'Ngoại giao cây tre' : từ Đổi mới đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (BBC)

"Ngoại giao cây tre" được đánh giá là một trong những di sản nổi bật về đối ngoại của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực ra, đây là một chủ trương đã đi vào thực tiễn trước thời ông Trọng rất lâu.

caytre1

Khái niệm "ngoại giao cây tre" lần đầu tiên được ông Trọng đưa ra hồi năm 2016.

Kể từ đó, khái niệm này thường xuyên được sử dụng để gọi đường lối đối ngoại mà giới lãnh đạo Việt Nam đánh giá là "rất đặc sắc và độc đáo".

Hà Nội từ trước tới nay thường tuyên bố muốn "làm bạn với tất cả các nước" và thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không", với "đường lối đối ngoại đa phương, uyển chuyển" như hình tượng cây tre - vừa cứng chắc, vừa mềm dẻo, vừa linh hoạt : cứng chắc về mặt nguyên tắc, linh hoạt về cách thức, về chiến thuật thực hiện.

Đây chính là phương châm mà ông Hồ Chí Minh đã nói trong giai đoạn chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời : "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Lấy cái bất biến là độc lập dân tộc (và chủ nghĩa xã hội) để ứng phó với vạn biến của tình hình thế giới.

Trước khi qua đời hôm 19/7, ông Trọng đã kịp đi những bước đi mang tính cột mốc chỉ riêng trong ba tháng cuối năm 2023.

Tháng 9/2023, Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nước nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Tháng 12/2023, Hà Nội đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" với Bắc Kinh sau nhiều năm lảng tránh.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã tự hào nói rằng nền ngoại giao cây tre của Việt Nam "ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi", truyền thông Việt Nam dẫn lời ông vào ngày 19/12/2023.

Một số nhà quan sát trong nước và quốc tế, trong khi đó, lại có những cái nhìn đa chiều hơn về chiến lược này.

'Ngoại giao cây tre' có trước thời ông Trọng

Tên gọi "ngoại giao cây tre" có thể được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ra và được tuyên truyền mạnh mẽ dưới thời ông Trọng, nhưng thực ra đường lối đối ngoại "làm bạn với tất cả các nước" đã có một lịch sử lâu dài.

Sau Chiến tranh Việt Nam và tiếp theo là sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Việt Nam dần mở cửa từ chủ trương Đổi mới.

Bước ra từ chiến tranh và cấm vận, trong bối cảnh thế giới hai cực dần dịch chuyển sang đa cực, giới lãnh đạo Việt Nam nhận thấy rằng không thể bám vào một phe như trước, khi mà Liên Xô thì đã tan rã, còn Trung Quốc thì vừa đánh nhau với Việt Nam và còn nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải về chủ quyền lãnh thổ. Thế nên, Hà Nội đã chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa theo phương châm "thêm bạn bớt thù".

Tại Đại hội 7 (tháng 6/1991), Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ trương : "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".

Hội nghị Trung ương 3, khóa 7 (tháng 6/1992) đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác đối ngoại, đề ra chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa..., trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc.

Đây chính là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam từ đó đến nay, mà sau này được cụ thể hóa và truyền thông rầm rộ dưới tên gọi "ngoại giao cây tre" như là một phát kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ trương này thể hiện trên thực tiễn với nhiều sự kiện nổi bật từ thập niên 1990 đến nay : Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, xác định lại quan hệ với Nga và các nước Đông Âu thời hậu xã hội chủ nghĩa, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế.

Đường lối này, qua mỗi kỳ đại hội, càng được nâng cao và đi vào chi tiết hơn.

Chẳng hạn, Đại hội 10 (tháng 4/2006) xác định "thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển ; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế ; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước".

Từ đó, danh sách các nước có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam ngày càng nhiều và đa dạng : Trung Quốc (2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).

Có thể thấy, "ngoại giao cây tre" về thực chất là một chủ trương của Đảng cộng sản đã đi vào thực tiễn từ rất lâu trước khi ông Trọng lên lãnh đạo đảng.

Chủ trương này là một sản phẩm đã có mặt trên thị trường, đã được sử dụng, đến thời ông Trọng thì nó được gắn cho một thương hiệu - "ngoại giao cây tre" - và tuyên truyền mạnh mẽ.

'Linh hoạt, kiên định nhưng thiên về ứng phó'

Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Boston, nói với BBC hôm 25/7 rằng chính sách ngoại giao cây tre của ông Trọng "dĩ nhiên là có điểm yếu".

Ông Khang Vũ phân tích :

"Việt Nam không có đồng minh quân sự và không rõ có nước nào sẵn lòng giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích khi có xung đột vũ trang.

"Tuy nhiên, điểm yếu này thực sự không phải là quá lớn, khi ngoại giao cây tre giúp Việt Nam tránh một cuộc chiến tranh không cần thiết ngay từ đầu, làm giảm sự cần thiết đối với một đồng minh quân sự trong thời bình.

"Nếu Việt Nam đủ quan trọng với các cường quốc, thì họ vẫn sẽ giúp Việt Nam khi Việt Nam cần kể cả khi Việt Nam vẫn giữ vững trung lập.

"Chính sự trung lập này giúp các cường quốc yên tâm là Việt Nam sẽ không làm tổn hại lợi ích của họ".

Bàn về việc quốc tế có thật sự "thừa nhận rộng rãi" nền ngoại giao cây tre của Việt Nam như ông Trọng nói hay không, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định với BBC vào cuối năm 2023 :

"Các đánh giá về ngoại giao cây tre của Việt Nam chủ yếu do các học giả Việt Nam trong và ngoài nước nghiên cứu và phổ biến qua các bài viết và phát biểu, không nhiều các học giả nước ngoài chú ý đến vấn đề này".

"Việc 'đề cập' hay 'nói đến' (mention) và 'thừa nhận' (recognise) là hai chuyện khác nhau.

"Đề cập chưa hẳn là thừa nhận và thừa nhận nhiều khả năng mang hàm ý rằng đã đề cập.

"Các học giả quốc tế, theo quan sát của tôi, ưa thích thuật ngữ 'hedging' (phòng bị nước đôi) hay 'balancing' (cân bằng) hơn".

Ông Sáng nói rằng để quốc tế thừa nhận thì Việt Nam cần chú ý hơn đến các hoạt động mang tính thực tiễn, bên cạnh phổ biến chính sách này qua đường truyền thông, tránh "vừa đề ra chính sách rồi lại tự khen hoặc nghĩ là quốc tế khen mình".

Khen chính sách ngoại giao cây tre của ông Trọng "uyển chuyển" nhưng "kiên định về nguyên tắc", Tiến sĩ Sáng đồng thời lưu ý rằng trong nền hòa bình mong manh hiện nay, khi các quốc gia luôn dè chừng lẫn nhau và không phải lúc nào cũng thực tâm trong đối thoại, thì "ngoại giao cây tre" dễ bị hiểu là thiên về "ứng phó" (bị động) thay vì hành động có tính chủ động - nhất là thể hiện vai trò lãnh đạo trong các thể chế khu vực.

'Không phù hợp trong thời đại mới'

Giáo sư Alexander L Vulving từ Hoa Kỳ, bình luận với BBC nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi cuối năm 2023, nói rằng chính sách "ngoại giao cây tre" chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong thời kỳ mới, với "tranh chấp Đông-Tây mới - Mỹ và phương Tây một bên, Trung Quốc và Nga một bên", thì công thức ngoại giao này "không phải là giải pháp hữu hiệu", ông nói.

"Gió to, gió lớn thế này, thì tre sẽ không chịu được, bật gốc, chắc phải dùng biện pháp khác.

"Nói một cách hình tượng là cây tre Việt Nam hoàn toàn có thể bị con gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Việt Nam phải tìm phương cách khác", nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Mỹ nói với BBC.

Bàn về viễn cảnh hợp tác Việt-Trung, Giáo sư Vuving nói rằng ông "không lạc quan" vì có một số hợp tác mà theo ông lợi cho Trung Quốc hơn là Việt Nam.

Ông nêu ví dụ về đất hiếm, Việt Nam chỉ khai thác và cho xuất khẩu thô giá rẻ trong khi Trung Quốc nắm mọi công nghệ chế biến, như vậy Việt Nam sẽ thiệt thòi và trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.

'Mềm mại, linh hoạt nhưng phải thực chất'

Một học giả khác từ Mỹ, Giáo sư Zachary Abuza từ Trường Đại học National War College nói rằng ông "không thấy ấn tượng" trước "ngoại giao cây tre" của Việt Nam vì "chỉ mang tính biểu tượng".

Ông nói ông quan tâm nhiều hơn đến "thực chất của các mối quan hệ".

Ông nói với BBC vào cuối năm 2023 :

"Việt Nam đã nhận được nhiều lời tán dương cho nền ngoại giao cây tre.

"Cá nhân tôi thì không thấy ấn tượng từ các cuộc họp thượng đỉnh và tầm quan trọng của hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao đơn phương của phía Việt Nam.

"Chúng chỉ mang tính biểu tượng và tôi quan trọng về bản chất thực sự các mối quan hệ này hơn".

Xem xét "thực chất của các mối quan hệ" giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, tác giả Thục Quyên từ Đức, trong một bài viết gửi BBC hồi tháng 9/2023, bình luận :

"Cây tre Việt Nam có trụ được trong gió bão hay không xét cho cùng là nhờ cái gốc vững hay không, và đây là vấn đề nội trị, là năng lực làm việc của bộ máy do Đảng Cộng sản lãnh đạo".

Một số sự kiện gần đây

Ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Hà Nội, hội đàm với Chủ tịch nước Tô lam và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây là lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của ông Trọng trước khi qua đời vào ngày 19/7.

Chuyến thăm này đã vấp phải chỉ trích của nhiều nước, trong đó có Mỹ.

"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình", người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói hôm 17/6.

caytre2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội vào tháng 6/20/2024.

Từ ngày 12-13/12/2023, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Với tổng thời gian ở Việt Nam gần 30 giờ đồng hồ, lãnh đạo Trung Quốc đã có một lịch trình dày đặc.

Dịp này, hai nước đã nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc".

caytre3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong lễ đón tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 12/12/2023.

Từ 10-11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong khoảng 24 giờ ở Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các hoạt động ngoại giao dày đặc.

Trong dịp này, ông Trọng đã hội đàm với ông Joe Biden và hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

caytre4

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ đón do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 10/9/2023.

Từ 27-28/2/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đóng vai trò nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn lần hai.

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tới Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội.

Ông Trump đã gặp ông Nguyễn Phú Trọng trong dịp này.

caytre5

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump vào ngày 27/2/2019.

Tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Ông Trọng thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên vào tháng tháng 9/2015 trên cương vị tổng bí thư. Chuyến thăm diễn ra sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á năm 2014.

Trong chuyến thăm nói trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzo đã thông qua Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

caytre6

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự ngày 15/9/2015.

Từ 22-23/1/2013, ông Trọng thăm chính thức Vương quốc Anh trên cương vị tổng bí thư.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tới Vương quốc Anh, đánh dấu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Anh và ba năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Chuyến thăm được báo chí Việt Nam đánh giá là đã thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa các nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược.

caytre7

Thủ tướng Anh David Cameron tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 7/7/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phá vỡ thông lệ khi tiếp người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú trọng tại Phòng Bầu Dục.

caytre8

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục

Trong suốt thời gian trước đó, các cơ quan ngoại giao Việt Nam đã có một chiến dịch vận động phía Mỹ để chuyến thăm của ông Trọng diễn ra và ông được đón tại Nhà Trắng.

Từ tiền lệ này, ông Trọng đã có nhiều hoạt động với vai trò của nguyên thủ quốc gia trên thực tế.

Ông đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden và đã đón tiếp ông Biden tại Hà Nội.

Nguồn : BBC, 27/07/2024