Nạn mua bán ma túy : càng chống, càng tăng vì đâu ? (RFA)
Thực hiện "Tháng hành động phòng, chống ma túy" từ ngày 1 đến ngày 30/6/2024, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo đã khám phá 330 vụ án về ma túy, tăng 120 vụ so với cùng thời điểm năm ngoái.
Pano tuyên truyền tránh xa ma túy trên đường phố Sài Gòn - AFP
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, công tác đấu tranh phòng chống ma túy vẫn còn một số khó khăn như công tác rà soát, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng vẫn còn hạn chế, thân nhân một số người nghiện chưa cộng tác trong quản lý, động viên người nghiện tự nguyện áp dụng các hình thức cai nghiện ma túy.
Một cựu công an yêu cầu ẩn danh nói với RFA quan điểm của ông :
"Trong xã hội Việt Nam, ma túy đầy rẫy. Con nghiện khắp nơi, mua bán nhiều chỗ công khai. Công an biết hết đường dây ma túy đó do ai cầm đầu, lấy hàng ở đâu, gồm những ai tham gia vì mạng lưới đặc tình dày đặc. Một công an khu vực phải xây dựng ít nhất hai đặc tình. Những công an điều tra về ma túy càng phải xây dựng nhiều đặc tình hơn.
Lực lượng cảnh sát chống ma túy có chỉ tiêu phá án ma túy theo tháng, quý, nửa năm và năm nên công an phải dung dưỡng những người mua bán ma túy để duy trì thành tích. Bên cạnh đó còn thu lợi bất chính bằng hình thức bảo kê. Khi nào có chiến dịch thì công an sẽ thông báo cho những tổ chức lớn tránh mặt và chỉ bắt những con tép nhỏ rồi xét xử, coi như phá một vụ án.
Theo tôi, sẽ không bao giờ diệt được nạn ma túy bởi những lý do sau : Thứ nhất, nếu diệt sạch ma túy thì công an không thu được tiền từ nguồn tội phạm này. Thứ hai, nếu không còn ma túy thì lực lượng chống ma túy sẽ không còn hoặc phải tinh giản. Mà tinh giản thì lực lượng công an sẽ yếu đi. Nó giống như một vị bác sĩ vô lương tâm, chỉ cho thuốc uống sao cho bệnh giảm chứ không hết vì nếu hết bệnh thì không thu được tiền từ con bệnh nữa".
Chuyện công an cấu kết bán ma túy từng được báo chí Nhà nước đưa tin, có thể kể như hai cựu công an Hà Tĩnh Phan Xuân Hải và Phạm Quang Dương bị án tù về tội "mua bán trái phép chất ma túy" trong phiên tòa diễn ra hôm 17/7 vừa qua. Tháng 4/2024, bà Bùi Thị Ngọc Bích, một công an ở Hải Phòng bị tạm giữ hình sự với cáo buộc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Nhận định về việc công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám phá 330 vụ án về ma túy chỉ trong một tháng, ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn nêu quan điểm của ông với RFA :
"Theo tôi, ở Thành phố Hồ Chí Minh lượng người dùng ma túy rất là nhiều và công an họ biết rất rõ ai xài, ai cung cấp nhưng họ không bắt. Lực lượng trinh sát tại các phường và tổ dân phố rất đông và họ cũng biết hết những hoạt động liên quan đến ma túy nhưng họ để đó nuôi án.
Rồi tới khi cần lấy thành tích thì họ triển khai quân bắt, đạt chỉ tiêu rồi lên chức, lên lương… Bởi vậy mới có chuyện vừa phát động trong một tháng đã bắt 330 vụ, tức trung bình mỗi ngày 11 vụ. Nếu họ không biết trước thì không thể nào họ làm lẹ vậy được hết, bởi quy trình làm việc của công an rất rườm rà. Họ phải lên phương án, thăm dò địa bàn, tìm đối tượng sử dụng rồi theo dõi đường dây cung cấp mất rất nhiều thời gian".
Một báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho thấy, tính đến ngày 14/6/2023, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn quốc là 248.643 người.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 138 Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn về việc giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Ban này giao công an thực hiện công tác chuyển hóa, xây dựng địa bàn không tội phạm và tệ nạn ma túy.
Ban chỉ đạo 138 là cơ quan phối hợp liên ngành, có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn. Ban chỉ đạo 138 sử dụng con dấu của UBND xã để hoạt động.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng sẽ không có chuyện diệt hết nạn ma túy. Ông giải thích :
"Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những quán bar hay những hoạt động gọi là nhạy cảm, có liên quan ma túy đều là những hoạt động có điều kiện, tức là họ kiểm soát rất kỹ. Chính vì kiểm soát kỹ như vậy nên phải có "anh Hai, anh Ba" nào đó đứng ra đỡ đầu. Những người này là công an, thậm chí là công an phòng chống ma túy. Họ đứng ra bảo kê cho những quán này.
Qua vụ tiếp viên hàng không Việt Nam xách ma túy mà không bị khởi tố cho thấy đường dây ma túy cung cấp cho Việt Nam vẫn còn tồn tại. Một luật pháp rất chặt chẽ với đội ngũ thi hành pháp luật hùng hậu nhưng con voi ma túy vẫn chui tọt lỗ kim, cho thấy con người chỉ làm việc để tránh né pháp luật thôi".
Tháng 8/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa 13 bị cáo nguyên là cán bộ, chiến sĩ công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú ra xét xử sơ thẩm do bảo kê việc mua bán, sử dụng ma túy. Theo cáo trạng, lực lượng công an đã bắt hàng chục người liên quan đến ma túy lên phường. Sau đó, các cán bộ công an cho các đối tượng bị bắt gọi điện cho người thân đem tiền đến nộp để được tha về và không bị xử lý theo quy định pháp luật.
Luật của Việt Nam quy định án tử hình đối với các trường hợp mua bán trái phép chất ma túy bao gồm : nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng năm kg trở lên ; Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên. Người vận chuyển từ 300 gam trở lên các chất ma túy có thể bị phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Nguồn : RFA, 01/08/2024