Biến động trên Tây Nguyên: lý giải những sự kiện (Nhiều tác giả)

 Tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên

Hồng Dân, Định Tường, VNTB, 13/06/2023

Theo dòng lịch sử

Xứ Thượng Nam Đông Dương, tiếng Pháp : Pays Montagnard du Sud Indochinois, viết tắt là PMSI, là một đơn vị hành chính tự trị của Liên bang Đông Dương tại khu vực Tây Nguyên. Đơn vị hành chính này tồn tại từ 27/05/1946 đến năm 1950 thì sáp nhập vào Hoàng triều cương thổ (tiếng Pháp : Domaine de La Couronne) theo Dụ số 6 của Quốc trưởng Bảo Đại.



Xứ Thượng Nam Đông Dương gồm có 5 tỉnh vùng Cao nguyên Trung phần, gồm : Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac, Kontum. Thủ phủ của Xứ Thượng sơ khởi đặt tại Đà Lạt, sau đó chuyển tới Ban Mê Thuột.

Sau hiệp ước 8/3/1949 được ký kết giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol công nhận Quốc gia Việt Nam, thì quy chế tự trị của các sắc tộc thiểu số được gộp lại dưới danh hiệu Hoàng triều Cương thổ, và Xứ Thượng Nam Đông Dương chính thức kết thúc.

Tại vùng này thì Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ vai trò Hoàng đế.

Ngày 21/5/1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành "Quy chế 16" với chín điều khoản đặt nền móng cho việc cai trị Xứ Thượng, và có lẽ những nội dung này là nguyên cớ cho các xung đột sắc tộc về sau, bất chấp thể chính trị. Nội dung các điều khoản đó có thể tóm tắt như sau :

Quyền lợi tối cao của Quốc gia Việt Nam được bảo đảm cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số ; Cao nguyên trực thuộc Quốc trưởng ; Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển Cao nguyên ; Tôn trọng hệ thống bộ lạc và chức sắc kế truyền của người Thượng ; Thành lập Hội đồng Kinh tế ; Thành lập Tòa án Phong tục Thượng ; Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng ; Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở Cao nguyên như y tế, giáo dục ; Thành lập đơn vị riêng quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở Cao nguyên.

Đến năm 1955, khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất vua Bảo Đại, thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa đã sáp nhập Hoàng triều cương thổ vào lại Trung phần và vùng đất này được gọi với tên là vùng Cao nguyên Trung phần.

Ngày 10/8/1954, quy chế Hoàng triều cương thổ bị xóa bỏ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua Dụ số 21 ngày 11/3/1955 và Quốc trưởng Bảo Đại chấp thuận, chính thức sáp nhập Hoàng triều cương thổ lại vào Trung phần, chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Quốc trưởng trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.

Tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay

Ghi nhận tại hội thảo "Đánh giá thực trạng tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay" do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, thì vấn đề luật tục và luật pháp hiện hành được xem là những mâu thuẫn đưa đến xung đột về tranh chấp đất đai.

Theo đó, đồng bào ở Tây Nguyên coi đất đai là tài sản chung của cộng đồng buôn làng. Đó là sự kết nối thiêng liêng giữa các thế hệ từ ông, bà tổ tiên trước đây truyền lại cho các thế hệ sinh sống trong buôn làng : đất đai, sông suối, cây rừng (là) cái nong, cái nia, cái lưng của ông (bà).

Đất này là của bà xưa ông cũ để lại, điều đó người ta đã truyền miệng lại cho nhau đời này qua đời khác.

Có thể thấy rằng, luật tục đã rất xem trọng yếu tố con người trong mối tương quan với thế giới tự nhiên, với cộng đồng và tín ngưỡng. Thứ đến là vấn đề sở hữu tài sản. Mọi của cải trong gia đình đều thuộc quyền quản lý của mẹ hay người đại diện cho mẹ là chị cả.

Việc thừa kế tài sản cũng được tính theo dòng mẹ. Một phần của cải của người chồng đã chết cũng phải đem trả về cho mẹ hay chị em gái của anh ta.

Thế nhưng ở thế chế chính trị hiện tại thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên người dân chỉ có thể chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.

Chính lẽ trên nên căn cứ theo pháp luật hiện hành thì cộng đồng buôn làng chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất hợp pháp khi được Nhà nước Việt Nam giao đất ; cá nhân, hộ gia đình chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.

Những điều kể trên về nguyên tắc là hoàn toàn "xa lạ" với quan niệm của đồng bào Tây Nguyên về sở hữu đất đai. Đặc biệt là, trong bối cảnh vùng Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số ở đây vẫn tự phát lấy đất rừng làm rẫy mà không cần quan tâm đất đai đó đang thuộc sở hữu toàn dân theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

Theo quan niệm của người dân sắc tộc ở Tây Nguyên, khi người dân đặt chân tới, lao động và hưởng lợi từ một mảnh đất, thì điều đó có nghĩa là họ đã sở hữu mảnh đất đó.

Bên cạnh đó, bao đời nay người Tây Nguyên cũng quan niệm đất rẫy thuộc quyền sở hữu của người khai phá đầu tiên. Nếu họ chết, đất đó được truyền cho con cháu. Cộng đồng buôn làng khẳng định quyền sở hữu của họ. Những người thừa kế không có quyền bán đất đó cho người khác mà chỉ có thể để thừa kế lại cho con cháu, coi đất rẫy là tài sản của gia tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Tất cả những vấn đề thuộc luật tục ở trên là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.