Việt Nam vẫn tiếp tục các động thái ngoại giao "tháu cay" với Mỹ (Hoàng Trường - Michael Tatarski)
Nhưng thử hỏi, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục các động thái ngoại giao "tháu cay", trên tuyên bố, vẫn "coi Mỹ đối tác quan trọng hàng đầu", nhưng trên thực tế thì xếp quan hệ này thuộc "loại ba" ; vẫn tiếp tục có biểu hiện các "biến tấu mới" của chính sách đa dạng hóa, vẫn xuống tay đàn áp mọi biểu hiện dân chủ hóa xã hội ở trong nước, thì Tổng thống Biden sẽ sang Việt Nam để làm gì ?
Phạm Bình Minh ‘câu giờ’ trên đất Mỹ…
Hoàng Trường, VOA, 03/10/2022
Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục các động thái ngoại giao "tháu cay", về tuyên bố, "coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu", nhưng trên thực tế thì xếp quan hệ ấy thuộc "hạng ba"… thì Tổng thống Biden sang Việt Nam để làm gì ?
Phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận khóa 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24/9/2022.
Ngày 24/9/2022, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 – một Cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền rộng khắp trong các lĩnh vực hợp tác – đã giới thiệu Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh lên phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao. Khán phòng Liên Hiệp Quốc chứng kiến tư thế ông Minh đĩnh đạc tiến lên bục trình bày lưu loát bằng tiếng Anh bản tham luận. Chi tiết này khiến "màn trình diễn" của Phó Thủ tướng thường trực thêm nổi bật. Sinh thời, cha của ông là cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng nhiều lần phát biểu trực tiếp bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh ở các diễn đàn khác nhau của Liên Hiệp Quốc và cũng đã để lại hình ảnh ấn tượng về một nền ngoại giao kháng chiến kiến quốc có sức lay động công luận. Các năm trước đây, phát biểu của Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc thường được TTXVN đăng tải nguyên văn trên các tờ báo trong nước. Trái với thông lệ ấy, năm nay hơn một tuần lễ đã qua, toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Minh vẫn chưa xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.
Các biến tấu của "Đa dạng hóa"
Đây là YouTube đưa lại toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận khóa 77 của Đại hội đồng/Liên Hiệp Quốc hôm 24/9. Tiêu đề bài phát biểu của Phó Thủ tướng Việt Nam :"Tăng cường đoàn kết và quan hệ đối tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết các thách thức toàn cầu đan xen".Tiêu đề này là nhằm hưởng ứng chủ đề của phiên thảo luận là : "Thời khắc bước ngoặt : Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức đan xen". Ông Minh đã mở đầu phát biểu của mình bằng nhận xét : "Thế giới đang ở thời khắc ‘bước ngoặt của lịch sử’ khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương. Tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đẩy lùi nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG)". Phó Thủ tướng Việt Nam đã mô tả khá chính xác cục diện quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh như vậy, lời kêu gọi của Việt Nam "tăng cường đoàn kết và quan hệ đối tác quốc tế" liệu có phải là một kịch bản thực tế ?
Dường như để dẹp tan băn khoăn này của công luận, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tiếp : "Cần thượng tôn luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình". Đồng thời, ông Minh cũng kêu gọi "xây dựng các thể chế đa phương vững mạnh và hiệu quả, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, để ứng phó với các thách thức chung". Lời kêu gọi này của ông Phạm Bình Minh, một mặt, hàm ý chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga chống lại Ukraine. Nhưng mặt khác, trước tuyên bố "thắng lợi" của cái gọi là "cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga", truyền thông Việt Nam lại đưa tin theo kiểu "lập lờ đánh lận con đen" rằng, "Liên Hợp Quốc khẳng định cương quyết công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các đường biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ trước tới nay. Ghép chuyện Nga cưỡng bức bỏ phiếu với việc Liên Hiệp Quốc công nhận kết quả của đường biên giới cũ, khiến dư luận có thể hiểu nhầm, hai chuyện này là một.
Lá phiếu Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vào mùa hè qua đã khiến cho nhà văn quân đội – Đại tá Phạm Đình Trọng – chỉ ra cái thực chất của "sự không chọn bên" : "Trong khi hầu hết các quốc gia có mặt ở Liên Hiệp Quốc đều bỏ phiếu lên án Nga, đòi Nga phải rút quân và đa số đều ủng hộ Ukraine, thì ở cả hai lần, Việt Nam đều bỏ phiếu trắng. Hai lần người dân Việt Nam bị các lá phiếu trắng ấy làm nhục trước thế giới". Đến lần thứ ba hôm 7/4, Đại tá Trọng tố cáo tiếp : "…93 cánh tay cộng đồng nhân loại chỉ mặt cái ác Putin ở Ucraine. 93 cánh tay loài người văn minh đòi đuổi Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền. Đi xa hơn hai lần trước bỏ phiếu trắng, lần này nhà nước Việt Nam ngang nhiên bỏ phiếu chống. Chống nghị quyết vạch mặt cái ác, nhà nước Việt Nam đưa cánh tay ra bảo vệ cái ác ấy của Nga". Ngược lại chính sách "đa dạng hóa" ông Minh tôn vinh trong phát biểu 24/9, thực tế xuất hiện một số "biến tấu mới" :Nhà nước vẫn không chịu đáp ứng thư ngỏ của các tổ chức dân sự khuyến nghị quốc tế hóa các cảng Cam Ranh và Đà Nẵng trước âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh ; nhưng lại ngấm ngầm ủng hộ Nga và Trung Quốc trong một số vấn đề quốc tế, kể cả trong quan hệ làm ăn của các doanh nghiệp.
Một trong những "biến tấu" phi pháp gần đây nhất của "đa dạng hóa" là gỗ phong vàng của Nga lại tiếp tục lọt vào thị trường Hoa Kỳ đến tay người tiêu dùng dưới vỏ ngụy trang là sản phẩm Châu Á. Tình trạng này diễn ra bất chấp lệnh cấm của Mỹ áp lên sản phẩm loại này do cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine. Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) – có trụ sở tại Anh quốc – đưa ra kết luận này hôm 1/10. Nhóm điều tra của EIA đã nói chuyện với năm công ty Trung Quốc chiếm đến 60% sản phẩm ván lạng xuất khẩu sang Việt Nam. EIA kết luận hơn 90% gỗ phong vàng của những công ty này là từ Nga. Một chủ Trung Quốc cũng cho Nhóm điều tra biết toàn bộ gỗ phong vàng mà công ty này sử dụng đều từ Nga, đóng gói ở Trung Quốc và tái xuất sang Việt Nam với nhãn xuất xứ từ Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy dù từ tháng 3 đến tháng 4/2022 lượng gỗ phong vàng nhập trực tiếp từ Nga vào Hoa Kỳ giảm đi, nhưng nhập khẩu ván ép phong vàng từ Việt Nam sang Mỹ tăng 206%.
Nghịch lý của hội nhập sâu rộng
Trong phát biểu hôm 24/9, ông Minh nói Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Và ông Minh cũng ngỏ ý, muốn các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam có xu hướng ngày càng siết chặt việc kiểm soát thông tin và tin tức.Luật mới dự kiến công bố trước cuối năm nay, sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc kiểm soát phát tán tin tức trên Facebook và YouTube, trong khi giao việc kiểm duyệt nội dung cho các nhà cung cấp nền tảng. Chính phủ Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp mang tính bảo mật với các công ty internet và mạng xã hội phổ biến để đưa thông tin cho họ về các loại tài khoản nào sẽ được phép đăng nội dung tin tức theo luật mới, các nguồn tin cho biết. Chính quyền sẽ có thể ra lệnh yêu cầu các công ty chủ quản các mạng xã hội cấm những tài khoản vi phạm các luật này. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thắt chặt sự kiểm soát truyền thông và không cho phép nhiều tiếng nói bất đồng. Việt Nam được xem là quốc gia có một trong những thể chế và quy định kiểm soát internet hà khắc nhất về thái độ ứng xử trên mạng xã hội. Các nguồn tin nắm thông tin trực tiếp nó i với Reuters sẽ có thêm luật về các nền tảng mạng xã hội và internet mới.
Nhưng có lẽ gây chấn động nhất là các tố cáo của những nhà hoạt động nhân quyền. Trả lời RFA hôm 30/9/2022 từ Đức Quốc, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết, Việt Nam đã từng trúng cử một nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 2014 – 2016. Nhưng sau đó, do năm 2015 và năm 2016 Việt Nam vi phạm nhân quyền quá nhiều nên đã không dám tái cử. Ông Đài cho rằng lần này, Việt Nam cũng không xứng đáng ứng cử, vì tình trạng đàn áp nhân quyền tồi tệ. Ông nói tiếp : "Việt Nam trong bốn năm trở lại đây đã bắt giữ rất nhiều những người bất đồng chính kiến, những người thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Hiện có khoảng hơn 100 người đã bị bắt và đang bị cầm tù. Những người đó dùng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình để vạch rõ những sai phạm của nhà nước cộng sản Việt Nam trong vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền và những vấn đề bất cập khác chứ không có một ai chống đối cả..". Phần lớn họ chỉ bình luận phân tích những vấn đề đã được báo chí nhà nước nêu lên, chứ không l ấy những thông tin ngoài luồng về nhà nước cộng sản Việt Nam.
Trước phiên thảo luận của Đại hội đồng/Liên Hiệp Quốc khóa 77, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Joe Biden chủ trì (ngày 21/9). Tại buổi chiêu đãi đó, ông Minh đã cảm ơn sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với quan hệ Việt – Mỹ. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tiếp tục thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước… Tổng thống Biden chia sẻ cá nhân luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước và con người Việt Nam ngay từ khi ông còn là Thượng Nghị sĩ, luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước. Tổng thống cũng bày tỏ mong muốn thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm phù hợp.
Nhưng thử hỏi, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục các động thái ngoại giao "tháu cay", trên tuyên bố, vẫn "coi Mỹ đối tác quan trọng hàng đầu", nhưng trên thực tế thì xếp quan hệ này thuộc "loại ba" ; vẫn tiếp tục có biểu hiện các "biến tấu mới" của chính sách đa dạng hóa, vẫn xuống tay đàn áp mọi biểu hiện dân chủ hóa xã hội ở trong nước, thì Tổng thống Biden sẽ sang Việt Nam để làm gì ?
Nói thêm một lẫn nữa cho những ai còn ảo tưởng vào ánh hào quang từ một "nuớc Nga Xô Viết". Thử điểm lại lịch sử, có thể thấy các cuộc chiến tranh lớn mà Nga tham gia đều dẫn tới hai chuyện, đó là đống xác chết chồng chất và sự kiệt sức của đất nước rộng lớn và có nhiều tiềm năng này. Chiến tranh thế giới thứ nhất dẫn tới sự tan rã của đế chế Nga, để thiết lập đế chế cộng sản. Chiến tranh thế giới thứ hai những tưởng đưa đến sự huy hoàng của Liên Xô, nhưng hệ thống Xô Viết không cạnh tranh lại được với phương Tây trong hòa bình và chiến tranh lạnh, dẫn tới sự rã đám của Liên Xô. Nay tới chiến tranh Ukraine, từng đoàn mugik Nga kém tổ chức, ăn đói chịu khát lại lên đường làm nguyên liệu cho "cái cối xay thịt" vĩ đại.
Trung Quốc không ủng hộ Nga sáp nhập vùng đất đi ăn cướp của Ukraine, vì ủng hộ như thế đồng nghĩa với việc lấy dao tự chặt chân mình. Bị dồn vào chân tường, Putin còn mỗi hàng nóng đe dọa để chiếm đoạt Ukraine. Nguy hiểm nhất lúc này là hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử bị bấm nút trong trạng thái hoang tưởng và phiêu lưu, mở đầu cho sự tận thế.
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 03/10/2022
**********************
Gỗ Nga tránh lệnh trừng phạt của Mỹ qua ngả Việt Nam như thế nào ?
Michael Tatarski, Anh Khoa, VNTB, 03/10/2022
Gỗ bạch dương Nga được vận chuyển qua Châu Á trước khi được đưa đến Mỹ.
Ván ép được cho là làm từ gỗ bạch dương Nga đang được chất lên một con tàu ở Hải Phòng, Việt Nam, để xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2022.
Gỗ bạch dương Nga đã tiếp tục đến với người tiêu dùng Mỹ, sau khi được ngụy trang thành sản phẩm Châu Á, bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ áp đặt đối với Nga do xâm lược Ukraine, một báo cáo mới cho biết.
Gỗ bạch dương Nga biến thành gỗ Trung Quốc
Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một nhóm giám sát phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh, đã phát hiện ra rằng hầu hết các sản phẩm gỗ bạch dương hiện đang được xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Nga. Theo dữ liệu hải quan Việt Nam, khoảng 40.000 mét khối gỗ bạch dương được vận chuyển mỗi tháng từ Nga và Trung Quốc vào Việt Nam, Tại đây số gỗ này được lắp ráp thành đồ nội thất và gỗ dán.
Những chiếc ghế và khung giường này cuối cùng được bày bán trên kệ của các chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ, EIA cho biết trong một báo cáo chia sẻ độc quyền với The Washington Post.
Các nhà điều tra của nhóm giám sát đã nói chuyện với năm công ty Trung Quốc chiếm 60% gỗ bạch dương của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam và kết luận rằng hơn 90% gỗ bạch dương của họ có nguồn gốc từ Nga. Một chủ nhà máy gỗ Trung Quốc nói với nhóm điều tra rằng tất cả gỗ bạch dương mà công ty họ sử dụng là của Nga nhưng được đóng gói lại ở Trung Quốc và tái xuất sang Việt Nam với nguồn gốc quốc gia xuất xứ là Trung Quốc.
"Họ [các nhà nhập khẩu Mỹ] không theo dõi các nguồn nguyên liệu gốc", người chủ nhà máy nói với EIA. "Chúng tôi hồi nào giờ đều làm vậy".
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng 206%
Vào tháng 6, Cơ quan Quản lý Rừng Liên bang của Nga khẳng định rằng ngành công nghiệp gỗ của nước này đã không bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp trừng phạt.
Pavel Chashchin, người đứng đầu cơ quan này, nói với Tass, một hãng thông tấn nhà nước : "Tổ hợp công nghiệp lâm nghiệp Nga đã được đưa đến các thị trường thân thiện và khi xuất hiện các hạn chế thì đã được sắp xếp lại một phần. Quá trình thiết lập các kênh xuất khẩu mới sẽ tiếp tục".
Trong xây dựng, gỗ bạch dương được thu hoạch từ những cánh rừng rộng lớn của Nga từ lâu đã được coi là nguồn gỗ dán tốt nhất — một vật liệu được sử dụng làm sàn, trần nhà và vách ngăn, cũng như để trang trí trên các vật dụng như cửa và tủ.
Trước cuộc xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ đã nhập khẩu hàng trăm ngàn mét khối gỗ dán bạch dương Nga mỗi năm. Do nhu cầu lớn, mặt hàng nhập khẩu này đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022 trước khi thay đổi lộ trình vào tháng 4, khi chính quyền Biden tăng thuế quan đối với gỗ bạch dương Nga từ 10% lên 50%. Từ tháng 3 đến tháng 4, ngay cả khi nhập khẩu gỗ bạch dương Nga trực tiếp của Mỹ giảm, nhập khẩu gỗ dán bạch dương từ Việt Nam tăng 206%, Hiệp hội Gỗ Trang trí, đại diện cho các ngành công nghiệp gỗ cứng của Mỹ cho biết.
Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, một tổ chức thương mại phi chính phủ tại Việt Nam, đã không trả lời các câu hỏi về xuất xứ nguồn cung cấp gỗ bạch dương của các công ty. Ông ta chỉ nói rằng "các nhà sản xuất gỗ dán Việt Nam có thể nhập khẩu một số lượng gỗ bạch dương nhất định từ các nguồn khác nhau để làm bề mặt gỗ dán".
Phúc Xuân Tô, một nhà phân tích chính sách cao cấp tại Forest Trends, chuyên nghiên cứu ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam trong nhiều năm, đã xác nhận những phát hiện của EIA. Ông Tô cho biết, gỗ bạch dương nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng trong nửa đầu năm nay, và rất có thể gỗ bạch dương có nguồn gốc từ Nga.
Rừng bạch dương trên lãnh thổ Nga
Lừa đảo từ đông sang tây
Gỗ bạch dương Nga cũng đang xuất hiện dưới các nhãn hiệu lừa đảo ở các thị trường bên ngoài Hoa Kỳ, theo các nhóm vận động. Gần đây, "các công ty ở Anh đã nhận được nhiều đề nghị bán gỗ bạch dương hơn từ Viễn Đông", Công ty Phát triển Gỗ Vương quốc Anh, đại diện cho các công ty trong toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ ở Anh cho biết.
"Do rừng bạch dương tập trung ở Bắc Nga và Châu Âu ; gần như chắc chắn rằng gỗ bạch dương có trong gỗ dán được cung cấp trên thực tế có nguồn gốc từ Nga", hiệp hội thương mại cho biết trong một tuyên bố cảnh báo các thành viên về việc trốn lệnh trừng phạt của Anh.
Trong khi Trung Quốc cũng xuất khẩu gỗ bạch dương, EIA cho biết các thương nhân lớn nhất thế giới ưa thích gỗ bạch dương Nga vì được coi là bền chắc hơn.
Vào tháng 3, Earthsight, một nhóm theo dõi khác ở Anh, báo cáo rằng một số công ty lâm nghiệp lớn nhất của Nga thuộc sở hữu của các nhà đầu tư có quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin.
Ông trùm quặng mỏ Alexei Mordashov, người bị Liên Hiệp Châu Âu đưa vào danh sách đen vào tháng 3, nắm giữ tài sản lớn ở Sveza, một trong những nhà xuất khẩu gỗ dán bạch dương lớn nhất của Nga, Earthsight cho biết. Trong khi xuất khẩu trực tiếp của Sveza sang Châu Âu đã giảm kể từ đầu năm, lãnh đạo công ty gần đây đã nói với phóng viên rằng họ đã tích cực chuyển hướng cung cấp sang Châu Á và Châu Phi. "Tôi hoàn toàn không liên quan gì đến căng thẳng địa chính trị hiện nay", Mordashov nói trong một tuyên bố vào tháng Tư.
Gia đình của tỷ phú viễn thông Vladimir Yevtushenkov nắm quyền kiểm soát Sistema, công ty mẹ của Segezha, một công ty khai thác gỗ xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Vào tháng Tư, sau khi bị Anh trừng phạt, Yevtushenkov đã từ bỏ quyền kiểm soát cổ đông đối với tập đoàn Sistema bằng cách chuyển giao 10% tài sản cho con trai. Tập đoàn Segezha tuyên bố trong khoảng thời gian đó rằng họ không cho là bị các lệnh trừng phạt của Anh làm ảnh hưởng. "Tập đoàn Segezha vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường", tuyên bố cho biết.
Tiếp tay
Việt Nam có mối quan hệ chính trị, quốc phòng và kinh tế mạnh mẽ với Nga từ thời Liên Xô. Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Việt Nam nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng lên án Nga tấn công Ukraine.
Alex Bloom, một nhà phân tích của cơ quan này, cho biết sự gia tăng đột ngột của hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thời điểm nguồn cung của Nga giảm đã thu hút sự chú ý của EIA, cơ quan này đã theo dõi việc di dời của các nhà sản xuất Trung Quốc đến Việt Nam trong những năm gần đây.
"Chúng tôi biết rõ từ các cuộc điều tra trước đây rằng một lượng lớn gỗ của Nga, đặc biệt là gỗ bạch dương, được sử dụng trong các nhà máy của Trung Quốc để sản xuất gỗ dán xuất khẩu", bà nói. "Sau khi thuế chống bán phá giá của Mỹ có hiệu lực đối với gỗ dán Trung Quốc [năm 2017], rất nhiều các nhà máy Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam để tránh các mức thuế đó".
Thomas Chung, một nhân viên chuyên về Việt Nam tại EIA, cho biết việc đóng gói lại gỗ bạch dương của các công ty Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy tắc và luật thương mại của Hoa Kỳ mà còn có thể được coi là bất hợp pháp theo hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ ở Việt Nam.
"Yêu cầu phải biết nguồn gốc của một sản phẩm gỗ nằm trong quy trình thẩm tra khi nhập khẩu gỗ hoặc các sản phẩm gỗ vào Việt Nam", ông nói. "Điều này có nghĩa là ngay cả khi các thị trường trung gian được sử dụng thì cũng phải biết nguồn gốc của gỗ. Bất kỳ việc làm lại thương hiệu nào cũng nên được coi là bất hợp pháp".
Michael Tatarski
Nguyên tác : How Russian timber bypasses U.S. sanctions by way of Vietnam, The Washington Post, 01/10/2022
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 03/10/2022
https://www.washingtonpost.com/world/2022/10/01/russia-sanctions-birch-wood-vietnam-china/