Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trước bàn cờ Mỹ - Trung - Nga (RFA)
Xoay quanh chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Hà Nội hôm 19-20/6/2024, nhà quan sát chính trị Việt Nam David Hutt cho rằng chuyến thăm này "chẳng mang lại mấy ý nghĩa, trừ khi phe an ninh đang trỗi dậy có thể áp đặt những gì xảy ra trong Đảng cộng sản Việt Nam". Tuy nhiên, trao đổi với RFA, nhiều nhà nghiên cứu khác không đồng tình với nhận định đó của ông David Hutt.
"Ông Tô Lâm thân Mỹ" ?
Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, công pháp và bang giao quốc tế, cho rằng cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những tính toán rất kỹ, đi đúng theo một kịch bản mà mình đã vạch ra. Đó là điều ông thấy khi quan sát thượng tầng chính trị Việt Nam xoay quanh việc đón tiếp ông Putin ở Hà Nội. Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, trước ngày ông Putin tới Việt Nam, có ba động thái của ông Tô Lâm đáng chú ý. Động thái thứ nhất, ngày 11/6, ông Tô Lâm tiếp ông Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, ngày 13 ông Tô Lâm tiếp ông Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Ngày thứ hai, 17/6 thì tiếp ông Đại sứ Nga tại Hà Nội, chính thức thông báo cuộc viếng thăm của ông Putin tới Hà Nội. Ông nói tiếp :
"Những nguồn tin được tiết lộ ra bằng cách này cách khác cho tôi biết là ở Hà Nội có sự không đồng thuận giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng đối với chuyến thăm của ông Tô Lâm. Ông Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin vào cuối tháng 3 vừa rồi nên ông Tô Lâm dù chấp nhận hay không thì đó cũng là sự đã rồi. Lời mời đó của ông Trọng được nhắc đi nhắc lại. Các văn bản thông báo nhấn mạnh là ông Trọng mời, còn ông Tô Lâm là người đứng ra đón tiếp. Ông Tô Lâm đứng ra đón tiếp Putin thì vừa là do vấn đề sức khỏe của ông Trọng, vừa để khẳng định quyền lực mới.
Điểm thứ hai là có một nguồn tin là một cựu đại sứ của Hà Nội đã nói bóng gió rằng phía Hà Nội đã tìm cách từ chối chuyến thăm của ông Putin nhưng phía Nga đã tìm cách tác động rất nhiều để dẫn đến chuyến thăm đó.
Rõ ràng, nếu chúng ta nhìn các văn kiện mà hai bên Việt Nga ký kết trong chuyến thăm của ông Putin, cũng như những nội dung công khai khác, thì ta thấy không có nội dung gì quan trọng và mang tính chiến lược cả".
Tuy nhiên, theo Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyến thăm này mang một thông điệp là cả hai bên cùng thắng. Phía Putin muốn truyền một thông điệp là nước Nga vẫn có bạn chứ không bị bao vây hoàn toàn, và đặc biệt "chính sách hướng Đông" của Nga vẫn đang đi đúng hướng. Còn phía Việt Nam, với một ý nhấn mạnh trong Tuyên bố chung Việt Nga, là bên này sẽ không đứng về bên thứ ba để chống lại bên kia, Hà Nội đã nhận được đồng thuận từ Moscow là họ sẽ không đứng về phía Trung Quốc nếu xung đột Việt Trung xảy ra trên Biển Đông.
Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết, với các nguồn tin mà ông có từ phía Việt Nam đưa ra, những nguồn tin ông kiểm chứng chéo với phía Hoa Kỳ, với một số sứ quán phương Tây ở Hà Nội, thì ông cho rằng ông Tô Lâm có một chương trình nghị sự cho Việt Nam và muốn có một khoảng cách nhất định với Bắc Kinh.
Truyền thống "tập thể lãnh đạo"
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình với cả nhà quan sát David Hutt và Luật sư Vũ Đức Khanh. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, ông David Hutt nói "phe an ninh trị" đã điều khiển việc Hà Nội đón Putin nhưng không thấy đưa ra cơ sở cho lập luận của mình. Ông giải thích rằng ở Việt Nam, có nhiều cơ quan tham gia vào việc xây dựng chính sách đối ngoại, như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương (bên Đảng), Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Còn quyết định cao nhất, cuối cùng là ở Bộ Chính trị. Ông nói tiếp :
"Ngành an ninh rất mạnh, có nhiều ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng mạnh hơn ở bên ngành ngoại giao, chứ chưa chắc ảnh hưởng vào Bộ Quốc phòng. Vì Bộ Quốc phòng có hệ thống riêng của họ.
Những chuyến thăm ở cấp nguyên thủ như chuyến thăm của ông Putin thì phải có chủ trương hằng năm trời chứ không thể quyết định trong thời gian ngắn. Cho nên nói ngành an ninh quyết định trong thời gian ngắn để mời ông Putin thì rất khó xảy ra. Đó là chưa kể quyết định ở Bộ Chính trị là quyết định tập thể. Vì vậy, nếu nói ngành an ninh gây áp lực để mời ông Putin thì theo tôi không phù hợp lắm".
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, dấu ấn cá nhân thì lúc nào cũng có, nhưng ở Việt Nam, điều đó không có nghĩa là dấu ấn cá nhân sẽ có tính quyết định. Câu chuyện quan hệ Việt Mỹ, Việt Trung, Việt Nga không phải là do một cá nhân quyết định. Việt Nam muốn giữ bí mật đến phút chót nên không thể nói được bên nào có dấu ấn. Ông nhận xét :
"Ví dụ câu chuyện nâng cấp quan hệ Việt Mỹ, theo tôi hiểu thì không phải do riêng Bộ Ngoại giao hay Ban Đối ngoại Trung ương thực hiện mà là do cả hệ thống chính trị Việt Nam thực hiện. Tức là ở Việt Nam, hệ thống ra quyết định rất khác, không giống như phương Tây. Nếu nói có một cá nhân lên thì thay đổi hẳn chính sách đối ngoại thì theo tôi là không có".
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, khó có thể căn cứ vào việc Tô Lâm là người trực tiếp đón ông Putin để suy ra một câu chuyện gì khác đằng sau. Vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị rất quan trọng. Đảng đã phân công thì ông Tô Lâm với vai trò là chủ tịch nước sẽ thực hiện, tuân thủ. Với vai trò chủ tịch nước thì ông Tô Lâm đón ông Putin là chuyện rất bình thường, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích.
Ông Tô Lâm : quyền lực mới trên thượng tầng chính trị Việt Nam ?
Trái ngược với nhà nghiên cứu Hoàng Việt luôn nhấn mạnh vai trò của tập thể Bộ Chính trị đối với các quyết sách trên thượng tầng Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng ở thời điểm hiện nay, đối với cả phương Tây và Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng không còn nhiều giá trị chính trị. Ông Tô Lâm đã thực sự là một quyền lực mới trên chính trường Việt Nam.
Trao đổi với RFA, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ ở Đại học Houston at Downtown đồng tình với Luật sư Vũ Đức Khanh, cho rằng hiện nay, ông Tô Lâm thực sự là một quyền lực mới. So sánh chính trị Việt Nam với môi trường giáo dục, nơi giáo viên thường có "phiếu bé ngoan" liệt kê những lỗi mà các cháu học sinh mắc phải, sau khi trừ điểm thì số điểm còn lại sẽ điểm các cháu, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho rằng ông Tô Lâm có thể đã có đủ báo cáo "phiếu bé ngoan" của hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với các "phiếu bé ngoan" này, "thầy giáo" Tô Lâm có thể làm chủ cả "lớp học". Nhắc lại sự việc gần đây, khi Bộ Công an đề nghị Bộ Chính trị đưa ông Lương Tam Quang lên bộ trưởng Công an và Bộ Chính trị chấp nhận, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho biết ông không ngờ Bộ Chính trị phải chịu điều đó. Điều đó cho thấy lực lượng ông Tô Lâm mạnh đến mức nào.
Đồng quan điểm với Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng ông Tô Lâm không dừng lại ở vị trí chủ tịch nước mà muốn nắm vị trí cao nhất là tổng bí thư, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho rằng có thể ông Tô Lâm muốn copy mô hình Trung Quốc là chủ tịch nước và tổng bí thư là một. Nếu ông Tô Lâm làm được điều này, quyền lực của ông ấy sẽ rất mạnh, bất kể, hai ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc có vào Bộ chính trị hay không.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, việc ông Tô Lâm quá mạnh cũng có thể gây ra điểm tiêu cực là mắc phải "strongman symptom" (hội chứng kẻ mạnh). Giáo sư Chữ lấy ví dụ Trung Quốc thả khí cầu do thám trên không phận Mỹ vào đầu năm 2023. Phía Mỹ sau khi tiếp xúc với ông Tập Cận Bình, nhận ra rằng ông Tập dường như không hay biết chuyện đó, dù điều đó đã gây ra điểm nóng về quan hệ hai nước. Lý do là ông Tập quá mạnh thì những người xung quanh ông không dám nói sự thật. Họ không dám báo cáo với ông những điều bất lợi đang diễn ra vì sợ bị trừng phạt. Khi lãnh đạo tối cao quá mạnh, làm những người xung quanh mình, thậm chí cả xã hội phải sợ hãi thì không còn ái dám nói sự thật cho họ nữa. Khi đó, người lãnh đạo sẽ dễ dàng mắc sai lầm. Đó là "hội chứng kẻ mạnh" trong chính trị. Cũng tương tự như vậy, theo Giáo sư Chữ, khi ông Tô Lâm quá mạnh thì có nguy cơ mắc phải hội chứng đó. Bất kỳ quyết định nào cũng có mặt tốt và xấu. Nếu những người xung quanh vị lãnh đạo không dám nói ra mặt xấu vì họ quá sợ hãi, khi đó, người lãnh đạo sẽ không được cảnh báo trước các rủi ro để tránh sai lầm.
Ông Tô Lâm sẽ thăm Mỹ trong tháng 7
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, với các nguồn tin mà ông có được, hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đang thảo luận về việc ông Tô Lâm có thể thăm Mỹ trong tháng 7. Nếu quả thực ông Tô Lâm sẽ đến Mỹ vào tháng 7 này, đó sẽ là chỉ dấu cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng trong tính toán của hai phía. LS Khanh cho biết tất nhiên, đó chỉ là giả thuyết, phân tích từ những thông tin ông có được chứ chưa có thông tin chính thức. Những điều đó sẽ được quyết định từ Washington DC, Hà Nội và một số nơi khác.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, nếu ông Tô Lâm đi Mỹ trong thời gian tới thì đó cũng là điều hợp lý. Bởi vì ông ấy đi Trung Quốc nhiều rồi. Với Mỹ, ông ấy cũng đã đi nhiều, nhưng với tư cách bộ trưởng. Bây giờ ông ấy ở cái tầm khác, là nguyên thủ quốc gia. Ông ấy có thể chứng tỏ với Mỹ vai trò, vị trí của ông ở Việt Nam. Do đó, theo Giáo sư Chữ, sẽ có vài chuyển động chính trị ở Việt Nam nhưng sẽ không phải là thân Mỹ nhiều hơn hay gần với Mỹ nhiều hơn trước.
Đối với việc tiếp đón Putin vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho rằng có khả năng hai bên đã thảo luận kín điều mà Ngân hàng Việt Nga từng đề xuất hồi tháng 4, là hai nước giao dịch bằng đồng nội tệ, để giúp Nga tránh cấm vận. Theo Giáo sư Chữ, nếu làm điều đó, chỉ có lợi cho Nga mà không có lợi gì cho Việt Nam, vì nếu nó tích tụ nguyên nhân để phương Tây và Mỹ trừng phạt trong tương lai thì doanh nghiệp của họ sẽ không muốn vào Việt Nam đầu tư.
Nguồn : RFA, 28/06/2024