Dưới chân Vinhomes - Nguyễn Kai

Vừa qua cầu Thủ Thiêm, con đường Lương Định Của đang to rộng bỗng biến thành đường mòn. Hai bên um tùm lau sậy và cỏ dại, mùa mưa cỏ cây trải một màu xanh ngút mắt. Chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học Lương Đình Của hẳn sẽ rất ưng ý về khung cảnh đầy chất thiên nhiên hai bên con đường mang tên ông.

thuthiem1

Dọc đường Lương Định Của ngày nay, lề đường không có, lòng đường không được mở rộng, cỏ dại chen chúc với rác rưởi hôi thối. - Photo : RFA

Nếu đó không phải là bãi chiến trường suốt hàng chục năm nay của cuộc chiến đòi quyền lợi đất đai giữa cư dân Thủ Thiêm và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối diện với trung tâm phồn hoa nhất của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ qua một khoảng sông hẹp, bán đảo Thủ Thiêm từ lâu đã là nơi dân cư sầm uất. Vị trí này đắc địa gần như bậc nhất, chỉ sau trung tâm hiện tại do nó chỉ cần nối một cây cầu là bước qua. Do vậy nó cũng là miếng bánh béo bở hạng nhất của các cặp mắt chằm chằm nhìn vào đất đai và phận người mà chỉ thấy nó lóe ánh vàng. Những đôi mắt đó, hầu hết là của các quan chức (đã nằm xếp lớp trong tù hoặc đang chờ gọi tên) và các doanh nghiệp thân hữu với họ.

Trong trùng trùng những tòa cao ốc mọc lên nơi đất vàng Thủ Thiêm, hoành tráng nhất là Vinhomes. Tập đoàn này chiếm giữ những vị trí tốt nhất ở những đô thị lớn nhất, xây nên những cao ốc không biết gọi tên là gì cho phải. Vì nó toàn màu xám hay đất nhạt, mọc lên từng khối cao lừng lững và san sát nhau đến nỗi giới kiến trúc sư thì kêu lên vì nguy cơ cháy lan từ tòa này sang tòa khác nếu có sự cố không may, còn dân sống trong đó mở mắt ra chỉ nhìn thấy la liệt những bức vách cao ngất và xám ngắt. Họ đặt những cái tên kêu xoang xoảng như đô thị sinh thái, đô thị công viên, nơi dành cho giới thượng lưu… nhưng cứ đi tìm thiên nhiên ở đó mà xem ! Hầu hết nó là cây trồng trong chậu và cỏ cảnh, đáp ứng rất nhanh chóng và hời hợt vỏ ngoài cho yêu cầu tỷ lệ mảng xanh trên đầu người.

Khi Vinhomes, hay những tập đoàn thân hữu ruột thịt khác chiếm được những vị trí đẹp nhất của Thủ Thiêm để xây cao ốc, thì những chủ nhân thực sự và lâu đời của nó đang chui rúc suốt 22 năm nay trong mịt mùng lau sậy và cỏ dại. Họ là hàng trăm ngàn hộ dân có đất lọt trong lõi quy hoạch, được hứa hẹn tái định cư tại chỗ nhưng đã bị nuốt lời. Hoặc, nhà cửa đất đai của họ nằm ngoài bản đồ quy hoạch của thành phố, nhưng qua bàn tay phù phép của các thuật sĩ cạp đất mà ăn thì đã nằm trọn trong vùng này. Tại các cuộc họp giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm với UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoặc với các đoàn kiểm tra của Trung ương, nhiều người dân đã trưng rõ ràng bằng chứng họ bị đập phá, tháo dỡ nhà cửa không thương tiếc, không được báo trước và không được đền bù một đồng nào.

Đất Thủ Thiêm tăng giá vùn vụt, một mét vuông lên tới hàng trăm triệu đồng do những chiếc cầu bắc qua bờ sông phía quận 1 đã được xây dựng, và các thông tin quy hoạch thành phố hứa hẹn sẽ còn thêm nhiều cây cầu nữa. Một mặt, nó minh chứng cho tư duy quy hoạch (à mà không, nhầm, làm gì có tư duy quy hoạch ở tầng lớp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh) theo kiểu hốt rác của họ. Nghĩa là ngọn chổi (hay vị thế quyền lực, sự móc nối lợi ích) quơ được tới đâu thì quơ hết đà tới đó, gom lại một đống rồi… gang họng ra nhai nuốt. Đống to thơm nhiều, đống nhỏ thơm ít, đống nào cũng phải ăn.

thuthiem2

Trẻ em Thủ Thiêm phải chèo ghe, lội sình để đến trường mỗi buổi sáng

Mặt khác, nó chứng minh sự trơ trẽn và tham lam tột độ của những Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang và lũ ô dù của chúng. Vứt sọt rác những lời khuyên của các chuyên gia xây dựng và quy hoạch về hướng phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Nuốt trọn lời hứa trịnh trọng với những người chủ đất thực sự khi thuyết phục họ nhường lại nơi ăn chốn ở rằng sẽ xây dựng Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính và thương mại tầm cỡ quốc tế, và họ dĩ nhiên được tái định cư tại chỗ để hưởng phần lợi ích sẽ có ấy. Cuối cùng, chẳng có trung tâm tài chính mẹ gì cả. Chỉ san sát toàn cao ốc chung cư, biệt thự, nhà phố liên kế, với giá đất "dành cho giới thượng lưu". Và tài khoản no căng của lũ quan chức tham nhũng, phình ra như sắp nứt vỡ, như cái bụng bệnh hoạn và những bản mặt nhờn mỡ của chúng.

"Tôi nhận tiền đền bù 18 triệu đồng/m2, rồi sau khi tìm hiểu được biết họ bán lại giá 350 triệu đồng/m2, và nói bán hết rồi, đến cuối 2018 mới có một số căn (căn hộ chung cư) nữa, giá 23 tỉ một căn", bà Lê Thị Bạch Tuyết (ngụ Lương Định Của, phường Bình An) kể trong một lần gặp đoàn cán bộ Trung ương. Đó cũng là tình trạng chung của những người dân chất phác bị cả một dàn từ bí thư, chủ tịch đến giám đốc sở, chủ tịch ủy ban cấp quận… tại Thành phố Hồ Chí Minh lừa gạt từ nhiều năm trước.

thuthiem3

Dưới chân những tòa cao ốc đắt đỏ san sát rợp trời bên kia sông Sài Gòn là cuộc sống của những người chủ đất giữa lau lách, cỏ dại, rác rưởi và bùn lầy suốt 22 năm qua ở Thủ Thiêm.

Thủ Thiêm trở thành trò cười bậc nhất trong vụ đặt cọc (rồi xù) lên đến 500 triệu đồng/m2 đất của bốn doanh nghiệp vào cuối năm ngoái. Với trò thổi giá mới mẻ, những kẻ lừa đảo đã đẩy đi được vô số đất đai xung quanh với những cái giá màu mỡ, đủ để họ đánh cược với luật pháp khi chơi trò này. Suốt thời gian đó, hàng trăm hộ dân vẫn tiếp tục "sống" trong những túp lều rách nát, những ngôi nhà đã bị đập phá nham nhở, che bạt, che tôn, che giấy dầu, bìa carton chống chọi với nắng như lửa và mưa như bão. Họ quyết bám trụ trên mảnh đất ông cha khai phá hoặc mua lại bằng tiền bạc mồ hôi nước mắt, chờ một ngày giành lại được lợi ích chính đáng của mình.

Dưới chân những tòa cao ốc đắt đỏ san sát rợp trời là cuộc sống của những người chủ đất giữa lau lách, cỏ dại, rác rưởi và bùn lầy suốt 22 năm qua. Một bức tranh bi thảm lồ lộ hàng ngày, hàng giờ dưới con mắt của tất cả những ai biết nhìn, trừ lũ quan chức mù lòa.

Dọc đường Lương Định Của, ở rìa của những tòa chung cư vẫn là san sát các cửa tiệm đủ mọi ngành nghề với ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy vui mắt. Nhưng cùng lúc với sự cố gắng quyết liệt đó, đập vào mắt người ta vẫn là sự nghèo khó không thể che giấu : các cửa tiệm chỉ có bề sâu rất hẹp, tường cũ nát đen thui, nhiều vách tường bị đập dang dở. Ánh đèn màu, lớp sơn mới và vài tấm băng rôn đủ màu sắc không che nổi sự cùng khổ. Lề đường không có, lòng đường không được mở rộng, cỏ dại chen chúc với rác rưởi hôi thối. Xe chạy sát vào cửa tiệm, phà khói bụi vào thẳng bên trong.

Các cửa tiệm đó là của những người chủ cố cựu ở nơi này. Họ từng kinh doanh phát đạt trên mảnh đất tuy chưa phồn hoa nhưng vô cùng sầm uất, cho đến một ngày cách đây 22 năm, bỗng dưng bị mất trắng toàn bộ mọi thứ.

Còn chút mặt bằng sót lại khi cuộc đấu tranh với phe quan chức tham nhũng chưa ngã ngũ, họ cố bám vào nó để mưu sinh. Họ bán từng chén chè, ly nước mía, làm thuê, làm mướn. Nhiều người phải lặn lội mương rạch chung quanh đặt lọp, giăng câu, đốn dừa nước chặt ra bán từng ly, cặm cụi vét từng đồng xu nhỏ. Tiền kiếm được bao nhiêu, dành dụm phần lớn ra Hà Nội chặn đầu xe các đại biểu quốc hội, các quan chức cấp to để tố cáo. Có gia đình đã đi đi lại lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội đến hơn trăm lần để nộp đơn, riêng chi phí đi lại đã hơn trăm triệu. Đầu tắt mặt tối, hiện tại và tương lai đều cùng khổ, nhưng hễ đoàn cán bộ nào về địa phương để đối thoại với dân thì có nhịn đói họ cũng phải tới nghe và đòi quyền nói cho bằng được.

Mùa này là mùa mưa ở Sài Gòn. Những cơn mưa rào trắng trời đất, kéo dài suốt cả một buổi sáng, một buổi chiều, một buổi đêm hoặc suốt cả một ngày làm nhớp nháp thêm những mảnh "sân" đất, nơi những "ngôi nhà" tạm vẫn đang che chắn những con người bất hạnh. Ban đêm, khu vực này rậm rạp, đen ngòm như một mảnh rừng hoang. Thiếu người và ánh sáng, rắn rết côn trùng tha hồ sinh sôi nảy nở, đe dọa thêm cuộc sống vốn đã không an toàn của họ.

thuthiem4

Trước căn nhà bị nhập nước, chị Hồ Thị Thư Xuân, 55 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp, là cư dân lâu năm ở Thủ Thiêm sống bằng nghề bán vé dố dạo.

"Con mong đường đi về nhà sáng một chút, trước cửa là rừng cây, bãi rác, không có đèn đường, con rất sợ", bé Nguyễn Cao Trí 6 tuổi, nhà ở khu phố 1, phường Bình An nói trong một cuộc gặp giữa dân Thủ Thiêm với đoàn đại biểu quốc hội cách đây mấy năm.

Hơn 160 hecta đất quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm bị biến thành đất thương mại dịch vụ, bán hàng chục tỉ đồng một căn chung cư. Cưỡng chế trái phép 4,3 hecta đất của những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch không một đồng đền bù. 22 năm hết lứa lãnh đạo này đến lứa lãnh đạo khác thay nhau hứa và thề, cam kết, đồng cảm như rút gan rút ruột với người dân. Rồi mọi chuyện vẫn gần như nguyên đó.

"Lò" đốt rừng rực cách mấy đi nữa, nhưng những tòa cao ốc lộng lẫy mọc lên trên đất cha ông của người dân Thủ Thiêm có bị nhổ đi để trả lại cho họ nơi đã từng là nhà cửa của họ không ? Những quan chức nối đuôi nhau vào tù có lấy gia sản của chúng để xây dựng những gì chúng đã hứa như lươn : dịch vụ, tiện ích, việc làm ? Những con người đã chết cùng với nỗi cay đắng vì bị cướp đất đai nhà cửa có sống dậy được hay không ? Chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi đó thì dưới chân những tòa cao ốc Thủ Thiêm mới không còn oán hận và căm hờn.

thuthiem5

Các căn nhà ở tạm bợ của người dân Thủ Thiêm sau khi bị giải tỏa để lấy đất cho chính quyền xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm

Oán hờn của dân Thủ Thiêm mấy chục năm nay đã thấu tận trời xanh. Chúng đã và sẽ len lỏi vào những tòa biệt thự vàng son, những tài khoản ngân hàng nước ngoài, những tấm hộ chiếu tại các quốc gia văn minh và phát triển, những thế hệ cháu con sinh ra trong tiền tài và danh vọng, thì thầm vào lỗ tai lũ quan chức đốn mạt đang phè phỡn những lời nguyền rủa đời đời kiếp kiếp. Phẫn uất tột độ của người dân sẽ hóa thành bóng ma đứng bên giường ngủ của bọn chúng đêm đêm, cười thét lên trên bàn thờ tổ tiên chúng, biến thức ăn trong họng chúng thành gai sắc và đá nhọn. Những số phận khốn cùng đã qua đời trong tức tưởi sẽ kéo tuột cổ chân chúng từ làn nước dập dềnh dưới thân du thuyền xa hoa. Cho dù chúng có tái sinh qua bao nhiêu kiếp nữa, những căm hờn ấy vẫn không bao giờ hóa giải, sẽ mãi mãi luẩn quẩn ám ảnh cuộc đời chúng và con cháu của chúng, trả thù và đòi lấy công bằng.

Nguyễn Kai

Nguồn : RFA, 15/06/2022