Thi hành nghĩa vụ quân sự trước khi tiếp tục học vấn ? (Diễm Thi)
Có buộc phải thi hành nghĩa vụ quân sự trước khi tiếp tục con đường học vấn ?
Cử tri tỉnh Hưng Yên mới đây kiến nghị lên Bộ Quốc phòng đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung trong Luật Nghĩa vụ quân sự, yêu cầu công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi thi đậu vào các trường được bảo lưu kết quả nhưng phải chấp hành tham gia nghĩa vụ quân sự xong, sau đó về tiếp tục theo học.
Bộ đội Việt Nam - AFP
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi một công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo, thì được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Nhiều người cho rằng, kiến nghị này không hợp lý trong tình hình Việt Nam hiện nay, đang trong thời bình. Ông Nguyễn Quang Vinh, một đại tá quân đội về hưu, nêu quan điểm của ông với RFA :
"Quan điểm của tôi hiện nay là thời bình không phải là tình trạng khẩn cấp chiến tranh nên không nhất thiết bắt buộc sinh viên phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước khi tiếp tục con đường học tập, mặc dù được bảo lưu kết quả. Việc phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong khi dang dở việc học tập của sinh viên sẽ làm gián đoạn quá trình tiếp thu kiến thức. Khi sinh viên đã tốt nghiệp đại học thì bắt buộc việc hoàn thành nghĩa vụ quân sự của từng sinh viên là hợp lý vì đó là nghĩa vụ của mỗi công dân.
Bản thân tôi trước kia khi đã tốt nghiệp đại học đúng vào thời điểm chiến tranh nên theo lệnh tổng động viên, tôi đã nhập ngũ và phục vụ quân đội cho đến khi nghỉ hưu".
Cựu trung tá Vũ Minh Trí thì cho rằng :
"Thực ra thì tôi ở trong bộ đội nhiều, tôi chứng kiến nhiều, thì tôi thấy trừ những nước đang trong tình trạng chiến tranh bắt tất cả thanh niên trong tuổi nghĩa vụ quân sự phải đi nghĩa vụ quân sự để hoàn thành khóa nghĩa vụ quân sự. Việt Nam là đất nước hòa bình từ lâu rồi là một, hai nữa là số lượng thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự hàng năm tương đối nhiều nhưng nhu cầu gọi thanh niên đi nghĩa vụ quân sự lại là tỷ lệ tương đối thấp, tôi nghĩ không đến 10%. Nên nếu để tình nguyện thì có lẽ cũng đủ bởi chế độ, chính sách đối với bộ đội bây giờ khá tốt.
Thế nhưng có tình trạng mà có lẽ nhiều người cũng thấy nhưng không tiện nói ra, đó là khi Luật nghĩa vụ quân sự mới ra đời, họ làm ra luật khó khăn chẳng qua là để ăn tiền. Ai không muốn đi nghĩa vụ quân sự thì phải chạy tiền. Bản chất là họ đưa ra những cái càng khó, cố tình tạo ra một cái luật chặt chẽ như vậy để người đi nghĩa vụ quân sự cũng phải chạy chọt mà người không muốn đi nghĩa vụ quân sự cũng phải chạy chọt".
Nghĩa vụ quân sự được coi là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Khi công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ và độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi ; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến năm năm. Tuy vậy, rất nhiều trường hợp vẫn "chạy chọt" để khỏi đi nghĩa vụ quân sự.
Tháng 10 năm 2023, báo Người Lao Động có bài viết "Khởi tố Phó chỉ huy quân sự xã nhận tiền "chạy" không đi nghĩa vụ quân sự". Bài viết cho hay, Phó chỉ huy trưởng quân sự xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã nhận 40 triệu đồng lo cho một thanh niên không phải tham gia nghĩa vụ quân sự.
Bà Hoàng Lan, một công dân ở Hà Nội, có con trai 22 tuổi nhưng không phải đi nghĩa vụ quân sự do "chạy chọt", nói với RFA quan điểm của bà :
"Đứa nào chả phải lo. Muốn "trốn" nghĩa vụ quân sự thì phải lo tiền cho Ban quân sự của phường, nơi phụ trách chuyện gọi quân. Danh sách phường không đưa lên thì trên quận sẽ không có giấy gọi quân đi khám sức khỏe. Nghĩa là phường sẽ không đưa tên vào danh sách tuyển quân.
Tất cả những gia đình có tiền đều muốn con đường sự nghiệp, tương lai của con họ tốt, trơn tru, đi học xong rồi đi làm. Đâu ai muốn con mình mất hai năm nghĩa vụ quân sự cho nên phải chạy tiền.
Ngày xưa là đút tiền một lần, rẻ được mấy chục triệu, ví dụ mỗi năm năm triệu, tám năm 40 triệu thì đưa một lần chỉ 20 hoặc 30 triệu. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người thì không nên đưa tiền một lần vì tụi nó đổi người, đứa sau lên lại ăn. Tóm lại, đầu tiên là chạy tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự. Có những tình huống không chạy để miễn được thì phải chạy để làm dân quân tự vệ của địa phương. Nếu không được nữa mà đành phải đi nghĩa vụ quân sự thì chạy tiền để vô được quân đoàn tốt".
Năm 2013, Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, từng đề xuất cho thanh niên đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo ông Nhã, việc đóng tiền có thể coi là một trong các hình thức "nghĩa vụ thay thế" bên cạnh nghĩa vụ công an nhân dân và nghĩa vụ dân quân tự vệ có thời hạn.
Đề xuất này bị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là ông Phùng Quang Thanh bác với lý do: "Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng, và nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam".
Cũng liên quan chuyện đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, đài VoV.vn có bài phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, và dẫn lời ông này rằng :
"Theo tôi, đây là một vấn đề rất lớn và rất khó. Lớn là vì nó đụng chạm tới toàn dân, phải cân đối nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, phải khẳng định hai nhóm, một nhóm xây dựng và một nhóm bảo vệ.
Và câu chuyện thứ hai lớn hơn nữa, đó là liên quan tới người giàu, người nghèo, liên quan tới câu chuyện chất lượng quân đội. Điều này cực kỳ quan trọng. Chất lượng con người quyết định chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 15/10/2024