Nga và ưu thế ba-so-với-một của quân đội Ukraine
Cuộc xâm lược của Vladimir Putin vào đất nước Ukraine đã bị thất bại, học thuyết của Putin bị phá sản vì cuộc chiến tranh này. Giao tranh kéo dài hơn một tháng thay vì chỉ vài ngày, hoàn toàn chưa có dấu hiệu chiến thắng như Putin hy vọng. Với những tổn thất quá nặng nề về nhân mạng, chiến cụ, vũ khí, cùng lúc với thiếu thốn tiếp liệu khiến quân Nga đang bị đẩy lui dần khỏi các khu vực đã chiếm đóng được trước đây.
Jed cho biết đã đến Ukraine từ cuối tháng hai (2022), chiến đấu như một tình nguyện quân với khoảng hơn một chục tình nguyện quân nước ngoài khác ở Kyiv.
Nguyên nhân nào một đạo quân hùng mạnh với những vũ khí tối tân, những chỉ huy từng có kinh nghiệm chiến trường như quân đội Nga lại bị đánh tả tơi, thất bại trước một lực lượng quân sự yếu kém, non trẻ hơn mình rất nhiều ?
Hoàn toàn không phải do vũ khí có tính năng kỹ thuật cao hoặc chiến thuật công thủ khôn khéo, đúng lúc. Câu chuyện dưới đây giải thích tại sao Nga thất bại trong cuộc xâm lược Ukraine.
Vài đêm trước ở Lviv, sau bữa ăn tối sớm (nhà hàng đóng cửa lúc 8 giờ tối vì giờ giới nghiêm), tôi bước vào thang máy của khách sạn. Đang nói chuyện với một đồng nghiệp thì một người đàn ông trạc tuổi trung niên, ăn mặc và trang bị như đi dã ngoại, thò tay chận cánh cửa đang đóng lại. "Các bạn là người Mỹ ?", anh ấy hỏi. Tôi nói đúng vậy. Khi anh ấy đưa tay nhấn nút thang máy, tôi không thể không chú ý đến bàn tay lem luốc của anh ấy với những cái quầng nửa mặt trăng cáu bẩn ở những móng tay. Tôi cũng để ý đến cái áo dạ anh ấy mặc. Nó có một con đại bàng, một quả địa cầu và một mỏ neo được chạm nổi trên ngực trái của nó. "Bạn là lính Thủy quân lục chiến ?", tôi hỏi. Anh ấy nói rằng anh ấy là (hoặc đã từng là) Thủy quân lục chiến, luôn luôn là Thủy quân lục chiến. Và tôi nói với anh ấy rằng tôi cũng đã từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến.
Sau đó, anh ấy giới thiệu bản thân và yêu cầu chúng tôi không dùng tên thật của anh. Do đó chúng tôi chỉ gọi anh là Jed. Chúng tôi nhanh chóng trao đổi với Jed về danh tính đơn vị, nơi hai chúng tôi từng phục vụ 10 năm về trước. Jed hỏi tôi có biết ở đâu có thể kiếm cho anh ấy một ly cà phê hay ít nhất một tách trà ? Jed vừa mới đến Lviv sau chuyến đi dài 10 tiếng đồng hồ từ Kyiv, mệt mỏi và lạnh cóng, các cửa hàng đều đã đóng cửa.
Với một chút nài nỉ, nhà hàng đã mang cho Jed một ấm nước sôi và ít gói trà. Khi tôi chúc Jed một đêm yên lành, Jed hỏi tôi có muốn một tách trà không ? Cách hỏi của Jed giống như một đứa trẻ muốn nghe một chuyện cuối trước khi đi ngủ – điều đó đã giữ tôi lại thêm một khoảnh khắc – Jed muốn nói chuyện với một người nào đó.
Khi Jed ngồi đối diện với tôi trong nhà hàng vắng tanh, không còn ai, hai vai chồm về trước, tay ôm lấy tách trà, Jed cho biết đã đến Ukraine từ cuối tháng hai, chiến đấu như một tình nguyện quân với khoảng hơn một chục tình nguyện quân nước ngoài khác ở Kyiv. Ba tuần trôi qua đã để lại cho Jed nhiều ấn tượng. Jed nói rằng cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt, khốc liệt hơn bất cứ cuộc giao tranh nào Jed đã tham dự hay chứng kiến ở Afghanistan. Jed có vẻ mâu thuẫn khi muốn nói về những trải nghiệm trong lúc chiến đấu nhưng lại sợ không thể kềm hãm được xúc động. Có thể vì vậy, Jed nói về những khía cạnh kỹ thuật Jed đã thấy trong lúc tác chiến, giải thích những chi tiết cụ thể về cách thức mà quân đội Ukraine với quân số ít ỏi, vũ khí thiếu thốn đã chặn đứng bước tiến của quân Nga với quân số và vũ khí vượt trội.
Đầu tiên, Jed nói về loại vũ khí chống chiến xa, đặc biệt hiệu quả là Javelin của Mỹ và NLAW của Anh sản xuất. Những giao tranh trong tháng qua chứng minh rằng cán cân sát thương đã thay đổi, nghiêng về các loại vũ khí chống chiến xa. Ngay cả các loại thiết giáp chủ lực, tiên tiến nhất của Nga như T90 cũng dễ bị nướng như cua nằm đầy trên các con đường của Ukraine.
Những giao tranh trong tháng qua chứng minh rằng cán cân sát thương đã thay đổi, nghiêng về các loại vũ khí vác vai chống chiến xa (Javelin và NLAW) và máy bay (Stinger).
Khi tôi nhắc đến chuyện đã từng tham chiến ở Fallujah năm 2004, Jed nói rằng chiến thuật Mỹ sử dụng để đánh chiếm thành phố đó sẽ thất bại, không có hiệu quả nếu áp dụng ở Ukraine ngày hôm nay. Tại Fallujah, bộ binh của chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chiến xa M1A2 Abrams tân tiến nhất. Một vài lần chúng tôi đã thấy xe tăng của chúng tôi trúng đạn hỏa tiễn hầu hết từ những khẩu RPG-7 thế hệ cũ mà không bị xây xuyển gì, bước tiến quân không hề bị chậm lại. Ngày hôm nay, một người dân Ukraine bảo vệ Kyiv hay bất cứ thành phố nào khác cũng dễ dàng xơi tái một chiếc T90 hay một chiến xa có khả năng tương tự với một Javelin hoặc NLAW vác vai.
Nếu xe tăng đắt tiền là một trong những nền tảng căn bản cho trận địa chiến (Nga, NATO) thì hàng không mẫu hạm (Mỹ với 10 chiếc) nền tảng của học thuyết hải chiến có thể sẽ thay đổi trong tương lai khi một hỏa tiễn chống hàng không mẫu hạm từ trên bờ hay trên biển có thể làm thay đổi ưu thế vượt trội của hải quân Mỹ khi xẩy ra hải chiến ở Biển Đông hay eo biển Hormus.
Kể từ ngày 24/02/2022, quân đội Ukraine đã chứng minh một cách thuyết phục tính ưu việt của phương thức tác chiến đánh thẳng vào nền tảng quân sự của kẻ địch. Hoặc như Jed đã nói : "Ở Afghanistan tôi đã từng ghen tức với những người lính thiết giáp. Hết rồi ! Không còn nữa !
Điều này đưa Jed đến chủ đề thứ hai mà anh muốn thảo luận : "Chiến thuật và học thuyết của Nga". Jed cho biết anh đã dành nhiều thời gian trong mấy tuần qua để len lỏi trong các chiến hào ở phía tây bắc Kyiv. Jed nói "Người Nga không có trí tưởng tượng. Họ bao vây các vị trí của chúng tôi, tấn công ào ạt với đội hình lớn. Khi những cuộc tấn công của họ thất bại, họ lập lại y như vậy. Trong khi đó quân Ukraine chỉ tấn công họ vào ban đêm bằng những đơn vị nhỏ, đập nát mục tiêu rồi rút lui chứ không bám trận địa – một hình thức của chiến tranh du kích.
Sự quan sát của Jed khiến tôi nhớ lại buổi nói chuyện với Andriy Zagorodnyuk ngày hôm trước. Sau khi quân Nga tràn vào Donbass năm 2014, Zagorodnyuk đã chịu trách nhiệm về một số cải cách của quân đội Ukraine, những cải cách mà chủ yếu là học thuyết quân sự đã mang lại cho Ukraine kết quả ngày hôm nay. Andriy Zagorodnyuk sau đó trở thành bộ trưởng quốc phòng Ukraine trong 2 năm 2019-2020.
Học thuyết của Nga không giống như khối NATO, dựa vào nền tảng trung ương chỉ huy và kiểm soát trong khi sự chỉ huy và kiểm soát của từng nhiệm vụ lại phải dựa vào sáng kiến riêng của từng quân nhân, từ anh binh nhì lên tới tướng lãnh. Để hoàn thành nhiệm vụ, người lính không những cần hiểu rõ nhiệm vụ mà còn phải có sáng kiến để thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt của chiến trường hỗn loạn, luôn thay đổi.
Quân đội Nga đã được hiện đại hóa dưới thời Putin nhưng chưa bao giờ được huấn luyện theo phương thức chỉ huy và kiểm soát độc lập từng đơn vị, vốn là đặc điểm của quân đội NATO. Quân đội Ukraine đã học hỏi, áp dụng phương thức này để gặt hái chiến thắng trước một kẻ địch mạnh mẽ, áp đảo về quân số, vũ khí, chiến cụ.
Cấp chỉ huy Nga không trao quyền cho binh sĩ của họ. Zagorodnyuk giải thích : "Họ ra lệnh cho người lính đi từ điểm A đến điểm B, khi đến điểm B rồi, người lính mới được biết mình sẽ đi nữa hay làm gì tiếp. Những quân nhân trẻ, cấp dưới hiếm khi được biết rõ nhiệm vụ họ đang thực hiện là gì. Chỉ huy và kiểm soát tập trung có thể hữu hiệu khi mọi diễn tiến theo đúng kế hoạch. Khi diễn tiến không kết hợp, ăn khớp với nhau theo hoạch định, tham mưu sẽ rối loạn và sụp đổ. Không ai có thể điều hợp, thích nghi được tình trạng đó. Trường hợp đoàn quân xa của Nga dài 60 cây số bị tắc nghẽn, nằm chết cứng bên ngoài Kyiv là một thí dụ điển hình".
Học thuyết về chiến tranh của Putin đã bị phá sản. Cuộc tiến công vào lãnh thổ Ukraine, kéo dài hơn một tháng thay vì chỉ vài ngày, chưa mang lại một chiến thắng đáng kể nào như Putin hy vọng.
Sự thiếu hiểu biết của từng người lính Nga giống với một câu chuyện Jed đã nói cho tôi nghe, một câu chuyện bi hài khiến cho cá nhân người lính Nga phải chịu hậu quả vì sự kém hiểu biết này. "Trong một cuộc tấn công thất bại vào ban đêm, một toán quân Nga mất phương hướng ngay trên chiến hào của mình, lạc vào một cánh rừng". Jed kể : "Đến một lúc không tìm được lối thoát, họ bắt đầu gọi nhau. Tôi không thể giúp gì được ! Tình trạng của tôi rất tồi tệ !... Họ không biết phải đi đâu".
Khi tôi hỏi chuyện gì xẩy ra sau đó, Jed trừng mắt nhìn tôi có vẻ giận dữ.
Thay vì kể tiếp câu chuyện dang dở về những người lính Nga mất phương hướng, Jed quay sang nói về ưu điểm của kỹ thuật ống dòm ban đêm. Tôi nói rằng lính Ukraine không có nhiều ống dòm loại đó, Jed đồng ý, nói rằng Ukraine cần được trang bị thêm. "Nhưng chúng tôi có Javelin, mọi người đang nói về Javelin chống tank mà quên rằng Javelin cũng có một CLU (Command Launch Unit) – có thể sử dụng như một ống dòm ban đêm".
"CLU là bộ phận quang nhiệt điều khiển việc phóng hỏa tiễn, có thể sử dụng độc lập với hệ thống phóng hỏa tiễn. Ở Afghanistan, Iraq chúng tôi thường sử dụng ít nhất một Javelin không phải để ngăn chặn một chiến xa nào đó của Al-Qaeda mà vì CLU của Javelin là một dụng cụ quan sát ban đêm thật hữu hiệu. Chúng tôi dùng nó để quan sát các giao lộ về đêm, để biết chắc rằng không có ai đặt bom IED (Improvised Explosive Device). Javelin có tầm bắn khoảng một dặm, CLU hữu hiệu xa hơn khoảng cách đó.
Tôi hỏi Jed là lính Ukraine giao chiến với người Nga ở khoảng cách nào ? "Thông thường người Ukraine chờ đợi, phục kích lính Nga trong khoảng cách khá gần". "Gần là bao nhiêu", tôi hỏi thêm. "Đôi khi gần đáng sợ", Jed diễn tả về một người lính Ukraine mà Jed và một số người nói tiếng Anh khác đặt tên là Maniac – Thằng điên – vì những hiểm nguy mỗi khi anh ta tiếp cận để tấn công một chiến xa Nga. "Maniac" là một chàng Ukraine đẹp trai, cư xử rất lịch sự, nhã nhặn nhưng khi chiến đấu, Maniac trở thành một người dũng cảm, gan dạ tột cùng. Để rồi sau trận đánh Maniac lập tức trở lại là một chàng trai tốt bụng, hòa nhã, dễ thương.
Tôi hoàn toàn không thể xác minh những câu chuyện Jed kể, nhưng Jed cho tôi coi một đoạn video mà Jed tự quay mình trong chiến hào. Dựa vào đó cùng những chi tiết Jed kể về thời gian ở trong Thủy quân lục chiến, câu chuyện của Jed có vẻ đáng tin. Càng nói chuyện lâu, cuộc trò chuyện càng rời xa những thông số kỹ thuật, khả năng, vũ khí của quân đội Ukraine mà chuyển qua vấn đề tinh thần, tâm lý của họ.
Napoleon, người từng đánh nhiều trận trong khu vực này của thế giới đã nhận định rằng : "Đạo đức đối với thể lực là ba so với một". Tôi nghĩ đến câu danh ngôn này khi uống hết tách trà với Jed.
Ở Ukraine, ít nhất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến này, nhận định của Napoleon đúng như sự thật, chứng minh theo nhiều cách có tính quyết định. Trong cuộc nói chuyện trước đó giữa tôi với Zagorodnyuk khi theo dõi, thúc đẩy những cải cách và kỹ thuật cho quân đội Ukraine, những thay đổi đã mang lại lợi thế cho Ukraine hiện nay3.
Zagorodnyuk đã chỉ ra yếu tố quyết định quan trọng hơn tất cả các yếu tố khác : "Động lực của chúng tôi - đó là yếu tố quan trọng nhất, quan trọng hơn bất cứ điều gì. Chúng tôi đang chiến đấu vì cuộc sống của gia đình chúng tôi, cho người dân của chúng tôi, cho ngôi nhà của chúng tôi. Người Nga không có bất kỳ thứ gì trong số đó và không có nơi nào họ có thể đến để cướp lấy nó".
Elliot Ackerman
Nguyên tác : "Ukraine’s Three-to-One Advantage", The Atlantic, 24/03/2022
Nguyễn Tiến Cường chuyển ngữ
(28/03/2022)