ca hát- đã có hơn một triệu người đã đi đón Giáo hoàng.

Tại quảng trường Chiến thắng ở thủ đô Warsaw, Giáo hoàng cử hành thánh lễ. Các viên chức cộng sản theo dõi buổi lễ từ những cửa sổ của các khách sạn gần đấy. Theo tác giả George Weigel, người viết tiểu sử Giáo hoàng, John Paul II đã có bài giảng hay nhất trong đời.

Giáo hoàng hỏi tại sao Chúa đã đưa một người Ba Lan lên làm Giáo hoàng ? Có lẽ chính vì Ba Lan đã đau khổ trong hàng bao thế kỷ, và suốt trong thế kỷ 20 đã trở thành "đất nước của một nhân chứng chịu trách nhiệm đặc biệt" trước Chúa. Ông gợi ý nhân dân Ba Lan đã được chọn cho một vai trò cao cả cho nên phải hiểu một cách khiêm nhường nhưng xác tín rằng họ là "nhân chứng của thánh giá của Chúa và của sự Phục sinh của Chúa". Rồi ông hỏi tiếp nhân dân Ba Lan có chấp nhận trách nhiệm của vai trò như thế trong lịch sử hay không.

Đám đông đáp lại vang dội như sấm sét :

"Chúng tôi muốn Chúa !", họ đồng thanh hô to. "Chúng tôi muốn Chúa !"

Thật là một thời khắc tuyệt vời trong lịch sử hiện đại : Chúng tôi muốn Chúa. Từ miệng những người nam người nữ hiện đại đang sống trong chế độ độc tài vô thần hiện đại.

Giáo hoàng nói về Ngày lễ Ngũ Tuần, theo Kinh Thánh Tân Ước, là lúc khi đấng Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ của Chúa Ki-tô, lúc bọn họ đang trốn tránh vì sợ hãi sau khi Chúa bị đóng đinh, và truyền cho họ tràn trề can đảm và vui sướng.

John Paul trở lại và mở rộng chủ đề này.

- Công trình vĩ đại nhất của Chúa là gì ? Con người.

- Ai cứu chuộc con người ? Chúa Ki-tô.

Vì vậy, Giáo hoàng tuyên bố, "Chúa Ki-tô không thể nào bị ngăn cản không can dự vào lịch sử của con người tại bất kỳ nơi nào trên địa cầu, ở bất kỳ kinh độ và vĩ độ nào. Loại Chúa ra khỏi lịch sử của con người là hành động chống lại con người ! Không có Chúa Ki-tô thì không thể nào hiểu lịch sử Ba Lan". Giáo hoàng nói những ai chống Chúa Ki-tô vẫn còn sống trong bối cảnh Công giáo của lịch sử.

Giáo hoàng tuyên bố Chúa Ki-tô không chỉ là quá khứ của Ba Lan - người còn là "tương lai, tương lai của Ba Lan chúng ta".

Đám đông tập trung đáp lại vang như sấm. Họ đồng thanh thét to "Chúng tôi muốn Chúa !"

Những cán bộ cộng sản cuồng tín đang theo dõi buổi thánh lễ từ những khách sạn chung quanh Quảng trường Chiến thắng đã nghe những tiếng thét này. Có lẽ chính lúc này họ mới hiểu ra rằng họ đã phạm phải một sai lầm chiến lược. Có lẽ khi John Paul nói họ nghe âm thanh vang dội từ những tòa nhà kiên cố bao quanh quảng trường ; có lẽ tiếng vang này nghe giống như tiếng của bức tường sụp đổ.

Giáo hoàng đã không trực tiếp thách thức chính quyền. Ông đã không kêu gọi nổi dậy. Ông đã không kêu gọi dân chúng công giáo của Ba Lan phản kháng lại những chủ nhân ông vô thần của họ. Ông chỉ khẳng định những điều hiển nhiên. Theo lời của ông Weigel : "Ba Lan không phải là quốc gia cộng sản. Ba Lan là một quốc gia công giáo dưới ách nhà nước cộng sản".

Ngày hôm sau, ngày 3/6/1979, John Paul đứng bên ngoài giáo đường ở Gniezno, một thành phố nhỏ có độ 50 ngàn dân. Lại có một thánh lễ ngoài trời, và Giáo hoàng lại nói về một điều kỳ diệu.

Ông không nói về những gì chính quyền muốn, ông cũng không trực tiếp nói về những gì phong trào tự do đang phát triển muốn, ông cũng không nói về những gì Công đoàn Đoàn kết Ba Lan đang gặp phải bao khó khăn muốn.

Ông nói về những gì Chúa muốn.

"Phải chăng ý Chúa Ki-tô, phải chăng điều mà Thánh Thần sắp đặt là Giáo hoàng người Ba Lan này, người Slav này, chính ngay lúc này nên biểu lộ sự đoàn kết tinh thần của Châu Âu công giáo ? Vâng, ông nói, Chúa Ki-tô muốn thế. Đó là điều Thánh Thần sắp đặt, rằng điều tôi nói nên được nói ra ở tại chính nơi này vào chính lúc này. Giáo hoàng, một đồng bào Ba Lan, hôm nay đến nơi này để nói trước toàn thể Giáo hội, trước Châu Âu và thế giới, về những quốc gia và dân tộc thường bị lãng quên này. Giáo hoàng đến nơi này để kêu lớn tiếng".

Điều Giáo hoàng nói thật đáng quan tâm. Ông khuyên Ba Lan : Hãy nhìn hiện thực quanh mình theo cách nhìn khác. Hãy thấy hoàn cảnh mình theo cách nhìn mới. Không nên thấy một Châu Âu chia cắt mà hãy thấy một Châu Âu thống nhất mà ngay cả cộng sản cũng không thể cướp đoạt.

Cách nói của ông không phải là tuyên bố hay khẳng định mà lần nữa chỉ chỉ ra những điều hiển nhiên : chúng ta là người công giáo, chúng ta ở đây, chúng ta đoàn kết một lòng bất chấp những gì cộng sản và những kẻ vẽ bản đồ của họ nói.

Ngày đó ở giáo đường nhà cầm quyền cộng sản không thể cản được tiếng vỗ tay. Họ không cản được mọi người vỗ tay và hoan hô. Không đủ xà lim tù.

Nhưng chính ở Cánh đồng Blonie, ở Krakow - Blonia Krakowskie, những cánh đồng ven đô này - đã diễn ra một khoảnh khắc rất đỗi phi thường trong chuyến thăm Ba Lan của Giáo hoàng. Với những người hồi tưởng lại họ thấy đây chính là khoảnh khắc mở ra thế giới mới. Sau này nhiều người nói chính khoảnh khắc này đã khiến cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản xô viết trở thành tất yếu.

Ngày 10/6/1979 là đúng một tuần ngày Giáo hoàng đến Ba Lan. Ngày ấy là ngày nắng đẹp. Giáo hoàng sẽ tổ chức một thánh lễ chung cho mọi người. Chính quyền cộng sản không cho phép thông báo về buổi lễ, nhưng người Ba Lan đã loan tin ra.

pope02

Giáo hoàng John Paul II cử hành đại thánh lễ trước hàng triệu giáo dân tại Cánh đồng Blonie, ở Krakow - Blonia Krakowskie – ngày 10/6/1979

Các viên chức chính quyền đã chuẩn bị sẵn sàng, vì bấy giờ họ biết rất nhiều người có thể đến, như họ đã thấy trong buổi thánh lễ đầu tiên của John Paul. Nhưng đã một tuần lễ trôi qua từ ngày ấy. Từ đó đến nay, có lẽ người ta đã thấy ông ta đủ rồi. Có lẽ họ đã chán nghe thông điệp của ông. Có thể tình hình không đến nổi tệ lắm.

Nhưng điều phi thường đã diễn ra ở cánh đồng Blonie.

Họ bắt đầu đến sớm, và đến lúc thánh lễ bắt đầu thì đã có một cuộc tập trung đông người lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của Ba Lan. Hai triệu hay ba triệu người đã đến, không ai biết chắc, có lẽ còn nhiều hơn. Để dự thánh lễ.

Và chính ở nơi này, vào cuối chuyến công du của ông, tại cánh đồng Blonie, John Paul đã tấn công trực diện chủ nghĩa cộng sản bằng cách nhấn mạnh đến mưu toan của chủ nghĩa cộng sản nhằm giết chết di sản tôn giáo của một quốc gia đã tin Chúa Ki-tô trong suốt cả ngàn năm.

Ông nói như thế này :

"Phải chăng ta có thể từ bỏ Chúa Ki-tô và tất cả những gì Người đã mang vào biên niên sử của con người ? Tất nhiên ta có thể. Đúng là con người tự do. Con người có thể nói "Không" với Thiên Chúa. Con người có thể nói "Không" với Chúa Ki-tô. Nhưng câu hỏi sinh tử là : con người có nên từ bỏ Thiên Chúa ? Và nhân danh gì con người "nên" từ bỏ Thiên Chúa ? Ý và lòng ta ấp ủ lý lẽ hợp lý gì, giá trị gì mà buộc ta, người thân ta, đồng bào ta và nước ta phải khước từ, phải nói "không" với Người mà đã sống cùng với tất cả chúng ta trong một ngàn năm qua ? Chính Người đã hình thành nên nền tảng bản sắc của chúng ta và chính Người từ đấy cho đến nay vẫn là nền tảng ấy.

Như một Giám mục làm trong thánh lễ ban bí tích thêm sức ngày hôm nay tôi dang tay ra theo cử chỉ tông đồ đến tất cả mọi người tập trung ở đây hôm nay, những đồng bào của tôi.

Vì vậy tôi nhắc lại lời của chính Chúa Ki-tô : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần".

Tôi nhắc lại lời của thánh tông đồ : "Anh em đừng dập tắt Thần Khí".

Tôi nhắc lại lời của thánh tông đồ : "Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa".

Các anh chị em quý mến của tôi phải mạnh mẽ lên. Các anh chị em phải mạnh mẽ với sức mạnh xuất phát từ đức tin. Các anh chị em phải mạnh mẽ với sức mạnh của đức tin. Các anh chị em phải là những tín hữu trung thành. Ngày hôm nay hơn bao giờ hết các anh chị em cần sức mạnh này. Các anh chị em phải mạnh mẽ với sức mạnh của hy vọng, hy vọng mà mang lại niềm vui sống tuyệt vời và không cho phép chúng ta làm phiền lòng Thánh Thần.

Các anh chị em phải mạnh mẽ với sức mạnh của thương yêu, mà mạnh hơn cái chết. Các anh chị em phải mạnh mẽ với thương yêu mà là "nhẫn nhịn và nhân từ ; …không ganh tị hay vênh vang ; …không ngạo mạn hay thô lỗ ; …không khăng khăng theo ý mình ; …không cáu gắt hay nóng giận ; …không mừng vui trước việc ác, nhưng mừng vui trước việc thiện…chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu được tất cả. Thương yêu ấy không bao giờ chấm dứt".

Khi chúng ta mạnh mẽ với Thánh Thần của Thiên Chúa, chúng ta cũng mạnh mẽ với Đức Tin ở con người. Vì vậy không cần phải sợ.

Tôi van xin các anh chị em :

- Không bao giờ mất lòng tin, không thoái chí, không nản lòng.

- Luôn luôn tìm kiếm sức mạnh tinh thần mà biết bao thế hệ cha mẹ chúng ta đã tìm thấy ở Người.

- Không bao giờ xa cách Người.

- Không bao giờ mất tự do tinh thần của mình".

Từ cánh đồng ấy họ đi về nhà nhưng nước họ bấy giờ đã khác hẳn. Bởi lẽ sau thánh lễ ấy họ sẽ không bao giờ giống như trước nữa.

Điều John Paul làm ở cánh đồng Blonie vừa là sự thay đổi từ thông điệp ban đầu của ông ở Ba Lan và vừa là sự mở rộng thông điệp này.

Trong thông điệp đầu tiên ông nói : Thiên Chúa thấy một Châu Âu thống nhất chứ Người không thấy Đông và Tây bị chia cắt bởi một vết cắt dài và sâu trên mặt đất.
Như vậy từ quan điểm lịch sử của Thiên Chúa ông "đã chia cắt những kẻ gây chia cắt".

Nhưng ở cánh đồng Blonie ông mở rộng thông điệp của ông. Ông cầu khẩn Thánh Thần - với tư cách Giáo Hoàng, ông cầu khẩn Thiên Chúa - ban cho nhân dân Ba Lan tràn đầy ơn Thánh Thần, "khẳng định" địa vị của họ trong lịch sử và sự chọn Chúa Ki-tô từ ngàn xưa của họ, hay nói cách khác khẳng định lịch sử của họ là đích thực và chân chính và không thể nào thay đổi - mà ngay cả những người cộng sản cũng không thể nào thay đổi.

Vì vậy thông điệp ấy là sự tái tuyên bố tinh thần Ba Lan, mà là tinh thần tự do. Và khi những người tham dự thánh lễ đi về nhà họ đã trở thành người khác, người thấy mình khác hẳn trước, không phải là những nạn nhân của lịch sử mà là những người đấu tranh cho Chúa Ki-tô.

Sau buổi thánh lễ một điều rất quan trọng khác đã xảy ra. Mọi người có mặt ở buổi thánh lễ đi về nhà và tối hôm ấy họ mở tin tức để xem hình ảnh đám đông phi thường và hình ảnh Giáo hoàng phi thường. Nhưng truyền hình của nhà nước không chiếu hình ảnh đám đông. Họ chỉ chiếu trong một hai giây hình ảnh Giáo hoàng đứng nói trong bản tin ngắn ngủi. Truyền hình nhà nước đã không công nhận hay thừa nhận chuyến viếng thăm của Giáo hoàng là một hiện tượng, hay những gì chuyến viếng thăm đã tạo ra.

Những người có mặt ở buổi thánh lễ có thể so sánh thực tế họ đã tận mắt chứng kiến với sự tuyên truyền của truyền thông nhà nước. Họ có thể thấy sự khác nhau. Điều này khiến cho người dân Ba Lan có thể cùng nhau nghĩ ngay, rõ ràng không có chỗ chối cãi, rằng : Tất cả đều là dối trá. Mọi thứ chính quyền nói là dối trá. Mọi thứ đều là dối trá.

Cho dù chính quyền giả vờ bám vào tính chính danh nào chăng nữa, tính chính danh ấy cũng bắt đầu mất đi. Dân chúng Ba Lan lần lượt từng người một nghĩ riêng trong lòng : cộng sản không còn nữa rồi.

Và khi 10 triệu người Ba Lan nghĩ như thế thì Ba Lan không còn cộng sản. Và khi Ba Lan không còn cộng sản thì Đông Âu không còn cộng sản. Và khi Đông Âu không còn cộng sản thì Liên Xô không còn cộng sản. Và khi Liên Xô không còn cộng sản thì cộng sản không còn nữa.

Một nhà xuất bản và trí thức tên Jerzy Turowicz, người quen biết Karol Wojtyla, thế danh của Giáo hoàng, khi họ còn trẻ, và là người ủng hộ Công đoàn Đoàn kết và là thành viên của chính quyền hậu cộng sản đầu tiên của Ba Lan, đã tóm tắt tất cả những điều này. Hồi tưởng lại buổi thánh lễ ở cánh đồng Blonie và chuyến viếng thăm của Giáo hoàng, ông Turowicz nói với Ray Flynn, lúc đó là đại sứ Mỹ tại Vatican, "Các sử gia đều nói Đệ nhị Thế chiến kết thúc vào năm 1945. Điều đó có lẽ đúng với cả thế giới, nhưng không đúng ở Ba Lan. Họ nói chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vào năm 1989. Nhưng không đúng ở Ba Lan. Đệ nhị Thế chiến và chủ nghĩa cộng sản cả hai đều kết thúc cùng một lúc ở Ba Lan vào năm 1979, khi John Paul II về nước".

Và bây giờ ông đã qua đời. Thật là xứng đáng và chẳng có gì ngạc nhiên khi La Mã sững sờ và choáng ngợp trước cảnh hàng triệu người đến viếng ông lần cuối cùng. Hàng người xếp hàng để nhìn thấy thi hài ông ở Vương cung thánh đường Thánh Peter kéo dài hơn một dặm. Ngày mai ước tính hai tỷ người sẽ chứng kiến đám tang ông, một sự kiện truyền hình lớn nhất trong lịch sử. Và không ai, ở Ba Lan hay nơi nào khác, sẽ có thể biên tập lại hình ảnh những gì đang xảy ra.

pope03

Mộ Giáo hoàng John Paul II được trưng dưới Thánh đường Saint Peter Vatican

John Paul đã cho chúng ta khoảnh khắc được cho là khoảnh khắc tinh thần chung phi thường của thế kỷ hai mươi. "Chúng tôi muốn Chúa" là tiếng kêu mãnh liệt nhất và thành thực nhất của lòng người.

Người ta nói Giáo hoàng muốn được lấy trái tim ra khỏi thi hài mình để đưa về an táng tại Ba Lan. Di nguyện ấy là chính đáng, và tôi hy vọng tin này là thực. Họ nên đặt tim trong một quan tài lớn.

Peggy Noonan

Nguyên tác : "We Want God", The Wall Street Journal, số ra ngày 7/4/2005.

Trần Quốc Việt dịch, 01/01/2025.