Giải mã những uẩn khúc xung quanh vụ Việt Á (Tô Hiệu, Gió Bấc, Phạm Quý Thọ)
Thứ ba, cần vạch mặt chỉ tên"mối chúa" nào đứng sau vụ này ? Phải là một "bố già" trong Nhà nước hay một "hòa thân" trong Đảng mới có khả năng coordinator (phối hợp) được toàn bộ hệ thống. Không chỉ kết nối được với các bộ, các ngành, các viện nghiên cứu, mà còn sâu sát đến từng công đoạn cụ thể trong quá trình lũng đoạn bộ máy của Đảng/Nhà nước.
Các vấn đề không thể che giấu xung quanh vụ Việt Á
Tô Hiệu, RFA, 07/01/2022
Đáng ra Quốc hội họp phiên bất thường hiện nay phải được nghe các Cơ quan chức năng tường trình về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến scandal mang tên "Công ty Việt Á". Đằng này, các ông/bà Nghị và cử tri cả nước chỉ được nghe tường trình của ngài Bộ trưởng Y tế, tựa như một bản "thanh minh thanh nga" có pha chút báo cáo thành tích… Những vấn đề liệt kê dưới đây, rõ ràng chưa được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề cập và làm rõ một cách thực chất trong phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương chiều 05/01/2022. Bảy điều "tế cấp" ấy là gì ?
Thứ nhất, Kit Test Việt Á là một xì-căng-đan vô tiền khoáng hậu, cực kỳ nghiêm trọng. Tính chất nghiêm trọng thể hiện trên nhiều mặt trong sinh hoạt đối nội lẫn đối ngoại của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Về đối nội, ở đây không chỉ có vấn đề đưa và nhận hối lộ trên khắp cả nước. Cơ quan điều tra đã bắt Giám đốc Công ty Việt Á và lãnh đạo CDC một số địa phương cùng một số lãnh đạo Vụ của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế để điều tra. Nhưng vấn đề ở chỗ, tại sao Việt Á có thể bán được kit test với mức giá "trên trời" và lót tay với mức cao đến 20% cho CDC các địa phương như vậy ? Theo kết quả điều tra đến hiện nay, giá này dựa trên Công văn của Bộ Y tế để CDC các địa phương căn cứ vào đó mua sản phẩm của Việt Á. Vậy câu hỏi ở đây là, liệu có sự bắt tay nào giữa Công ty Việt Á và Bộ Y tế hay không ? [1].
Về đối ngoại, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã xác nhận có kit test nhập lậu từ Trung Quốc và đã đề nghị phía Trung Quốc cung cấp thêm các thông tin cần thiết khác. Vậy những bộ kit test nhập lậu này đã từ những công ty nào của Trung Quốc ? Tuồn lậu bằng cách nào qua biên giới và sau đó còn đi tiếp vào những đâu ? Câu hỏi lớn hơn là các công ty sản xuất những sản phẩm này có đủ năng lực không ? Liệu nguồn sản phẩm nhập lậu này có phải là những bộ kit test được Việt Á thực hiện sang mác VN để cung cấp ra thị trường hay không ? Nếu đúng vậy thì vấn đề này rất nghiêm trọng, vì đưa các bộ sản phẩm kit test không rõ nguồn gốc, chất lượng vào phục vụ sức khoẻ, tính mạng con người là điều không thể chấp nhận được [2].
Thứ hai, đây là sự coi thường phép nước, coi khinh các Nghị quyết Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam một cách tệ hại nhất từ trước tới nay.
Qua gần 15 năm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng, nhất là kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, từ tháng 02/2013 đến nay, dưới sự lãnh đạo "trực tiếp, toàn diện" của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng đã không ngăn được Việt Á và các sân sau của chúng thao túng và lũng đoạn các tổ chức và các cơ quan Đảng/Nhà nước. Mới đây nhất, xuất phát từ tình trạng ngày càng tồi tệ, Bộ Chính trị vừa quy định bổ sung chức năng cho Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng. Theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo còn có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực. Bởi, tiêu cực là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Nhưng như đã thấy, tất cả đã bị vô hiệu hoá bởi Việt Á.
Đặc biệt, giữa năm 2021, Ban Bí thư vừa ra Kết luận 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng ; sẽ tiến hành sơ kết năm năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW với tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng chống tham nhũng. Ban Bí thư tiếp tục khẳng định những chính sách đã ban hành và tiếp tục đề ra những chủ trương mới về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho phù hợp với tình hình hiện nay và Nghị quyết Đại hội 13. Tuy nhiên, với sự lũng đoạn toàn bộ hệ thống CDC ở hầu hết các tỉnh thành, scandal Việt Á cho thấy thực chất của tình trạng chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết, pháp luật nói chung, về phòng chống tham nhũng nói riêng tệ hại như thế nào. Tại sao quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước không được thực hiện nghiêm minh ? [3].
Thứ ba, cần vạch mặt chỉ tên"mối chúa" nào đứng sau vụ này ? Phải là một "bố già" trong Nhà nước hay một "hòa thân" trong Đảng mới có khả năng coordinator (phối hợp) được toàn bộ hệ thống. Không chỉ kết nối được với các bộ, các ngành, các viện nghiên cứu, mà còn sâu sát đến từng công đoạn cụ thể trong quá trình lũng đoạn bộ máy của Đảng/Nhà nước.
Trước hôm Quốc hội khai mạc, cử tri trong cả nước còn được nghe Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện tuyên bố, dường như có "cá lớn" trong vụ Việt Á. Theo giới chuyên gia, không thể có tốc độ nghiên cứu thần tốc với số mẫu của Việt Á. Mà thật ra, đề tài khoa học giữa Việt Á với Viện Quân y được nghiên cứu ở đâu ? Tại sao Bộ KHCN đã lừa dối người dân khi thông tin bộ kit test này được WHO chấp nhận và được 20 nước đặt mua sản phẩm này. Vậy ai là người cung cấp những thông tin giả này để đánh lừa người tiêu dùng ? Sau khi công bố kết quả đề tài, ngay ngày hôm sau Bộ Y tế đã chấp nhận và giao Công ty Việt Á sản xuất. Thời gian ngắn như vậy thì Bộ Y tế có kiểm tra kết quả đề tài và năng lực sản xuất của Việt Á không ? Ai là người kiểm tra tính khả thi của đề tài ? Ai đã "bật đèn xanh" cho việc cố tình buông lỏng quản lý công đoạn này ? Chưa hết, Phan Quốc Việt và hai cổ đông khác chỉ giữ 20% cổ phần Việt Á. Vậy ai là người chiếm 80% cổ phần còn lại, "mối chúa" ấy có trách nhiệm gì trong những sai phạm của Việt Á ? Hỏi là đã trả lời. Hoạ phúc phải đâu một buổi. Cách đây năm năm Bộ Y tế cũng đã từng bao che và đánh tráo khái niệm hàng giả với hàng kém chất lượng [4].
Thứ tư, tác hại của "cú lừa toàn xã hội’ này cực kỳ nặng nề. Trên ba vạn nhân mạng ra đi, toàn bộ hệ thống hầu như bị vô hiệu hoá. Do chất lượng bộ kít, người không bị lây nhiễm vấn có thể cho kết quả dương tính và ngược lại.
Trong cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cuối năm, ông Lê Bá Trình, ủy viên Đoàn Chủ tịch, phát biểu rằng nhân dân "mong muốn Đảng, Nhà nước làm rõ vi phạm, đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh với những cơ quan, tổ chức có liên quan tới vụ việc này". Báo chí trong nước trích lời ông : "Đây là một thứ lừa đảo nhân dân, lừa đảo ngay trong cơ quan Nhà nước", và ông nhấn mạnh rằng người dân phản ứng, vì vậy, Mặt trận cần phải đưa các thông tin đó vào bản báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân 2021. Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim đề nghị rằng Mặt trận Tổ quốc phải có ý kiến ngay về vụ Việt Á, chứ không chờ tới khi mọi việc xong xuôi rồi mới lên tiếng. Dư luận trong nước đều thống nhất gọi đây là tội ác, là vụ bê bối thế kỷ, do những kẻ táng tận lương tâm gây ra, lừa đảo và móc túi nạn nhân, làm hại đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân [5].
Thứ năm, Đảng/Nhà nước phải đồng cảm và biết cách chia sẻ với những phẫn uất chính đáng trong toàn xã hội. Không nên chụp mũ, quy kết những xúc cảm tự nhiên này là âm mưu của "các thế lực thù địch". Giặc ở sau lưng nhà các ngươi đó (Lời của Thần Kim Quy vẫn mang ý nghĩa thời sự !!!).
Không phải ngẫu nhiên, tờ "Tuổi trẻ" chạy một đầu đề hết sức bắt mắt, "double meaning" (nghĩa kép) : Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long : 'Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi làm xói mòn lòng tin với ngành'. Đây không phải là thuyết âm mưu, cũng không phải là lỗi biên tập. Đây là một cách phản ứng công khai của báo giới trong nước đối với "Bản báo cáo thành tích" trong phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương chiều 05/01 của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ông Long thanh nga thanh minh cho Bộ Y tế rằng, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế mà "đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua". Phải ghi nhận, các nhà báo "Tuổi Trẻ" thông minh và dũng cảm [6].
Mà sự phê phán đâu chỉ tập trung vào một mình Bộ Y tế. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, không ai chấp nhận được cách chống chế "nhầm lẫn thông tin" của Bộ Khoa học và Công nghệ trong vụ án gây chấn động này. Đại biểu Minh Hiền nhấn mạnh, hồ sơ sản phẩm kit test của Việt Á bị WHO loại ngay từ đầu vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế, có nghĩa là chưa được WHO chấp nhận cho lưu hành tự do. Thế nhưng, sự "nhanh nhảu không cần thiết" của Bộ Khoa học và Công nghệ khi vội vàng ra thông báo trên website của Bộ kèm theo thông tin về năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm của Việt Á cho thị trường trong nước và quốc tế, rồi sau đó lại âm thầm gỡ bỏ thật sự gây ra một câu chuyện bi hài cho vụ việc này [7].
Thứ sáu, scandal Việt Á là một đòn giáng mạnh vào tham vọng muốn làm "Anh Cả" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước và sau Đại hội 13 của Đcộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng từng mơ, các Nghị quyết đại hội sẽ là "văn bia" cho nhiều thế hệ. Mặc dầu Tổng bí thư Trọng tuyên bố, đại ý, không biết cuối thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa, những ngay trong mùa đại dịch, ông vẫn miệt mài bắt Ban Thư ký chuẩn bị những bài viết "tràng giang đại hải" để bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn của cái "chưa biết là có hay không ấy". Sau Đại hội, cũng lại giữa mùa "chống dịch như chống giặc", ông "khai hội" liên tục. Ông cho mở Hội nghị Văn hoá toàn quốc, rồi ông cho mở Hội nghị Đối ngoại đẩu tiên trong 76 năm tồn tại của chế độ… Ông "chỉnh phong", "chỉnh huấn"… Ông chất vấn mấy tay Trung ương và Bộ Chính trị ngồi giả vờ chăm chú nghe ông thuyết pháp : "Tiền nhiều để làm gì ?" (Chắc khối đồng chí chưa bị bị lộ "đang nằm trong đống rơm" không khỏi cười thầm…). Ông truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho những người được cho là hy sinh trong vụ giết đảng viên Lê Đình Kình 82 tuổi đời và hơn 60 năm tuổi đảng [8]. Ông ký tặng Huân chương Lao Động cho Công ty của Phan Quốc Việt (toạ lạc trên khoảng 10m2). Tham vọng muốn làm "Anh Cả" của Tổng bí thư Trọng trong "cuộc đời bay bổng cánh diều" này sau những dồn nén của các sự kiện vừa liệt kê và cú "va đập Việt Á" sẽ như thế nào… chưa ai trả lời được.
Thứ bảy, trong nguy vẫn còn cơ. Nếu kỳ họp Quốc hội bất thường lần nà còn có một vài báo cáo khác (nếu cần có thể đóng dấu Tuyệt Mật), ít nhiều có đề cập đến gốc rễ và đề xuất giải pháp cho các vấn đề thực chất liên quan đến vụ Việt Á thì Đảng/Nhà nước còn cơ may đẩy mạnh cải cách thế chế, thay thế "đảng quyền" bằng "pháp quyền", tiến hành "Đổi mới lần hai".
Nếu không, "que thử" Việt Á cũng đồng thời là "phép thử" đối với tính chính danh và địa vị hợp pháp của Đảng/Nhà nước này. Trong buổi "chợ chiều" của các triều đại phong kiến trước đây cũng không thiếu những kỷ nguyên hôn ám nhũng lạm như ngày nay. Nhưng thời trước, còn khá nhiều các bậc tiên liệt, nên hậu thế chúng ta mới biết đến các cáo trạng đanh thép như "dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Gây thù kết oán trải mấy mươi năm…" từ Nguyễn Trãi, hay "thất trảm sớ" nổi tiếng của Chu Văn An. Tuy nhiên, sau nhiều "chiến dịch Mậu Thân" của Đảng đối với nhân sỹ trí thức thời nay, giờ đây nếu còn sót lại một vài Nguyễn Trãi hay Chu Văn An ở đâu đó trên giải đất hình chữ S, thì rất tiếc, phần lớn các bậc sỹ phú ấy dường như đều ngoảnh mặt làm ngơ trước các đại án như Việt Á. Có thể đấy cũng là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vẫn "thừa thắng xông lên" bảo kê cho Việt Á và toàn bộ tội ác của những kẻ bất lương từng lộng hành trong đại dịch Covid-19. [9].
Tô Hiệu
Nguồn : RFA, 07/01/2022
Tham khảo :
1. https://nhaquanly.vn/nhung-cau-hoi-can-lam-ro-trong-vu-viec-vi-pham-cua-cong-ty-viet-a-a6872.html
2. https://nhaquanly.vn/nhung-cau-hoi-can-lam-ro-trong-vu-viec-vi-pham-cua-cong-ty-viet-a-a6872.html
8. http://nguoiviet.de/Su-kien/GS-Vien-si-Hoang-Xuan-Phu-Toi-ac-Dong-Tam-37855.html
**********************
Quốc hội họp đột xuất, vụ Việt Á chưa xong điều tra, Chính phủ báo cáo cái gì ?
Gió Bấc, RFA, 04/01/2022
Chính phủ vung tiền như nước cho bộ máy quản lý, công an quân đội và những tổn thương kinh tế nghiêm trọng do những biện pháp mạnh bạo, cực đoan chưa từng có tiền lệ chiến lược chống dịch như chống giặc, Quốc hội phải họp đột xuất để hợp pháp hóa các khoản nợ, khoản vay mới. Oái oăm thay, ngay trước kỳ họp đã bung vành vụ tham nhũng cấp cung đình kit Việt Á.
AFP/ RFA edit
Chiều 30/12, Tiến sĩ chân vịt Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường họp báo công bố chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Án chưa kết luận điều tra, báo cáo cái gì ?
Theo đó, Chính phủ bổ sung báo cáo về tình hình biến chủng Omicron và diễn biến dịch thời gian tới ; báo cáo việc sử dụng ngân sách trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch, trong đó có việc báo chí nêu (liên quan mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á) (1).
Thông tin này làm người đọc thắc mắc, đây là vụ án còn đang điều tra, chưa có kết luận. Khi có kết luận còn chờ Viện Kiểm Sát phúc tra, ra cáo trạng và Tòa án xét xử mới biết rõ ngay gian, ai công ai tội. Công An mới khởi động điều tra, Chính Phủ có gì mà báo cáo ? Báo cáo để làm gì ? Quả đây là sự lạ ! Một sự thần tốc bất thường sau sự chậm chạp lỗi nhịp bất thường cũng trong chỉ đạo vụ án này như chúng tôi đã nêu trong bài "Vụ án cung đình Kit Việt Á : Vì sao Thủ tướng chỉ đạo "mở hẹp" điều tra ?".
Tiếng là chỉ đạo mở rộng nhưng nội dung văn bản của Văn Phòng Chính Phủ chỉ đóng khung điều tra việc cấu kết nâng giá chia tiền giữa bên bán hàng là Việt Á và bên mua hàng là các Sở Y tế, CDC và các bệnh viện địa phương (2).
Ngay từ đầu dân đen đã nhìn thấy tóe lòe một con chim non thế hệ 7 x không tài nào điều khiển cả guồng máy nhiều bộ ngành, moi ra 19 tỷ đồng cho nghiên cứu, cấp phép thần tốc, Văn phòng Chủ tịch nước, toàn bộ hệ thống truyền thông của Đảng và Nhà Nước cùng nhau tung hứng trùng trùng tin giả về chất lượng Kit Việt Á lên tận trời xanh.
Bộ Y tế vừa cấp phép, mua, tiếp thị, ra giá cho Việt Á và cũng nhận "hoa hồng" khủng. Đây là đồng phạm liên quan đến nhiều mắt xích quan trọng trong đường dây tội phạm thế nhưng được Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ quan trong trong "mở rộng điều tra vụ án". Trong chỉ đạo giao nhiệm vụ ngắn ngủi này, tên Bộ Y tế được nhắc đến ba lần trong khi Bộ Công an chỉ có hai lần. Chừng như văn bản này mở rộng quyền cho Bô Y tế hơn là mở rộng điều tra.
"Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và…. khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế…".
"Các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cần kịp thời hướng dẫn, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc …."
"Các bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông, …. góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân". (3)
Đọc qua văn bản, giới am tường công việc cung đình có thể hồ nghi rằng tác giả chắp bút văn bản nằm ở Bộ Y tế chứ không phải Văn phòng Chính phủ.
Bùng lửa vì giao quyền cho kẻ phạm tội ?
Tác dụng chỉ đạo mở rộng mà thu hẹp của Thủ tướng chừng như đã châm dầu vào lửa. Sáu ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã lên tiếng. "Trả lời câu hỏi liên quan trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trong vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, đại diện cơ quan điều tra cho rằng sẽ điều tra trong vụ mọi khía cạnh của vụ án sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm, không có vùng cấm" (4).
Cũng trong ngày này, ngành Hải quan không hề được Thủ tướng chỉ đạo tham gia nhưng bỗng dưng vào cuộc ở ngay khâu hiểm hóc nhất của vụ án kit Việt Á mà nhiều người đang nghi ngại đây là thiết bị nhập từ Trung Quốc dán nhãn Việt Nam như hàng điện tử Asanzo từng gây chấn động.
Tại Hội nghị hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc về chống buôn lậu lần thứ 14 theo hình thức trực tuyến diễn ra ngày 28/12, đại diện Hải quan Việt Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu) đề nghị Hải quan Trung Quốc phối hợp đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực thiết bị y tế, chuyển tiền bất hợp pháp…
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu mặt hàng kit xét nghiệm, hóa chất, nguyên liệu, vật tư sản xuất sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 từ nhiều nước trong đó có Trung Quốc (5).
Nhà xưởng chỉ 10m2, phép màu nào giúp Việt Á sản xuất ba triệu kit tháng ? Đến nay cả hai Bộ Khoa học Công nghệ và Y tế đều chưa trả lời câu hỏi này trong khi thủ tục cấp phép sản xuất sinh phẩm nhất định phải có hồ sơ về điều kiện sản xuất an toàn. Nếu Hải quan thực tâm điều tra đến đầu đến đũa chắc hẳn sẽ giải ảo phép màu sái đậu thành binh này dễ dàng.
Lò đã cháy, lửa sẽ lan đến đâu ?
Nhiều ngọn lửa nhỏ đã thành cơn bão lửa, chỉ hai ngày tiếp theo, thiên đình đã chuyển động. Ngày 30/12 Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tức là từ đó, vụ án không còn trong tầm tay của Thủ tướng anh minh nữa mà thuộc về Tổng Bí thư và trực tiếp là Phó Ban Thường trực, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Nội dung chỉ đạo điều tra lần này hoàn toàn khác với Thủ tướng. Thành phần tham gia gồm những cơ quan quyền lực cao nhất : Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu mạnh mẽ : "khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật ; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào".
Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh (6).
Với thành phần mạnh và yêu cầu "không có vùng cấm, không ngoại lệ, …" có thể hiểu là lò có thể thiêu bất kỳ ai, kể cả ủy viên Trung ương hay là trên nữa !
Lò của thiên đình vừa nhóm, ngay lập tức đã có củi to. Chỉ một ngày sau, ngày cuối cùng của năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố một vụ trưởng, một cựu vụ trưởng, một phó vụ trưởng hai Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đó là Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế ; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế ; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cũng khác với chỉ đạo Thủ tướng chỉ tập trung vào việc thổi giá kit, Cơ quan điều tra đã bấm vào lĩnh vực khá căn bản là "Có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020) sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế" (7).
Song song với việc bấm đúng vào mắt xích "sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời của Bộ Y tế", cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bắt giam hàng chục nhân viên Việt Á. khởi tố bổ sung Phạm Quốc Việt và một số đồng phạm về hành vi đưa hối lộ, nhiều giám đốc CDC các tỉnh cũng đã bị khởi tố.
Sai phạm con voi, báo cáo thành thành con kiến !
Với những kết quả điều tra bước đầu này, vụ án đã hé ra tầm mức rộng lớn về quy mô, giá trị vật chất tiền bạc đến 4.000 tỉ đồng nhưng điều nghiêm trọng hơn là đã bộc lộ tính chất vô cùng man rợ, một hình thức tham nhũng mới "chưa từng có tiền lệ" (từ ngữ thời thượng mà Thủ tướng và guồng máy truyền thông bưng bô sính dùng trong mùa Covid) là "tham nhũng chính sách, tham nhũng trên thảm họa của dân tộc".
Đây là vụ tham nhũng có tổ chức được phối hợp nhịp nhàng bởi nhiều cơ quan quản lý tầng cao nhất của nhà nước, trước mắt đã lộ hình Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế ngoài ra còn thấp thoáng bóng dáng của Ban Thi đua Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan báo chó truyền thông… Và cao hơn thế nữa là những ai đó hàng ngày đốc thúc chỉ đạo xét nghiệm thần tốc với áp lực nặng nề "nếu để dịch bùng phát lãnh đạo phải chịu trách nhiệm".
Những bằng chứng đã rành rành như thế nhưng rất tiếc báo cáo bổ sung của Chính phủ trước Quốc hội lại một lần nữa bóp nhỏ sự kiện trong con vật tế thần Việt Á.
"Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Báo cáo cũng phủi trách nhiệm cho Thủ tướng và các quan chức có liên quan bằng lập luận như là có công phát hiện và xử lý "Chính phủ đánh giá vi phạm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm".
Báo cáo cũng dẫn chứng là "Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và ôcng nghệ đang khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép, quản lý giá... để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra của các cơ quan chức năng, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm" (8).
Xin thưa Thủ tướng, việc các Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế phải rà soát công việc để "phục vụ điều tra" hoàn toàn khác với chỉ đạo của Thủ tướng trong văn bản ngày 22/12 là chỉ đạo các Bộ này rà soát để chấn chỉnh kịp thời và xử lý các khó khăn vướng mắc.
Nói một cách nghiêm túc, chính Thủ tướng đã đẻ ra chiến lược xét nghiệm thần tốc diện rộng mở đường cho tham nhũng và sau khi tham nhũng bị phát hiện, Thủ tướng lại nhân danh chỉ đạo mở rộng điều tra để giao thêm quyền cho các đối tượng vi phạm hoạch định chính sách, biện pháp để xử lý dấu vết, che lấp hậu quả.
Bản báo cáo vụ Việt Á của Chính phủ giống như lấy tay che mặt trời, lấy mùi xoa che voi. Bản báo cáo này chắc chắn sẽ không thuyết phục được ái nhưng Quốc hội xưa nay vẫn là cổ máy đưa tay, bấm nút theo ý của trên nên lửa có lan đến phủ chúa hay không hoàn toàn tùy thuộc vào những cuộc lượng giá, mặc cả bên trong nhà đỏ. Dân đen cũng khoan vui Tổng Chủ công minh nhóm lò đầu năm, Tô Thượng Thư (Tô Lâm) cương trực khai đao. Người đang cần xóa chàm cái huân chương Lao Động, kẻ cần tẩy vết mỡ bì dát vàng. Vụ án bùng thêm hay xẹp lép không tùy thuộc vào lòng dân, sẽ hoàn toàn tùy vào lợi quyền phe nhóm.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 04/01/2022
Tham khảo :
1. https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-bao-cao-vu-cong-ty-viet-a-tai-ky-ho...
2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-pm-only-wants-to-narrow-inv...
5. https://haiquanonline.com.vn/de-nghi-hai-quan-trung-quoc-phoi-hop-chong-...
6. https://laodong.vn/thoi-su/dua-vu-viet-a-vao-dien-ban-chi-dao-trung-uong...
8. https://tuoitre.vn/bao-cao-quoc-hoi-ve-tieu-cuc-trong-phong-chong-covid-...
*********************
Vụ Việt Á : Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ
Phạm Quý Thọ, RFA, 03/01/2022
Những sai phạm của Công ty Việt Á đã trở thành đại án vì tính chất nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề khiến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải vào cuộc. Ngày 30/12/2021 vụ Việt Á được đưa vào diện Ban này trực tiếp theo dõi nhằm "xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực…". Họ chỉ vào cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ. Các lãnh đạo có thể bị bắt khẩn cấp khi vẫn là đảng viên cộng sản và đương chức. Ngày 31/12/2021 Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, người có trách nhiệm tại Bộ Y tế, Bộ KH-CN và CDC các địa phương xung quanh vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á…
Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. RFA edit
Các lệnh trước đó của chính quyền : Ngày 17/12/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Công Nghệ Việt Á, Trung tâm bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Cơ quan CA đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Việt Á và của Giám đốc CDC Hải Dương. Năm ngày sau, vào ngày 22/12/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9373/VPCP-NC ngày truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án này.
Danh sách những kẻ đáng bị trừng phạt có thể còn kéo dài, nhưng lý do khởi tố ‘Việt Á’ được nêu cũng chỉ phản ánh ‘bề nổi của tảng băng chìm’. Nỗi bức xúc của dân chúng và dậy sóng dư luận đòi hỏi giải quyết những vấn đề chủ yếu sau : Xử nghiêm ‘Việt Á’ và những đối tượng liên quan trục lợi trên sự đau khổ, mất mát của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 ; Làm rõ sự suy thoái đạo đức của các quan chức của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, CDC các tỉnh thành… thách thức chính sách phòng chống tham nhũng ; Công khai, minh bạch chất lượng bộ kit xét nghiệm để người dân yên tâm ; Trách nhiệm giải trình của công tác lãnh đạo, quản lý ; và quan trọng hơn là đặt và thực thi nhiệm vụ tiếp tục cải cách thể chế sao cho có thể ngăn chặn các nguy cơ của ‘biến thể Việt Á’ khác trước khi mọi việc trở nên tồi tệ ? Nội dung dưới đây của bài viết gợi mở về khía cạnh này.
Việt Á là một công ty tư nhân được thành lập năm 2007. Khác với doanh nghiệp Nhà nước phải kiêm nhiệm vụ chính trị dưới sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước chủ quản, các cổ đông Việt Á bỏ vốn để kinh doanh, họ phục vụ nhu cầu của người khác, của xã hội để kiếm lời, họ tuân theo thể chế thị trường và những lời kêu gọi đạo đức kinh doanh đối với họ chỉ là ‘bên lề’. ‘Việt Á’ từng là Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất và Dịch vụ, có đăng ký nhiều hoạt động kinh doanh như bán buôn máy móc, thiết bị và một số dịch vụ trong lĩnh vực phòng khám và chăm sóc sức khỏe (Việt Á Medical). Gần đây, nó đã hoạt động trong lĩnh vực sinh học phân tử và là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ‘ứng dụng thành công’ và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử. Sau 10 năm, năm 2017 ‘Việt Á’ đã tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ đồng và liên tục trúng loạt gói thầu với nhiều bệnh viện lớn về cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, Công ty Việt Á đã hợp tác với Học viện Quân Y sản xuất kit thử xét nghiệm Covid-19. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến khi bị khởi tố, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh chuyển đổi bế tắc sang thị trường, thiếu các nguyên tắc vận hành lại bị níu kéo bởi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều, với bộ máy đặc quyền đặc lợi, trì trệ, phân biệt đối xử ‘công’ và ‘tư’, luôn tìm cách ‘toàn trị’, can thiệp làm méo mó cải cách thì hoạt động của doanh nghiệp luôn gặp khó khăn, thách thức trong quan hệ với chính quyền. Các chủ doanh nghiệp đúc kết rằng phải nuôi ‘quan hệ tốt’ với chính quyền : khi doanh nghiệp còn ‘bé thì phường xã, nhỡ thì quận huyện, lớn thì thành phố, trung ương.’ ‘Việt Á’ bằng ‘tiền tấn’ không chỉ có chỗ đứng trong quan hệ mà còn được ‘bảo lãnh’ bởi huân chương từ Chủ tịch nước đã huỷ hoại bộ máy công quyền của ngành y tế nói riêng và chính quyền nói chung. Chứng cứ ban đầu đã hé lộ rằng sự tăng trưởng ‘thần tốc’ nhờ sự tiếp tay của các quan chức ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo CDC nhiều tỉnh thành. Ngoài việc ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn’ thì tội danh ‘đưa và nhận hối lộ’ đã được xác định. Với tỷ lệ hoa hồng ‘cám dỗ’ lên tới 20% giá trị trúng gói thầu kít xét nghiệm, hàng chục tỷ đồng cho mỗi phi vụ và ‘công nghệ’ xoá dấu vết tinh vi thì các quan chức ‘sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng’. ‘Việt Á’ đã thông đồng với các lãnh đạo CDC hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng nhiều cách như lập các công ty liên danh, công ty con, giả mạo hồ sơ chào hàng, xác nhận khống các báo giá cao hơn nhiều so với giá thành...
Thủ đoạn trục lợi bằng ‘hoa hồng khủng’ trong các dự án công như đầu tư, xây dựng và mua sắm công đã được nêu từ nhiều năm nay nhưng đã không ngăn chặn. Mặc dù một số luật liên quan được soạn thảo và ban hành, nhưng chậm cụ thể hóa. Ngoài việc tham nhũng chính sách thì thực thi chính sách cũng đã bộc lộ rõ ‘gót chân A-sin’ của chế độ. Công tác cán bộ là của Đảng nhưng việc chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng đang loay hoay, tính từ năm 2013 khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với quyền lực độc đoán, nhưng suy thoái đạo đức vẫn nghiêm trọng.
Cải cách thể chế đang gặp thách thức. Tính chính danh của Đảng cộng sản phụ thuộc vào thành tích kinh tế, nhưng tăng trưởng phải dựa vào các doanh nghiệp. Trong giai đoạn khủng hoảng trước Đại hội toàn quốc đảng cộng sản lần thứ 12 năm 2016 hệ thống các doanh nghiệp nhà nước đã sụp đổ, nền kinh tế nay nhờ vào doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước. Mặc dù Đảng muộn mằn nhận ra "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng", ‘Chính phủ kiến tạo’ đã thúc đẩy khởi nghiệp và môi trường kinh doanh, nhưng vụ ‘Việt Á’ cho thấy cải cách chính trị đã không đáp ứng tình hình thực tế. Tiếp tục cải cách phải thay đổi mục tiêu và nhiệm vụ. Nếu trong nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021) Chính phủ đã tập trung ‘cải cách thể chế là dư địa tăng trưởng’, thì trong nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021-2026) cải cách thể chế phải ‘vì dân’, phục hồi sức dân và tăng quyền tự do, dân chủ của người dân để kiểm soát quyền lực đảng.
Bài học cụ thể từ đại án Việt Á là các doanh nghiệp có thể hoạt động thế nào trong môi trường chế độ độc đảng đang tha hoá quyền lực, suy thoái đạo đức của quan chức trong bộ máy cầm quyền ? Liệu Ban chỉ đạo Trung ương có thể thúc đẩy cải cách thể chế trước khi mọi việc trở nên tồi tệ thay vì chỉ ‘vào cuộc’ để chỉ đạo… giải quyết hậu quả ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 03/01/2022
**********************
Vụ án cung đình Kit Việt Á : Vì sao Thủ tướng chỉ đạo "mở hẹp" điều tra ?
Gió Bấc, RFA, 26/12/2021
Thủ tướng anh minh vốn sốt sắng tận tụy mướt mồ hôi lo việc dân việc nước và luôn thần tốc trong chỉ đạo ngoáy mũi dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh. Ấy vậy mà vụ Kit Việt Á nổ ra như quả bom nguyên tử nhưng Thủ tướng vẫn vô tư đi ăn sinh nhật mồ ma Võ Đại tướng (Võ Nguyên Giáp) và thăm thú nơi mô mãi bốn ngày sau mới có ý kiến chỉ đạo mở rộng việc điều tra. Quả Kit thối này thối toàn diện từ đầu tư nghiên cứu, nghiệm thu, cấp phép, đưa tin giả, môi giới bán hàng bằng quyền lực, hậu quả liên quan đến tính mạng hàng vạn người dân, thể diện quốc gia, Thủ tướng nói mở rộng nhưng chỉ đạo đóng hẹp trong chuyện nâng giá thu tiền lại giao cho một số nghi phạm như Bộ Y tế tham gia xử lý. Vì sao 'lọa' rứa ? Mở rộng kiểu ấy là mở đường cho bọn hút máu dân tiếp tục hoành hành !
Một bộ kit xét nghiệm Covid-19 nhanh được sử dụng ở Anh. AFP
Bốn ngày sau khi vụ án được khởi tố, phóng viên VTV đã phỏng vấn ghi hình các nhân viên của Việt Á, nêu danh tính các đơn vị mua hàng và nhận tiền lót tay cứ như là vụ án đã được kết thúc điều tra thì Văn phòng Chính phủ mới ra văn bản muộn màng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Báo chí đưa thông tin có tiêu đề nóng hổi "Thủ tướng yêu cầu mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, xử sớm vụ án tại Công ty Việt Á" (1).
Nhưng đọc qua nội dung thì chỉ đạo thực chất chỉ đóng khung việc điều tra trong việc cấu kết nâng giá chia tiền giữa bên bán hàng là Việt Á và bên mua hàng là các Sở Y tế, CDC và các bệnh viện địa phương.
Bỏ lọt chính phạm Bộ Khoa học và Công nghệ
Qua sự bùng nổ thông tin từ mấy ngày qua trên báo chí lề phải và mạng xã hội cho thấy vụ án này có liên quan trách nhiệm của rất nhiều ngành, ở cấp rất cao đã chủ ý tác động tạo điều kiện để Kit Việt Á ra đời, độc quyền cung ứng cho ngành y tế. Kit Việt Á được các Bộ cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo đúng quy trình nhưng chất lượng của nó thật đáng ngờ. Muốn điều tra đến đầu đến đũa tránh cho người dân những thảm hoa tương tự, làm trong sạch guồng máy phải xem xét trách nhiệm của nhiều ngành.
Chuyện tung tóe như bom nguyên tử nhưng Thủ tướng mở rộng thành phát đạn K54 là "Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm Covid-19 nhằm trục lợi".
Với nhận định đơn giản như là 'đang giỡn' của Thủ tướng, nhiều ông lớn thở phào, phủi tay yên vị chuẩn bị cho các thương vụ mới. Rõ nhất là Bộ Khoa Học và Công Nghệ.
Với sự thật tung tóe hiện nay, xưởng sản xuất Việt Á ở Bình Dương chỉ rộng 10m2, vệ sinh nhếch nhác, không có máy móc thiết bị sản xuất, trụ sở văn phòng công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là tấm bảng hiệu, hàng triệu Kit Việt Á được sản xuất ở đâu ? Từ cơ sở nào Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, đầu tư cho Việt Á nghiên cứu đề tài khoa học cấp quốc gia và nghiệm thu thần tốc trong vòng nửa tháng ? Ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu sản xuất sinh phẩm để kinh doanh có hợp pháp không ? Giá trị đầu tư là bao nhiêu ?
Vào thời điểm tháng 2 đến tháng 3 năm 2020, cả nước chỉ mới có 16 người bị nhiễm Covid thì lấy cơ sở nào để đánh giá lâm sàng tính chính xác của Kit Việt Á ?
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ tung tin giả Kit Việt Á được WHO công nhận không thể là sự nhầm lẫn như quan chức bộ này lý giải vì vào tháng 10- 2020, WHO đã có thông báo chính thức không công nhận và không cho phép sử dụng Kit Việt Á. Nếu nhầm lẫn thì vì sao Bộ này không cập nhật thông tin, đính chính ngay thời điểm ấy ?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã ghi nhận ý kiến cử tri về vấn đề này "Báo chí, dư luận rất quan tâm chất lượng kit xét nghiệm. Truyền hình đưa lên nơi sản xuất như nhà kho hợp tác xã, rồi WHO không công nhận chất lượng để áp dụng chung thì cử tri quan tâm chất lượng kit xét nghiệm có đáp ứng chuyên môn hay không, vì hiện dùng đại trà kit xét nghiệm do công ty này (Việt Á) sản xuất. Trách nhiệm cơ quan liên quan, kể cả một số bộ. Chưa nói sai - đúng, nhưng rất nhiều địa phương đấu thầu giá rất cao" (2).
Chắc hẳn rằng công sức đầu tư khai sinh và chắp cánh cho Việt Á của Bộ Khoa học và công nghệ không thể nào miễn phí. Đóng khung việc điều tra án chỉ trong việc thổi giá rõ là Thủ tướng đã bỏ lọt chính phạm.
Giao nghi phạm xử lý hậu quả
Qua thông tin báo chí, vai trò của Bộ Y tế trong vụ án này cũng quan trọng không kém. Theo trùng điệp thủ tục hành chính của Việt Nam việc xin phép cho một nhà thuốc tư nhân be bé cũng phải năm dài chầy tháng. Vắc-xin Nano Covax đã được Thủ tướng nhiều lần nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép. Ấy vậy mà giấy phép cho Kit Việt Á chỉ mất vỏn vẹn một ngày sau khi Bộ Khoa học- Công Nghệ đề nghị, Bộ Y tế đã cấp ngay giấy phép sử dụng.
Với xưởng sản xuất đơn sơ thua quán phở, với hồ sơ khoa học bị WHO bác bỏ vì thiếu an toàn, chất lượng Kit Việt Á đương nhiên phải có vấn đề và gây hậu quả. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã nhận định "Không ai biết đã có bao nhiêu người bị dương tính oan, và bao nhiêu người đã bị bỏ sót vì âm tính giả. Con số có thể lên đến hàng triệu. Và, bao nhiêu người đã bị bắt đi cách ly tập trung và chết ? Nhưng chúng ta đã thấy có quá nhiều người bị ép đi làm xét nghiệm y như là bắt tội phạm. Biết bao nhiêu bi hài kịch đã xảy ra trên cả nước. Số tiền người dân bỏ ra cho xét nghiệm chắc là hàng vạn tỉ đồng" (3)
Bộ Y tế còn ân cần ra công văn giới thiệu Kit Việt Á cho các địa phương kèm theo giá (đã được thổi là 470.000 đồng), số điện thoại của Phó Tổng giám đốc. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thì liên tục ra công điện, công văn chỉ đạo xét nghiệm thần tốc. Các Sở Y tế, CDC không mua Kit Việt Á mới là chuyện lạ.
Bộ Y tế vừa là người khai sinh vừa là trình dược viên dùng quyền lực và uy tín nhà nước để quảng bá khuyến mãi cho Việt Á, lẽ ra những cá nhân của Bộ này cần phải được đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Cần làm sáng tỏ chất lượng của Kit Việt Á chính xác đến mức độ nào, tỉ lệ gây sai sót làm chết bao nhiêu người. Giá bán giấy phép và các công văn là bao nhiêu ?
Ấy thế nhưng, ngược lại, Bộ Y tế tiếp tục được Thủ tướng anh minh giao quyền "Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định pháp luật".
Khuyến khích hệ thống truyền thông dối trá !
Quy định pháp luật Việt Nam xử phạt rất nghiêm với hành vi đưa tin giả liên quan đến dịch Covid-19. Người đưa tin giả về Covid-19 trên mạng có thể bị phạt tù bảy năm, Theo đó "Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự năm 2015. (Mức phạt tù tối đa bảy năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm)." (4)
Nhiều người đưa những thông tin có thực nhưng không vừa ý với chính quyền về tình trạng kém cỏi, vô trách nhiệm hoặc hà khắc với người dân cũng bị phạt tiền, phạt tù,
Thế nhưng như đã dẫn trong bài "Cú lừa cung đình mang tên Kit Việt Á, Tô Thượng Thư có dám khai đao chính phạm ?" quả bom thối mang tầm quốc tế mang tên Việt Á này từ Báo Nhân Dân, báo điện tử Chính Phủ, Website Đảng cộng sản Việt Nam, báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã dẫn đầu cho 800 tờ báo lề đảng đăng hàng loạt tin giả nào là WHO công nhân Kit Việt Á, Bộ Y tế xã hội Anh cấp phép Kit Việt Á, xuất khẩu sang 20 nước, giá Kít Việt Á bằng /4 giá thế giới… (5).
Những tin giả này gây tác hại rất nghiêm trọng với người dân trọng nước. gây nhầm lẫn cho người dân, là dung môi cực tốt để các bên bán mua dễ dàng thổi giá.
Với bình diện quốc tế, việc WHO phải ra văn bản khẳng định sự dối trá, sai lệch của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có tác dụng "nâng cao" vị thế khoa học và chất lượng truyền thông Việt Nam tương đương với miếng thịt bò dát vàng.
Ấy vậy mà công văn Thủ tướng anh minh lại không hề nhắc đến việc xử lý vi phạm dối trá khổng lồ cả hệ thống đó. Ngược lại, Thủ tướng khuyến khích "Các bộ Thông tin và truyền thông, Y tế, Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông… đưa tin đầy đủ, công khai kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan theo quy định của pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân".
Chỉ đạo mở rộng mà thu hẹp của Thủ tướng quả là khó hiểu. Với chỉ đạo này Tộ Thượng Thư dù có muốn khai đao rửa hận vụ thịt bò cũng phải bó tay. Vì sao người hết lòng vì dân vì nước, mướt mồ hôi xây pháo đài chống dịch, quản lý sâu sát đến tận xã phường lại mở cửa sổ lồng cho các khủng long tội phạm quả là điều khó hiểu.
Nhưng điều dễ hiểu, dễ nhớ nhất là các mệnh lệnh thần tốc, kiên trì ngoáy mũi của Thủ tướng đã góp phần rất lớn cho Việt Á đạt doanh thu 4000 tỷ đồng.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 26/12/2021
Tham khảo
3.https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1383079338806046
4. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dua-tin-gia-ve-covid-19-tren-mang-co-...
5.https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/test-kit-fraud-122...