Năm mới, triển vọng mới cho làn sóng dân chủ

Lịch sử của nhân loại là gì ?

Bản chất của tiến trình lịch sử của nhân loại là gì ? Đây sẽ là một đề tài tranh luận bất tận của giới học giả. Nhưng đối với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên thì chúng tôi quan niệm rằng lịch sử của nhân loại là một cuộc hành trình của các dân tộc đi từ tăm tối và mông muội đến khai sáng và văn minh, đi từ đêm trường của độc tài và nô lệ đến kỷ nguyên của dân chủ và tự do.

danchu1

Cuộc hành trình về dân chủ của nhân loại đã rất chông gai và đầy thử thách. Các hình thức dân chủ sơ khai đã từng ló dạng ở Hy Lạp và La Mã thời cổ đại nhưng rồi sớm lụi tàn. Đến tận thế kỷ 17-18 khi Châu Âu bước vào thời đại Khai Sáng thì nền dân chủ mới từng bước được công nhận, đây là làn sóng dân chủ lần thứ hai và nó nhắm tới đánh đổ các chế độ quân chủ dựa trên nền tảng thần quyền Ki-tô giáo ở Châu Âu. Sau Thế Chiến 2 tiếp tục là làn sóng dân chủ lần thứ ba nhắm tới mục tiêu buộc các nước Châu Âu phải trả tự do cho các nước thuộc địa và đánh đổ các chế độ độc tài cánh hữu chỉ tồn tại với mục đích là chống cộng sản.

Sau sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu, giới lãnh đạo của Phương Tây đã sai lầm khi cho rằng dân chủ đã toàn thắng độc tài và cộng sản, thời đại của ý thức hệ đã qua và từ nay chỉ cần hợp tác kinh tế sẽ làm các chế độ độc tài còn lại dần dần sẽ chuyển hóa về dân chủ. Nhưng thực tế đã trái ngược với những dự định lạc quan đó, những chế độ độc tài như Trung Quốc và Nga sau khi một thời gian được để yên và hợp tác kinh tế với các nước nước dân chủ Âu-Mỹ đã có khả năng để thách thức dân chủ. Phong trào dân túy ở các nước Âu-Mỹ bùng lên sau thắng lợi của Donald Trump khi trở thành tổng thống Mỹ đã làm suy yếu các nước dân chủ Âu-Mỹ từ chính bên trong.

Hai thành trì độc tài chống dân chủ

Phải nhận diện rõ là hai thành trì độc tài chống dân chủ mạnh mẽ nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc.

Nga là một vùng đất băng giá mênh mông với những bạo chúa cai trị và người Nga cũng tôn thờ những vị bạo chúa này miễn là họ phải chiến công mở mang lãnh thổ. Tuy là nước lớn ở Châu Âu nằm ngay gần với trung tâm của nền văn minh thế giới nhưng Nga đã không học hỏi được tư tưởng dân chủ của Châu Âu mà họ chỉ tiếp thu một cách thực dụng những kiến thức về khoa học và kỹ thuật để canh tân đất nước và cố gắng bắt kịp Tây Âu. Nhưng việc Nga học hỏi khoa học và kỹ thuật trong khi từ chối tiếp thu các tư tưởng dân chủ và tự do vốn là nền tảng cho sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật của Tây Âu đã đẩy Nga vào bế tắc và sự xô đẩy của lịch sử đã đưa nước Nga trở thành nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Ngày nay tuy chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ nhưng do văn hóa chính trị thấp kém Nga đã thất bại trong việc chuyển hóa về dân chủ. Putin đã nổi lên và nắm lấy quyền lực ở Nga, Putin không khác gì các Sa hoàng khi xưa với mong muốn tái lập sự huy hoàng của Đế quốc Nga, muốn chiếm lại các lãnh thổ đã từng thuộc Đế quốc Nga.

Còn với Trung Quốc ? Trung Quốc là một trong những nền văn minh lớn của nhân loại đã từng có những phát minh lớn vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Nhưng vì tôn thờ Khổng giáo, một hệ tư tưởng lấy việc phục tùng vua chúa làm nền tảng cơ bản và cấm đoán mọi sự xét lại mà lịch sử Trung Quốc đã giậm chân trong hai ngàn năm. Là một nền văn minh phù sa, do tập quán trị thủy nên người dân Trung Quốc có xu hướng chấp nhận bạo quyền, trên khắp Trung Quốc ngày nay không khó để bắt gặp những công trình kỳ vĩ được đánh giá là kỳ quan của nhân loại như bức tường Vạn Lý Trường Thành hay kênh đào Đại Vận Hà. Để có được những công trình vĩ đại đó là sự đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người, đó là những kỳ quan nhưng là tội ác lớn với nhân dân, các vua chúa Trung Quốc đã áp đặt bạo quyền để đòi hỏi những hy sinh to lớn từ người dân. Ngày nay với một khối dân số không lồ, một lãnh thổ mênh mông, nguồn tài nguyên dồi dào số một thế giới, không khó để Trung Quốc để trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng với bản chất độc tài, giới cầm quyền của đảng cộng sản Trung Quốc không trỗi dậy một cách hòa bình, họ muốn làm bá chủ thế giới. Trung Quốc hung hăng gây hấn với tất cả các nước láng giềng xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông (một tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới) làm của riêng.

Sự bành trướng thế lực của Nga và Trung Quốc

Vào năm 1999 nước Nga đã trải qua gần một thập kỷ hỗn loạn sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế tiếp tục đà trì trệ đã kéo dài từ thời Xô-viết, nhiều tài sản công đã nhanh chóng rơi vào tay giới tài phiệt, chính trị bất ổn. Nước Nga do không có nền tảng các tư tưởng dân chủ và tự do, cùng với việc chính quyền cộng sản Xô-viết sụp đổ sau khi hàng thập kỷ thẳng tay đàn áp và tiêu diệt mọi thành phần đối lập, đã để lại một khoảng trống chính trị tuyệt đối. Nga đã thất bại trong cuộc chuyển hóa về dân chủ. Chính lúc đó Putin đã nổi lên và nắm lấy quyền lực, do vốn là sĩ quan tình báo KGB nên Putin rất giỏi các âm mưu, thủ đoạn để triệt hạ mọi đối thủ chính trị, Putin có tham vọng được lưu danh sử sách như là một Sa hoàng vĩ đại. Putin trở thành tổng thống Nga vào lúc giá dầu mỏ lên cao, nước Nga được hưởng lợi rất nhiều từ điều này, nhờ đó được người Nga cho là đã có công vực dậy nức Nga. Nước Nga dưới thời Putin dần trở nên hung hăng với các yêu sách lãnh thổ và ngày càng đối đầu với các nước dân chủ Âu-Mỹ.

Với Trung Quốc từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền và sau ba thập niên mở cửa hợp tác kinh tế với các nước dân chủ, Trung Quốc thấy mình đã có đủ sức mạnh để thách thức các nước dân chủ. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình thực hiện chính sách ngoại giao "chiến lang". Trên bộ và trên biển Trung Quốc đều đưa các yêu sách phi lý, đặc biệt Trung Quốc đe dọa độc chiếm Biển Đông và dùng vũ lực để chiếm Đài Loan. Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến "vành đai-con đường" để đưa rất nhiều các nước Châu Á và Châu Phi rơi vào bẫy nợ. Mới gần đây Tập Cận Bình còn tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường số một thế giới với một đạo quân bách chiến bách thắng.

Cả Nga và Trung Quốc đều là những mối nguy cho hòa bình của thế giới và cũng là chỗ dựa cho các chế độ độc tài trên toàn thế giới.

Logic tự hủy của các chế độ độc tài

Mặc dù là những mối nguy cho hòa bình thế giới nhưng xét về tương quan lực lượng thì cả Nga và Trung Quốc đều không có khả năng thách thức nước dân chủ. Dù cộng cả cả hai nền kinh tế của Nga và Trung Quốc lại thì không thể nào bằng tổng trọng lượng kinh tế của các nước dân chủ Âu-Mỹ.

Với Trung Quốc thì sự thịnh vượng và giàu có còn đến từ việc được mở cửa ra với thế giới và hợp tác kinh tế với các nước Âu-Mỹ. Trung Quốc sau nhiều năm cố tìm cách duy trì những con số tăng trưởng kinh tế cao bất chấp những cái giá cực đắt về môi trường, để mặc sức cho nạn đầu cơ bất động sản phát triển, nợ công còn lớn hơn cả tổng GDP. Về địa chính trị thì trái với suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc với một trung tâm quyền lực nằm ở Bắc Kinh, mỗi tỉnh của Trung Quốc đều có quy mô của một quốc gia.

Trong lịch sử, đế quốc Trung Hoa tồn tại dựa trên sự áp đặt bạo quyền của trung tâm quyền lực với các địa phương. Khi một đế quốc gặp những vấn đề thì nó sẽ co cụm lại để giải quyết các vấn đề nội bộ chứ không bành trướng ra bên ngoài. Vài năm gần đây Trung Quốc đã không còn gây hấn trên Biển Đông. Tuy Trung Quốc liên tục đe dọa dùng chiến tranh để chiếm Đài Loan, nhưng có mọi triển vọng là Trung Quốc sẽ không dám làm điều đó vì kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào ngoại thương, trừng phạt kinh tế của các nước dân chủ Âu-Mỹ sẽ là những đòn chí mạng vào nền kinh tế Trung Quốc. Không những thế, sự thịnh vượng của những tỉnh ven biển của Trung Quốc như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang đã nhanh chóng phát triển phần nhiều là được Đài Loan đầu tư. Việc Trung Quốc liên tục gây hấn với Đài Loan là nhắm biến Đài Loan thành kẻ thù để loại bỏ dần ảnh hưởng của Đài Loan ra khỏi các tỉnh ven biển giàu có và giữ gìn đoàn kết nội bộ bên trong. Chính quyền cộng sản Bắc Kinh thực sự lo sợ những ảnh hưởng của Đài Loan sẽ làm xói mòn dần quyền lực của họ, những tư tưởng dân chủ và tự do rất có thể sớm được nhen nhóm nếu cứ để cho Đài Loan thoải mái gia tăng ảnh hưởng ở các tỉnh ven biển Trung Quốc. Gần đây tình hình khó khăn về kinh tế của Trung Quốc không còn có thể che giấu được nữa khi Trung Quốc không còn tiền để cứu Sri Lanka hay Lào thoát khỏi tình trạng vỡ nợ, những nước đã rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với nước Nga độc tài của Putin thì đang ngày càng mất dần ảnh hưởng ở các nước hậu Xô-viết, đặc biệt là trường hợp Ukraine. Người Ukraine, nhờ việc tiếp xúc Tây Âu, đã càng ngày càng mong muốn thụ hưởng các giá trị dân chủ và tự do, họ chán ghét và không muốn chịu ảnh hưởng từ nước Nga độc tài của Putin. Cuộc xâm lăng Ukraine do Putin phát động đúng là một cuộc chiến "vệ quốc" theo suy nghĩ của Putin vì nếu Ukraine ngả theo dân chủ thì dân chủ đã ở trước ngưỡng cửa của Nga. Putin phải phản công, phải tự vệ nếu không làn sóng dân chủ sẽ tràn tới nước Nga, và người Nga cũng dần có ước vọng được sống trong một đất nước dân chủ để thụ hưởng những quyền tự do. Putin đã tính toán sai lầm khi cho rằng Châu Âu và Mỹ đang chia rẽ, phong trào chính trị dân túy đang làm suy yếu nội bộ của các nền dân chủ. Trái ngược với dự tính của Putin, người Ukraine với khát vọng dân chủ và tự do đã chống trả quyết liệt, thế giới dân chủ đang đoàn kết giáng những đòn mạnh vào nền kinh tế Nga. Putin và nước Nga đang thua và sẽ thua trong cuộc chiến này. Một tương lai khó đoán định đang chờ đợi Putin và nước Nga

Chính quyền cộng sản Việt Nam không còn có thể dựa vào Trung Quốc hay Nga được nữa.

danchu2

Và triển vọng cho Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời như một phân bộ Đông Dương của Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Từ trước đến nay nó luôn dựa vào hai quan thầy là Liên Xô và Trung Quốc đề tồn tại.

Từ khi Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình thực hiện chính sách bành trướng và đòi độc chiếm Biển Đông, các nước dân chủ không thể chấp nhận điều này vì Biển Đông là vùng biển chiếm đến 40% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu. Các nước dân chủ cần một đồng minh quan trọng trong khu vực này để chống lại tham vọng của Trung Quốc, đó chính là Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã lợi dụng điều đó để thực hiện chính ngoại giao đu dây, một mặt ngầm có những thỏa thuận và mặc cả với các nước dân chủ. Nhưng mặt khác họ vẫn cầu cạnh Trung Quốc để giữ lấy chế độ. Các nước dân chủ đặc biệt là Mỹ cũng đã tìm mọi cách để lôi kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Nay sự suy yếu của Trung Quốc đã rõ ràng thì Mỹ và các nước dân chủ cũng không cần làm mọi cách để ve vuốt chính quyền cộng sản Việt Nam nữa. Thế đu dây của chính quyền cộng sản Việt Nam về vấn đề Biển Đông đã không còn.

Với cuộc xâm lược Ukraine của Nga thì chính quyền cộng sản Việt Nam đã gây thất vọng và đánh mất hoàn toàn thiện cảm của các nước dân chủ khi liên tục bỏ những lá phiếu trắng không phản đối hành động xâm lược trắng trợn bất chấp mọi luật lệ quốc tế thách thức trật tự hòa bình của thế giới của Putin. Chính quyền cộng sản Việt Nam thừa hiểu hành động của Nga là sai trái và nếu Nga có thể ngang nhiên xâm lược Ukraine mà không bị trừng phạt thì Trung Quốc cũng hoàn toàn có thể làm như thế với Việt Nam. Nhưng họ trót mang ơn Liên Xô khi xưa đã giúp họ chiến thắng trong cuộc nội chiến, nhờ có Liên Xô mà họ đã ngồi lên ngai vàng.

Trong khi, về đối ngoại, chính quyền cộng sản vừa đánh mất thiện cảm của khối các nước dân chủ, vừa không thể dựa vào Trung Quốc và Nga thì kinh tế đang là một bài toán nan giải đối với họ. Với một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào ngoại thương trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang bị xét lại sau khi các nước dân chủ nhận thấy sự mong manh của việc thiết lập những chuỗi sản xuất kéo dài, kinh tế thế giới chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và một biến cố khác lại đến là cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận giúp cho những nước như Trung Quốc và Việt Nam được hưởng lợi nhờ nhân công giá rẻ đã kết thúc. Từ nay các nước dân chủ sẽ đặt chuỗi sản xuất và cung ứng ở những nước cũng là nền dân chủ sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với việc đặt ở các nước độc tài.

Trong nội bộ đảng cộng sản thì cuộc thanh trừng tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng mang tên "đốt lò" đang làm tan nát nội bộ đảng. Đảng cộng sản Việt Nam đã mất lý tưởng cộng sản, khi không còn lý tưởng để làm chất keo gắn kết các đảng viên thì tham nhũng và quyền lợi đã trở thành lẽ sống của chế độ. Làm sao có thể chống tham nhũng khi tham nhũng đã trở thành bản chất của chế độ ?

Với tất cả những bối cảnh khó khăn cả quốc tế và trong nước và trong chính nội bộ đảng cộng sản, những người Việt Nam còn có lòng với đất nước phải hiểu rằng chính quyền cộng sản không phải là giải đáp, họ không còn lý do để tồn tại. Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay chỉ là đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải ra đi, trong khi lý tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang là triều dâng của một tương lai dân chủ bắt buộc phải đến.

Trên thềm năm Quý Mão 2023, chúng tôi hân hoan chào đón những ai mong muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam thật sự dân chủ, tự do.

Việt Thịnh

01/02/2023