Cách nhìn của người Việt về sự thành công (Trần Hùng)
Thế hệ trẻ thường dùng cụm từ "con nhà người ta" để miêu tả (và cả châm biếm) tâm lý này của các bậc phụ huynh, và rằng sẽ là "ác mộng" với ai đó có một thằng hàng xóm chăm chỉ, giỏi việc nhà mà học cũng giỏi !
Cách đây ít lâu một bài viết về chủ đề thành công với đàn ông Việt Nam được đón đọc khá nhiều trên Thông Luận (1).
Mọi hành động của chúng ta xét cho cùng đều hướng tới một mục đích nào đó, và mục đích cao nhất của đời người chính là thành công.
Đây là một chủ đề khá thú vị và có lẽ cần được thảo luận nhiều hơn. Mọi hành động của chúng ta xét cho cùng đều hướng tới một mục đích nào đó, và mục đích cao nhất của đời người chính là thành công. Cách mỗi chúng ta định nghĩa về sự thành công vì vậy sẽ tác động lớn tới cách suy nghĩ và hành động của mỗi người trong hiện tại. Tất nhiên là do sự đa dạng của xã hội nên sẽ có vô số câu trả lời khác nhau cho câu hỏi "thế nào là thành công". Nhưng cũng vì chúng ta là sống trong một xã hội, cùng chia sẻ một ký ức lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ nên chúng ta chia sẻ khá nhiều điểm giống nhau ở cách nhìn về thành công. Những điểm giống nhau này ít nhiều lý giải thực tại vô lý của đất nước hiện nay.
Thành công là hơn được người khác
Trong giáo dục gia đình, dường như việc so sánh con mình với ai đó là việc mà đa số các bậc phụ huynh đều làm. Thủa còn nhỏ tôi học tương đối khá nhưng mẹ hay ông bà tôi vẫn luôn có thể tìm ra cái gì đó khiến họ không hài lòng và so sánh với những bạn bè cùng trang lứa. Tôi biết họ có ý tốt, họ xem đó như là một cách để khích lệ con cái mình. Nhưng họ tin chắc ở điểm vươn lên có nghĩa là hơn được người khác, và họ dạy con cháu mình về cạnh tranh thay vì hợp tác. Đây là tâm lý của các thế hệ phụ huynh 197x trở về trước mà tôi đã được rèn giũa trong hơn 18 năm. Có vẻ tới nay nó cũng chưa thay đổi nhiều. Thế hệ trẻ thường dùng cụm từ "con nhà người ta" để miêu tả (và cả châm biếm) tâm lý này của các bậc phụ huynh, và rằng sẽ là "ác mộng" với ai đó có một thằng hàng xóm chăm chỉ, giỏi việc nhà mà học cũng giỏi !
Điểm vươn lên có nghĩa là hơn được người khác, và họ dạy con cháu mình về cạnh tranh thay vì hợp tác. Ảnh minh họa
Trong trường học, vào mỗi kỳ thi hay mỗi học kỳ kết thúc luôn có một bảng xếp hạng điểm của các học sinh trong lớp (nhiều khi là trong trường) được đưa ra công khai. Thời trung học, tôi nằm trong nhóm đầu, thỉnh thoảng ở vị trí số một, có vẻ nhóm đầu ai cũng thích vị trí này, mọi người đều cố để hơn được người khác, và với cái bảng xếp hạng công khai này việc giúp những bạn bè cùng nhóm học khá lên, thận chí giỏi hơn mình là điều không một ai nghĩ tới ! Nhóm đầu là thế, nhưng cũng có những người ở nhóm cuối. Em họ của tôi, trong một lần được hỏi về thành tích học tập, phụ huynh nói rằng em ấy "xếp thứ tư từ dưới lên". Phải nghĩ gì ? Một nền giáo dục man rợ thay vì nâng đỡ lại chà đạp lên những người yếu kém. Tuy vậy điều này được xem là bình thường, là hiển nhiên. Ít có học sinh nào có một sự phản kháng nào đó với triết lý giáo dục này, dù là nhóm đầu hay nhóm cuối. Giới trẻ đã được huấn luyện để tin rằng hơn được người khác chính là cách để leo lên những nấc thang cao hơn trong xã hội. Học càng giỏi tâm lý hơn thua càng nặng, bằng cấp càng cao càng bị đầu độc bởi triết lý giáo dục độc hại này.
Trong gia đình và nhà trường như vậy thì ngoài xã hội cũng khó mà khác. Trong kinh doanh tôi vẫn thường nghe nhiều người, trong đó có những người bạn tương đối lương thiện của mình, nói rằng "chẳng ai đem bí quyết kiếm cơm của mình cho không người khác cả". Vẫn chỉ biết có mình ! Trong nhiều lĩnh vực, ai cũng có thể bắt gặp nham nhảm những người tìm mọi cách để hơn được người khác, để vươn lên, kể cả việc dẫm đạp lên người khác, phá rối đối thủ của mình. Một người quen của tôi đã rất phiền lòng khi so sánh tinh thần hợp tác của người Việt với cộng đồng người Hàn tại Việt Nam, họ luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau, có cơ hội hay dự án kinh doanh nào thì họ luôn ưu tiên người Hàn trước hết. Một đàn anh cùng quê có lần tâm sự với tôi rằng anh rất buồn chán khi mỗi lần về thăm quê và ngồi lại với những người bạn cũ của mình, dù anh rất tha thiết với quê hương, khi mà "mỗi lần ngồi lại bọn nó chỉ toàn hơn thua nhau tiền bạc, đất đai, con tao làm chức vụ này, có lương lậu thế này thế kia" - anh kể.
Sự tranh đua, nếu chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó có lẽ cũng cần thiết, ít nhiều nó tạo ra sự năng động cho xã hội, nhưng với nhiều người Việt, nó lại được đặt lên trên hết. Từ gia đình tới nhà trường rồi cả xã hội đều xem nó là bình thường, là hiển nhiên, cố tôn vinh nó thay vì tìm cách làm nó dịu đi trong một xã hội có quá ít cơ hội và quá khó để vươn lên. Người ta hơn thua nhau từ điểm số trong nhà trường, rồi ra xã hội là tài sản, là nhà, là xe, là vị thế xã hội, là danh tiếng, là chức quyền… rồi về già là chức vụ, lương lộc của con cái.
Người ta kèn cựa nhau cả ở nghĩa trang, mộ sau phải hoành tráng hơn mộ trước - Ảnh minh họa : Khu nghĩa trang An Bằng, Thừa Thiên - Huế, với những ngôi mộ xây dựng to lớn như lăng tẩm vua chúa.
Chắc chắn phải có một di sản lịch sử nào đó, hay một chấn động tâm lý nào đó rất mạnh khiến tâm lý hơn thua hằn sâu như vậy trong tâm trí người Việt. Nhưng nó là gì ?
Một giải thích có thể đến từ văn hóa khoa bảng của Khổng Giáo. Trong các xã hội Khổng Giáo, con đường khoa bảng, cặm cụi đèn sách, học để thi rồi ra làm quan được xem là con đường duy nhất và vinh quang nhất để thay đổi số phận, cả về tài sản lẫn vị thế xã hội. Thay đổi số phận thì có hàng triệu người muốn, nhưng mỗi kỳ thi cơ hội chỉ đến với vài chục người. Tình trạng này buộc người ta phải luôn cố gắng, tìm mọi cách để hơn được những người khác. Giúp đỡ người khác đỗ đạt là giảm cơ hội thành công của mình, một điều có lẽ không người nào nghĩ tới trong các xã hội Khổng Giáo. Gần cả ngàn năm được nuôi dưỡng bởi văn hóa này, nó đã trở thành một phần của chúng ta, không dễ để nhận diện và phản bác nó, nhất là với một dân tộc có khả năng phê phán kém như người Việt Nam.
Dù vậy, vẫn còn một lý do quan trọng khác bên cạnh văn hóa khoa bảng : sự nghèo đói.
"...(năm 1182) Mùa hạ, tháng 4, sao Huỳnh Hoặc đi vào chòm Nam Đẩu. Đói to, dân chết gần một nửa…".
Đây là một đoạn trích trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thật là kinh hoàng ! So với nạn đói năm 1182 thì có vẻ nạn đói năm Ất Dậu (1944-1945) "chẳng là gì". Không khó để bắt gặp những nạn đói lớn khi đọc cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Sự nghèo đói là một phần của lịch sử Việt Nam, có lẽ vì thế mà từ "ăn" hiện diện rất nhiều tiếng Việt, vượt ra cả ngoài hành động ăn uống thông thường, được "ăn" còn có nghĩa là hạnh phúc, là thành công.
Sự nghèo đói tới mức cùng cực này kéo dài trong hàng ngàn năm làm người ta tin chắc nịch vào truyện thuyết rằng hoạt động kinh tế chỉ là "một trò chơi có tổng không đổi", có người no tức là có người đói, có người giàu lên thì có người nghèo đi, để cho người khác vươn lên đồng nghĩa với việc để cho mình bị dìm xuống, thành công của kẻ khác chính là thất bại của mình. Tính hơn thua, tranh giành càng trở nên khốc liệt. Hàng ngàn năm sống trong tâm lý này, 30 năm ra khỏi cảnh đói khổ vẫn là quá ngắn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm lý này còn hiện diễn mãnh liệt trong tâm trí của nhiều người.
Một lý do khác, thậm chí còn quan trọng hơn, giải thích cho tâm lý hơn thua của người Việt Nam là chúng ta thiếu hẳn một ý thức cộng đồng. Khi không có một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, sự vị kỷ sẽ lên ngôi và người ta sẽ chỉ tìm kiếm thành công cho cá nhân. Tâm lý hơn thua nhau là cái tự nhiên sẽ đến.
Thành công chỉ là thành công cho mình, ý niệm tìm kiếm thành công cho cộng đồng, cho đất nước vắng mặt
Đây là một cách nhìn khác về thành công của người Việt Nam. Nó hiện diện quá mạnh mẽ và quá rõ ràng. Trong sinh hoạt cá nhân, tôi chưa bao giờ nghe từ những thế hệ cha chú rằng mình phải có trách nhiệm hay nghĩa vụ, hay phải đóng góp gì đó cho cộng đồng hay cho đất nước, "cộng đồng" đối với họ chỉ dừng lại ở khuôn khổ gia đình, cùng lắm là dòng họ. Với những người bạn cùng thế hệ (199x) tuyệt đại đa số không có một dự án hay tham vọng gì cho đất nước cả, đa số vẫn chỉ lao đi trên con đường tìm kiếm sự giàu có cho mình. Rất ít người có những đóng góp cho cộng đồng thông qua các tổ chức thiện nguyện, số người muốn đóng góp cho đất nước thông qua các tổ chức chính trị còn ít hơn. Nhiều người bạn tôi thù ghét chế độ cộng sản, họ đều biết nếu đất nước có một thể chế như nhiều nước Châu Âu, Bắc Mỹ, chính họ và đất nước sẽ khá hơn nhiều, nhưng nếu phải chấp nhận một rủi ro nào đó cho đất nước thì không, họ sẽ đứng ngoài. Những từ ngữ như "lòng yêu nước" không bao giờ được nhắc tới trong những cuộc trò chuyện cá nhân, có lẽ vì nó làm người ta ngượng ngùng. Đây không phải là tâm lý của một vài người, mà là cả xã hội, thậm chí là cả những trí thức được xem là danh giá nhất, nếu quan sát những gì họ nói và viết.
Chúng ta sẽ không tiến xa được ngay cả khi chỉ xét trên mặt cá nhân, vì những thành công lớn của cá nhân đều được đặt nền tảng trên những thành công của tập thể.
Dĩ nhiên tôi không đánh giá thấp thành công cá nhân, ở một mức độ nào đó nó cũng rất quan trọng với mỗi người, với xã hội và với đất nước. Vấn đề của chúng ta là chỉ tìm kiếm thành công cho cá nhân, và cũng vì thế chúng ta sẽ không tiến xa được ngay cả khi chỉ xét trên mặt cá nhân, vì những thành công lớn của cá nhân đều được đặt nền tảng trên những thành công của tập thể. Đằng sau những doanh nhân lớn là những công ty tầm vóc, đằng sau những nhà khoa học nổi danh là cả một nền giáo dục, khoa học công nghệ, đằng sau những chính trị gia xuất sắc không thể thiếu những chính đảng lớn.
Tâm lý "vì mình" được đẩy quá xa này chủ yếu là một di sản của lịch sử.
Lý do trước hết là nội chiến. Theo thống kê của các sử gia, trong khoảng 50 năm đầu triều đại nhà Nguyễn có tới hơn 400 cuộc nổi dậy, chỉ riêng trong 21 năm vào thời Minh Mạng, có tới hơn 200. Nếu cứ giả sử mỗi cuộc nổi dậy kéo dài hai năm (một ước lượng thiếu chính xác) thì mỗi năm có tới hơn 20 cuộc nổi dậy. Tất cả các cuộc nổi dậy này đều thất bại, và đa số các lãnh đạo bị hành quyết, có những cuộc khởi nghĩa bị hành quyết tới cả ngàn người. Đây đều có thể xem là những cuộc nội chiến, dù ở quy mô nhỏ. Nếu so với những ông Vua khác, Minh Mạng không phải là kém. Trong lịch sử Việt Nam nội chiến áp đảo so với những cuộc chiến chống ngoại xâm, nó đã trở thành một phần của linh hồn Việt Nam. Cuộc nội chiến cuối cùng, và cũng là tàn khốc nhất từ năm 1945-1975 chỉ mới trôi qua chưa đầy nửa thế kỷ.
Những cuộc nội chiến huỷ hoại một cách toàn diện ý thức cộng động. Còn gì là tinh thần cộng đồng khi cầm gươm, cầm súng lên giết nhau. Nền tảng tinh thần cộng đồng là sự quý mến, sự gắn bó, là tâm lý mong muốn, giúp đỡ những người trong một cộng đồng cùng vươn lên, một tâm lý không thể có một khi đã tìm mọi cách để hạ nhục, để tàn sát lẫn nhau. Chúng ta đã trải qua một cuộc nội chiến dài và tàn khốc nhất trong thế kỷ 20, sau đó cũng không có một cố gắng hoà giải nào, và vì thế ý thức cộng đồng và tinh thần dân tộc của ta có lẽ cũng nằm trong nhóm thấp nhất khi so sánh với những quốc gia cùng chiều dài lịch sử. Thay vì tâm lý giúp nhau, chúng ta chỉ còn tâm lý hại nhau.
Một lý do khác cho sự thiếu vắng ý thức cộng đồng là sự đói nghèo, như đã nhắc tới ở phần trên, trong suốt dòng lịch sử, nó là mối nguy hằng ngày với dân tộc ta. Sự đói khổ tới mức như vậy nó đặt con người luôn nằm giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Trong tình trạng này thì khó mà nghĩ được tới cái gì khác hay ai khác ngoài việc giúp mình sống và tồn tại. Phải vì mình trước hết. Những người không nghĩ tới mình trước hết có lẽ đã chết đói hết rồi ! Di sản của hàng ngàn năm đói khổ này, hàng ngàn năm sống qua hết thảm kịch này tới thảm kịch khác, vẫn hiện diện rất rõ trong mỗi người Việt Nam ngày này, chúng ta luồn lách rất giỏi, và có khả năng thích nghi với tình thế ở mức độ rất cao. Nó giúp mỗi cá nhân người Việt có thể vươn lên nhanh chóng tại nhiều nước phát triển, nhưng cũng chính nó làm cho những cộng đồng người Việt hải ngoại không phát triển được. Một cộng đồng không thể gắn kết được nếu tâm lý luồn lách vẫn nằm trong bản năng và phản xạ.
Vẫn còn một lý do quan trọng khác là chúng ta thiếu hẳn những suy tư mang tính trừu tượng, cho tới gần đây chúng ta không có những triết gia hay những nhà xã hội học. Mọi kết hợp đều chỉ là những hư cấu, là những thực thể mang tính trừu tượng. Không thể kết hợp được, và cũng không thể có những liên kết cộng đồng mạnh mẽ nếu thiếu những suy tư mang tính trừu tượng. Hãy lấy một ví dụ là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nó là gì ? Nó không là ai cả và cũng không gắn liền với cái gì cụ thể cả. Nó là một sự tưởng tượng, được định nghĩa bởi những lý tưởng mà nó theo đuổi. Khó có thể cảm nhận, gắn bó, và muốn đóng góp cho nó nếu không có những suy tư, hay không nhìn thấy tầm quan trọng của những thứ trừu tượng.
Hay rộng hơn là đất nước Việt Nam, gồm cả những thứ cụ thể (lãnh thổ, ngôn ngữ, dân số và chính quyền), và cả những cái trừu tượng hơn là đồng thuận dân tộc về một khế ước sống chung và xây dựng một tương lai chung. Những cái cụ thể giúp ta tồn tại, nhưng cái trừu tượng mới là cái giúp ta vươn lên, xét theo kinh nghiệm của mọi quốc gia thịnh vượng, và cũng là cái mà hiện chúng ta không có. Dân chủ xét cho cùng cũng chỉ là một cách tổ chức xã hội để tìm kiếm đồng thuận này, hiến pháp chỉ là một cách thức để văn bản hóa, để cụ thể hóa thứ vô hình này. Như vậy việc quan trọng nhất của người tranh đấu cho đất nước là tìm kiếm và xây dựng một đồng thuận dân tộc. Tuy nhiên, tới này vẫn ít người nhìn rõ vấn đề. Nhiều người đấu tranh, tức là những người có tâm hồn nhất của dân tộc, vẫn nói cần phải làm cái gì đó cụ thể hơn là "những lý luận cao siêu".
Sự thiếu vắng những suy tư mang tính trừu tượng tới mức độ nghiêm trọng như vậy có lẽ là di sản của của nền văn minh phù sa, cái đã nuôi dưỡng tổ tiên ta. Nó đã được ông Nguyễn Gia Kiểng giải thích khá kỹ trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn :
"Các xã hội nông nghiệp hình thành bên các dòng sông lớn đều mang một tật nguyền chung của các nền văn minh phù sa là tư tưởng và sáng kiến bị thui chột. Phải hàng ngàn năm mới đắp xong những con đê lớn với những chịu đựng ghê gớm. Cuộc sống đày đọa và gắn chặt với đất đó đã nhồi nặn ra những con người chỉ quanh năm vật vã với đất để kiếm miếng ăn, dần dần sự thủ cựu và thiển cận biến thành một bản chất, con người không biết nghĩ và không dám nghĩ. Chúng ta là một dân tộc như thế. Cả lịch sử lập quốc của ta đã chỉ là lịch sử con đê sông Hồng Hà. Ta hệ lụy với dòng sông hơn mọi dân tộc khác, đến nỗi gọi quốc gia là nước. Quốc gia của ta chỉ quanh quẩn là đất nước, núi sông, sơn hà. Chúng ta còn tật nguyền hơn mọi dân tộc phù sa khác. Trí tuệ của ta thui chột một cách thê thảm".
Rất tai hại cho sinh hoạt tổ chức
Sự kết hợp của hai cách nhìn về thành công này lý giải sự yếu kém về khả năng sinh hoạt tổ chức của người Việt. Trong khi đây lại là khả năng quan trọng nhất để một dân tộc vươn lên, dù là về kinh tế, chính trị, văn hóa hay xã hội. Chúng ta có rất ít những tổ hợp kinh tế lớn mang tầm vóc quốc tế, các tổ chức thiện nguyện lớn tại Việt Nam chủ yếu là một chi nhánh của các tổ chức quốc tế, trong khi các tổ chức chính trị thì nhỏ cả về tầm vóc lẫn số lượng. Nó ngăn cản sự vươn lên của mỗi chúng ta và cả đất nước của chúng ta.
Chỉ có những hoạt động đấu tranh ở quy mô tổ chức, dù là tổ chức chính trị hay xã hội dân sự, mới có thể tạo ra sự thay đổi. Hãy bắt đầu bằng những hành động đơn giản
Cụ thể trong chính trị, việc quan niệm thành công là chỉ biết tới mình, và cố gắng để hơn được người khác khiến "những người đấu tranh nhìn những người khác như là đối thủ thay vì là anh em, nhìn những tổ chức có đường lối đúng đắn như là những đe dọa cho mình thay vì là những hi vọng cho đất nước" (2). Có lẽ tâm lý này trong các tổ chức xã hội dân sự cũng không khá hơn. Kết quả là nó giúp cho chế độ cộng sản có thể tiếp tục tồn tại khi không gặp phải một chống đối đáng kể nào dù đa số người dân Việt Nam đều đã rất bất mãn với chế độ. Những chống đối trên phương diện cá nhân không thể nào đe dọa sự tồn vong của một chế độ độc tài, chỉ có những hoạt động đấu tranh ở quy mô tổ chức, dù là tổ chức chính trị hay xã hội dân sự, mới có thể tạo ra sự thay đổi. Nhưng "cách nhìn của người Việt về sự thành công" ngăn cản sự ra đời của những tổ chức lớn.
Cái tệ hại nhất trong văn hóa của Đảng cộng sản là họ luôn đặt mình lên trên đất nước, khi làm một việc gì đó câu hỏi họ đặt ra trước hết là việc này có lợi hay có hại cho đảng, thay vì cho đất nước. Những người dân chủ chắn chắn đều thù ghét cái văn hóa này. Khi làm một việc gì đó câu hỏi mà chúng ta đặt ra trước hết phải là việc đó đúng hay sai, có hại hay có lợi cho đất nước. Và cách nhìn về thành công theo truyền thống của chúng ta rất có hại cho đất nước. Đã tới lúc ta phải vứt nó đi.
Trần Hùng
(10/06/2023)
(1) Việt Hoàng, "Thế nào là một người đàn ông Việt Nam thành công ?", Thông Luận, 11/01/2023
(2) Nguyễn Gia Kiểng, "45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai", Thông Luận, 02/05/2020