Học thuyết Tân Á-Âu của Aleksandr G. Dugin (Hồ Sĩ Quý)
Luận thuyết cơ bản của Dugin là, nhân tố địa lý mới là nguyên nhân cốt lõi tạo ra sức mạnh Nga xưa và nay chứ không phải nhân tố kinh tế. Dugin kêu gọi người Nga phải có sứ mệnh phục hưng quá khứ, chống lại phương Tây và NATO, chinh phục các dân tộc xung quanh và vĩnh viễn làm chủ trung tâm lục địa Á Âu.
Học thuyết Tân Á-Âu của Aleksandr G. Dugin và hệ lụy địa
chính trị của nó
Tóm tắt : Aleksandr Gelievich Dugin
(Александр Гельевич Дугин), giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia
Moscow Lomonosov, là nhà hoạt động chính trị có tư tưởng
gây ảnh hưởng rất đáng kể ở Nga khoảng 30 năm
nay. "Học thuyết Tân Á Âu" của ông là sự kế thừa
những ý tưởng chống phương Tây của Nga có từ thế kỷ XIX, nhưng
được tô đậm thêm bằng hoài niệm về quá khứ của nước Nga thời Sa
hoàng vĩ đại và một phần thời Liên bang Xô viết hùng mạnh. Luận
thuyết cơ bản của Dugin là, nhân tố địa lý mới là nguyên nhân cốt
lõi tạo ra sức mạnh Nga xưa và nay chứ không phải nhân tố kinh tế.
Dugin kêu gọi người Nga phải có sứ mệnh phục hưng quá khứ, chống
lại phương Tây và NATO, chinh phục các dân tộc xung quanh và vĩnh
viễn làm chủ trung tâm lục địa Á Âu. Học thuyết Tân Á Âu của
Dugin được nhiều người Nga cổ súy và đã trở thành nhân tố tinh
thần đáng kể ở Nga từ năm 2008 đến nay, nhưng bị dư luận thế giới
coi là nhân tố gây hệ luỵ hết sức tiêu cực cho nước Nga, châu Âu
và thế giới, nhất là từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. (HSQ)
Tham vọng chính trị của Putin : Liên bang Á-Âu, 2031
1. Đặt vấn đề
Xung đột Nga – Ukraine xảy ra khá bất ngờ đối với nhiều người,
kể cả không ít chính khách, chính trị gia tầm cỡ thế giới. Nhưng, sự kiện này lại
không bất ngờ đối với nhiều Think Tank, một số chính trị gia khác và một số
cũng khá đông giới nghiên cứu chiến lược Nga và Phương Tây. Vì nếu theo dõi sát
đời sống chính trị Nga thì một số tư tưởng địa chính trị cực đoan từ lâu đã
tương đối phổ biến ở Nga và tỏ ra có ảnh hưởng rất đáng kể đến Putin. Chủ nghĩa
Tân Á-Âu (Неоевразийство, Neo-Eurasianism) của nhà tư tưởng Aleksandr Dugin là
một học thuyết như vậy.
Tính đến nay (đầu 8/2022) đã gần 6 tháng kể từ ngày Nga tiến
hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Không thể nói Nga đang
chiến thắng, nhưng Ukraine cũng chưa thất bại, khi ngày càng kiên quyết với lập
trường độc lập chủ quyền của mình. Người phát ngôn của Tổng thống Nga D. Peskov
đã không dưới một lần tuyên bố muốn giải phóng toàn bộ Ukraine [1].
Thiệt hại của tất cả các bên trong cuộc chiến là vô cùng to lớn. Trật tư địa
chính trị thế giới bị đảo lộn. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân tăng lên.
2. Học thuyết Tân Á-Âu của Aleksandr G. Dugin và hệ luỵ địa
chính trị của nó
2.1. Bối cảnh
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chủ nghĩa dân tộc được
đánh thức ở hầu hết các quốc gia – dân tộc. Tư tưởng dân tộc cực đoan bùng phát
bên cạnh chủ nghĩa yêu nước chân chính. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những tư tưởng
cực đoan thì đến nay, chưa ở đâu đáng kể như ở Nga.
Mặc dù chưa được tuyên bố chính thức trong Chiến lược đối
ngoại của Nga, song Tổng thống Putin đã nhiều lần đề cập tới việc xây dựng một
"Đại Á-Âu" hay "Đối tác Đại Á-Âu" (Большая Евразия /
Евразийского Партнёрства ; Greater Eurasia/ Greater Eurasian Partnership), chẳng
hạn trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN (Sochi, 2016) hay tại Diễn đàn Vành
đai và Con đường (Bắc Kinh, 2017) [2].
Putin coi chiến lược "Đại Á-Âu" là một nỗ lực Phục
hưng của Nga. Sergey Karaganov, cố vấn cho các đời tổng thống Nga từ sau Chiến
tranh Lạnh, được cho là người đã trực tiếp thảo ra ý tưởng này. Theo đó,
"Đối tác Đại Á-Âu" là một Dự án mở cho tất cả các nước lục địa từ
đông Đại Tây dương đến tây Thái Bình dương, hợp tác với nhau trong sự kết nối
giữa EAEU (Liên minh kinh tế Á-Âu) với SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) và với
ASEAN. Chính sách Á-Âu hướng Đông của Nga gặp gỡ các tư tưởng hướng Tây của
Trung Quốc trong dự án "Vành đai & Con đường". Và, hai nước lớn
này từ năm 2017, đã không ngần ngại nói đến nhiều tham vọng lâu dài, mà trước mắt
là thuyết phục tất cả các nước thuộc Châu Á và Châu Âu về cơ hội hợp tác và lợi
nhuận của dự án [3].
Tuy vậy, đến trước cuộc xung đột Nga – Ukraine 2022, chưa thấy
ai trong số các nước ASEAN và Châu Âu thể hiện rõ thái độ của mình [4].
2.2. Học thuyết Á-Âu cổ điển và
Học thuyết "Miền đất trái tim" của Halford J. Mackinder
"Học thuyết Tân Á-Âu"
(Неоевразийство/Neo-Eurasianism) của A. Dugin là một sự pha trộn kỳ lạ giữa một
phong trào chính trị – xã hội với một thứ gần như tôn giáo, giữa những tình cảm
dân tộc của một đám đông với lý trí hoài cổ của những học giả, và giữa học thuyết
"Miền đất trái tim" của H.J. Mackinder với học thuyết Á-Âu cổ điển
(Classical Eurasianism) của những trí thức Nga lưu vong khỏi nước Nga sau năm
1917. Để trình bày về Dugin, không thể không nói sơ qua về học thuyết Á-Âu cổ
điển và học thuyết "Miền đất trái tim" của Halford J. Mackinder.
Học thuyết Mackinder coi vùng đất lục địa lớn nối liền Châu
Á với Châu Âu là trung tâm của trái đất. Trung tâm của lục địa trung tâm đó là
miền đất trái tim, tức là khu vực Đông Âu và Nga là trái tim của lục địa Á –
Âu. Đề cao vị thế địa chính trị của miền đất trái tim, Mackinder cho rằng, ai
khống chế được trung tâm trái đất, tức ai làm chủ được "Miền đất trái
tim" thì sẽ làm chủ được phần còn lại của trái đất. Mackinder viết :
"Ai cai trị được Đông Âu thì sẽ khống chế được miền đất trái tim
(Heartland) ; Ai thống trị được khu vực trung tâm hay "miền đất trái
tim" này thì sẽ thống trị được lục địa thế giới. Ai thống trị được lục địa
lớn của thế giới sẽ thống trị thế giới" [5].
Thật không may, những tư tưởng cực đoan của ông đã được Karl Haushofer áp dụng
và kích thích nỗ lực thống trị thế giới của Đức trong quá khứ. Nhiều nội dung
trong lý thuyết của Mackinder đã được giới chính trị và giới sử học chứng minh
là không chính xác, nhưng lại có rất nhiều học giả và chính khách Châu Âu đến
nay vẫn thích sử dụng tư tưởng của ông để giải thích các mối quan hệ phức tạp
giữa quyền lực với các đặc điểm địa chính trị.
Với người Nga dù theo các lập trường tư tưởng – chính trị
khác nhau, nhưng học thuyết này cũng ít nhiều cuốn hút, vì nó đánh thức tâm lý
dân tộc của một quốc gia vĩ đại có vị trí miền đất trái tim – trung tâm trái đất.
Sau Cách mạng tháng Mười 1917, lượng người di cư ra khỏi nước
Nga khá đông, trong số đó có rất nhiều trí thức nổi tiếng. Họ là những người có
tình yêu mãnh liệt đối với nước Nga mà họ đã bị chối bỏ, phải đến lưu
vong ở phương Tây, nơi họ lại ít nhiều đều mang tâm lý của những người Slavo được
gọi bằng thuật ngữ "Westophilia" (Западофилия – ghét, không ưa, thậm
chí kỳ thị Phương Tây ; thực ra là vừa ngưỡng mộ vừa căm ghét văn minh phương
Tây ; ở Tây Âu cũng có tâm lý ghét người Slavo được gọi bằng thuật ngữ
"Slavophilia"). Mackinder vô tình lại là người khơi mào cho "Học
thuyết Á-Âu cổ điển" xuất hiện trong bối cảnh đó.
"Học thuyết Á-Âu cổ điển" được hình thành ở những
người Nga lưu vong ban đầu là một dạng triết học Nga về vị thế và đặc thù của
xã hội Nga. Sau đó, đã trở thành một phong trào chính trị xã hội và tạo ra một
đảng phái hoạt động ở Đông và Tây Âu đến trước Chiến tranh thế giới II. Những đại
biểu đầu tiên của học thuyết này là nhà địa lý và kinh tế học P.N. Savitsky
(П.Н. Савицкий 1895-1968), nhà ngôn ngữ học và dân tộc học N.S. Trubetskoy
(Н.С. Трубецкой 1890-1938), nhà triết học G. V. Florovsky (Г.В. Флоровский
1883-1979) và nhà nghệ thuật học P.P. Suvchinsky (П.П. Сувчинский 1892-1985). Họ
là những người được coi là tài ba và cùng có tâm lý Westophilia. Những năm 20
thế kỷ XX, khi nước Nga Xô viết đứng vững và ngày càng lớn mạnh thì sự kỳ thị của
những người di cư cũng gay gắt theo, học thuyết Á-Âu cổ điển lại càng gây sức
hút, thống nhất được những lợi ích rất đa dạng và cuối cùng đã gây ảnh hưởng mạnh
mẽ. Cả Châu Âu tranh luận với những ý tưởng Á-Âu. Yếu tố xúc cảm cũng là một
tác nhân không nhỏ, đến mức không chỉ người Nga ở nước ngoài mà ngay cả trong
nước cũng có cảm tình. Tất cả những người theo học thuyết Á-Âu đều tự đặt ra
cho mình những câu hỏi mà họ coi là nhức nhối : Chúng ta là ai, người phương
Đông hay người phương Tây ? Hay chúng ta là một dạng đặc biệt ? Do vậy, nước
Nga nên đi theo con đường nào ? Và, những câu hỏi này vẫn ảnh hưởng đáng kể đến
ngày nay ở không ít người Nga [6].
"Học thuyết Á-Âu cổ điển" là một hệ tư tưởng theo
chủ nghĩa biệt lập (không gắn với một truyền thống nào) và có một cấu trúc tinh
thần – văn hóa khá phức tạp. Những người theo Học thuyết này tin rằng họ đã
khám phá ra một lục địa thứ ba giữa Châu Âu và Châu Á – đó là lục địa
Á-Âu (Eurasia), một nền văn minh riêng biệt, khác với hệ thống xuất phát từ Hy
lạp – La mã của văn hóa Tây Âu. Lục địa Á-Âu có văn hóa đặc trưng riêng, không
phải Châu Âu, cũng không phải Châu Á. Nền văn minh Á – Âu được xây dựng dựa
trên những ý tưởng vừa ngưỡng mộ vừa căm ghét phương Tây của Nga trong thế kỷ
XIX. Thực chất là chống những người Nga sùng bái văn hóa Phương Tây, sau
đó bị biến thành chống phương Tây (Hầu hết giới quý tộc Nga thời Sa hoàng
đều sùng bái Phương Tây, đến mức gọi tên cũng phát âm theo tiếng Pháp hoặc tiếng
Đức ; rất nhiều công trình văn hóa Nga bắt chước y hệt Tây Âu ; người Châu Âu
thời đó đã sống và làm việc ở Nga khá nhiều…).
Những người theo học thuyết Á-Âu tin rằng, chủ nghĩa cá nhân
là một thứ vô trách nhiệm và tự do, dân chủ là không thích hợp với người Nga. Họ
thấy truyền thống xã hội Nga hàng thế kỷ thời Sa hoàng là tốt đẹp và khẳng định
đó là bản chất Nga. Ở xã hội đó, Nhà thờ Chính thống giáo quan trọng hơn nhà nước
(bởi nhà nước thì thay đổi theo thời gian, còn Chính thống giáo thì mãi vẫn phải
như thế), chủ nghĩa huyền bí Nga (Русская Мистика / Russian Mysticism) ưu việt
hơn chủ nghĩa duy lý phương Tây (bởi chủ nghĩa huyền bí Nga mới giải thích được
những nét sâu kín trong tâm hồn Nga). Nước Nga phải có phương thức phát triển
riêng biệt, đặc thù, không cần bắt chước phương Tây. Các chuẩn mực phương Tây
được coi là xa lạ và mâu thuẫn cơ bản với bản sắc Á-Âu của Nga.
Từ sau 1991, những tư tưởng của học thuyết Á-Âu trở lại phổ
biến với nước Nga trong tất cả các nhà trường. Ngày nay, gần như người Nga nào
cũng thuộc lòng bài thơ của F.I. Tyutchev, nhà tư tưởng Nga viết năm 1866 :
"Bằng lý tính thì đừng mong hiểu được nước Nga / Không thể đo Nga bằng các
tiêu chuẩn thông thường / Nước Nga là đặc biệt / Chỉ có thể tin ở nước
Nga" [7].
Không phải ngẫu nhiên, mới đây tại lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ ngày
9/5/2022, tức là sau khi chiến dịch tấn công Ukraine đã được gần 3 tháng, chính
Tổng thống Vladimir Putin đã một lần nữa khẳng định : "Chúng ta là một đất
nước khác. Nước Nga có một đặc trưng khác. Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ tình
yêu Tổ quốc, niềm tin và các giá trị truyền thống, phong tục của tổ tiên. Còn ở
phương Tây, những giá trị nghìn năm này dường như đã bị hủy bỏ" [8].
Nhận xét về nét tâm lý này, Dina Khapaeva, nhà nghiên cứu Mỹ
gốc Nga viết : "Ý tưởng về phương Tây là trung tâm của bản sắc Nga. Thiếu
sự khước từ phương Tây, bản sắc Nga không tồn tại. Điều này rất khác biệt so với
các nền văn hóa Châu Âu khác. Sự say mê phương Tây là cơ sở của bản sắc Nga. Đó
không đơn giản là quan hệ yêu – ghét : Nga không thể hình dung ra mình được nếu
không so sánh với phương Tây và nếu không từ chối phương Tây. Đó là một kiểu
văn hóa rất đặc biệt về mặt đó" [9].
2.3. Học thuyết Tân Á-Âu của Aleksandr G. Dugin
Cả "Học thuyết Á-Âu cổ điển" và "Học thuyết
Tân Á-Âu" của Aleksandr G. Dugin đều được xây dựng dựa trên những ý tưởng
chống phương Tây của Nga có từ thế kỷ XIX, nhưng "Học thuyết Tân
Á-Âu" của Dugin tô đậm thêm tâm lý hoài niệm của người Nga không chỉ về
quá khứ vĩ đại của các Sa hoàng mà còn về sự mất mát không gì bù đắp được của gần
một thế kỷ Liên bang Xô viết hùng mạnh, vừa bị tan rã và hiện nay dường như
ngày càng bị Phương Tây và NATO lấn át.
Alexander Gelievich Dugin (sinh ngày 7/1/1962 tại Moscow),
tiến sỹ triết học, tiến sỹ xã hội học, và tiến sĩ khoa học Chính trị, Đại học Tổng
hợp Moskva (MGU) ; người đề xướng "Học thuyết Tân Á-Âu"
(Неоевразийство), một trào lưu tư tưởng có sức ảnh hưởng đáng kể ở Nga. Tư tưởng
địa chính trị về "Miền đất trái tim" của Mackinder đã được Aleksandr
Dugin thần bí hóa và sử dụng trong nhiều sách và bài viết của ông về không gian
Nga thời hậu Xô Viết.
Những năm từ 1990 đến 1992, Dugin khai thác kho lưu trữ đã
giải mật của KGB, nhờ đó, trên Kênh 1 của TV Nga, chương trình "Bí mật thế
kỷ" đã được phát sóng và rất ăn khách. Từ 1993 đến 1998, ông là nhà tư tưởng
và là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Bolsevich quốc gia
(NBP-Национал-большевистская Партия). Từ năm 1998 đến 2000, ông là cố vấn cho
Chủ tịch Duma quốc gia Nga G. Seleznev, Chủ nhiệm "Trung tâm Địa chính trị"
của Hội đồng Tư vấn của Duma quốc gia. Từ năm 2001, Dugin là Chủ tịch Hội đồng
chính trị của Phong trào chính trị – xã hội Á-Âu toàn Nga. Từ tháng 11/2003
Dugin trở thành lãnh đạo của "Phong trào Á-Âu Quốc tế" (MED, phong
trào tuyên bố cổ vũ cho sự hình thành một Đế chế Á-Âu bằng sự hợp nhất Nga với
các nước thuộc Liên Xô cũ và các vùng lãnh thổ nói tiếng Nga ngoài Liên bang
Nga, đặc biệt là miền Đông Ukraine và Crimea [10].
Từ tháng 3/2008, Dugin được xem là nhà tư tưởng của đảng Nước Nga Thống nhất, đảng
lớn nhất, phương tiện chính trị của tổng thống Putin ở Nga. Từ tháng 9/2008,
Dugin được phong giáo sư tại Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow. Theo kết quả của
một cuộc thăm dò trên trang web Openspace với hơn 40 nghìn phiếu, Dugin xếp thứ
36 trong số những trí thức có ảnh hưởng nhất ở Nga [11].
Năm 2014, Dugin bị sa thải khỏi vị trí trưởng khoa Xã hội học, Đại học tổng hợp
Moscow (do ông kêu gọi "giết, giết, giết" những người được coi là đã
hành động tàn bạo ở Ukraine) [12].
Những năm 2000, Dugin thường xuyên tuyên truyền về tư tưởng
của chủ nghĩa Á-Âu trên báo chí. Ông tích cực ủng hộ V. Putin và D. Medvedev và
kêu gọi một chính sách đối ngoại đề cao lợi ích quốc gia. Tư tưởng "Tân
Á-Âu" và những hoạt động của Dugin trong phong trào "Liên hiệp thanh
niên Á-Âu" được rất nhiều học giả và các nhà chính trị trên thế giới coi
là chủ nghĩa Phát xít hoặc rất gần với chủ nghĩa Phát xít [13].
A. Dugin viết rất nhiều. Trong đó, về học thuyết Tân Á-Âu,
đáng kể nhất và cũng được dư luận Nga và thế giới quan tâm nhiều nhất theo
chúng tôi là :
1) "Cơ sở của địa chính trị" (Основы геополитики :
Большое пространство), xuất bản lần đầu năm 1997 và đã được dịch ra các thứ tiếng
Pháp, Runania, Serbia, Gruzia, Ý, Tây Ban Nha, Anh… ;
2) "Cơ sở của Á-Âu" (Основы Eвразийства), xuất bản
năm 2002 ;
3) "Lý thuyết chính trị thứ tư : Nước Nga và tư tưởng
chính trị thế kỷ XXI" (Четвертая политическая теория. Россия и
политические идеи XXI века), xuất bản năm 2009 ;
4) "Sứ mệnh Á-Âu : tài liệu chương trình của Phong
trào Á-Âu quốc tế" (Евразийская миссия : программные материалы
Международного Еразийского Движения), xuất bản năm 2014.
Nói chung, gần như tư tưởng nào của Dugin cũng gây ấn tượng
vì tính chất khác thường của nó. Ông không ngần ngại bày tỏ ý chí xây dựng một
nước Nga vĩ đại nhưng sẵn sàng tàn bạo và đối xử không thương tiếc với các cộng
đồng lân cận không thần phục Nga. "Học thuyết Tân Á-Âu" của Dugin kêu
gọi người Nga phải có sứ mệnh phục hưng quá khứ, chống lại Phương Tây và NATO,
thần phục các dân tộc xung quanh và vĩnh viễn làm chủ vùng đất trái tim, trung
tâm của lục địa Á-Âu.
Trong "Cơ sở của địa chính trị…" A. Dugin viết :
"Quy luật cơ bản của địa chính trị là nguyên lý Không
gian Vĩ đại, được xác định bởi Mackinder và Haushofer và đã được phát triển bởi
Carl Schmitt. Theo nguyên lý này, chủ quyền quốc gia của một quốc gia phụ thuộc
vào không chỉ sức mạnh quân sự, sự phát triển công nghệ và cơ sở kinh tế mà
còn phụ thuộc vào không gian và vị trí địa lý của các vùng đất và
lãnh thổ của quốc gia đó. Các nhà kinh điển về địa chính trị đã viết hàng trăm
quyển sách chứng minh rằng, vấn đề chủ quyền phụ thuộc trực tiếp vào tính độc lập
địa chính trị, khả năng tự cung tự cấp (trong) khu vực (самодостаточности,
автаркийности региона). Những dân tộc và quốc gia thực sự phấn đấu vì chủ quyền,
trước hết phải giải quyết vấn đề tự cung tự cấp (trong) lãnh thổ. Trong thời đại
của chúng ta, chỉ có các quốc gia rất lớn nằm trong các khu vực được bảo vệ chiến
lược khỏi một cuộc tấn công có thể xảy ra (quân sự, chính trị hoặc kinh tế) bởi
đội ngũ nhà nước khác mới có khả năng tự cung tự cấp như vậy" [14].
Chúng tôi đã tìm hiểu tư tưởng này của Dugin qua các tài liệu
khác và lúc đầu không tin rằng, Dugin coi nước Nga là quá rộng lớn nên có thể
không cần nguồn cung cấp từ bên ngoài. Những lập luận về khả năng tự cung tự cấp
của Không gian Nga gắn liền với giải thích của A. Dugin về vị thế địa chính trị
vĩ đại của nước Nga, trái tim của lục địa Á-Âu :
"Sự lựa chọn địa chính trị của một giải pháp chống chủ
nghĩa đơn cực bên ngoài tạm thời làm tê liệt nước Nga vẫn cần phải tính đến chức
năng địa lý và chiến lược tối quan trọng của vùng đất Nga và dân tộc Nga, nghĩa
là, sự chống lại những người theo chủ nghĩa đơn cực hiện đại, hiện đang kiểm
soát không gian chính trị Nga ở một mức độ nào đó, không nên biến thành chứng sợ
Nga nói chung. Hơn nữa, các lợi ích địa chính trị cốt lõi về mặt văn hóa, tôn
giáo, kinh tế và chiến lược của người Nga trùng khớp với triển vọng về một
Không gian Vĩ đại chống chủ nghĩa đơn cực Đại Tây Dương. Vì nguyên nhân này,
các khuynh hướng quốc gia của các lập trường chính trị bên trong nước Nga nhất
thiết sẽ đoàn kết với tất cả các dự án chống lại chủ nghĩa đơn cực của chủ
nghĩa hội nhập bên ngoài nước Nga" [15].
Theo Dugin, các lợi ích địa chính trị cốt lõi của nước Nga về
tất cả các mặt văn hóa hay tôn giáo, kinh tế hay chính trị… đều trùng khớp với
việc xây dựng một Không gian Nga Vĩ đại chống lại văn minh – văn hóa phương
Tây, mà ông gọi là "chủ nghĩa đơn cực Đại Tây Dương". Trong quan niệm
của Dugin, cả Châu Á, Đông Âu và nhiều vùng đất khác nữa của trái đất đều chống
lại Phương Tây, nhưng không ai hơn Nga trong sứ mệnh này :
"Dù sao đi nữa, với tính cách là Heartland, trái tim của
Đảo Á-Âu, trong tình hình địa chính trị cấp bách hiện nay, nước Nga vẫn tốt hơn
tất cả các vùng khác trong việc chống lại địa chính trị theo chủ nghĩa Đại Tây
Dương và trở thành trung tâm của một Không gian Vĩ đại có thể lựa chọn (лучше
всех остальных регионов могла бы противостоять атлантистской геополитике и
быть центром альтернативного Большого Пространства). Thực tế sự tự thủ tiêu địa
chính trị của Nga (ám chỉ sự kiện Liên bang Xô viết tan rã – HSQ) đã buộc nó phải
rời khỏi vai trò trung tâm trong cuộc đối đầu địa chính trị trong một thời gian
(chúng ta hy vọng là chỉ một thời gian ngắn). Vì vậy, cần phải chú ý đến các khả
năng khác để tạo ra một Không gian Vĩ đại thay thế, để các quốc gia và dân tộc
khác từ chối dự án chủ nghĩa quân sự (ám chỉ những nước không vào NATO- HSQ) có
thể thực hiện một số bước đi độc lập mà không cần chờ đợi sự thức tỉnh về địa
chính trị của Nga. (Vả lại, những bước đi này có thể thúc đẩy một sự thức tỉnh
như thế)" [16].
Khi viết "Vả lại, những bước đi này có thể thúc đẩy một
sự thức tỉnh như thế" vào năm 1997, Dugin vẫn thấy nước Nga và nhiều nhà
chính trị Nga chưa đủ "mặn mà" với học thuyết tân Á-Âu. Bởi vậy,
Dugin dự báo và đề xuất, đối với nước Nga và dân tộc Nga, vị thế địa chính trị
này có thể được thực hiện theo 4 phương án chính và một phương án bất đắc dĩ
khác. Trong số 4 phương án đó, phương án thứ hai mà Dugin đề xuất, rất tiếc, đã
xảy ra :
"Phương án thứ hai của cuộc nội chiến được xác định
theo công thức : Liên bang Nga chống lại một (hoặc một số) nước cộng hòa có
chung biên giới. Một tình huống như vậy có thể dễ được phát sinh do sự bất ổn cực
độ của các nhà nước mới hình thành trên lãnh thổ của Liên Xô cũ. Các quốc gia
này, về nguyên tắc, sẽ không có bất kỳ chủ quyền thực sự nào, vì sức mạnh chiến
lược của họ không cho phép họ bảo vệ nền độc lập của mình mà không cần đến sự
trợ giúp từ bên ngoài. Sự sụp đổ của các hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế
của họ là không tránh được, và tất nhiên, điều đó không thể không ảnh hưởng đến
thái độ của họ đối với dân cư Nga (hoặc thân Nga) và với chính nước
Nga" [17].
Lưu ý : khi viết "dân cư Nga (hoặc thân Nga)",
Dugin muốn ám chỉ những người Nga và những người nói tiếng Nga ở những nước
ngoài Nga. Tư tưởng này rõ ràng rất Sô vanh và ngạo mạn. Vậy mà, năm 1997, khi
"Cơ sở của địa chính trị…" của Dugin được xuất bản, tác phẩm này đã tạo
ra một cơn bão tinh thần trong giới trí thức Nga và trong đời sống tinh thần xã
hội Nga, mở đường cho Dugin trở thành nhà tiên tri mới cho hệ tư tưởng cánh hữu
của Nga. Nhiều ý kiến phủ nhận ảnh hưởng của Dugin đến Tổng thống Putin. Nhưng
"Cơ sở của địa chính trị", không hề ngẫu nhiên lại được Tổng tư lệnh
các lực lượng vũ trang Nga (Tổng thống) chọn để trở thành tài liệu "kinh
điển" (bắt buộc) các sĩ quan cấp cao trong quân đội Nga học tập [18].
Về Ukraine, Dugin cho rằng, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nói về
địa chính trị lục địa mà "không giải quyết vấn đề Ukraine" :
"Ukraine với tính cách là một quốc gia độc lập với một
số tham vọng lãnh thổ, sẽ gây ra mối nguy hiểm to lớn cho toàn bộ lục địa Âu-Á,
và sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nói về địa chính trị lục địa mà không giải quyết
vấn đề Ukraine. Điều này không có nghĩa là quyền tự chủ kinh tế hoặc văn hóa –
ngôn ngữ của Ukraine cần phải bị hạn chế, và Ukraine cần trở thành một khu vực
hành chính thuần túy của nhà nước tập trung Nga (như, ở một vài giai đoạn, mọi
thứ đã thuộc về Đế chế Nga hoàng hoặc dưới thời Liên Xô). Nhưng về mặt chiến lược,
Ukraine cần phải trở thành hình chiếu nghiêm chỉnh (строго проекцией) của
Moscow về phía nam và phía tây" [19].
Tư tưởng của Dugin về sự thống trị của Nga đối với nước
Ukraine và người dân Ukraine rõ ràng đến trắng trợn – Ukraine phải chính là Nga
ở phía nam và phía tây. Nhưng không chỉ có thế. Tất cả các dân tộc ở vùng này,
theo Dugin, cần phải có sự kiểm soát tuyệt đối của Nga và quyền dân tộc tự trị
của họ nhiều hay ít là do Nga tuỳ ý quyết định :
"Mệnh lệnh địa chính trị tuyệt đối của Nga trên bờ Biển
Đen là kiểm soát không giới hạn và toàn bộ chiều dài của nó từ Ukraine đến lãnh
thổ Abkhazia. Có thể tùy ý phân chia toàn bộ khu vực này theo dấu hiệu văn hóa
dân tộc, có thể trao quyền dân tộc và tự trị dân tộc cho người Nga ở Crimea,
người Tatars, người Cossacks, người Abkhazians, người Gruzia, v.v., nhưng tất cả
điều này phải có sự kiểm soát tuyệt đối của Moscow đối với các tình huống chính
trị và quân sự. Những khu vực này phải từ chối triệt để ảnh hưởng từ bên ngoài
như từ phương Tây và từ Thổ Nhĩ Kỳ (hoặc thậm chí cả từ Hy Lạp). Bờ biển phía bắc
của Biển Đen cần phải độc quyền thuộc khu vực Âu-Á và phục tùng trung tâm
Moscow" [20].
A. Dugin có lúc cho rằng, học thuyết chính trị của ông là đại
diện của "Con đường thứ ba", tức là con đường sau và cao hơn "Chủ
nghĩa truyền thống" và "Cách mạng (theo chủ nghĩa) Bảo thủ".
Nhưng từ năm 2009, Dugin lại gọi học thuyết của mình là "Con đường thứ
tư", sau và cao hơn "Chủ nghĩa cộng sản", "Chủ nghĩa phát
xít" và "Chủ nghĩa tự do". Trong cuốn "Lý thuyết chính trị
thứ tư : Nước Nga và tư tưởng chính trị thế kỷ XXI" xuất bản năm 2009, ông
cho rằng "Chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, những
hệ tư tưởng của thế kỷ XX, đã tồn tại lâu hơn tính hữu ích của chúng. Vì vậy, cần
phải tạo ra một học thuyết chính trị mới, thứ tư". Trong cuốn sách này,
Dugin viết :
"Để lấp đầy khoảng trống, Nga cần một tư tưởng chính trị
mới. Chủ nghĩa tự do là không phù hợp, còn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát
xít là không thể chấp nhận được. Vì vậy, chúng ta cần đến Lý thuyết Chính trị
thứ tư. Và nếu đối với ai đó, đó chỉ là vấn đề tự do lựa chọn, thực hiện ý chí
chính trị, điều có thể dẫn tới khuynh hướng gồm cả sự khẳng định và phủ nhận,
thì đối với Nga, đó là vấn đề sinh tử – câu hỏi của Hamlet (tồn tại hay không tồn
tại – HSQ). Nếu nước Nga chọn, thì điều này tự động có nghĩa là – Học thuyết
Chính trị thứ tư sẽ được tạo ra – "tồn tại". Trong trường hợp ngược lại,
nước Nga không chọn, thì Học thuyết Chính trị thứ tư sẽ "không tồn tại"
và lặng lẽ rời khỏi vũ đài lịch sử, tan biến trong một thế giới toàn cầu không
do chúng ta tạo ra và kiểm soát (раствориться в глобальном, созданном и
управляемом не нами мире)" [21].
Khi Dugin viết : "Nếu nước Nga không chọn, Học thuyết
Chính trị thứ tư sẽ "không tồn tại" và lặng lẽ rời khỏi vũ đài lịch sử,
tan biến trong một thế giới toàn cầu không do chúng ta tạo ra và kiểm
soát", ông muốn kích động tâm lý dân tộc nước lớn của dân chúng Nga và các
nhà lãnh đạo Nga. Chẳng có gì khó hiểu, khi số đông dân chúng Nga (theo số liệu
của Nga) ủng hộ cuộc tấn công của quân đội Nga vào Ukraine. Có lẽ, tình cảm dân
tộc sẽ rất tự nhiên khiến nhiều người Nga cảm thấy cay đắng khi nghe, trật tự
thế giới toàn cầu hóa ngày nay là thế giới không do Nga tạo ra và kiểm soát.
Trong tất cả các bài viết và sách xuất bản của A. Dugin, luận
thuyết cơ bản của A. Dugin cho rằng, nhân tố địa lý chứ không phải kinh tế mới
là nguyên nhân cốt lõi tạo ra sức mạnh của nước Nga xưa và nay. Bởi về
kinh tế thì có lúc Nga mạnh, có thời kỳ Nga yếu ; nhưng về địa chính trị thì
Nga không thể Vĩ đại nếu không thống trị miền đất trái tim. Do đó, theo Dugin,
đối tượng trực tiếp của Nga hai thế kỷ nay chính là Mỹ trong không gian Đại Tây
Dương, kẻ vẫn thống trị Châu Âu và phương Tây. Các giá trị Mỹ và phương Tây
không tương thích và luôn mâu thuẫn với sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa của lục
địa Á-Âu. Nước Nga, vì thế, nếu muốn hùng mạnh và phát triển phải tiếp nối truyền
thống của Đế chế Á-Âu – một sức mạnh địa chính trị dựa trên yếu tố địa lý đã từng
được tạo dựng từ nhiều thế kỷ trước bởi các Sa Hoàng và sau này là Liên bang Xô
viết trong thế kỷ XX [22].
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Dugin có cái nhìn rất hoang tưởng
về chính trị và lại rất méo mó về kinh tế. Chẳng hạn, trong "Cơ sở của địa
chính trị…" A. Dugin viết :
"Khủng hoảng kinh tế là bối cảnh tuyệt vời cho xung đột
dân sự, trong một số trường hợp nhất định, nó có thể là thúc đẩy các trận đại hồng
thủy, dù các tuyến sức mạnh cơ bản có thể là các nguồn lực phi kinh tế khác. Lời
kêu gọi dân tộc, sắc tộc, chủ nghĩa yêu nước, tự do ngày nay có khả năng điều
chỉnh mặt vật chất thuần túy của cuộc sống, biến nó thành thứ yếu. Nhưng ngay cả
trong trường hợp mặt vật chất chiếm ưu thế, thì do sự mất uy tín của các tín điều
Mácxít và xã hội chủ nghĩa, nên mặt vật chất cũng không thể thể hiện các yêu cầu
của mình dưới hình thức một hệ tư tưởng chính trị nhất quán và tin tưởng được.
Rất có thể, nhân tố kinh tế trong các cuộc xung đột sẽ xảy ra đồng thời, chứ
không phải là một phạm trù xác định (nguyên nhân tất yếu – HSQ)" [23].
Trong những năm gần đây, cùng với hoạt động của Dugin trong
đảng "Nước Nga thống nhất", trong "Phong trào Á-Âu quốc tế"
(MED), trong "Liên đoàn thanh niên Á-Âu" và trong các chuyến thuyết
giảng về chủ nghĩa dân tộc Đại Nga ở nhiều nơi, nhất là ở các vùng đất ly khai
như Abkhazia, Donbass…, học thuyết Tân Á-Âu đã vô tình được sử dụng gần đúng
như là "Lý thuyết chính trị thứ tư" để thay thế ba hệ tư tưởng lớn của
thế kỷ XX và chuyển tải tư tưởng trung tâm lục địa Âu Á đến không chỉ những người
Nga cuồng tín, mà còn đến không ít những người Nga khác. Rất nhiều tài liệu cổ
suý cho học thuyết Tân Á-Âu, rất nhiều luận án về Dugin, đã được viết và xuất bản
trong những năm gần đây. Từ năm 2014, sau khi Dugin bị sa thải khỏi vị trí trưởng
khoa Xã hội học, Đại học tổng hợp Moscow, tài liệu viết về Dugin và Tân Á-Âu dường
như lại ngày một nhiều thêm.
Mới đây nhất, sau gần một tháng chiến sự ác liệt đã xảy ra
trên đất Ukraine, A. Dugin trên Website "The Fourth Political
Theory" của chính Phong trào Á-Âu quốc tế, đã đáp trả Francis Fukuyama khi
Fukuyama viết về sự sa lầy của Nga ở Ukraine trên tờ Washington Post
14/3/2022 [24].
Trong bài viết này, A. Dugin chẳng những không e ngại mà còn tỏ ra rất tự hào về
việc Nga muốn xóa bỏ hoàn toàn trật tự tự do phương Tây : "Luận đề này (cuộc
chiến với trật tự tự do – HSQ), tự nó, đã hoàn toàn chính xác. Chiến dịch
quân sự đặc biệt ở Ukraine là động lực quyết định để thiết lập nước Nga như một
nền văn minh, như một cực có chủ quyền của một thế giới đa cực. Vâng, đây
chính xác là cuộc chiến với trật tự tự do" (The special military
operation in Ukraine is the decisive momentum of establishing Russia as a
civilisation, as a sovereign pole of a multipolar world) [25].
Cũng ở bài này, về quan hệ Nga – Ukraine trong chiến lược
Á-Âu, một lần nữa Dugin nhắc lại : "Tầm quan trọng của Ukraine đối với việc
phục sinh nước Nga, với tư cách một quyền lực hoàn toàn độc lập của thế giới,
đã được xác lập rõ ràng bởi các thế hệ các nhà sáng lập khoa học địa chính trị
Anglo-Saxon, từ Mackinder đến Brzezinski. Sớm hơn, nó được phát biểu như sau
: không có Ukraine – Nga không là một đế chế, có
Ukraine – nó là một đế chế. (Without Ukraine Russia is not an Empire,
but with Ukraine it is an Empire) [26].
Không còn là một tư tưởng viển vông trong đầu óc một số nhà
chính trị, học thyết của Dugin đã trở thành nhân tố tinh thần đáng kể trong các
chiến dịch quân sự của Putin ở Gruzia năm 2008, ở Crimea năm 2014 và đặc biệt
rõ và nghiêm trọng, hiện nay ở Ukraine. Dugin được coi là tác giả của sáng kiến sát
nhập Crimea vào Nga ngay từ năm 2008 khi Nga tiến hành cuộc chiến với
Gruzia. Ông cũng là người cho rằng, chiến tranh giữa Nga và Ukraine là
"không thể tránh khỏi" và kêu gọi Tổng thống Putin phát động một cuộc
tấn công quân sự vào miền đông Ukraine, mà ông luôn gọi là
"Novorossia" (Vùng Nga mới ; tên gọi này sau đó cũng được Tổng thống
Putin sử dụng). Bản thân Dugin đã đến Nam Ossetia tranh chấp để khuyến khích
phong trào ly khai ở đó. Đặc biệt, những nhận xét gay gắt của ông về miền
Donbass của Ukraine đã thu hút sự chú ý của toàn dân Nga và thế giới. Hiện
nay, sau hơn 150 ngày cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn khốc liệt,
Aleksandr Dugin là người lớn tiếng nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng,
kích động người Nga, chính giới Nga và Tổng thống Nga về một nước Nga Vĩ đại
không thể không có Ukraine và các vùng dân tộc nói tiếng Nga.
Không hề phải lo ngại vì dân chúng phản đối chiến dịch quân
sự đặc biệt, như dư luận Phương Tây hình dung, mà những ngày gần đây, chính tư
tưởng cực đoan này của Dugin làm tăng thêm những người ủng hộ chiến tranh, trên
thực tế, đã khiến Putin lo ngại. "Sự cuồng nhiệt của công chúng có thể leo
thang, khiến Putin trở nên diều hâu hơn và quyết liệt hơn, cho dù tình cảm này
bắt nguồn từ chính sự tuyên truyền của Kremlin. Đây là một điểm cực kỳ quan trọng
: Putin đã đánh thức một chủ nghĩa dân tộc tối tăm mà bản thân ông ta ngày càng
phụ thuộc nhiều hơn vào đó" [27].
Tư tưởng của Aleksandr Dugin được nhiều người Nga hoan
nghênh nhưng bị dư luận phương Tây coi là đã gây hệ luỵ rất tiêu cực cho nước
Nga, Châu Âu và thế giới, nhất là từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra. Chưa
rõ cuộc chiến kết thúc như thế nào, và mặc dù các chính khách Nga không thừa nhận,
song thật khó phủ nhận rằng, trật tự địa chính trị thế giới định hình từ sau cuộc
chiến Nga – Ukraine 2022 lại không có sự giật dây kích động của Dugin và Học
thuyết Tân Á-Âu của ông. Năm 2014, Tạp chí "Foreign Policy" của Mỹ đã
đưa Dugin vào danh sách 100 "Nhà tư tưởng toàn cầu" của thế giới hiện
đại ở hạng mục "kẻ kích động" (Агитаторы / Agitators).
4. Kết luận
Nước Nga trong tâm khảm của đa số người Việt, là một quốc
gia vĩ đại, có nền văn minh và văn hóa thuộc loại có một không hai trên thế giới.
Hơn thế nữa, với lịch sử hơn nửa thế kỷ kề vai sát cánh giúp Việt Nam xây dựng
và bảo vệ đất nước, nước Nga, người Nga đã thực sự là người bạn, người anh em
thủy chung, tình nghĩa. Nhưng phải chăng lại vì thế mà có thể đồng tình với cuộc
tấn công bằng vũ lực của Nga vào Ukraine, một quốc gia độc lập có chủ quyền,
phù hợp với tất cả những điều kiện pháp lý và chính trị quốc tế được Liên Hiệp
Quốc và luật pháp quốc tế công nhận.
Bởi vậy, tại Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại
hội đồng Liên Hiệp Quốc về xung đột Nga – Ukraine ngày 01/03/2022, Việt Nam đã
nói rõ quan điểm của mình : "Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu
các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột
đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính
trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết
các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch
sử, ngộ nhận và hiểu lầm"[28].
Phát biểu này không hề vô tình hay ngẫu nhiên. Không thể loại trừ Học thuyết
Tân Á-Âu của Aleksandr Dugin mà một bộ phận người Nga đang cổ suý, ra khỏi danh
sách "các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, có tham vọng
thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế"…
Người dân Ukraine, trong suốt lịch sử của mình, trong Chiến
tranh thế giới II và ngay từ những ngày đầu cuộc chiến này đã tỏ ra là một dân
tộc yêu hòa bình, dũng cảm đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và tự do của đất nước.
Quân đội Ukraine hiện vẫn rất yếu kém so với quân đội Nga. Đất nước Ukraine vẫn
đang tiếp tục bị tàn phá và có thể không tránh khỏi bị xóa sổ, ít nhất là phần
đất miền đông, Donbass, Khersol… Người Ukraine đang hàng ngày hàng giờ tiếp tục
chịu mất mát, chết chóc, đau thương. Không có bất cứ lý lẽ nào khiến nhân loại
quay lưng lại với Ukraine. Ủng hộ tự do, chủ quyền, hòa bình và độc lập của
Ukraine là tiếng nói của lương tri, lẽ phải và công lý quốc tế. Người Việt Nam
với tất cả kinh nghiệm lịch sử và tình cảm thủy chung với Ukraine không thể đứng
ngoài đội ngũ này.
Alesandr Dugin, theo đánh giá của nhiều học giả, là nhà tư
tưởng cực đoan, ít nhiều vĩ cuồng. Những tư tưởng của ông về lục địa Á-Âu, trước
24/2/2022 vẫn được không ít người nghĩ rằng, đó thuần tuý chỉ là những hoang tưởng
tồn tại trong đầu óc một số cá nhân, nên không có gì đáng phải quan ngại. Tuy
nhiên khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành "Chiến dịch quân sự đặc biệt"
ở Ukraine thì vấn đề hóa ra đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Những người chịu ảnh
hưởng tư tưởng của Dugin không ít, kể cả các trí thức, học giả, đặc biệt là một
số chính khách và những phần tử Phát xít mới. Tổng thống Putin không bao giờ
nói mình chịu ảnh hưởng Dugin, nhưng không ít học giả đã chỉ ra những thay đổi
của ông trong chính sách đối ngoại Nga và trong chính tư tưởng của ông từ đầu
thập niên 2010 đến nay do ảnh hưởng này. Hệ luỵ địa chính trị của học thuyết
Tân Á-Âu đã thực sự là một nhân tố gây chiến tranh, làm đất nước Ukraine đổ
nát, dân thường Ukraine và binh lính hai bên thương vong với số lượng rất lớn,
kinh tế thế giới suy giảm, cục diện chính trị toàn cầu thay đổi…
Ngày nay, một quan niệm cho rằng, nước Nga phải lấy lại vị
thế Đế chế Nga Vĩ đại nằm ở trái tim lục địa Á-Âu, bao gồm các dân tộc không phải
Á cũng không phải Âu, có sứ mệnh thiêng liêng là mở rộng biên cương Nga, thần
phục các dân tộc nói tiếng Nga, để tái hình thành một Đế chế Nga mới, chống lại
và xóa bỏ văn minh – văn hóa phương Tây… – không thể coi là một quan niệm sáng
suốt và đúng đắn cả về mặt lịch sử và về mặt logic. Quan niệm này đi ngược lại
trào lưu khách quan của tiến bộ xã hội.
Cuộc chiến mới chỉ hơn 150 ngày, chưa đủ điều kiện để khẳng
định quan niệm này sẽ thất bại hay chiến thắng. Nhưng nếu nước Nga chiến thắng,
thì lần này sự chiến thắng sẽ ngược chiều với chiến thắng năm 1945.
Hồ Sĩ Quý
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/12/2022
Hồ Sĩ Quý là Giáo sư Tiến sĩ Viện Thông tin Khoa học
xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bài viết được đăng lần đầu
trên Tạp chí "Thông tin Khoa học xã hội" số 11/2022.
----------------------------------
Tài liệu trích dẫn :
[1] Thomas-Greenfield L.
(Jul. 2022), Ukraine
war : US envoy to UN says Russia intends to dissolve Ukraine from world map.
[2] Путин, (14. Mая 2017), Выступление Президентa Путина на Меж. Форуме "Один пояс, один путь", Пекин, 14 мая 2017 г.
[3] Караганов С. (2017) : В 2017 году нас в Азии стали считать своими. https://we.hse.ru/news/214830028.html (Sergey
Karaganov, Tiến sĩ Sử học, Trường Kinh tế, Đại học nghiên cứu quốc gia, Nga, Chủ
tịch danh dự Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại).
[4] Сергей Караганов (2020), "Россия возвращается домой…".
[5] Cf.,Xem
: Mackinder H, britannica.
[6] Cf.,Xem
: Isaeva O. S. (2020), Classical
Eurasianism Variations During the Second Half of the 20th and Early-21st
Centuries.
[7]Стихотворение Федора Тютчева ("Умом Россию не понять, / Аршином общим не измерить : / У ней особенная стать / В Россию можно только верить").
[8]Путин B. (9 Mая 2022), Парад Победы на Красной площади.
[9] Cf., Xem
: Dina Khapaeva (2022), Ivan
the Terrible and Stalin : "Putin propagates state terror as a national
tradition".
[10] Cf.,Xem
: Horvath R. (2008), Beware
the rise of Russia’s new imperialism.
[11] Cf.,Xem
: Дугин А.Г. : биография.
[12] Cf., Xem : Ректор (2014), МГУ уволил Александра Дугина.
[13] Cf.,
Xem : Shenfield S. (2000), Russian Fascism : Traditions,
Tendencies and Movements, Pub. : Routledge ; 1st edition
// Борис Ковалёв (2008).Евразийские фашисты Дугина и напоминание о Холокосте.
[14] Дугин A.Г. (1997). Основы
геополитики : Большое пространство. Книга 1 M., Изд.
Арктогея. c. 239.
[15] Op.cit., Дугин A.Г. (1997). Основы геополитики… Sđd. c. 240.
[16] Op.cit., Дугин A.Г. (1997). Основы геополитики… Sđd. c. 240.
[17] Op.cit., Дугин A.Г. (1997). Основы геополитики… Sđd. c. 253.
[18] Cf. Xem
: Starr F.S. & Starr Svante E. Cornell (2014). Putin’s
Grand Strategy : The Eurasian Union and Its Discontents. Pub. Central
Asia-Caucasus Institute & Silk Road Studies Program.
[19] Op.cit., Дугин A.Г.
(1997). Основы геополитики… Sđd. c. 199.
[20] Op.cit., Дугин A.Г. (1997). Основы геополитики… Sđd. c. 199.
[21]Дугин А.Г (2009). Четвертая Политическая Теория. Россия и политические идеи XXI века. Изд. : Амфора СПб.
Tr. 8.
[22] Xem
: Дугин
А.Г. wiki.ru.
[23] Op.cit., Дугин A.Г.
(1997). Основы геополитики… Sđd. c. 256.
[24] Fukuyama
F. (2022), Could
Putin lose ? Here’s why the ‘End of History’ author is optimistic.
[25] Dugin
A. (2022), End
of history that has never happened and Russian war on the liberal order.
[26] Ibid., Dugin
A. (2022), End
of history that has never happened and Russian war on the liberal order.
[27] Stanovaya
T. (2022), What
The West (Still) Gets Wrong About Putin (Putin has awakened a dark nationalism
he is more and more dependent on).
[28] Đặng
Hoàng Giang (2022), Toàn
văn quan điểm của Việt Nam về Ukraine tại Liên Hiệp Quốc.