Suy thoái leo thang - Đảng viên xuống dốc (Phạm Trần)

 Chỉ còn 30 tháng nữa tới kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIV, nhưng tình trạng "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống" và "tham nhũng, tiêu cực" vẫn trơ ra như đá khiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ.



Trong Diễn văn bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII ngày 17/05/2023, ông Trọng nói : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là" (Tài liệu Đảng).

Lý do còn nan giải vì, theo lời người đứng đầu Đảng : "Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình ; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác…".

Nhưng những chứng bệnh này không mới mà đã có từ khóa đảng VII thời Đỗ Mười. Sang thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (khóa VIII), tình hình nghiệm trọng hơn, và cứ như thế lan qua khóa đảng IX và X thời Nộng Đức Mạnh. Đến thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cầm quyền từ khóa đảng XI năm 2011 đến nay (khóa Đảng XIII), tình hình chung vẫn kéo dài nghiêm trọng.

Diễn biến theo thời gian

Bằng chứng này đã được báo Đại biểu Nhân dân phản ảnh : "Nếu năm 1999, tình hình "... trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém : sự suy thoái về tư tưởng chính trị... của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn", thì đến năm 2006, tình hình "thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống ; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ".

Và, nếu năm 2011 : "tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước" ; thì tới năm 2016 đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải "đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; và năm 2021 vẫn cho thấy : "một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyến hóa", cần kíp "tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Đại biểu Nhân dân, ngày 20/05/2023).

Tác giả bài viết, Tiến sĩ Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nói : "Thực tế đã và đang cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không chỉ tiềm tàng ở một nơi nào đó mà nó hiện diện tại không ít nơi, không chỉ ở một vài người hay nhóm người nào đó mà đáng lo ngại là, hiện diện khá rộng, sâu và phức tạp trong một bộ phận đáng kể đội ngũ cán bộ, đảng viên, nguy hiểm nhất là ở những cán bộ cao cấp, chiến lược của hệ thống chính trị, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, hết sức phức tạp, tinh vi".

Nhưng tại sao đã có "một số không nhỏ cán bộ, đảng viên lãnh đạo" đã sa vào tình trạng mà ông Nhị Lê gọi là "thúc thủ", "rũ áo xuôi tay""trùm chăn", "án binh bất động", thái độ "sống chết mặc bay", "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" ?"

Đó là hậu quả, theo ông Nhị Lê, "Của sự giảm sút niềm tin xã hội chủ nghĩa, là sự "nhạt Đảng", "nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa" ; nhận thức mơ hồ, lệch lạc về chủ nghĩa Mác - Lenin và chủ nghĩa xã hội, về đường lối, chủ trương của Đảng, mắc vào "vợ bé", "phòng nhì" đầy hủ bại, "sân sau, sân trước" đầy mánh lới, trục lợi... Trước những bước ngoặt của cách mạng, họ hồ nghi sự đúng đắn của mục tiêu chính trị và thậm chí ngả theo luận điệu cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lenin đã lỗi thời (!), họ "giữ thân", "sống chết mặc bay", a dua, thậm chí lâm vào sự hủ bại về đạo đức, lối sống, thờ ơ với các quan điểm, hành vi trái với quan điểm của Đảng, thậm chí vuốt ve một cách dân túy những tư tưởng, tệ nạn đó..".

Những thành phấn này bị ông Nhị Lê lên án : "Mất phương hướng tư tưởng, mất khả năng chủ động kiểm soát và điều chỉnh hành động của mình, từ đó rơi vào tình trạng hoặc "tả" khuynh hoặc hữu khuynh hoặc chiết trung chủ nghĩa, hoặc tự phát manh động, hoặc chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa theo đuôi hoặc phiêu lưu chính trị…".

Ông nói : "Đó là những con lắc đơn trong tư tưởng chính trị, là sự hỗn mang của thứ "đạo đức tùy thời" cơ hội, đạo đức dân túy, "sống chết mặc bay" hủ bại" , "buôn quyền lực", kèn cựa, gây bè kéo cánh, thậm chí vu cáo, bôi nhọ đồng chí, gây rối nội bộ…".

Ông Nhị Lê, một trong số "nhà lý luận Cộng sản" hàng đầu của Viêt Nam lên án những người chệch hướng tư tưởng là "cơ hội giấu mặt, là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm trong Đảng".

Ông gay gắt lên án : "Đó chính là những con "kỳ nhông chính trị", "con trùng biến hình đạo đức", những người đạo đức giả, đa nhân cách chính trị và đạo đức trong bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị".


Muốn con đường khác

Nên biết báo Đại biểu Nhân dân là của Quốc hội cộng sản Việt Nam do đó, lời phê bình của Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Tuyên giáo, có ý nghĩa đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn như ông Nhị Lê đã tố cáo : "Hiện nay, đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, quay quắt về tư tưởng chính trị và giả trá về đạo đức".

Hay : "Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp, lại mượn cớ "phản biện", quay ra công khai "tát nước theo mưa" phê phán thiếu căn cứ về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lenin ; một số đảng viên trí thức, văn nghệ sĩ, luật sư đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi "tam quyền phân lập" kiểu phương Tây".

Ông Nhị Lê bảo : "Có thể gọi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là sự trượt dài của sự suy thoái tư tưởng chính trị khi mất kiểm soát ở mức độ nguy hiểm, là con đẻ của chủ nghĩa cơ hội chính trị, chủ nghĩa đầu hàng hay chủ nghĩa phản bội trên thực tế".

Quân đội bị suy thoái

Cũng đáng chú ý là cùng lúc xuất hiện bài của ông Nhị Lê thì báo của Trung ương Đảng cũng cảnh giác đề phòng tìn trạng "diễn biến hòa bình" và "suy thoái tư tưởng" trong Quân đội, lực lượng nồng cốt bảo vệ Đảng và chế đô.

Báo của Đảng thừa nhận rằng : "Đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng trong quân đội là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, quyết liệt và lâu dài".

Bởi vì, theo bài viết : "Các thế lực thù địch triệt để sử dụng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm mưu toan xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, làm tan rã niềm tin, gây hoang mang về lý luận, tư tưởng, tạo ra những khoảng trống để đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập vào cán bộ, đảng viên trong quân đội, tiến tới chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa" (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 30/05/2023).

Do đó, báo của Đảng đề xướng phải : "Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng đối với quân đội ta. Theo đó, nội dung giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội cần tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Bên cạnh đó, các tổ chức đảng trong Quân đội phải "trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện".

Sĩ quan trẻ

Nên biết từ năm 2022, vấn đề bảo vệ tư tưởng trong hàng ngũ sĩ quan trẻ trong quân đội đã được đặt lên hàng đầu trong công tác giáo dục. Bởi lẽ, cũng như tình trạng suy thoái và "nhạt Đảng, xa Đoàn" trong tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng dự bị của Đảng, vấn đề đấu tranh chống suy thoái trong lớp sĩ quan trẻ trong quân đội đã được quan tâm đặc biệt.

Lý do vì : Đội ngũ sĩ quan trẻ là lực lượng "rường cột" kế tục sự nghiệp cách mạng trong Quân đội, hay nói cách khác, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ này. Đảng ta đã chỉ rõ, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là "giặc nội xâm" đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đội ngũ sĩ quan trẻ, ít nhiều cũng có những biểu hiện suy thoái như Đảng ta đã chỉ ra. Tuy nhiên, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ thường hay biểu hiện trước và có khả năng làm trầm trọng suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Bởi, họ là thế hệ trẻ, đang cần tiếp tục được rèn luyện về nhân cách (Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (QPTD), ngày 24/01/2022).

Công an cũng suy thoái

Trong khi đó, công tác "phòng, chống suy thoái tư tưởng và đạo đức lối sống và phòng chống tham nhũng, tiêu cực " trong Lực lượng Công an cũng đang gây nhức nhối cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giống như bên Quân đội, tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" của Công an cũng phức tạp và tinh vi như trong Đảng, dù được đề cao là "thanh bảo kiếm", là "lá chắn" bảo vệ chế độ.

Trong bài viết "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh", Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhìn nhận : "Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vẫn còn hạn chế, bất cập : Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số ít cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở còn thấp, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa cao, còn hình thức ; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chưa nghiêm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa được chú trọng, kịp thời, thiếu sắc bén. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu gương mẫu ; giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 08/08/2022)

Tướng Tô Lâm không nêu ra những trường hợp cụ thể, nhưng kêu gọi phải : "Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về "phi chính trị hóa" lực lượng công an nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phê phán, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà với nhân dân, tiêu cực trong khi thi hành công vụ, những biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí".

Nhưng tại sao Công an và Quân đội lại sợ Đảng bị mất quyền lãnh đạo tuyệt đối với mình ? Bởi vì nếu Đảng không nắm chặt và chỉ huy trực tiếp mọi mặt hai lực lượng này thì Đảng sẽ mất chỗ tựa lưng để tồn tại.

Do đó, trong nhiều bài viết và diễn văn, các cấp chỉ huy quân đội và lãnh đạo công an đều thề "tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin vả tư tưởng Hồ Chí Minh" và "tự nguyện đặt mình dưới quyền lãnh đạo của Đảng về mọi mặt".

Nhưng thực tế đã không xẩy ra như Đảng trông đợi, vì tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, kể cả những ngưởi có chức, có quyền vẫn tự do leo thang, trong khi niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và các cấp lãnh đạo của đảng viên tụt hậu chưa từng thấy.