Phật giáo Việt Nam và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề (Song Chi)
Từ những vụ tai tiếng của một số "nhà sư quốc doanh" đến hiện trạng Phật giáo Việt Nam và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề
Những vị sư bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật
Nhìn lại một vài vụ tai tiếng, bị kỷ luật của một số "nhà sư" Phật giáo gần đây
Ngày 6/6 vừa qua Đại đức Thích Nhuận Đức (tên thật Nguyễn Xuân Khánh), thuộc Tổ đình Hộ Pháp, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật, nghiêm cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng một năm vì "các phát ngôn, nội dung thuyết giảng trong một số video lan truyền trên mạng xã hội bị cho là phản cảm, sai với tôn chỉ, giáo lý, giáo luật Phật giáo ; đồng thời vi phạm các quy tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam" [1].
Ngày 19/6 Thượng tọa Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt), trụ trì Thiền Tôn Phật Quang tại Bà Rịa- Vũng Tàu, cũng bị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật. Bản án của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với ông Thích Chân Quang gồm có những điều như sau : "không được thuyết giảng dưới mọi hình thức ; không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Thiền Tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong vòng 2 năm ; thu hồi tất cả Phái Quy y Tam bảo tự thay đổi nội dung không đúng với Năm giới căn bản của người Phật tử tại gia do Đức Phật chế định ; phải gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội. Song song đó, Thượng tọa Thích Chân Quang và Ban Quản lý Thiền Tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố ; không được đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền Tôn Phật Quang" [2].
Nguyên nhân cũng vì ông Thích Chân Quang có những phát ngôn, bài giảng tùy tiện dẫn dụ thuyết nhân quả không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống của Phật giáo, tùy tiện chỉnh sửa giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo. Cụ thể, Ngũ giới của đức Phật bao gồm : 1. Không sát sanh. 2. Không nói dối, 3. Không tà dâm. 4. Không uống rượu. 5. Không ăn cắp. Nhưng ông Thích Chân Quang đã đổi điều thứ 3 không tà dâm thành không phản bội.
Trong một vài video, bài thơ lan truyền trên mang ông Thích Chân Quang rất hay nhấn mạnh đến yếu tố trung thành với đạo, với phật pháp và với sư phụ. Ông Thích Chân Quang thuyết giảng rằng công ơn sinh thành của cha mẹ không lớn bằng công ơn của thầy đưa con vào thế giới tâm linh, nên nếu phản bội thầy, phản bội sư phụ thì còn không bằng con… chó hoặc "Ân tình sư phụ cao thâm, Con mà phản bội đọa cầm thú luôn" ("Lời phát nguyện trung thành tuyệt đối" được phát hành trong nội bộ chùa Phật Quang).
Và mới đây, ngày 21/6, chùa Ba Vàng phát đi thông báo tạm dừng hoạt động khóa tu mùa hè 2024 [3]. Điều này có lẽ là do phản ứng của dư luận sau khi một video đã có từ năm 2018, 2019 nhưng không hiểu sao gần đây lại lan truyền trên mạng, về một khóa "tu tập mùa hè" tại chùa Ba Vàng. Trong video này bà Phạm Thi Yến là Phật tử, và ông Thích Trúc Thái Minh đã có những lời thuyết giảng hoang đường, phản khoa học về một nữ sinh bị cho là 14 kiếp trước có những việc làm sai trái nên bị "vong nhập", bị oan gia trái chủ, bây giờ phải sám hối, phải tu tập.
Báo Công Thương có bài viết ngày 18/6 tựa đề trích từ lời ông Thích Trúc Thái Minh : "Trụ trì chùa Ba Vàng : Không dự khóa tu, không sám hối thì sẽ phải lấy nhiều đời chồng do quả báo" [4].
Bài báo viết, khi nữ sinh K.L quỳ sám hối, trụ trì chùa Ba Vàng - Thích Trúc Thái Minh nói với nữ sinh này : "Trong 14 kiếp trước, con cùng vong linh khởi những tâm bất thiện với phật pháp tăng như : Muốn cướp đất chùa, chọc ghẹo chư tăng, làm cho 3 vị tăng hoàn tục nên vong linh bị mắc quả báo, nhiều kiếp đau khổ, làm gái lầu xanh. Còn K.L nếu hôm nay không về chùa tu khóa tu này, không sám hối thì sẽ gặp quả báo, vất vả vô cùng trong đường tình duyên, phải lấy nhiều đời chồng và gặp những người chồng vũ phu"... (!).
Như vậy qua 3 sự việc này, có thể thấy rằng phản ứng của dư luận rõ ràng đã có những tác động đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số nhân vật tiếng là bậc tu hành nhưng có những lời nói, hành vi, việc làm, lối sống… không phù hợp với phẩm hạnh của người tu hành.
Về nhân vật Thích Trúc Thái Minh (tên thật Vũ Minh Hiếu), ông này đã từng hai lần bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật.
Năm 2019 ông Thích Trúc Thái Minh bị kỷ luật vì đã tổ chức lễ "thỉnh vong" và giải "oan gia trái chủ" cho người dân và Phật tử có nhu cầu, "trong nghi thức này có quy định người đăng ký pháp thỉnh "oan gia trái chủ" buộc phải trả nợ cho vong từ vài triệu đến vài chục triệu đồng do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng" [5]. Dư luận còn bức xúc vì ông Thích Trúc Thái Minh đã để cho bà Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, đăng đàn thuyết pháp nói đủ chuyện xàm xí về thuyết nhân-quả, "oan gia trái chủ". Sau đó ông Thích Trúc Thái Minh đã phải sám hối, bị cách chức khỏi mọi chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đầu năm 2024 ông Thích Trúc Thái Minh lại bị kỷ luật một năm không được tổ chức các sự kiện quốc tế tại chùa, do đã tổ chức cho các Phật tử và nhân dân chiêm bái "Xá lợi tóc Đức Phật" ; "trên các trang điện tử của chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh giới thiệu đây là "Xá lợi tóc Đức Phật từ 2600 năm", bảo vật của chùa Parami và Bảo tàng xá lợi Phật Parami, Yangon, Myanmar [6a] và [6b].
Những vụ tai tiếng này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm
Danh sách các nhân vật bị dư luận xem là "xàm tăng", "ma tăng" khá nhiều nhưng "nổi cộm" nhất, có nhiều ảnh hưởng đến đám đông nhất có lẽ là Thích Trúc Thái Minh và Thích Chân Quang. Các hoạt động kinh doanh, tổ chức tu tập, thuyết giảng, tại hai ngôi chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh và Thiền Tôn Phật Quang ở Bà Rịa-Vũng Tàu đều được tổ chức bài bản, hệ thống, nguồn tiền thu được hàng năm từ các hoạt động này và từ chuyện cúng dường của phật tử nghe nói lên đến hàng trăm tỷ đồng Việt Nam. Chùa thì to, đệ tử đông, chùa Phật Quang có hệ thống Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang lan rộng tại nhiểu tỉnh thành, có khóa tu mùa hè ; chùa Ba Vàng cũng có những khóa "tu tập mùa hè" thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên, chưa kể CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa, "hướng dẫn và sách tấn câu lạc bộ tu tập chuyên nhất theo sự chỉ dạy của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng chùa Ba Vàng" do bà Phạm Thị Yến, người tôn ông Thích Trúc Thái Minh là sư phụ, làm Chủ nhiệm [7].
Với bản thân hai nhân vật này, những vụ tai tiếng kể trên chỉ mới thể hiện một phần nhỏ những phát ngôn, việc làm lệch lạc, sai trái của họ. Thích Chân Quang, ngoài chuyện phát ngôn [8], xuất bản những ấn phẩm nhảm nhí về nhân-quả [9], là chuyện kinh doanh và quảng cáo sản phẩm chức năng sức khỏe bào chế từ giun đất (địa long) chữa đủ thứ bệnh [10] ; gọi sư Minh Tuệ là "nó", "thằng ba trợn", rằng ai khen ngợi, ngưỡng mô sư Minh Tuệ là "tà tư duy" [11] … Chưa hết, mới đây nhất trên mạng xã hội lan truyền thông tin tố cáo ông Thích Chân Quang với những sự việc động trời khác là lạm dụng tình dục và bội tín với tập thể phật tử [12] và đặt nghi vấn về vă bằng tiến sĩ của ông này [16].
Còn Thích Trúc Thái Minh, ngoài mấy vụ tai tiếng kể trên, là hàng loạt những lời giảng nhảm nhí, độc hại trong nhiều video khác, cũng xung quanh thuyết nhân-quả, thậm chí "nổ" là đã thỉnh Chư Thiên để Quảng Ninh ngừng mưa [13], hoặc khoe rằng chùa Ba Vàng có phép thỉnh linh thức, dời bào thai nên sau đó người phụ nữ có thể yên tâm nạo thai vì thai không còn là bào thai, mà chỉ là cục máu [14].
Như đã nói ở trên, Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhuận Đức, chỉ là vài khuôn mặt "nổi bật", trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn rất nhiều những người tu hành nhưng phát ngôn xàm nhảm, sống xa hoa hoặc tu hành nhưng còn sân si, hễ ai đụng tới thì đi kiện, vu an giá họa cho họ, tìm cách đẩy họ vào tù (vụ Thích Nhật Từ kiện ông Lê Tùng Vân và nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) ; hoặc tích cực tham gia chính trị, hết lòng trung thành với đảng, với chế độ v.v…
Nọc độc tai hại từ những bài giảng, những phát ngôn của các "nhà sư" này
Các "nhà sư" không xứng là bậc tu hành này đã cố tình bóp méo tư tưởng Phật giáo, sử dụng thuyết nhân-quả một cách sai trái để dụ dỗ phật tử cúng dường và để hù dọa phật tử nếu không cúng dường hoặc nếu phản bội, tố cáo sư phụ thì sẽ bị đủ thứ tai họa, đời này và nhiều kiếp sau. Mọi thứ trên đời, mọi hoàn cảnh đều bị quy vào nhân-quả, mọi xui xẻo, thất bại, yếu kém là do cái nghiệp xấu trong kiếp trước hoặc do bị vong ám, vong trả thù. Mọi may mắn, thành công, giỏi giang là do cái nhân tốt đã gieo, do phước báu đời trước v.v. Nói như vậy là phủ nhận mọi nỗ lực cố gắng của con người, khiến con người hoặc có tư tưởng ỉ lại, lười biếng, không muốn làm gì, chỉ cần đi chùa, cúng dường cho nhiều là phước báu sẽ tới trong kiếp sau ; mặt khác, lại không nỗ lực cho kiếp này, cho giây phút hiện tại này mà tin vào cái nhân của kiếp trước hoặc cái quả của kiếp sau v.v. Những bài giảng về vong linh, oan gia trái chủ thì đầy mê tín, hoang đường, gieo vào đầu phật tử sự sợ hãi, hoang mang.
Đặc biệt nguy hại là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, khi tâm hồn các em còn đang như tờ giấy trắng, bị tiêm nhiễm đủ thứ độc hại, bị "ám thị" để tin vào những chuyện ma quỷ, vong nhập, tội lỗi từ nhiều kiếp trước, hay buộc phải tuyệt đối trung thành với thầy/sư phụ…
Cái cách "ám thị" ấy có khác gì những tổ chức tà giáo ở nhiều quốc gia nơi hàng vạn con người mê tín giáo chủ, bị giáo chủ dẫn dắt, thao túng tâm lý, khống chế tinh thần ; sau đó tâm sinh lý, tính tình, nhân cách của các nạn nhân đều bị thay đổi, bị méo mó, lệch lạc, có thoát ra được cũng phải mất rất nhiều thời gian, nỗ lực mới có thể trở lại bình thường. Gần đây là câu chuyện một nữ diễn viên, được cho là đệ tử ông Thích Chân Quang, đã có những phát ngôn sai trái về nhân quả, về việc giun đất chữa được Covid-19 (theo đúng quảng cáo của ông Thích Chân Quang, giun đất -- địa long chữa được đủ thứ bệnh), chửi những ai khen ngợi sư Minh Tuệ, chỉ trích Thích Chân Quang là "truyền thông bẩn", là "giặc" v.v… Cô này thay đổi đến mức gia đình cũng phải lên tiếng bày tỏ sự lo ngại.
Thử tưởng tượng cả một thế hệ hàng chục ngàn thanh thiếu niên sẽ bị đầu độc như thế ?
Những biện pháp kỷ luật này có thay đổi được tình trạng biến tướng, biến chất của Phật giáo và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ?
Trước hết, đối với cá nhân những nhân vật mang danh "nhà sư" này thì rất khó sửa đổi, cho dù bị kỷ luật. Là vì họ đã quen với đời sống vật chất đầy đủ, xa hoa, quan trọng hơn, họ đã quen với cảm giác có quyền lực, được suy tôn là Thầy, là sư phụ, có hàng ngàn hàng vạn đệ tử, được bao nhiêu người cung kính quỳ lạy đảnh lễ, vâng lời, tin theo răm rắp… Chúng ta đều biết quyền lực có sức thu hút con người còn hơn cả tiền bạc.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc loại bỏ một số "xàm tăng" khó làm cho tổ chức này lấy lại được uy tín. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa.
Phải thanh lọc đội ngũ tối đa : tất cả những nhân vật tăng, ni nào mà có hành vi, lời nói, lối sống không đúng với một bậc tu hành, là phải buộc trả y áo, trở lại với cuộc sống thế tục. Hạn chế xây thêm chùa lớn, hạn chế các hình thức kinh doanh chùa, mọi hoạt động mang tính chất mê tín, dị đoan, phải xóa bỏ. Còn chuyện cúng dường là tự nguyện, không được đem thuyết nhân quả ra dụ dỗ, hù dọa…
Có người đặt câu hỏi nếu không cho nhà chùa được giữ tiền thì có tốt hơn không ? Đúng là nhà chùa giữ tiền thì dễ xảy ra tình trạng sư sãi sống xa hoa, nhưng nếu giao cho các tổ chức của chính quyền địa phương thì với thực trạng ở Việt Nam chắc chắn cũng lại xảy ra tham nhũng. Lại có người đặt câu hỏi có cần chùa không, hay là dẹp bỏ tối đa các ngôi chùa ? Cũng khó là bởi vì chùa chiền gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, tôn giáo nào thì cũng cần có nơi để sinh hoạt tín ngưỡng, dù Phật giáo, Công giáo hay Hồi giáo…
Quan trọng hơn, phải thay đổi nếp nghĩ, hướng đi của cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của người dân. Với một bộ phận người dân, là hiểu sai về Phật pháp, là lối suy nghĩ bị ảnh hưởng bởi đủ thứ quan niệm mê tín dị đoan, thực dụng. Chẳng hạn, đi chùa thì nhét tiền vào tay tượng Phật, cầu xin cho làm ăn phát tài, may mắn, được hưởng phước báu… có khác nào hối lộ Phật ?
Còn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức này đã bị chính trị hóa, thương mại hóa từ bao nhiêu năm nay. Về mặt chính trị, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước cộng sản lập ra để khống chế phật giáo trong nước, để đánh bóng bộ mặt nhà nước trên trường quốc tế. Bất cứ khi nào có ai chỉ trích tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam thì nhà cầm quyền lại đưa ra con số chùa chiền, tăng ni phát triển cũng như hình ảnh người dân tấp nập đi chùa. (Thông tin của Giáo hội cho biết trong nội dung báo cáo tại Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phía Nam ngày 10/7/2020 cả nước hiện có 18.491 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện, 54.773 tăng ni, tín đồ chiếm 60% dân số cả nước) [15].
Về mặt thương mại, để xây được những ngôi chùa lớn, nằm tại những địa điểm đắt địa, chiếm hàng ngàn mét vuông như Chùa Bái Đính, Chùa Ba Vàng, Chùa Tam Chúc v.v. phải có sự kết hợp giữa các chức sắc Phật giáo+chính quyền địa phương+ đại gia, tư bản đỏ. Báo chí trong nước từ lâu đã nói đến chuyện kinh doanh chùa hốt bạc triệu như thế nào và nhiều chùa đã trở thành "sân sau" của những nhân vật tai to mặt lớn mà không ai dám kiểm tra các nguồn thu của các chùa này. Điều đó lý giải vì sao một số nhân vật "xàm tăng" chỉ bị kỷ luật như "gãi ngứa", cũng như thực tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam là để phục vụ chế độ, phục vụ cho một số quan chức, chứ không phải để xiển dương đạo pháp đúng nghĩa.
Gốc rễ của sự suy thoái của Phật giáo : không có tự do tôn giáo
Phải có tự do tôn giáo thì tôn giáo mới phát triển lành mạnh, đúng hướng. Nhà nước cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chấp nhận có những tổ chức Phật giáo khác nhau, nhiều hình thức tu khác nhau, chứ không phải bất cứ ai, tổ chức nào đứng bên ngoài hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là ngăn cấm, đàn áp, tiêu diệt. Chấp nhận cho có báo chí Phật giáo tư nhân, các trường học, kể cả đại học.
Nhìn lại ở miền Nam trước đây dưới chế độ VNCH tuy chỉ có hơn 20 năm nhưng Phật giáo đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ với hàng trăm tạp chí, tuần báo, nhật báo về Phật học với sự đóng góp bài vở của hàng trăm, ngàn trí thức, nhân sĩ, thiền sư, tu sĩ, những cuộc tranh luận về tư tưởng, triết học Phật giáo, giúp nâng cao dân trí về Phật học. Phật giáo hồi đó có báo chí tư, có chương trình phát thanh hằng tuần trên các đài phát thanh từ trung ương đến địa phương ; có Cô Ký Nhi Viện, bệnh viện, nhà thương miễn phí, có trường học như Bồ Đề Tư thục, có cả trường Đại học Vạn Hạnh chỉ mới tồn tại một thời gian ngắn nhưng là cái nôi của bao nhiêu trí thức am hiểu về triết học, tư tưởng Phật giáo.
Ngược lại, từ sau tháng 4/1975 cho tới nay vì không có tự do tôn giáo nên các nhà sư chân chính không thể hoằng dương chánh pháp, Phật giáo không thể phát triển về mặt tư tưởng, triết học, ngược lại sa đà vào mê tín dị đoan.
Nhiều năm nay chỉ số tự do tôn giáo (tức Religious Freedom Index) của Việt Nam luôn luôn nằm ở mức rất thấp trên thế giới, Việt Nam từng 2 lần -- năm 2005, 2006, bị liệt vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, viết tắt CPC) về Tự do tôn giáo, 2 năm gần đây 2022, 2023 bị đưa vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm "nghiêm trọng" về tự do tôn giáo, nhưng nhiều nhà hoạt động nhân quyền và Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (United States Commission on International Religious Freedom, viết tắt là USCIRF trong Báo cáo thường niên năm 2024 hồi tháng 5/2024, đã đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Nhiều năm nay USCIRF luôn kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách này.
Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ với lối sống khổ hạnh, buông bỏ mọi thứ khiến người dân có dịp so sánh với lối sống, lời ăn tiếng nói của bao nhiêu "nhà sư quốc doanh", dư luận lên tiếng, buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có vài hành động chấn chỉnh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự cần phải được thanh lọc, Phật giáo Việt Nam thực sự cần phải được chấn hưng, nhưng như trên đã nói, khi còn chế độ độc tài, khi chưa có tự do tôn giáo thì sẽ không làm được điều đó, cũng giống như không thể chấm dứt được nạn tham nhũng trong một chế độ độc tài vậy.
Song Chi
Nguồn : RFA, 24/06/2024
[1] Giáo hội nghiêm cấm Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng trong mọi hình thức
[3] Chùa Ba Vàng tạm hoãn các khóa tu mùa hè
[4] Trụ trì chùa Ba Vàng : Không dự khóa tu, không sám hối thì sẽ phải lấy nhiều đời chồng do quả báo
[5] Sư trụ trì chùa Ba Vàng bị xử lý ra sao sau tai tiếng 'vong báo oán'
[6 a] Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh bị kỷ luật cảnh cáo
[6b] Vụ "xá-lợi tóc Phật" ở chùa Ba Vàng : Đại đức Thích Trúc Thái Minh sám hối, bị kỷ luật
[7] Câu lạc bộ Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa
[8] Những phát ngôn gây tranh cãi của Thượng tọa Thích Chân Quang