Trung Quốc cuối năm 2024: Chống tham nhũng, lao động cưỡng bức và khủng hoảng địa ốc (RFI Tiếng Việt)
Trung Quốc : Thêm hai tướng “ngã ngựa” vì chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình
Minh Phương, RFI Tiếng Việt
Hôm qua, 25/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc thông báo bãi miễn tư cách đại biểu Quốc Hội của hai tướng cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), trong bối cảnh chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội.
Theo thông báo, hai nhân vật cấp cao này bị nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật”, cụm từ mà đảng Cộng Sản Trung Quốc thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng.
Về hồ sơ của hai tướng bị bãi miễn, trung tướng Vưu Hải Đào (You Haitao), 66 tuổi, là cựu phó Tư lệnh Lục quân từ đầu năm 2016. Trước đó, ông từng là Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh và được thăng hàm Trung tướng vào năm 2014. Còn trung tướng Lý Bằng Trình (Li Pengcheng), 61 tuổi, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như phó Tham mưu trưởng Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc, giám đốc Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân, và Tham mưu trưởng Hạm đội Đông Hải. Ông đảm nhiệm vai trò Tư lệnh Hải quân Chiến khu Nam Bộ sau khi người tiền nhiệm Cửu Tân Xuân bị cách chức vào tháng 12 năm ngoái.
Cũng trong năm nay, hai cựu bộ trưởng Quốc Phòng của Trung Quốc là Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc đã bị khai trừ khỏi đảng và đang bị điều tra vì tham nhũng.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, cuộc điều tra về hai cựu quan chức cấp cao này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tập trung vào các cấp lãnh đạo quân đội, nhằm siết chặt kiểm soát đồng thời củng cố sự trung thành tuyệt đối của quân đội đối với đảng Cộng Sản.
Minh Phương
Nguồn : RFI Tiếng Việt
**********
Tập đoàn ô tô điện Trung Quốc BYD bị cuốn vào tranh cãi “nô lệ hiện đại” ở Brazil
Thu Hằng, RFI Tiếng Việt
Chính quyền Brazil thông báo phát hiện 163 công nhân Trung Quốc phải làm việc trong những điều kiện gần như với « nô lệ thời hiện đại » trên một công trường xây dựng nhà máy cho tập đoàn ô tô BYD của Trung Quốc. Ngày 26/12/2024, chỉ một ngày sau khi Sở Lao động bang Bahia ra lệnh đình chỉ một phần công trường, chi nhánh BYD tại Brazil cho biết đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công Jinjiang Group.
Theo các nhà chức trách Brazil, những công nhân này là « nạn nhân của nạn buôn người », « lao động cưỡng bức ». Họ « bị tịch thu hộ chiếu » và chủ lao động « giữ 60% lương và 40% còn lại được lĩnh bằng tiền Trung Quốc ». Nhà máy của BYD đang được xây ở Camaçari, bang Bahia (đông bắc Brazil) và được coi là nhà máy lớn nhất của BYD ở ngoài châu Á có công suất 150.000 ô tô điện hàng năm.
Điều kiện sống được Sở Lao động bang Bahia nhấn mạnh trong thông cáo ngày 25/12 là « rất tạm bợ » ngay tại công trường : « Tại một trong những nơi ở, người lao động ngủ trên giường không có đệm, không có tủ để tư trang và thức ăn cũng cất lẫn với quần áo … Chỉ có một nhà vệ sinh cho 31 công nhân và buộc họ phải dậy từ 4 giờ sáng để xếp hàng chuẩn bị trước khi đi làm lúc 5 giờ 30 ». Trên công trường, họ « bị phơi nắng và có dấu hiệu bị nhiều chấm trắng trên da ».
Ngay lập tức, BYD Auto Brasil, chi nhánh của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, khẳng định « không dung thứ cho việc thiếu tôn trọng luật pháp Brazil và nhân phẩm ». Theo Reuters, dù BYD khẳng định ngừng hợp tác với Jinjiang nhưng một nhà lãnh đạo của nhà sản xuất ô tô điện tố cáo « những thế lực nước ngoài » và một số cơ quan truyền thông Trung Quốc « cố tình bôi nhọ các thương hiệu Trung Quốc và quốc gia và làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Brazil ».
BYD và nhà thầu xây dựng Jinjiang Group đã chấp nhận hỗ trợ và để 163 công nhân này sống ở khách sạn cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, nhà thi công Jinjiang cho rằng cáo buộc của chính quyền Brazil là « không chính xác » và có « những hiểu lầm trong quá trình dịch ».
Trong cuộc họp sắp tới, hai doanh nghiệp này sẽ phải trình bày biện pháp để công trường có thể tiếp tục thi công công trường. Brazil hiện đang đánh thuế xe điện Trung Quốc 18% nhưng có thể nâng lên thành 35%.
Thu Hằng
Nguồn : RFI Tiếng Việt
**********
Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực “ổn định thị trường địa ốc”
Thanh Hà, RFI Tiếng Việt
Sau hai ngày họp 23 và 24/12/2024, Trung Quốc cam kết đẩy mạnh các nỗ lực đem lại ổn định cho thị trường địa ốc trong năm 2025. Tờ báo mạng trong ngành xây dựng China Constrution News trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành xây dựng, khuyến khích các dịch vụ mua bán nhà đất.
Hãng tin Anh Reuters đăng lại tin từ trang mạng China Constrution News, theo đó trong cuộc họp với các giới chức đặc trách lĩnh vực nhà ở, chính quyền Trung Quốc đã bảo đảm tiếp tục thúc đẩy ngành địa ốc qua nhiều kênh : cải tổ luật mua bán mặt bằng thương mại, khuyến khích các dự án trùng tu hơn 1 triệu căn hộ ở thành phố. Biện pháp thứ hai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ mua nhà và cải thiện điều kiện ăn ở cho người lao động từ nông thôn lên thành thị kiếm sống.
Reuters nhắc lại ngành địa ốc tại Trung Quốc đã lún sâu vào khủng hoảng từ 2021 với nhiều tập đoàn xây dựng và các công ty môi giới nhà đất phá sản.
Từ tháng 9/2024, Bắc Kinh đã liên tục đưa ra các biện pháp khuyến khích tư nhân mua nhà, bao gồm chính sách hạ lãi suất tín dụng địa ốc, dỡ bỏ một số quy định hành chính, với hy vọng « cởi trói » cho thị trường địa ốc. Theo thẩm định của các giới chức liên quan, chỉ riêng biện pháp hạ mức quy định về khoản vốn tối thiểu khi vay ngân hàng để mua nhà sẽ giúp cho « từ 50 đến 150 triệu hộ gia đình » xúc tiến các dự án mua bất động sản.
Giữa tháng 10, bộ trưởng đặc trách nhà ở của Trung Quốc loan báo « cung cấp thêm 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 517 tỷ euro) trước cuối năm 2024 » để tiếp sức cho lĩnh vực đang bị khủng hoảng. Trong một cuộc họp vào tháng 9, chủ tịch Tập Cận Bình nhìn nhận « kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với một số vấn đề », nhưng vẫn giữ được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024.
Thanh Hà
Nguồn : RFI Tiếng Việt
28/12/2024