'Mang tiền về cho mẹ' của Đen Vâu là bản rap 'ngoan'?

'Mang tiền về cho mẹ' của Đen Vâu cán mốc hơn 34 triệu lượt view sau 14 ngày ra mắt. Con số lượt xem ấn tượng nhưng thông điệp có thực sự phá cách?

Đen Vâu 

Nguồn hình ảnh, CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Đen Vâu trong MV 'Mang tiền về cho mẹ'

 

Ra mắt vào cuối tháng 12/2021, ca khúc 'Mang tiền về cho mẹ' của rapper Đen Vâu đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận về thông điệp ngày Tết và rằng đây có phải là bản rap quá 'ngoan hiền'.

'Thông điệp vật chất'

"Mang tiền về cho mẹ,

Mang tiền về cho mẹ

Mang tiền về cho mẹ

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ"

(Mang tiền về cho mẹ, Đen Vâu, 2021)

Bình luận với BBC News Tiếng Việt, nhà báo Mạnh Hà của báo Tiền Phong đề cập vài ý kiến cho rằng việc thúc giục người lao động mang tiền về quê nhà sẽ gây một sức ép không phù hợp với thời điểm đại dịch, kinh tế khó khăn.

"Tác giả muốn nhắc nhở những đứa con xa nhà phải làm ăn chăm chỉ và chân chính để có thành quả đo bằng tiền mang về. Tất nhiên đây là điều tốt nhưng việc nhắc đi nhắc lại 3 lần một câu trong điệp khúc 4 câu đã khiến thông điệp vật chất bị nhấn mạnh quá mức lấn át khía cạnh tinh thần, trở thành một kiểu khẩu hiệu, kim chỉ nam…"

"Và để có nhiều tiền như nhân vật trong bài để mua được túi hàng hiệu cho mẹ thì lại càng hãn hữu," nhà báo Mạnh Hà nói với BBC News Tiếng Việt

Đen Vâu trong MV 'Mang tiền về cho mẹ'

Nguồn hình ảnh, CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

MV 'Mang tiền về cho mẹ' làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận về thông điệp ngày Tết

"Những công việc chân tay như MV mô tả không thể nào đem lại thành quả đó. Nó có thể khiến rất nhiều người lao động bị chạnh lòng. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là suy đoán. Biết đâu họ sẽ trông tấm gương thành đạt của Đen Vâu để thêm cố gắng." nhà báo Mạnh Hà nhận định.

Nhà báo Mạnh Hà cho rằng bài rap khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh một người lao động tốt kiếm tiền sạch để gắn với sản phẩm cần quảng cáo.

"Trước nay chưa ai đưa ra thông điệp kiểu này nên đương nhiên nó mới mẻ. Còn theo tôi việc lan rộng nó sẽ tuân theo những quy luật của nghệ thuật và cảm hứng, cảm xúc. Chứ không nên áp đặt tính tuyên truyền cho một bài hát."

Bạo lực gia đình?

"Bài rap cũng khơi lên một vấn đề gây tranh cãi là việc sử dụng bạo lực trong gia đình như một phương pháp giáo dục, thậm chí như cách để thể hiện tình cảm. Bà mẹ trong bài không có cách nào để truyền đạt ý chỉ của mình ngoài câu "về đây tao đánh" nếu đứa con "mất dạy" hoặc đơn giản chỉ vì nó gầy", theo nhà báo chuyên mảng văn hóa.

"Cách diễn đạt có tính tự nhiên này càng bị soi trong bối cảnh một em bé ở TP.HCM vừa bị mẹ kế và bố đẻ bạo hành đến chết. Từ đây có thể thấy mối liên hệ đụng chạm của rap với đời sống thời sự, xã hội rõ hơn các dòng nhạc khác. Vì rap sử dụng ngôn từ và thường lấy chất liệu trực tiếp từ đời sống," Nhà báo Mạnh Hà nhận định.

Giảng viên Thanh Phùng trên Facebook cá nhân cho rằng:

"Mở đầu video người mẹ của Đen Vâu không đòi hỏi gì cả, nhưng cách mẹ và con giao tiếp và nghĩ về nhau làm hiện lên một mô hình tình khổ. Người phụ nữ Việt Nam khi sinh và nuôi con chịu thương chịu khó, nhưng rồi cái khổ chi phối mối quan hệ. Yêu thương cũng phải thành đánh mắng. "Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn," đây là một cách nói yêu, nhưng ngay cả khi mẹ chưa đánh con thì ngôn ngữ cũng thể hiện nếp nghĩ. Mãi mãi là con của mẹ là rất tình, nhưng "về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn" cũng có thể hiểu là sự không tôn trọng đứa con như một người đã trưởng thành, vẫn muốn áp đặt quyền lực vượt trội của người mẹ."

Bản rap 'ngoan'?

Đen Vâu trong MV 'Mang tiền về cho mẹ'

Nguồn hình ảnh, CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Đen Vâu trong MV 'Mang tiền về cho mẹ'

"Mẹ yên tâm con là công dân tốt

Đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi"

(Mang tiền về cho mẹ, Đen Vâu, 2021)

MV 'Mang tiền về cho mẹ' còn làm nảy ra một cuộc tranh luận về liệu đây có phải là một bản rap 'ngoan' khi nhạc rap vốn được xem là tiếng nói tự do không ràng buộc, phản kháng trước những bất công của xã hội.

Kiến trúc sư Sơn Đặng trên Facebook cá nhân nhận định:

"Rap với tinh thần nguyên thuỷ thì rất đẹp, đó là tinh thần phản kháng với các mối quan tâm xã hội sâu sắc đa chiều. Sau khi lan ra toàn cầu thì có 1 nhánh ở Việt Nam đã trở thành rap stereotype, rap cliche, rap "ngoan", rap "naive positivism" aka rap "tích cực ngây ngô". Đây là thứ ráp thể hiện khá rõ nét trình độ nhận thức-tư duy còn hạn chế của các nghệ sĩ giải trí."

"Cuối năm rồi, những thứ hình tượng bất hủ khắc họa bà mẹ nghèo tảo tần không ăn không mặc dành hết cho con vốn là cliche kinh điển của giới âm nhạc, thì thôi tạm bỏ qua. Sự kiêu hãnh của thị dân thành công kiếm được tiền (sạch), sự sướng với các thắng lợi về mặt vật chất, nhận thức ngây ngô về vai trò của "công dân ngoan"...etc thì thôi, đôi khi hời hợt, dễ dãi một chút cũng à ừ…cho dễ sống. Nhưng có nhiều thứ chúng ta nhất định không nên chặc lưỡi bỏ qua, cho xong!"

Nhà văn Khải Đơn trên Facebook cá nhân cho rằng diễn ngôn trong bài hát là rất quen thuộc.

"Chân dung đứa con "gợi ý" và hướng dẫn người trẻ hãy "đóng thuế đều", "làm công dân tốt", "đem sức lực ra làm phương tiện". Đây là diễn ngôn quen thuộc của Đảng về công dân lương thiện. Chỉ cần bạn đóng thuế và chăm làm, đời bạn vậy là thành công. Nhưng hãy ra một quán cafe nhỏ để nghe người thành đạt nói gì về chuyện làm giàu?

"Vài năm trước họ nói về bất động sản, khi thị trường rùng rục bơm lên bởi những ông lớn nói chuyện nghìn tỷ. Rồi các ông lớn vào tù, những người trẻ lơ ngơ đón sóng ấy mất tất cả tiền bạc và chìm xuống lặng thinh. Rồi người ta lại nghe về những doanh nhân đa cấp đi khắp mọi miền đất nước tuyển mộ "mạng lưới" làm giàu."

"Tôi còn nhớ lúc đó bạn học của mình muốn làm giàu, tôi cũng muốn làm giàu. Lũ người ngây dại ấy trở thành mạng lưới của hàng ngàn mạng lưới. Ùm một phát, tất cả mạng lưới ponzi sụp đổ, vài kẻ được nêu tên đi tù, những quan chức quân đội từng oang oang đi phát biểu ca ngợi thần dược cho đám tập đoàn mạng lưới ấy lặn không sủi tăm."

Giảng viên Thanh Phùng trên Facebook cá nhân cho rằng đây là một dạng rap 'rất ngoan'.

"Rap của Đen Vâu có phần hài hước song nó không có khoảng cách mà rất chân thành, tận tâm với các tuyên ngôn của mình, nó không thoát khỏi sự xây dựng mẫu hình sống tích cực mà có mong muốn đó. Một loại rap rất ngoan."

"Hình mẫu này không phải sáng tạo của cá nhân, nó nằm trong văn hóa đã có và đã gây khá nhiều vấn đề. Khi hình mẫu có hàng triệu người tung hô thông qua một thứ ngôn từ rất mạnh rồi thì đó là một thế lực mạnh cần tới phê bình, chứ nếu có ít người hâm mộ hơn thì lại là một thể đa dạng ai thích thì tùy. Thế nên việc phê bình bài hát của Đen Vâu là hoàn toàn chính đáng, không phải là gượng ép hay do không hiểu nó."

Trong một bài viết của tác giả Bùi Nguyên Sa, đăng tải trên Luật Khoa viết rằng:

"Người Việt Nam không ưa chuộng phản kháng. Trái lại, chúng ta đề cao hết mức sự ngoan, hay sự vâng lời. Tư tưởng này thấm nhuần trong từng tế bào của đời sống xã hội người Việt: từ lời ru của mẹ, lời dạy của cha, lời dặn của nhà trường, lời chúc Tết của chúng ta khi lì xì cho trẻ em dịp Tết. Ngoan nhé, vâng lời nhé. Ở nhà vâng lời cha mẹ, đến trường vâng lời thầy cô, làm công dân thì vâng lời nhà nước: đóng thuế (đều và chỉ có đủ mà thôi)."

Nhà văn Khải Đơn còn cho rằng đây là bài rap 'hợp pháp' nhất mà cô từng được nghe:

"Nếu nhạc Rap thường được xem là thế lực âm nhạc giàu tiếng nói khiêu khích và phản kháng thì đây là bài rap hợp pháp nhứt tôi từng được nghe, với niềm tin vô cùng tích cực vào nhà nước anh Đen đang ca ngợi và là môi trường để vinh danh anh. Trong không gian ca khúc đó, ta có thể đơn giản hóa quan hệ con người xuống còn đơn thuần là quan hệ vật chất, bỏ qua những phức cảm và vật lộn của xã hội để viết một câu chuyện thành công đẹp như anh shark ngày xưa bán bánh mì nay thành tỷ phú ngành ẩm thực", nhà văn Khải Đơn viết trên Facebook cá nhân.

"Thiếu vắng rap về thời sự"

Theo nhà báo Mạnh Hà thì ông chia rap Việt theo các mảng đề tài chính gồm rap về tình yêu, rap kể câu chuyện cá nhân với những trăn trở cố gắng để đi lên, rap để bày tỏ quan điểm cá nhân.

"Trong thế giới ngầm có rap cãi nhau, rap mô tả cuộc sống ăn chơi… sử dụng khá nhiều ngôn từ mạnh, mô tả những hành vi không được xã hội thừa nhận. Gần đây những bài rap này được chế thành các MV tung lên các mạng xã hội khiến dư luận khá sốc."

Nhà báo Mạnh Hà cho biết thêm một số rapper cố gắng đưa nội dung gợi cảm, giới tính vào dòng chính thống nhưng có vẻ không được số đông chào đón. Nếu trước đây các rapper thỉnh thoảng pha tí tiếng Anh thì ngày nay bắt đầu có vài nghệ sĩ GenZ rap hoàn toàn bằng tiếng Anh.

"Rap về các vấn đề thời sự gần như thiếu vắng. Chẳng hạn trong đại dịch rất nhiều bài nhạc pop ra đời, nhưng phần rap chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền thông điệp 5K", nhà báo Mạnh Hà nói với BBC News Tiếng Việt.

Theo nhà báo Mạnh Hà, cho rằng hai nhân vật chiếm thế thượng phong trong rap Việt hiện nay có lẽ là Đen Vâu và BinZ.

"BinZ thể hiện phong cách giàu sang, chải truốt. Còn Đen giữ hình ảnh lao động chất phác và phủ sóng đại chúng nhiều hơn."

Vào cả đề thi

Nguồn hình ảnh, CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Đề thi Học kỳ I trường THCS THPT Trần Cao Vân

Trường THCS-THPT Trần Cao Vân (Quận Tân Phú, TP HCM) đã sử dụng đoạn trích trong bài rap của Đen Vâu, với những câu hỏi trong phần đọc hiểu như "Đen Vâu khẳng định mẹ mình "không dám" làm những gì? Vì sao?" hay "Em có đồng tình với quan điểm của Đen Vâu trong câu "Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè" không? Vì sao?"…

Theo báo Thanh Niên ngày 6/1 thì "Sau khi được chia sẻ, các học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Trần Cao Vân cũng như những diễn đàn học sinh đã thảo luận sôi nổi, bày tỏ sự hào hứng và thích thú với nội dung ngữ liệu trong đề kiểm tra thử học kỳ 1 môn ngữ văn là bài rap Mang tiền về cho mẹ của rapper Đen Vâu."

"Tôi không phải là fan của Đen Vâu. Tuy nhiên, trong xu hướng hiện nay, rap Việt đang thu hút giới trẻ, nhất là học sinh, do đó tôi đã nghe bài Mang tiền về cho mẹ đang thịnh hành trong những ngày gần đây", thầy Hà Văn Vụ, giáo viên Trường THCS-THPT Trần Cao Vân nói với báo Thanh Niên.

Ngoài ra rất nhiều nhãn hàng đã chế biến lại hình ảnh Đen Vâu ôm con cá để quảng cáo sản phẩm của mình. Hình ảnh này bỗng chốc trở nên lan rộng trên mạng xã hội.

"Một điều thú vị là MV Tết năm nay của Đen Vâu cũng đã cung cấp miễn phí cho rất cả những nhà bán hàng nhỏ lẻ một hình ảnh để có thể dùng trong chiến dịch quảng cáo của họ. Đó là cho Đen ôm sản phẩm mình bán, thay cho con cá mà anh ôm trong MV", nhà báo Mạnh Hà cho biết thêm.

Một bình luận trên trang NEU Confessions có nội dung Đen Vâu là thực tế và không thực dụng:

"Thậm chí chữ "tiền" còn cho thấy nhạc của chú Đen thực sự rất đời vì nó không chỉ là những lời hoa mỹ mà còn là tâm lý của những người con bôn ba bươn trải cả năm ngoài xã hội. Nhà bạn giàu thì bạn mang tình về, nhà tôi tràn ngập tình cảm rồi thì tôi chỉ mong có thêm cái bánh chưng, thêm mảnh vải để bố mẹ may áo mới…

Chú Đen không thực dụng mà chú thực tế, chú hiểu những khó khăn của những người con đang ngày đêm lao động với mong muốn "Mang tiền về cho mẹ" nên lời rap cứ thế in sâu vào lòng người đọc… Mong các nhà phê bình online hãy nghe đi nghe lại bài hát nhiều lần để thấu hiểu những gì chú Đen gửi gắm, đừng soi mói kéo chú vào những drama thế này nữa..."

Phát biểu trên VnExpress ngày 6/1, Đen Vâu nói, "Tôi tôn trọng ý kiến mỗi người, nhưng không ngờ quan điểm của một số khán giả lại đi xa đến vậy. Ba mẹ tôi là dân lao động, không có đồng hưu, tiền dành dụm. Nếu tôi không chăm lo cho họ thì ai lo đây?"

Phản kháng bằng rap trên thế giới

Chụp lại hình ảnh,

MV 'Fragile' của rapper người Malaysia Namewee bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen

Trên thế giới một số nghệ sĩ đã dùng nhạc rap để cất lên tiếng nói phản kháng.

Tại Cuba, ca khúc "Patria y Vida" có sự tham gia của những nghệ sĩ đối lập đã đạt hơn 10 triệu lượt xem. Tựa đề "Patria y Vida" có nghĩa "Tổ quốc và cuộc sống" là một cách chơi chữ theo slogan cách mạng của cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro "Tổ quốc hay là chết".

Chính phủ Cuba gọi những người đằng sau ca khúc này là "lính đánh thuê" và tung ra một cá khúc cách mạng để đáp trả nhưng lượt xem hạn chế.

Tháng 8/2020, Thái Lan bắt giữ Dechathorn, người sáng lập nhóm Against Dictatorship đã tham gia biểu diễn tại một số cuộc biểu tình chống chính phủ.

Ca khúc 'What My Country's Got' của Against Dictatorship đã đạt hơn 103 triệu lượt xem trên YouTube.

MV 'Fragile' của rapper người Malaysia Namewee cũng bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen sau khi được công bố vào tháng 10/2021.

MV có nội dung châm biếm đội quân 'dư luận viên' của Trung Quốc và đạt hơn 38 triệu lượt xem trên YouTube. Ca khúc rất thịnh hành tại Đài Loan, Hong Kong hay Singapore.

"Một số người nghĩ tác phẩm của tôi là gây tranh cãi. Hay tôi luôn luôn vượt qua làn ranh đỏ. Nhưng có lý do cho điều này. Vì tôi muốn mọi người nhận ra vấn đề và quan tâm đến chúng." Nam ca sĩ nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC News vào tháng 11/2021.

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với Đen Vâu nhưng cơ quan quản lý cho biết nam rapper" từ chối nhận phỏng vấn và giao lưu với truyền thông để tập trung sản xuất cho dự án mới trong năm nay, vì bạn cũng cảm thấy chưa có thêm thông tin gì để chia sẻ đến khán giả."

 Nguồn tin: BBC Tiếng Việt