Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ bị ngưng hoạt động (Nguyễn Huỳnh - Trân Văn)

Trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này. 



Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trước đe dọa vỡ trận

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 12/02/2022

Trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.

Cụ thể, trên cơ sở giá tối đa, doanh nghiệp điều chỉnh ở mức : giá xăng E5RON92 tăng thêm 980 đồng/lít, từ 23.590 đồng/lít lên mức 24.570 đồng/lít ; giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 24.360 đồng/lít lên mức 25.320 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 660 – 960 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel 0.05S có giá 19.865 đồng/lít. Dầu hỏa có mức giá tăng cao nhất với 960 đồng/lít, có giá 18.751 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S : không cao hơn 17.659 đồng/kg.

Về khách quan, chuyện tăng giá này được giải thích là trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm công suất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cộng thêm việc kéo dài kỳ điều chỉnh giá trong khi giá thế giới tăng, khiến cho doanh nghiệp rơi vào khó khăn "kép", vừa khan hàng vừa chịu sức ép giá thế giới tăng, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng hạn chế bán ra hoặc nghỉ bán.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.

Theo thỏa thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm ; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi ; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm.

PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.

Trên thực tế, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.

Cụ thể, theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu là 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.

Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.

Đó là chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình.

Cách đây ít lâu, phát biểu tại Hội thảo "thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế", ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cũng đã chỉ ra bất cập liên quan tới dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm theo lộ trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, theo ông Trương Đình Tuyển, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.

Như vậy, nếu năm 2018 Lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.

Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%.

"Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu ? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến", ông Trương Đình Tuyển nói.

Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ 2 nhà máy liên doanh là Nghi Sơn (NSRP) và Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn-BSR), đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường. Dù là 2 nhà máy liên doanh chủ lực của cả nước, nhưng hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy này hoàn toàn trái ngược nhau.

Năm 2021, lợi nhuận của BSR ước đạt 6.000 tỷ đồng- mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay. Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất ổn định, đạt 100% kế hoạch với sản lượng 6,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu. Tháng 1/2022, trước thực tế nhu cầu xăng dầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và nguồn cung trong nước gặp khó khăn, BSR đã tăng công suất Dung Quất lên 103%. Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, BSR nhập dầu thô để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Trong lúc đó thì vì khó khăn tài chính nên nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 01/2022.

Báo cáo tài chính cho biết sau 3 năm vận hành thương mại (2018-2019-2020), nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lỗ hơn 61.200 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu (50.000 tỷ) hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 86.675 tỷ thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng.

Trong khi đó BSR – đơn vị vận hành nhà máy Dung Quất liên tục báo lãi. Năm 2019 lãi sau thuế gần 2.900 tỷ. Báo cáo hợp nhất BSR cho thấy trong năm 2021 lãi sau thuế hơn 6.673 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với năm 2020 là lỗ 2.800 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi cổ phần hóa. Nhờ vậy, lợi nhuận lũy kế tính đến cuối năm 2021 lên tới 6.551 tỷ đồng.

Cũng cần nhắc lại là Nhà máy Dung Quất đã vận hành được hơn 12 năm, trong khi Nhà máy Nghi Sơn chỉ hơn ba năm.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 12/02/2022

********************

Vụ Nghi Sơn và những ‘quý ông’ từ đâu đó rơi xuống !

Trân Văn, VOA, 10/02/2022

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công thương – vừa tạt vào mặt tất cả các giới tại Việt Nam một gáo nước lạnh khi nhận định :"Nếu báo cáo của Vụ Thị trường là đúng thì đâu có thiếu nguồn cung xăng dầu" (1) !

Phần 1

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Việt Nam.

Nên lưu ý, Vụ Thị trường thuộc Bộ Công thương. Ông Diên - Bộ trưởng Công thương, vừa là cấp trên trực tiếp của Vụ Thị trường, vừa chịu trách nhiệm về hoạt động của Vụ Thị trường nhưng vì không dám khẳng định, báo cáo của Vụ Thị trường chính xác nên ông phải dùng chữ "nếu" ! Bộ trưởng mà như thế rõ ràng thuộc loại cổ lai hy ! Nội các (chính phủ) nào lựa chọn một nhân vật như thế làm bộ trưởng và quốc hội nào phê chuẩn đề nghị ấy rõ ràng cũng cùng loại xưa nay hiếm !

Thế xăng dầu có thiếu không ? Nếu nghe lời ông Diên và tin vào báo cáo của Vụ Thị trường thì "không" ! Mà "không" có nghĩa là nhiều viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền và nhiều cơ quan truyền thông chính thức đã cũng như đang nói láo !

Ví dụ báo Quân đội nhân dân! Ngày 9/2/2022, báo Quân đội nhân dân đề cập đến chuyện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Nghi Son Refinery and Petrochemical -NSRP) cắt giảm công suất, dẫn đến tình trạng thiếu xăng, dầu. Nhiều cây xăng hết hàng phải tạm đóng cửa.

Quân đội nhân dân dẫn lời ông Đỗ Thắng Hải, một trong các Thứ trưởng của Bộ Công thương giải thích lý do tại sao xăng dầu thiếu :NSRP cung ứng từ 30% đến 35% xăng dầu tại Việt Nam, cho nên chỉ cần hoạt động của nhà máy này thay đổi thì chắc chắn sẽ tác động nhất định đến một số doanh nghiệp là đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ sinh hoạt của dân chúng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.

Có thể do có thượng cấp như ông Diên nên ông Hải không dám thừa nhận xăng dầu thiếu, cũng không dám phủ nhận thiếu xăng dầu ! Ông Hải chỉ lập lờ :Tại một số địa phương có hiện tượng một số của hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Các cơ quan hữu trách đã kiểm tra. Hầu hết cửa hàng xăng, dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Tờ Quân đội nhân dân dẫn dự báo của một số chuyên gia : Nguồn cung xăng dầu nội địa chỉ đáp ứng 74% nhu cầu, 25% còn lại phải nhập cảng. Do khan hiếm, cùng với tác động của thị trường thế giới, liên bộ Công thương – Tài chính sẽ sớm điều chỉnh giá và giá xăng, dầu có thể tăng mạnh(2).

Chẳng riêng tờ Quân đội nhân dân, nhiều cơ quan truyền thông chính thức cũng tường thuật như vậy từ hạ tuần tháng trước (1/2022) sau khi NSRP loan báo vừa hủy việc tiếp nhận hai tàu vận chuyển dầu thô do "đang phải đối mặt khó khăn về tài chính". Thậm chí vào thời điểm đó, một số nơi, một số người dự đoán :NSRP có thể sẽ tạm ngưng hoạt động (3). Những dự đoán này đã tạo ra một chuỗi tác động đến cả kinh tế lẫn xã hội. Mãi đến gần đây, Ban Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa mới "bác bỏ thông tin NSRP tạm ngưng hoạt động" (4).

***

Cứ như lời ông Diên thì những cơ quan truyền thông chính thức đã bịa đặt khi tường thuật về thị trường xăng dầu sau khi NSRP cắt giảm sản lượng, các chuyên gia từng đưa ra nhận định, dự báo đều nói láo !Xăng dầu không thiếu !

Xăng dầu không thiếu !Theo Bộ Công thương, các nhà máy lọc dầu chỉ đáp ứng 75% nhu cầu thị trường nội địa nhưng vẫn bảo đảm về nguồn cung. Vì cần có thời gian cho việc nhập cảng 25% còn lại nên "thị trường có chút trục trặc". Khiếm hụt 25% không phải là "thiếu" (5). "Trục trặc" cũng không phải là "thiếu".

Theo tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn,do NSRP cắt giảm công suất, khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi mà các doanh nghiệp lớn chuyên phân phối xăng dầu như Petrolimex hay PV Oilchưa vói tới, nguồn cung xăng dầu đã đứt. Khi giá mua xăng dầu tăng do nguồn cung khiếm hụt mà giá bán lẻ bị khống chế thì bán được càng nhiều, cây xăng càng lỗ, do đó các cây xăng hạn chế bán ra, kể cả chuyện Bộ Công thương xua Quản lý thị trường đi kiểm tra (6)

Với tuyên bố xăng dầu không thiếu,ông Diên khẳng định : Đóng cửa, không bán xăng dầu là vì găm hàng, chờ nâng giá, phải xử lý nghiêm.Dứt khoát phải rút giấy phép những cây xăng găm hàng !

Rất nhiều lần, những viên chức cao cấp của Việt Nam cam kết với thiên hạ sẽ tôn trọng các nguyên tắc nền tảng của kinh tế thị trường. Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam cũng minh định điều đó nhưng khi cần,mua giá cao, bán giá thấp là lệnh, không "đứa nào" được cãi !

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam quả là sáng suốt khi chọn một người cả đời chỉ làm công tác đoàn, công tác đảng đảm nhận vai trò Bộ trưởng Công thương. Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thành công ! Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không chỉ có ông Diên như từ trên trời rơi xuống để tiến hành xây dựng cái gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Câu chuyện xoay quanh NSRP còn lắm điều hay ho !

Phần 2 

Đâu phải tự nhiên mà vừa rồi, PVN dẫu bất bình nhưng vẫn phải "ngậm đắng, nuốt cay" hứa bơm thêm tiền vào NSRP !

Câu chuyện : Tuy thực tế cho thấy, xăng dầu thiếu hụt vì Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) giảm công suất, nhiều cây xăng ở phía Nam của miền Nam Việt Nam đóng cửa tạm ngưng hoạt động hoặc bán cầm chừng nhưng Bộ trưởng Công thương vẫn khẳng định nguồn cung không khiếm hụt, vừa hối thúc nhập cảng xăng dầu, vừa dọa sẽ sử dụng công quyền để ép chủ các cây xăng phải phục vụ khách hàng theo giá bán đã được ấn định, bất kể giá mua ra sao (7) mới chỉ là một khía cạnh của vấn nạn, Việt Nam khốn khổ, lận đận bởi có những "quý ông" từ đâu đó rơi xuống rồi ngồi trên đầu thiên hạ, giành quyền định đoạt mọi thứ bất kể trí lực và tâm lực ra sao !

***

Cho đến nay, chỉ có một vài cơ quan truyền thông chính thức rụt rè nhắc lại hệ quả của chủ trương đầu tư NSRP hồi đầu thập niên 2000 (8). Theo đó, NSRP là một liên doanh bốn bên với ba là doanh nghiệp ngoại quốc : Công ty Dầu Kuwait (KPI) góp 35,1% vốn, Công ty Hóa chất Idemitsu Kosan (IKC) góp 35% vốn, Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) góp 4,7% vốn. Chỉ có một doanh nghiệp Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – doanh nghiệp thay mặt nhà nước Việt Nam - tham gia liên doanh và góp 25,1% vốn. Vào thời điểm đó đã có khá nhiều khuyến cáo, cảnh báo về chuyện cam kết dành nhiều ưu đãi cho các đối tác ngoại quốc tham gia liên doanh xây dựng NSRP.

Ví dụ, cho dù tỉ lệ phổ biến của thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, song Việt Nam cam kết chỉ thu thuế thu nhập doanh nghiệp của NSRP là 10% trong 70 năm. Ví dụ cam kết "bao tiêu sản phẩm" (mua toàn bộ sản phẩm do NSRP làm ra – các loại dầu, xăng, khí hóa lỏng), nếu vì lý do nào đó, giá nhập cảng và thuế nhập cảng xăng dầu giảm, Việt Nam sẽ xuất công quỹ bù lỗ cho các sản phẩm của NSRP để liên doanh này luôn luôn có lời ! Đáng ngạc nhiên là dẫu ai cũng thấy thỏa thuận như vậy là thiếu khôn ngoan nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thẳng tay gạt bỏ toàn bộ phân tích thiệt – hơn để cam kết !

Ngay từ giữa thập niên 2010, các cơ quan hữu trách đã phát giác sản phẩm của NSRP không đạt tiêu chuẩn Việt Nam (9) nhưng Việt Nam không thể làm gì khác ngoài việc chờ lô sản phẩm đầu tiên của NSRP (2018) để tổ chức tiêu thụ cho đúng với cam kết ! Những cam kết ấy đã tạo ra nghịch lý, giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động nhiều chừng nào thì khoản bù lỗ cho NSRP lớn chừng đó. Giống như các quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không làm ra tiền. Tiền trong công khố là thuế do toàn dân đóng góp. Đã dùng công quỹ để bù lỗ thì phải cắt bỏ các chi tiêu khác kể cả chi tiêu cho an sinh xã hội, tăng các loại thuế, kiểm soát giá bán...

Đã từng có những ước tính khá cụ thể về chuyện phải bù lỗ bao nhiêu cho NSRP : Ví dụ, năm 2016, người ta phỏng đoán, mỗi năm, phải bù lỗ cho NSRP từ 3.500 tỉ đến 4.000 tỉ (10). Gần đây, người ta cho rằng, trong mười năm, khoản phải bù lỗ từ 1,5 tỉ Mỹ kim đến hai tỉ Mỹ kim ! Chưa kể do các cam kết, mỗi năm, tổng thu ngân sách quốc gia sẽ giảm hơn chục ngàn tỉ đồng ! NSRP dường như chỉ có một vài tác dụng như giúp giữ và nâng tỉ lệ tăng trưởng GDP cho một vài nhiệm kỳ. Giúp số liệu thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa thay đổi tích cực nên chính quyền tỉnh này rất sốt sắng thúc giục phải nghiêm chỉnh thực thi bao tiêu, hạn chế nhập cảng xăng dầu (11).

***

Không phải tự nhiên mà hạ tuần tháng 1, sau khi NSRP tuyên bố "cắt giảm công suất" vì "khó khăn tài chính", một số cơ quan truyền thông chính thức đã bày tỏ sự bất bình. Chẳng hạn tờ Lao động. Tờ báo này dẫn lại ý kiến của PVN – đối tác duy nhất phía Việt Nam nhưng chỉ nắm giữ ¼ vốn góp trong liên doanh do chính Việt Nam kêu gọi đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư – giải thích lý do :"Khó khăn tài chính" chỉ là PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) hợp đồng bao tiêu xăng dầu(FPOA)". Bởi NSPR cung ứng 35% tổng lượng xăng dầu được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam nên theo Lao động, đó là một kiểu "làm mình làm mẩy gây sức ép" (12).

Lao động đề cập đến chuyện phải bù lỗ cho NSRP tới 70.000 tỉ và năm ngoái, khi 90% sản phẩm của NSRP bị tồn kho, vì các cam kết mà Việt Nam phải tính đến chuyện dừng thực hiện nhập cảng xăng dầu để dùng cho hết sản phẩm tồn kho của NSRP. Không ít ý kiến giống như Lao động, không nên để an ninh năng lượng quốc gia bị bắt làm "con tin" nhằm ép gia hạn một thỏa thuận ! Hoặc nhắc nhở theo kiểu Quân đội nhân dân, rằng doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo đảm cung cấp sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết (13) ! Tuy nhiên, cho dù những nhận định ấy chính xác, mong muốn đó có mãnh liệt đến mức nào đi nữa thì cũng phải nhìn vào các cam kết !

Vi phạm các cam kết với những doanh nghiệp ngoại quốc như KPI, IKC, MCI khác với vi phạm hiến pháp và pháp luật đối với doanh nhân Việt Nam nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung. Các viên chức hữu trách tại Việt Nam như ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công thương Thương có thể lớn tiếng tuyên bố : Nguồn cung vẫn ổn định, xăng dầu không thiếu, dọa rút giấy phép kinh doanh, hối thúc kiểm tra gây sức ép lên các doanh nghiệp Việt Nam, buộc họ phải chấp nhận tình trạng mua giá cao do xăng dầu thiếu hụt, bán đúng mức ấn định dù giá thấp hơn nhưng không dám và không thể làm như thế với doanh nghiệp ngoại quốc vì sẽ thua trắng khi bị kiện tại các tổ chức tài phán về thương mại quốc tế. Đâu phải tự nhiên mà vừa rồi, PVN dẫu bất bình (14) nhưng vẫn phải "ngậm đắng, nuốt cay" hứa bơm thêm tiền vào NSRP (15) !

Trân Văn

Nguồn : VOA, 12/02/2022

Chú thích :

(1) https://laodong.vn/thi-truong/bo-truong-cong-thuong-neu-bao-cao-la-dung-thi-dau-thieu-xang-dau-1002762.ldo

(2) https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-la-bao-dam-cung-cap-san-luong-xang-dau-theo-dung-hop-dong-da-ky-ket-685487

(3) https://thanhnien.vn/nha-may-loc-hoa-dau-nghi-son-co-the-ngung-hoat-dong-vi-thieu-tien-post1424693.html

(4) https://www.baogiaothong.vn/nha-may-loc-hoa-dau-nghi-son-dang-hoat-dong-nhu-the-nao-d541841.html

(5) https://www.sggp.org.vn/nhap-khau-de-bu-25-luong-xang-dau-thieu-hut-792872.html

(6) https://thesaigontimes.vn/nhin-xa-hon-su-co-nghi-son/

(7) https://laodong.vn/thi-truong/bo-truong-cong-thuong-neu-bao-cao-la-dung-thi-dau-thieu-xang-dau-1002762.ldo

(8) https://thesaigontimes.vn/nhin-xa-hon-su-co-nghi-son/

(9) https://suckhoedoisong.vn/xang-dau-nghi-son-khong-dat-muc-4-tieu-chuan-viet-nam-169113508.htm

(10) https://viettimes.vn/dau-hoi-ve-hieu-qua-kinh-te-voi-du-an-loc-dau-nghi-son-post34257.html

(11) https://vnexpress.net/pvn-lo-loc-dau-nghi-son-vo-no-3777675.html

(12) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-nghi-son-lam-minh-lam-may-bat-con-tin-dau-vao-cua-nen-kinh-te-999233.ldo

(13) https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-la-bao-dam-cung-cap-san-luong-xang-dau-theo-dung-hop-dong-da-ky-ket-685487

(14) https://petrovietnam.petrotimes.vn/pvndb-gian-nan-thuc-hien-nhiem-vu-bat-kha-thi-577312.html

(15) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bom-tai-chinh-cho-loc-dau-nghi-son-tam-thoat-nguy-co-dung-hoat-dong-812486.html