Hai cú đột phá của hai ông trùm (Viết từ Sài Gòn)

Ở khía cạnh thứ nhất, xác tín vị thế ông trùm quyền lực, điều này Tô Lâm đã làm một cách ngoạn mục, ông ung dung ăn bò dát vàng của thánh rắc muối, sau đó ông ung dung phát biểu ở các cuộc họp và kế đến, ông ung dung, đủng đỉnh bắt giam tất cả các tay đạo đức giả, tham lam và bất chấp mạng người trong hệ thống Đảng…



Nói gì thì nói, đến thời điểm này, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng là trùm của các trùm, có lẽ hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Tô Lâm là hai ông trùm chỉ dưới một người mà trên triệu người trong hệ thống quyền lực đảng. Và cũng có thể đoán rằng, chức danh Tổng bí thư sẽ nằm trong tầm cạnh tranh giữa ông Lâm và ông Phúc, khả năng rơi vào tay Vương Đình Huệ hay Phạm Minh Chính là rất thấp. Bởi chí ít, đến lúc này, cuộc chạy đua và test thử nghiệm quyền lực của cả hai ông khá là ngoạn mục, khác xa sự mờ nhòa của Huệ cũng như càng làm càng rối của Chính.

Vấn đề hai ông trùm này đã đột phá kiểu gì, đột phá như thế nào ? Có lẽ, nói cho đúng thì đến thời điểm này, khi chủ nghĩa Hậu Hiện đại chính thức có mặt ở các quốc gia cộng sản thì, liền sau đó, chủ nghĩa Hậu cộng sản cũng ra đời. Chủ nghĩa Hậu cộng sản một mặt muốn phá vỡ mọi đại tự sự cộng sản, mặt khác vẫn cố níu giữ cái lõi cộng sản (kỳ thực là cái lõi quyền lợi đảng và lợi ích nhóm) nhằm bảo đảm một sự an toàn, một thành trì cần thiết cho chế độ. Nói nghe mâu thuẫn, nhưng nhìn vào thực tế cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba và Việt Nam, chủ nghĩa Hậu cộng sản được thể hiện rất rõ nét.

Đại tự sự cộng sản đầu tiên bị phá vỡ chính là chủ nghĩa vô thần, thứ chủ nghĩa được những người cộng sản công thần khai quốc đặt lên hàng đầu và thiết lập chuỗi hành động cụ thể như đập bỏ đền đài miếu mạo, cấm hoạt động tôn giáo bằng kiểu nói trớ "chống mê tín dị đoan". Để rồi, sau chưa đầy ba mươi năm, khi một thế hệ mới trưởng thành, một thế hệ mà dù đứng ở biên kiến nào, quốc gia nào, chủ nghĩa nào thì khuynh hướng xét lại, khuynh hướng hoài nghi và phá vỡ, đập bỏ các giá trị cũ vẫn lưu cửu, rần chảy trong huyết quản. Để rồi, sự mê tín đồng loạt, sự tín cẩn vào tha lực, thần linh, ma quỉ, mượn các thế lực siêu nhiên để cạnh tranh, đấu đá quyền lực phát triển như nấm sau mưa. Đại tự sự vô thần của người cộng sản đến lúc này, xem như chấm dứt, nó đã được thay thế bằng một thứ đại tự sự khác, chưa rõ hình dạng và tên gọi, nhưng nó chắc chắn không còn là vô thần về cả hình thức và nội dung.

Khi cái đại tự sự ghê gớm nhất bị phá vỡ, đạp đổ thì các đại tự sự chỉ là sớm chiều, bao giờ nó được đập bỏ và thay thế mà thôi. Đại tự sự kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng bị đạp đổ song hành với vô thần. Thay vì kinh tế tập trung bao cấp với chủ trương "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" dưới quyền năng của bàn tay thép – Đảng, người cộng sản thay đổi kinh tế theo hướng thị trường, kinh tế mở mặc dù vẫn giữ cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa". Kỳ thực, khi cái đuôi này xuất hiện thì đủ biết nó chỉ còn khả năng ve vẫy để xua ruồi muỗi chứ cơ thể của nó đã hoàn toàn khác. Và khi nền kinh tế thị trường mở rộng dưới sự khống chế của Đảng, liền sau đó là các nhóm lợi ích, các tư bản thân hữu nổi lên như nấm sau mưa. Lúc này, tính kiên trung, liêm khiết hay đạo đức cộng sản chỉ là trò mèo, che mắt thánh bằng vải thưa, bởi kì thực, người cộng sản muốn tồn tại, muốn trụ được trong cơ chế thị trường, họ phải mạnh vì gạo bạo vì tiền, tư bản thân hữu giàu thì họ cũng giàu, tư bản thân hữu giàu một, họ phải giàu một rưỡi, hai. Đó là qui luật, và để đảm bảo cái qui luật này tồn tại, vận hành thì người cộng sản đã khéo tính toán, đẩy các tư bản thân hữu và lợi ích nhóm làm bình phong để thu tư bản về cho họ, đáng sợ hơn là họ vỗ béo tư bản bằng mọi cách để thịt từ từ.

Nói như vậy để thấy rằng khi giá trị tinh thần và giá trị vật chất của người cộng sản đã thay đổi tận gốc, thì các giá trị còn lại sẽ thay đổi tỉ lệ và sự thay đổi này là không thể khước từ, không thể tránh. Và, khi một thứ chủ nghĩa mới đã hình thành, đã hoạt động như không được định danh, không được đọc đúng với tên gọi của nó cũng như không có giấy khai sinh, đương nhiên sự phát triển tự nhiên của nó sẽ thuộc về bản năng, thứ tư bản rừng rú xuất hiện đầy rẫy, tác oai tác quái tại Việt Nam là một khía cạnh của chủ nghĩa Hậu cộng sản, một loại cộng sản đã được phá vỡ để sinh sản nhưng chưa được khai sinh đúng nghĩa. Chính cái thứ chủ nghĩa Hậu cộng sản này là mảnh đất tốt nhất cho các nhà độc tài, các ông trùm chính trị xuất hiện một cách mạnh mẽ và khác thường, nó vừa mang dấu hiệu của chính thống, của một chính khách nó lại vừa phảng phất khí chất của một tay hảo hán giang hồ, đồng thời nó vừa mang bộ mặt của trí thức nhưng nó cũng ngầm chứa ánh mắt của kẻ sát nhân, dám thách thức mọi giá trị khai sinh ra nó.

Ở đây, sự thách thức là những hành động cụ thể, những hành động không giống ai, ngáo, nhưng nó muốn khẳng định rằng bất kì sự ngáo oạp nào khi vào tay nhà lãnh đạo, vào tay ông trùm cũng sẽ thành điển cố, điển tích và đương nhiên đến một lúc nào đó, nó sẽ thành chuẩn mực, mẫu mực và khuôn thước… Đó là điều tất yếu, là những cú nhảy, là cuộc chơi li kì của nhà kĩ trị, nhà độc tài, của các ông trùm quyền lực. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên, Putin cố gắng ve vãn vợ của Tập Cận Bình ngay trước mặt Bình, rồi Tô Lâm đi ăn bò dát vàng để người ta quay video bỏ lên tik-tok hoặc gần đây nhất là Nguyễn Xuân Phúc đi dự lễ tịch điền, sau đó xuống ruộng cày với một con trâu vẽ vằn vện vàng như cọp mà trâu chẳng ra trâu, cọp chẳng ra cọp… khiến dư luận xôn xao mấy ngày nay. Và cả hai lượt xôn xao, từ vụ Tô Lâm ăn bò dát vàng cho đến Nguyễn Xuân Phúc cày trâu vẽ cọp đều tạo ra những cơn chấn động dư luận mà hầu hết đều chê.

Nhưng, hình như chúng ta không đoán ra hoăc chẳng muốn đoán ra rằng thứ họ cần chính là những luồng dư luận chê bai, cười cợt, giễu nhại, chế nhạo. Tại sao họ lại cần những luồng này ? Có ba vấn đề để thấy rằng đó là cái bẫy dư luận của họ. Thứ nhất : họ muốn khẳng định vị thế ông trùm quyền lực của họ. Thứ đến, họ muốn chơi cuộc chơi tạo chú ý. Và họ muốn thể nghiệm cuộc chơi Hậu cộng sản của họ.

Ở khía cạnh thứ nhất, xác tín vị thế ông trùm quyền lực, điều này Tô Lâm đã làm một cách ngoạn mục, ông ung dung ăn bò dát vàng của thánh rắc muối, sau đó ông ung dung phát biểu ở các cuộc họp và kế đến, ông ung dung, đủng đỉnh bắt giam tất cả các tay đạo đức giả, tham lam và bất chấp mạng người trong hệ thống Đảng… Tất cả những hành vi của ông, xét theo góc độ Hậu Hiện đại, vừa có chất ngầu đời, vừa giễu nhại vào gương mặt liêm khiết vốn nhem nhuốc của đảng cộng sản thủ cựu và đương nhiên ném thẳng vào những qui ước vốn cũ rích của người cộng sản về đạo đức, hành trạng của đảng viên. Nhưng trên hết, tiếp theo hành vi của ông Lâm là một nhà hàng bò dát vàng xuất hiện tại Việt Nam, và quan trọng hơn nữa là điều đó chứng minh rằng quyền lực của ông đủ để thách thức dư luận, ông vẫn nghiễm nhiên trở thành ứng viên của cái ghế Tổng bí thư.

Bây giờ đến ông Phúc, không phải ông ta ngu hoặc đội ngũ của ông ta ngu đến độ không biết mình đang bước vào một cái sân khấu đầy chất Tàu và làm như vậy là chọc giận nhân dân, chọc giận những trí thức. Nhưng, vấn đề ở đây lại là sự dám thách thức, ai không cày con trâu quái dị, tao cày ! Ý nghĩa hả ? Nó nằm trong những chiếc lưỡi biết nịnh, và khi cả kẻ nịnh ta và kẻ chửi ta đồng loạt lên tiếng mà cái ghế của ta không hề hấn gì, cộng với chuỗi các công việc của ta phía sau, chắc chắn, ai là trùm quyền lực đã rõ. Hơn nữa, việc cày con trâu vẽ cọp này chẳng đụng chạm tới đối thủ Tô Lâm, điều đó vô cùng có lợi, giả sử chức Tổng bí thư rơi vào tay ta hay tay đối phương, đều có thể bắt tay nhau trước sân khấu nhân dân.

Và, cho đến lúc này, có thể nói rằng cuộc trình diễn, hướng dư luận, thách thức dư luận, test ghế quyền lực và khẳng định vị thế ông trùm trong hệ thống đảng của hai ông trùm Tô Lâm và Nguyễn Xuân Phúc khá là ngoạn mục. Điều này dự báo về một tương lại Hậu cộng sản rõ nét hơn là một trò cười ngẫu nhiên !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 08/02/2022 (VietTuSaiGon's blog)