Nguyễn Phú Trọng - Nhà đức dục (Nam Gia)
Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19/7/2024. Quốc tang được tổ chức cho ông ta với tư cách đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 25 và 26/7/2024. Ông Trọng là vị Tổng bí thư đầu tiên ở Việt Nam gần nửa thế kỷ - tính từ 1975 - tại nhiệm lâu nhứt với gần 3 nhiệm kỳ liên tiếp hơn 13 năm, kể từ tháng Giêng năm 2011 đến ngày mất.
Người dân tiễn biệt ông Nguyễn Phú Trọng trên đường Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh : TTXVN
Sự qua đời của ông Trọng để lại nhiều tranh luận nhưng chủ yếu có hai trường phái tạm gọi : Chỉ Trích và Kính Yêu.
Trường phái Chỉ trích chê trách ông Trọng với thời gian nắm quyền lâu nhứt ; với quyết tâm "Đốt Lò" cao nhứt nhưng những "di sản" ông ta để lại chỉ là một cuộc khủng hoảng nhân sự. Bởi cũng chính thời gian tại vị, số lượng cán bộ cao cấp và siêu cao ở tù và lặng lẽ rời ghế nhiều nhứt nhưng không cho thấy nạn tham nhũng trong hàng ngũ người cộng sản Việt Nam, vì lẽ đó mà trong sạch hơn.
Bên cạnh đó, trường phái Chỉ trích cũng không thể quên những án oan nổi tiếng như : Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, đặc biệt vụ án cả gia tộc ông Lê Đình Kình, người chết, kẻ nhận án tù cao ngất, tất thảy đều nằm trong thời ông Trọng nắm chức Tổng bí thư nhưng ông ta không hề có bất kỳ sự lên tiếng, để lấy lại công bằng cho những người mà trường phái này cho rằng vô tội. Hơn hết, vấn đề "nhân quyền" - một vấn đề nhức nhối và rắc rối cả nội trị cũng như đối ngoại, trong nhãn quan trường phái này, ông Trọng là một người "sắt máu" với phát ngôn [1] : "Những kẻ đòi dân chủ đa nguyên, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, tam quyền phân lập… đều là bọn bất hảo".
Những lập luận và dẫn chứng bằng sự kiện của trường phái Chỉ trích đều có thật. Tuy nhiên, có vẻ họ chưa tỏ tường về chế độ độc đảng toàn trị - nơi luôn được ra quyết định bằng "tập thể lãnh đạo - cá nhơn phụ trách". Do đó, dù nắm chức Tổng bí thư, cũng không thể đổ cho ông Trọng chịu hoàn toàn trách nhiệm các vụ án nói trên. Cũng như vậy, đối với vấn đề "nhân quyền" tập thể Bộ Chính trị ra quyết sách, không riêng ông Nguyễn Phú Trọng.
Trong khi đó, theo góc nhìn của trường phái Kính yêu, có lẽ chưa có vị Tổng bí thư nào được đông đảo người dân viếng đám tang cùng nỗi tiếc thương vô hạn với câu thơ của Tố Hữu "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" được viết trong bài thơ "Bác Ơi !" vào năm 1969 - ngày ông Hồ Chí Minh khuất núi. Câu thơ này được lặp đi lặp lại rất nhiều, từ các nhà báo và các KOLs nổi tiếng, dù họ không thèm để tên tác giả. Đó là hành vi đáng xấu hổ, khi mang danh nhà báo - nhà thơ hay là những KOLs nổi tiếng với hàng trăm ngàn người hâm mộ.
Bên cạnh câu thơ này, nhiều người cũng trích dẫn câu ông Trọng, lúc sanh tiền đã dạy [2] : "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận, vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, MANG TAI MANG TIẾNG, MỌI NGƯỜI KHINH BỈ, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng TA ĐÃ SỐNG CÓ ÍCH. Tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất của đời, VÌ VINH QUANG CỦA TỔ QUỐC, CỦA ĐẢNG…". Trong khi đó, tại tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky (1904 - 1936) đã viết : "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình. Để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng : Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu trạnh giải phóng loài người". Những chữ in hoa và đậm là do ông Trọng thêm vô. Lớp thanh niên có thể không biết cuốn tiểu thuyết này nhưng lớp già không mấy ai lạ với nó. Bởi những năm đầu sau 1975, bộ phim "Thép đã tôi thế đấy" được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên màn ảnh nhỏ và đi vào cả những bài nghị luận từ phổ thông cấp 3 lúc bấy giờ. Có lẽ tuổi già cùng bịnh hoạn nặng nề, làm cho vị giáo sư tiến sĩ chuyên ngành Xây Dựng Đảng quên lãng nhà văn Nga chăng (?!). Giới quan sát cũng lấy làm lạ - "cả một đời vì nước vì non" với hàng chục cuốn sách được phát hành từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết ra, trường phái Kính yêu không trích dẫn nổi một câu nào trong đó (!).
Tuy vậy, việc trích dẫn văn chương lại "quên" nêu tên tác giả của ông Nguyễn Phú Trọng và cũng không có một câu "châm ngôn" nào do ông ta chắp bút được dẫn ra, vẫn không hề làm suy suyển lòng thương yêu và nhiều người trong trường phái Kính yêu xem ông ta dường như trở thành nhân vật Hồ Chí Minh thứ hai, thông qua đám tang.
Hơn 13 năm nắm chức vụ cao nhứt của Đảng cộng sản Việt Nam, phải công tâm thừa nhận, ông Trọng không hề để lại tai tiếng dính líu đến tham nhũng về mặt công khai, cũng như không hề có biểu hiện chống lưng cho con cái. Chỉ đến khi mất đi, đa số người dân mới tỏ tường ông ta có hai con (1 trai và 1 gái) đều là những công chức bình thường.
Linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng được lồng kính và kéo trên một xe tải đại pháo như một tướng lãnh vừa ngã trên chiến trường
Trường phái Kính yêu xem ông Trọng như một nhà Đức Trị mẫu mực nhứt tại Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ qua.
"Dụng đức trị quốc" nhưng người muốn thực hiện "Đức trị" cần phải am hiểu : Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ. "Đức trị" thành toại cũng phải dựa trên nền tảng mọi quyền bính phải nắm trong tay và nguồn lực kinh tế phải chắc chắn điều khiển, kiểm soát được.
Xét theo tiêu chí của thuyết Đức trị từ thời Khổng Tử, ông Trọng có vẻ chu toàn và dừng lại ở việc Tu thân - Tề gia. Xét về hình thức, ông Trọng nho nhã với vẻ bề ngoài, cùng những lời tuyên bố chỉ dừng lại mang tính cổ động - khích lệ và răn đe. Do đó nên nhìn nhận chính xác hơn : Nguyễn Phú Trọng - Một nhà đức dục.
Nam Gia
Nguồn : RFA, 03/08/2024
[1] https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/8540-v-hai-l-i-tuyen-b-c-a-t-ng-bi-th-nguy-n-phu-tr-ng