Tiêu chuẩn làm người ở Việt Nam : Phải là quán quân đường đua (Nguyễn Nhơn)

Tôi thấy sinh ra lớn lên ở Việt Nam nó mệt nhọc thiệt chứ.

Từ đầu cho đến tận cuối đời, cứ như được đặt trên một giàn tên lửa hay ở giữa đấu trường, chỉ được phép lao tới, vượt lên, cuộc đời là một cuộc cạnh tranh liên tục từ đầu đến cuối với liên tiếp các cột mốc phải đạt được. Còn có thực sự sống hay không, sống có giá trị không, sống có vui không đối với chính bản thân mình thì chẳng ai chỉ bảo, bày dạy hay yêu cầu.

lamngoi1

Trẻ em Việt Nam vẫy cờ nhân ngày khai trường ở Hà Nội năm 2004 – Reuters/Kham KHAM

Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục gia tăng

Một chuyện rất phổ biến là từ khi chưa tượng hình, thậm chí khi cha mẹ chưa gặp nhau, đứa bé tương lai đã được yêu cầu phải đáp ứng bằng được một số điều kiện.

Phải là con giai này, để sau này có thằng chống gậy. Con giai rồi thì phải sinh ra ở thành phố lớn để có hộ khẩu và môi trường/điều kiện tốt sẵn có như nhà cửa, để sau này tiết kiệm được vài chục năm phấn đấu (mua nhà), để dễ xin việc hoặc kiếm trường cho con này. Thành phố lớn rồi thì phải cầm tinh con rồng, con cọp hay con heo này (những con này được cho là mệnh mạnh hay cuộc đời nhiều may mắn). Cầm được tinh rồi lại phải sinh ra đúng vào giờ ấy, ngày ấy để phù hợp với cha mẹ, giúp mang lại tài lộc thịnh vượng.

Nếu thiếu một trong cả mớ điều kiện trên thì tùy từng trường hợp, có thể vẫn được ưu ái cho ra đời và được nuôi dạy. Nhưng xui xui, ví dụ cha mẹ đang mong con giai mà cái thai lại là gái thì không ít cha mẹ sẵn sàng kết liễu luôn đời con ngay từ trong trứng để đầu tư một đứa con khác, "chuẩn" giới tính con giai.

Theo các chuyên gia nhân khẩu học Việt Nam, từ năm 2003, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục gia tăng. Năm 2019, tỷ số này là 111,5 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2021 là 113,8 bé trai/100 bé gái. Trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi (Báo cáo dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA). Năm 2022, số thai nhi là con gái bị cha mẹ phá thai là 45.900 trẻ.

Nếu các điều kiện đầu tiên đã đủ nhưng ông giời lại muốn nó ở lâu hơn tí trong bụng mẹ, lệch với ngày giờ vàng để chào đời, thì cha mẹ chúng lao đi yêu cầu bác sĩ cho mổ đẻ, chọn giờ. Thằng cu con hĩm có chưa muốn chui ra khỏi bụng mẹ theo cách ông Giời sắp xếp cũng mặc kệ, cứ phải bị lôi ra. Vì so với cái trọng trách vượng tài cho cha mẹ thì sức khỏe tiên thiên của chúng và sức khỏe hậu sản của mẹ chúng chỉ đáng xếp hạng thứ hai trở đi.

Sau bao nhiêu rượu thuốc, thức ăn bổ, ngày giờ động tác tư thế trồng cấy tỉ mỉ đúng chuẩn, cuối cùng đứa con vàng con ngọc đã ra đời. Chúng bắt đầu lớn lên, đi học.

Chặng đua thứ hai cũng bắt đầu

Ở khúc này, yêu cầu của bọn trẻ là phải đọc thông viết thạo trước khi đi học chữ. Biết nói tiếng Anh trước khi biết nói tiếng mẹ đẻ. Chúng phải đứng đầu lớp hoặc đạt loại Xuất sắc trong tất cả các môn học. Cùng lúc đó, chúng phải trở thành vận động viên bơi lội, nữ vũ công, nam nhạc công, kỳ thủ, quán quân trong tất cả các cuộc thi kêu gọi phiếu bầu chọn từ cấp mẫu giáo trở lên. Nếu cha mẹ có một chức vụ hơi to to ở cơ quan nhà nước thì chúng còn phải đảm bảo việc giữ gìn uy tín cho cha mẹ bằng cách mỗi học kỳ đều phải tăm tắp mang về một bảng điểm Xuất sắc. Hai việc này tưởng không liên quan thế nhưng các bố mẹ quan chức đều lấy làm liên quan không tưởng.

Nếu sống sót trong cuộc đời như thế đến cấp 3 thì chúng tiếp tục được đặt lên vai trọng trách mới : Phải hoàn thành các ước nguyện chưa thành hoặc dang dở của cha mẹ, hoặc thậm chí của ông bà nội ngoại.

Nghĩa là nếu cha mẹ ước là ca sĩ nhưng đã rớt từ vòng gửi xe thì con cái phải đi học thanh nhạc đến đứt cả dây thanh, rồi tham gia tất cả các cuộc thi tuyển chọn ca sĩ từ cấp ấp trở lên. Nếu cha mẹ làm công nhân nhưng trước kia ước ao là bác sĩ thì con cái dù có thích nghề khác, hoặc học lực không thi đậu trường Y cũng phải luyện thi nát người ra, đậu bằng được cái trường Y bất chấp nó có thực lực đào tạo hay không. Miễn sau này cầm được tấm bằng bác sĩ về cho cha mẹ đi khoe khắp họ hàng hang hốc.

Nếu cha mẹ giữ những chức vụ chủ chốt trong cơ quan nhà nước thì dĩ nhiên muốn có cái hạnh phúc của dân tộc (năm 2015, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, thời điểm đó là Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói nếu con em của cán bộ lãnh đạo mà tiếp tục được tín nhiệm giao cho các trọng trách thì đó là hạnh phúc của dân tộc).

Một bạn trẻ 27 tuổi nói với tôi, rất thành thật : Chỉ khi nào cha mẹ qua đời, em mới được sống cho chính mình.

Bạn trẻ trên là con trai một, cha mẹ đều là quan chức trong ngành ngân hàng nên từ bé đã được đổ khuôn là sau này kế thừa sự nghiệp của cha mẹ. Sẵn thâm niên và các mối quan hệ trong ngành thì đứa con đã được đổ sẵn bệ phóng, chỉ cần bước lên ngồi vững đã đủ cao hơn người khác.

Nhưng em ấy lại ước ao làm một nhiếp ảnh gia, được tự do đi chụp ở đường phố những gì thú vị nhất trước đôi mắt của em ấy.

- Cái nghề bông lông, không ổn định, thu nhập bấp bênh, không có tương lai - Cha mẹ em ngăn cản.

Không tuân theo cha mẹ thì mẹ bỏ ăn, dọa tự tử.

Em đành phải vào trường Tài chính – Ngân hàng, cố học cho xong rồi mặc cha mẹ sắp xếp.

Lương thưởng cao, cha mẹ hài lòng, tương lai ổn định chắc chắn. Nhưng em không hạnh phúc. Tuy thế, em cố gắng chịu đựng ngày qua ngày, mục đích để làm cha mẹ hài lòng, "vì cha mẹ đã lo lắng cho em cả đời".
Nhưng trách nhiệm lý trí không trói buộc được sự mê thích bẩm sinh. Em loay hoay trong đó đến nỗi hình thành trong vô thức một mong muốn thầm kín : chờ ngày cha mẹ không còn để bản thân mình được sống thật sự hạnh phúc như mình muốn.

***

Trầm luân qua các level kể trên rồi thì cũng đến ngày con cái trưởng thành.

Ấy, nhưng chớ mong mọc lông cánh rồi thì được cho bay khỏi tổ.

Vì đây là giai đoạn hao hết tâm tư của các bà mẹ : Dựng vợ, gả chồng cho con.

Thôi thì, phải con dòng cháu giống, phải có nhà có xe, vượng phu ích tử, còn trinh, (nếu từng có vợ/chồng trước đó thì) không có con riêng, anh em càng ít càng tốt (để về làm dâu/làm rể không phải cạnh tranh so sánh với ai, sau này thì không phải chia di sản thừa kế với ai)…

Con gái của chị bạn tôi yêu một anh dân công giáo, trong khi gia đình cô gái cộng sản toàn tòng. Nên mẹ nó dứt khoát không chịu, bắt chia tay bằng được.

Áp lực quá, cuối cùng con bé cũng chia tay. Chia xong, nó sống như cái máy : làm việc, về nhà giúp bà ngoại hay cha mẹ cơm nước dọn dẹp, làm tài xế chở mẹ đi đây đi kia. Mỗi thế thôi, còn đâu nó không bạn bè, không gặp gỡ người khác giới nào nữa cả.
Đến khi con gái ngoảnh qua ngoảnh lại thấy đã có tóc trắng trên đầu, bà mẹ mới quíu hết chân tay. Tự động giảm tiêu chuẩn xuống, chỉ cần miễn là đàn ông, nghèo hay từng có gia đình con riêng OK tuốt. Dù sao thì gia đình bà cũng có tiền !

May sao, con bé đã tự tìm lối đi riêng : nó đăng ký đi học thêm chuyên môn ở một nước Châu Á, rồi sẽ tìm cách ở lại định cư luôn.

Chỉ có thế, bà mẹ dài tay của nó mới không thể can thiệp vào việc chọn lựa bạn trai hay bạn đời của nó.

Những ví dụ tương tự có đầy rẫy xung quanh bạn. Hỏi bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể ra một thúng chuyện tương tự.

Cứ thế cứ thế, một vòng lặp ở mức độ cao hơn, tinh tế hơn, diễn ra hết đời này đến đời khác. Ta bị cuốn vào trong, có thể ý thức được nó hay là không, nhưng rất ít người có thể thoát khỏi. Vì nhìn đâu cũng thấy nhiều người, nhiều gia đình, nhiều thế hệ đều đang sống như thế. Như một cái chuẩn không thành văn nhưng đổ khuôn tất cả.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 17/07/2024