Không ngờ có quá nhiều người biết rõ Nguyễn Phú Trọng là ai (Tổng hợp)

Ông Trọng để lại Đảng cộng sản Việt Nam ở thế chín muồi cho sự cai trị độc tài

David Hutt, RFA, 22/07/2024

Ông Trọng, người mà chiến dịch chống tham nhũng đã bị ông Tô Lâm tiến chiếm để loại bỏ đối thủ, đã phá vỡ các chuẩn mực và quy tắc quan yếu của Đảng.

Ngày 19/7, Đảng cộng sản Việt Nam thông báo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Một ngày trước đó, họ thông báo rằng ông Trọng, chính trị gia 80 tuổi được xem là người có quyền lực nhất đất nước, đã được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe.

npt3

Minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA. Adobe Stock

Ông đã không tham dự số cuộc họp quan trọng trong những tháng gần đây và thậm chí khi tham dự, ông có vẻ không khỏe mạnh và đi không vững. Ông đã bị đột quỵ vài năm trước nhưng dường như sau đó đã hồi phục.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ ba gần như chưa từng có tiền lệ của ông đã bị cắt ngắn. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an – người vừa được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng trước, giờ đây sẽ đảm nhận nhiệm vụ của ông Trọng.

Lãnh đạo Đảng từ năm 2011, ông Trọng đã cố gắng làm sống lại một thế chế, đang sa lầy trong các cuộc tranh đoạt cá nhân, tìm kiếm lợi ích và tiến thân trong giai đoạn đầu những năm 2010.

npt4

Một người đi xe ngang qua bức áp phích cổ động cho Đại hội Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam vào 22/1/2021 tại Hà Nội. Nguồn ảnh : Nhac Nguyen/AFP.

Tham nhũng tràn lan đến mức công chúng không còn 'tâm phục, khẩu phục". Tư tưởng và đạo đức đã đã không còn được xem trọng. Các phong trào dân chủ đe dọa sự độc quyền về quyền lực của Đảng. Khu vực tư nhân không chỉ giàu có mà còn mong muốn có nhiều quyền lực chính trị hơn.

Nhưng cái thể chế mà ông Trọng nỗ lực chữa trị đã được để lại với hiện trạng như thế nào ?

Ở bên ngoài, sự độc quyền quyền lực của nó an toàn hơn. Đảng đã gia tăng đàn áp các nhà hoạt động và dân chủ trong khi xoa dịu dân công chúng bằng việc hạ bệ những kẻ tham nhũng lớn/có tên tuổi.

Khu vực tư nhân cũng đã bị hạn chế do đó không tạo ra mối đe dọa nào đối với quyền lực chính trị của Đảng. Nền kinh tế đã bảo vệ Đảng khỏi bất kỳ hậu quả/sự trừng phạt đáng kể nào từ phía phương Tây liên trong vấn đề nhân quyền.

Chiến dịch "Đốt lò"

Tuy nhiên, trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, ông Trọng đã để lại một sự bung bét.

Ông Tô Lâm, với tư cách là Bộ trưởng Công an và Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã sử dụng chiến dịch "Đốt lò" chống tham nhũng của ông Trọng một cách nghệ thuật để thúc đẩy các lợi ích của mình, loại bỏ một cách hiệu quả những ai có thể là đối thủ của mình trong cuộc đua giành chiếc ghế của ông Trọng vào năm 2026.

Nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã bị sa thải hơn bất cứ lúc nào mà chúng ta có thể nhớ. Hai Chủ tịch nước đã "từ chức" trong vòng hai năm. Nhân sự Bộ Chính trị hiện nay chủ yếu là các nhà quân sự và an ninh trị - hai phe phái duy nhất (đôi khi là đối thủ của nhau) – còn lại nắm giữ quyền lực.

Ông Tô Lâm, nếu chính thức trở thành quyền Tổng bí thư (việc này Bộ Chính trị sẽ phải bỏ phiếu), sẽ ở một vị thế đắc địa để duy trì chức vụ này trong năm 2026. Người ta hình dung rằng ông ta có những ý tưởng rất khác ông Trọng về bản chất của Đảng cộng sản (ĐCS).

Trong thời kỳ đầu của chiến dịch chống tham nhũng, ông Trọng đã phát biểu rằng ông không muốn "ném chuột vỡ bình", hàm ý rằng chống tham nhũng là để bảo vệ một ĐCS mỏng manh chứ không phải để phá nó thành từng mảnh.

npt5

Chủ tịch nước Tô Lâm, phía trước bên phải và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, phía sau bên phải, viếng thăm Tượng đài Độc lập ở Phnom Penh ngày 13/7/2024. Nguồn ảnh : Tang Chhin Sothy/AFP

Tuy nhiên, trong nỗ lực tiêu trừ tham nhũng ở một thể chế tham nhũng, ông Trọng đã làm xói mòn hết tất các quy định mà Đảng cộng sản Việt Nam đã có để ngăn ngừa sự xuất hiện một nhân vật lãnh đạo tối cao ở vị trí cao nhất.

Ông Trọng đã vi phạm ba "chuẩn mực" lớn mà Đảng đưa ra vào đầu những năm 1990.

Các ủy viên Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ nghỉ hưu ở tuổi 65 và các cá nhân chỉ có thể giữ các vị trí cấp cao nhất tối đa hai nhiệm kỳ. Quan trọng hơn, không ai có thể cùng lúc nắm giữ hai trong bốn vị trí quyền lực nhất đất nước : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội.

Hệ thống "tứ trụ" này đã xây dựng một hình thức chọn người kế nhiệm. Những thay đổi nhân sự và phân chia quyền lực thường xuyên trong giới tinh hoa chính trị có thể giúp ngăn ngừa việc Đảng cộng sản nghiêng về phía độc tài.

Phá vỡ các chuẩn mực

Các chuẩn mực này đã tạo ra một cấu trúc mà ở đó các chính trị gia có thể đấu đá về các chính sách, thường khá khốc liệt, nhưng không không làm toàn bộ bộ máy phải sụp đổ vì chia rẽ. Có thể có sự luân phiên thường xuyên giữa các phe phái và mạng lưới địa lý (vùng miền) khác nhau, có nghĩa là không có một nhóm nào ngự trị quá lâu.

Hà Nội gọi đây là "dân chủ tập trung". Tất nhiên, nó không phải là dân chủ mà là một hình thức đa nguyên mà về lý thuyết, đã giúp ngăn cho Đảng không rơi vào tình trạng độc tài như ở Bắc Triều Tiên, Cuba hay Trung Quốc thời kỳ Tập Cận Bình.

Ông Trọng đã phá vỡ tất các các quy tắc này.

Từ năm 2018 đến năm 2021, ông đồng thời giữ các chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, là người đầu tiên làm điều này kể từ năm 1986 (Ông Tô Lâm dường như có khả năng lặp lại tiền lệ này).

Ông Trọng qua đời khi đang ở nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ 3 của mình – nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ thời ông Lê Duẩn có kỷ lục tại vị lâu như vậy. Ông không chỉ thường xuyên khiến Đảng bỏ qua các giới hạn về tuổi nghỉ hưu cho ông mà những ngoại lệ này đã được đưa ra một cách sẵn sàng và dễ dàng trong suốt thời kỳ ông nắm quyền lực (ông Trọng nhẽ ra phải nghỉ hưu vào năm 2021 hoặc sớm hơn).

npt6

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo sau lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội ngày 1/2/2021. Nguồn ảnh : Manan Vatsyayana/AFP

Đồng thời, chiến dịch chống tham nhũng đã tập trung hóa quyền lực vào tay một số ngày càng ít ỏi ủy viên Bộ Chính trị. Chính trị trong bộ máy Đảng ở cấp tỉnh thành đã bị loại bỏ và hạn chế để trao thêm quyền lực cho bộ máy Đảng cấp trung ương. Đảng thống trị chính phủ. Bộ Công an giám sát tất cả.

Điều này đã luôn xảy ra. Làm thế nào khác để làm sạch một tổ chức không thể làm sạch được – nơi quyền lực thường chảy dồn lên trên và kỷ luật được thực thi chỉ bởi những người ở trên quý vị ? Chiến dịch này làm gia tăng sự cần thiết phải có một bộ phận trong Đảng duy trì quyền lực vô thời hạn.

Ai có thể chỉ ra thế nào là đạo đức thực sự và những cán bộ nào là thực sự có đạo đức ? Có một nhóm người trong Đảng đã và đang điều hành chiến dịch chống tham nhũng này.

Trong một bài phát biểu về chủ đề này, ông Trọng hối thúc Đảng "tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo ; công khai sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát".

Việc thanh trừng, loại bỏ là nhằm mục tiêu thực hiện quan điểm không ai có quyền lực tuyệt đối trên Đảng. Bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng.

Thời điểm chín muồi cho cai trị độc tài

Tuy nhiên, để thành công, chiến dịch chống tham nhũng không chỉ đòi hỏi những cá nhân có đạo đức duy trì quyền lực ở vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực, nó còn cần có sự đổi mới thường xuyên của thậm chí nhiều cá nhân có đạo đức hơn để lãnh đạo Đảng trong tương lai. Như vậy, chiến dịch chống tham nhũng là cái gì đó chỉ có thể duy trì nếu những người có quan điểm tương tự có được các vị trí quyền lực. Nhưng điều này khó có thể xảy ra.

Thực sự, ông Trọng là một nhà tư tưởng, một người theo chủ nghĩa Mác-xít tận tụy, nhưng ông có nhiều phẩm chất của một nhà đạo đức học hơn các đồng chí của mình. Giống như ông Hồ Chí Minh, ông Trọng coi sự thoái hóa đạo đức là căn nguyên, gốc rễ của mọi vấn đề chứ không phải do cấu trúc/thể chế.

Thực tế, ông là một kiểu nhà xã hội chủ nghĩa như Che Guevara, người tin rằng để thay đổi một hệ thống, cần thay đổi hành vi của con người và rằng có thể hoàn thiện bản chất con người và tạo ra "con người xã hội chủ nghĩa mới" bằng cách tước bỏ bản năng tham lam, thích thăng quan tiến chức và thiên vị thân hữu/ưu ái người nhà (nepotism) của con người.

Thay vì thay đổi hệ thống, ông Trọng đã cố gắng thay đổi con người. Để làm như vậy đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào tay một số cái máy quyền lực/cán bộ trung thành (apparatchik) "có đạo đức".

Ông Trọng phát hiện ra rằng, cũng như hầu hết người bên ngoài đã biết, những người ở đỉnh cao của thể chế, đã lên được những vị trí đó chủ yếu là nhờ sự tham lam, tham nhũng và tận dụng quan hệ thân hữu – những thứ mà ông muốn chữa trị. Những kẻ cơ hội đột ngột xuất hiện và biết rằng họ có thể trừ khử đối thủ của mình bằng các cáo buộc tham nhũng. 

npt7

Công an áp giải nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (người ở giữa), sau phiên tòa xét xử ông liên quan tới các gian lận xung quanh các chuyến bay hồi hương thời Covid-19 tại Hà Nội ngày 28/7/2023. Nguồn ảnh : Anh Tuc/AFP

Tất cả mọi người có chút tầm quan trọng trong Đảng hoặc bộ máy nhà nước đều có những bí mật đáng xấu hổ (chĩnh mắm thối), vì vậy các cáo buộc cũng như việc từ chức, sa thải đã tăng lên gấp bội. Chỉ đơn giản rằng ai là người quyết định và quyết định tiết lộ chĩnh mắm thối nào thôi.

Giới quân sự và an ninh trị, các cán bộ an ninh và công an, những người đã giành giật quyền kiểm soát Bộ Chính trị, biết rõ nhất nên tìm những chĩnh mắm thối ở đâu.

Hơn 13 năm qua, ông Trọng đã bắt được một số con "chuột", nói theo cách ẩn dụ của ông ấy. Một số con thực sự to. Nhưng tham nhũng vẫn lan tràn và ông ấy đã khiến cho "chiếc bình" trở nên mỏng manh, dễ vỡ hơn.

Trước đây, một số nhà bình luận cho rằng ông Trọng đang trở thành một "Tập Cận Bình của Việt Nam" nhưng ông ấy đã không như vậy.

Nhưng việc ông ấy làm xói mòn các chuẩn mực của Đảng cộng sản và sự tích tụ quyền lực cần thiết để đấu tranh chống tham nhũng đã mở ra cánh cửa/cơ hội cho sự xuất hiện của một lãnh đạo tối cao, một cuộc đảo chính của độc tài, và một Đảng cộng sản ít đa nguyên và ít dựa trên sự đồng thuận hơn. 

David Hutt

Nguồn : RFA, 22/07/2024

David Hutt là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á (CEIAS) đồng thời là một cây viết chuyên mục cho tờ The Diplomat. Ông viết bản tin Watching Europe In Southeast Asia. Các quan điểm trong bài viết là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của RFA.

***************************

Nguyễn Phú Trọng, một đời còn lại gì ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 22/07/2024

Một đời người như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù đứng trên góc độ nào, thì vẫn có thể khẳng định đời ông là một đời cộng sản, và đương nhiên mọi lý tưởng, ước mơ, tâm huyết, ông dành cho sự nghiệp cộng sản, một sự nghiệp cộng sản có thành tựu. Thế nhưng, nếu hỏi với một đời cộng sản và lý tưởng của mình, ông đã để lại được gì trước khi nhắm mắt, e rằng câu trả lời rất mâu thuẫn.

npt1

Mâu thuẫn bởi lẽ người ta mới khen ông là người cộng sản thanh liêm đó, thì người ta cũng nguyền rủa ông là người cộng sản bảo thủ, hèn và tham lam. Những người yên mến ông, thần tượng ông thì xem ông như một vị thánh cộng sản, còn những người phản đối, phanh phui ông thì xem ông như một tội đồ.

Người yêu mến ông, hâm mộ ông luôn nhớ đến ông như một người đốt lò chống tham nhũng vĩ đại trong lịch sử các lãnh đạo Việt Nam, một người có một đời sống thanh bần, ngay trong lý lịch cũng nhận mình là thành phần "bần cố nông" và cả một đời làm lãnh đạo, chỉ đi một chiếc xe cũ kĩ, cọc cạch, trong lúc các lãnh đạo khác chọn siêu xe, chọn những thứ đắt giá.

Người hâm mộ ông, yêu mến ông luôn nghĩ về ông như một người coi trọng danh dự, đam mê văn chương, sống nhân văn và luôn khẳng định "dưới làn áo mỏng này là một trái tim hồng, rất hồng". Người ta luôn nghĩ đến một nhà quản trị kiệt xuất, vượt qua biết bao thế lực và cám dỗ để lèo lái con thuyền quốc gia, dân tộc. Nói sâu xa hơn, người hâm mộ ông luôn tin rằng ông là một nhà lãnh đạo anh minh, luôn lấy chữ Nhân làm nòng cốt.

Tuy nhiên, những người phản đối ông, lại nhìn thấy ông là một kẻ đóng diễn quá tốt trong vai trò người cộng sản thanh liêm của mình và đằng sau vai diễn ấy là những ngọn võ cao thâm có thể quật ngã mọi đối thủ trong trò chơi quyền lực, trong sàn đấu hết sức gay cấn và đầy thủ đoạn của chính trị Việt Nam hiện tại. Bởi người ta tin rằng nếu ông thực sự thanh liêm và coi trọng danh dự thì ông sẽ không cố chấp tham quyền cố vị và lèo lái vấn đề để thay đổi các qui định hiến pháp nhằm đạt mục đích làm lãnh đạo cho đến lúc già, lúc chết.

Và, nếu thực sự công tâm, thanh liêm, ông sẽ không bao giờ để các ứng viên Tổng bí thư bị rớt đài một cách đau đớn, từ Nguyễn Xuân Phúc cho đến Võ Văn Thưởng và sau này là Vương Đình Huệ. Nếu nhìn bề ngoài, có vẻ như đây là cuộc chiến giữa Tô Lâm và các đối thủ, nhưng nhìn sâu vấn đề, Nguyễn Phú Trọng lại đứng ở vai trò kẻ Tọa Sơn Quan Hổ Đấu (ngồi trên núi cao nhìn cọp cắn giết nhau). Và khi con hổ cuối cùng sống sót, chuyện gì sẽ xảy ra với nó, chắc ai cũng rõ.

Cuộc chơi của ông Trọng trong võ đài quyền lực lần này là cuộc chơi đứt hơi, tức tuổi già, phong độ không đủ, thể lực đã kém nhưng tham vọng thống lĩnh còn quá cao, khi con hổ cuối cùng liếm láp xong vết máu trên lưng của nó thì nó chuyển sang một cái tát cực mạnh vào kẻ đã bày cuộc chơi. Và, điều đáng nói là kẻ bày cuộc chơi hiểu và đề phòng điều này từ trước nhưng không còn đủ sức để chiến đấu hoặc để bỏ chạy, việc nhận một cái tát như một định mệnh, một chung cục của trò chơi.

Người không ưa ông, cho rằng trong thời đại mà ông lãnh đạo, dường như Việt Nam hết sức nhún nhường trước Trung Quốc và các quan hệ với phương Tây luôn ở mức cầm chừng, các đồng chí của ông, người nào nghiêng về phương Tây, có tư duy Tây hóa đều bị ông cho vào lò (chứ còn tham nhũng thì kẻ nào chả có, thậm chí kẻ tham nhũng tàn bạo vẫn nhơn nhơn ra đó thôi !). Lò chống tham nhũng của ông, dưới cái nhìn này, nó trở thành lò thiêu dành cho đối thủ chứ không phải lò thiêu của nhân dân dành cho kẻ tham nhũng.

Và, dưới thời ông lãnh đạo, dường như các đảng viên cộng sản bị đày đọa kinh khủng nhất. Những người bị ông đày đọa có thể đã vào lò, còn những người từng là đảng viên cộng sản hoặc công thần như đảng viên Lê Đình Kình, có đến 60 năm tuổi đảng, sống ngay gần "mặt trời", thế mà khi ông Kình bị chết tức tưởi, nửa đêm bị tấn công, tróc nã, giết chết như thể bị săn đêm bởi những người dưới quyền của ông Trọng... Ông Trọng không những không bảo vệ mà không có lấy một tiếng nói nào để giúp cho người còn sống thoát bớt kiếp nạn. Điều này còn ghê gớm hơn cả Hồ Chủ tịch, bởi chí ít, sau biết cố cải cách ruộng đất 1954 - 1955, Hồ Chủ tịch còn khóc lóc, buồn bã mấy ngày. Đến cả diễn để an ủi, ông Trọng cũng không có được.

Đặc biệt, những người không ưa ông cho rằng hình ảnh thanh liêm, thanh bần, bần cố nông của Nguyễn Phú Trọng chỉ là trò diễn kịch chính trị. Và đặc biệt, trong cuộc đời làm chính trị của mình, ông đã quá may mắn vì được chết đúng lúc. Bởi trong trò chơi tọa sơn quan hổ đấu của mình, ông quá tự tin mình là con người nhưng những con hổ đang đấu lại xem ông là con hổ và con chiến thắng sẽ đấu với ông trận cuối. May sao sức tàn lực kiệt, ông không chịu nổi cái tát của nó nên đổ gục, nếu không, ông kéo dài trận đấu, mùi hôi thối, đờm dãi của thân xác lộ ra, sẽ chằng còn chút thể diện nào. Bởi, nếu như vụ 3000 tỉ Capital bị phanh phui, châm ngòi cho nhiêui2 thức khác bị phanh phui, chắc chắn mọi thứ như thanh liêm, thanh bần gì đó của ông sẽ bị đụng chạm khó lường.

Hay nói khác đi, trong trò chơi chính trị của mình, ông rất may mắn, ông nhận được cái tát ân huệ đúng lúc, đúng thời điểm để đi vào lịch sử mà mọi thứ còn lại chẳng mấy ai phanh phui để làm chi, bởi chẳng ai dại ném cứt vào tượng thờ mình đã đặt trên bệ cho dù nó như thế nào, đó là luật chơi !

Và, ông chết rất đúng lúc, đó là thành công lớn nhất của một đời làm đảng viên cộng sản, ông chết khi ôm chức mà vẫn được ca tụng, vẫn được tôn sùng. Nói một cách khác đi, giả sử như có bàn tay nào đó tác động vào cái chết của ông dù vô tình hay hữu tình, thì bàn tay đó vừa là tội đồ vừa là ân nhân. Tội đồ bởi nó đã lấy đi sinh mệnh của ông, nhưng lại là ân nhân bởi nó đã lấy đi sinh mệnh trong lúc danh dự của ông chưa bị tổn thương, chưa bị phanh phui bất kì điều gì và ông vẫn là thần tượng của những người yêu mến ông.

Thứ mà cả đời ông cần là danh dự, bởi ông có thừa tiền. Điều này khác với thứ mà người khác cần, tức là tiền, không phải bởi họ thừa danh dự nhưng họ chưa đủ quyền lực để đảm bảo số tiền nhiều để mua danh dự. Ông có quyền lực, có tiền, làm sao người ta có thể đếm xuể, thứ ông cần là danh dự, và ông đã chết đúng thời điểm, đúng cơ hội, không hề sớm, cũng không hề muộn ! Ông chết với hình ảnh thanh liêm !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 22/07/2024

*****************************

Nguyễn Phú Trọng để lại tiếng ác cho Đảng

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 21/07/2024

Đúng như những dự đoán lâu nay trong dư luận xã hội : Nguyễn Phú Trọng sẽ không giữ nổi nhiệm kỳ thứ 3 của chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

npt2

Nguyễn Phú Trọng, người của nhiều mâu thuẫn

Có thể, khi Nguyễn Phú Trọng quyết định xé bỏ Điều lệ Đảng, quyết tự đặt mình vào "trường hợp đặc biệt" một lần nữa, để ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ 3 mà không thèm sửa điều lệ, thì người ta không nghĩ rằng ông ta có thể trụ hết cả nhiệm kỳ này. Dù khi đó, vấn đề sức khỏe của ông ta chỉ là một yếu tố không đến mức quá quan trọng. Khi đó dư luận cho rằng vấn đề ông ta bất chấp tất cả để ngồi lại, chỉ bởi đảng đang trong cơn khủng hoảng cực độ về nhân sự, chưa tìm được ai ưng ý để ông ta về vườn mà cái đảng vẫn cứ vững vàng ngự trị được trên đầu, trên cổ nhân dân. Vậy nên nếu có người, chắc ông ta sẽ về "làm người tử tế".

Bất chấp

Thế nhưng, những diễn biến liên tục của nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam trong việc tranh giành phe nhóm ẩn giấu đằng sau cái gọi là "Chống tham nhũng" đã lộ ra những vấn đề nghiêm trọng mà nhiều khi dù có cố tình, đảng cũng không thể giấu nổi. Và người ta đã dự tính rằng Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ bỏ dở nửa nhiệm kỳ còn lại của Khóa 13.

Thế rồi qua các Hội nghị trung ương lần này đến lần khác, người ta vẫn thấy Nguyễn Phú Trọng ôm luôn cả hai chân quan trọng nhất là Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Văn kiện.

Song song với những vụ bắt bớ hết sức giật gân và đột ngột, các nhân sự do Nguyễn Phú Trọng chọn lọc hết lần này sang lần khác với tiêu chí là "quan trọng nhất, cẩn thận và công phu nhất" đã lần lượt hoặc xộ khám, hoặc "tự nguyện xin nghỉ hưu" và được Đảng đồng ý theo cách của Nguyễn Phú Trọng quy định : "Đồng chí nào đã trót nhúng chàm thì xin nghỉ đi, hoặc trả lại tiền đi tôi tha cho, hoặc xử nhẹ cho" – Một câu nói điển hình của cái gọi là "Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa" của Nguyễn Phú Trọng.

Không những thế, những nguyên tắc nhà nước, các thủ tục ngoại giao cũng dần dần bị ông ta tùy thích xé bỏ mà không cần tiền lệ.

Những cuộc đón tiếp nguyên thủ nước ngoài, mặc dù Chủ tịch nước là người đưa ra lời mời và vẫn còn sờ sờ ra đó chứ chưa bị "virus lạ" thì Nguyễn Phú Trọng với vai trò Tổng bí thư Đảng chẳng có vai trò gì trong đón tiếp quốc khách, vẫn nhảy ra giành lấy chân đứng đón hết Tập Cận Bình rồi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Điều hài hước là ở chỗ, Nguyễn Phú Trọng vẫn không nhận thức được cái điều mà thiên hạ đã thấy chán nản, đó là thói nói ngược với làm. Bởi chính Nguyễn Phú Trọng mỗi lần họp hành, bàn bạc nhân sự hay về tham nhũng, lại tiếp tục leo lẻo : "Kiên quyết không đưa vào Trung ương những người có mưu đồ chính trị, tham quyền cố vị".

Và thiên hạ ngao ngán : Chắc ông ta bất chấp tuổi tác và sức khỏe, phải ngồi lại để chống lại bọn "tham quyền cố vị" mới được.

Xem ra, cái câu đầu lưỡi của Nguyễn Phú Trọng rằng phải "nhốt quyền lực vào cơ chế", chỉ là câu nói hài hước, ngẫu hứng có tính chất thời vụ và lừa đảo.

Và xem ra vậy, thì còn lâu ông ta mới nhả cái ghế Tổng bí thư ra cho người khác. Thiên hạ kháo nhau : "Không khéo thì ông ta còn ngồi lại khóa nữa cũng nên ấy chứ ! Gương soi đã có những anh cả, bạn vàng Tập Cận Bình, Putin treo đó, ngại gì không "học tập, làm theo". Bởi cái chuyện từ bỏ quyền lực là chuyện không dễ dàng với bất cứ ai chứ không chỉ riêng người cộng sản.

Và trong hệ thống quan chức cộng sản hôm nay, có ai bằng Nguyễn Phú Trọng với bề dày sống lâu lên lão làng : Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV. Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng lê la hết cả 3 chân trên 4 chân của Tứ trụ triều đình cộng sản.

Vậy thì khi ông ta không chịu lui, thì ai làm gì được ?

Thế nhưng, như cha ông đã nói : "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" bởi nhiều khi không cứ muốn là được.

Kể từ khi tiếp tục trụ lại ngôi vương đế, thậm chí có những lúc kiêm cả hai ghế lớn nhất của hệ thống chính trị là Chủ tịch nước và Tổng bí thư, bước qua chính lời mình nói ra là : "Một mình ông hai ghế to quá thì ai kiểm soát nổi ông" – nghĩa là Nguyễn Phú Trọng chỉ lo không kiểm soát được người khác chứ không chịu ai kiểm soát mình – thì từ đó trở đi, ông ta lâm vào những trận ốm đau xiêu riêu, quặt quẹo. Thậm chí, đã có những giai đoạn cả mấy tháng "lặn không sủi tăm" đến mức cả nước nhốn nháo hỏi nhau rằng : Vậy thì cái chân Tổng bí thư và Chủ tịch nước đâu có cần thiết gì đâu ? Bởi mấy tháng nay, không Chủ tịch nước, không Tổng bí thư thì đất nước vẫn cứ "vắng cô thì chợ vẫn đông như mọi khi".

Thậm chí, người dân còn đỡ giật mình bởi những câu tuyên bố kiểu ngáo đá như : "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể tự hào. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". hoặc "Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc" hay "Chưa bao giờ giáo dục được như hôm nay"…

Phi nhân đả, tắc thiên đả

Và cho đến nay, thì ông ta không cưỡng lại được quy luật của tự nhiên, của Tạo hóa, đó là quy luật đào thải.

Vài hôm nay, người ta thấy Đảng đang hối hả làm những công việc với các dấu hiệu rõ ràng của việc "chạy tang".

Mấy hôm trước, Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội vội vàng tập hợp đám Tuyên giáo và Văn Hóa cho ra mắt bộ sách Nguyễn Phú Trọng với Quốc Hội, một dạng những việc dùng để "Cúng cụ" chứ chẳng có tác dụng gì trong xã hội. Những bộ sách được bỏ hàng đống tiền dân, in bìa cứng, giấy đẹp ấy chỉ có tác dụng trang trí đôi chút cho vài "học giả" rồi sau đó hoặc ra đồng nát, hoặc vào lò xay lấy bột chứ chẳng tác dụng gì cho xã hội.

Ngày 19/7, bỗng dưng Tô Lâm ký tặng Huân Chương Sao vàng cho Nguyễn Phú Trọng, và người dân thấy rõ điềm báo xấu đằng sau đó. Xưa nay vẫn thế, khi Đảng đã trao những "danh hiệu cao quý" - theo định nghĩa của đảng – cho ai, thì có nghĩa là nhân vật đó không còn khả năng sống hoặc ít nhất là không thể trở cờ, gây hại cho đảng được nữa. Vì thế nên người ta đã tổng kết là 88 cái Huân chương Sao vàng ấy, đều được trao cho những người đã, hoặc sắp chết mà thôi. Thiên hạ đã chẳng có câu "Cứ Sao Vàng xong là Hạ thổ" là vì vậy.

Thậm chí, ngay cả việc trao Huân Chương Sao Vàng "tới tay Nguyễn Phú Trọng" hẳn hoi mà chẳng hề có một tấm hình, một đoạn video thì hẳn là vấn đề đã hết sức nghiêm trọng.

Thế rồi, bản Thông báo của đảng ngày cho biết : Nguyễn Phú Trọng đã chết hồi hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Và thiên hạ bảo nhau : Quy luật là vậy rồi, chống lại sao được. Cha ông cũng chẳng đã nói : "Phi nhân đả, tắc Thiên đả"- nghĩa là người không đánh thì Trời cũng đánh đó sao ?

Đảng mang tiếng ác

Nguyễn Phú Trọng là trường hợp thứ 2 trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam khi mà đảng trưởng chết trên ghế lãnh đạo Đảng. Bắt đầu từ Hồ Chí Minh chết khi còn đương chức Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước năm 1969 khi 79 tuổi. Và sau 45, Nguyễn Phú Trọng chết khi ôm cái ghế này ở tuổi 80.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng chết khi đang ngồi trên ghế quyền lực, đã để cho đảng mang tiếng ác. Rằng vậy là đảng đã bắt ông ta làm việc cho đến tận chết, dù ông ta đã xin nghỉ mà vẫn cứ không tha.

Xã hội vẫn thường nói rằng : "Ốm tha, già thải" vậy mà Nguyễn Phú Trọng đã từng đột quỵ từ năm 2019. Thế rồi qua những ngày tháng lặc lìa, bỏ bê việc triều chính, lặm mất tăm cả mấy tháng trời đến khi xuất hiện trước công chúng là hình ảnh dìu đỡ, bám ghế, lật khật từng bước đi…

Vậy mà đảng vẫn cứ bầu và chỉ vì là đảng viên nên ông ta phải chấp hành.

Có lẽ trên đời này, trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất bị bầu và bắt phải chấp hành việc giữ chiếc ghế quyền lực nhất trong đảng, làm vua thiên hạ.

Quả là một ông vua hiếm hoi.

Trong khi các cán bộ trẻ như Võ Văn Thưởng hay Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ thì chỉ cần tự nguyện đưa đơn là đảng chấp nhận ngay.

Nguyễn Phú Trọng trước bàn dân thiên hạ, khi giải thích cho việc tiếp tục bám trụ chiếc ghế Tổng Bi thư rằng : "Tôi đã xin nghỉ vì sức khỏe yếu, trình độ có hạn nhưng đảng vẫn bầu và tôi là đảng viên phải chấp hành". Câu nói này, khi thiên hạ nghe được, người ta chỉ phục cái tài của ông ta, là cứ tưởng thiên hạ ai cũng ngu nên muốn nói gì thì nói.

Bởi ai chẳng biết những cuộc đấu đá nội bộ "lên bờ xuống ruộng" đến "trầy vi, tróc vảy" thì ông ta mới trụ lại được chiếc ghế ấy. Dù ai cũng biết điều gì đằng sau mỗi chiếc ghế quyền lực của đảng. Tuy nhiên, khi một người đứng đầu đảng kia nói ra những điều đó, mà cả tập thể đảng vẫn "ngậm tăm", thì điều đó là sự thừa nhận nỗi khiếp sợ đồng chí, thủ lãnh của mình ra sao.

Dàn báo chí minh họa của nhà nước hôm nay bằng mọi cách cố tình ca ngợi, tâng bốc rằng Nguyễn Phú Trọng cống hiến suốt đời cho đảng rồi hy sinh nọ kia… nhưng đã cố tình lờ đi một điều : Sự tàn bạo của đảng với chính đồng chí, lãnh đạo của mình.

Hiếm có đất nước nào có chế độ tàn bạo, bóc lột sức lao động của lãnh đạo cho đến khi gục ngã trên ghế mới tha.

Cái tiếng ác đảng mang ấy, cũng là một phần phản ánh một điều : Sự dối trá là một phần làm nên hệ thống chính trị quái gở này.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 21/07/2024