Tập Cận Bình đóng cửa Trung Quốc nhưng đẩy mạnh "ngoại giao tấn công" thế giới (Thùy Dương)
Sau bốn thập kỷ Trung Quốc bừng tỉnh, cất cánh mạnh mẽ về kinh tế, mở cửa ra thế giới nhờ chính sách của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình lại đánh dấu giai đoạn đóng chặt, khép kín của "đế chế". Từ gần 2 năm nay, cường quốc thứ hai thế giới sống biệt lập phía sau những biên giới đóng kín và các biện pháp kiểm duyệt ngày càng khắc nghiệt. 1,4 tỉ dân Trung Quốc đang bị bọc trong một bong bóng khổng lồ, bảo vệ họ khỏi virus corona và cả những ý tưởng về "lật đổ" đến từ nơi khác trên thế giới.
Lãnh đạo một quốc gia đang tự đóng kín, được thúc đẩy thêm bởi "cuộc chiến ái quốc" chống đại dịch Covid-19, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc 4 thập niên Trung Quốc mở cửa ra thế giới. Trên đây là nhận định của Sébastien Faletti, thông tín viên báo Le Figaro tại khu vực Châu Á trong bài viết có tiêu đề "Bằng cách nào hoàng đế và nhà độc tài Tập Cận Bình khóa chặt Trung Quốc ?"
RFI tóm lược bài viết đăng trên Le Figaro ngày 03/12/2021 và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.
Covid-19 là cái cớ để Tập Cận Bình dựng lên Vạn Lý Trường Thành mới quanh "công xưởng thế giới" ?
Trung Quốc từng là "công xưởng thế giới", khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt, dựng lên một bức Vạn Lý Trường Thành chặn virus corona. Nhiều nơi được canh gác, kiểm soát nghiêm ngặt với những phương tiện công nghệ hiện đại, robot, vừa giống những cảnh trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao", lại vừa khiến người ta liên tưởng đến "thế giới của Orwell". Viện dẫn nguyên tắc không thể phản bác là bảo vệ sức khỏe người dân, Tập Cận Bình đã lợi dụng điều mà ông ta gọi là "cuộc chiến ái quốc" chống Covid-19, đẩy nhanh việc thực hiện giấc mơ kiểm soát, giam hãm đất nước đông dân nhất toàn cầu. "Công xưởng thế giới" vẫn là tâm điểm của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng về ý thức, tinh thần, chưa bao giờ Trung Quốc bị khóa chặt như vậy.
1,4 tỉ dân Trung Quốc bị cô lập không phải chỉ để bảo vệ họ khỏi Covid-19 ?
Sau bốn thập kỷ Trung Quốc bừng tỉnh, cất cánh mạnh mẽ về kinh tế, mở cửa ra thế giới nhờ chính sách của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình lại đánh dấu giai đoạn đóng chặt, khép kín của "đế chế". Từ gần 2 năm nay, cường quốc thứ hai thế giới sống biệt lập phía sau những biên giới đóng kín và các biện pháp kiểm duyệt ngày càng khắc nghiệt. 1,4 tỉ dân Trung Quốc đang bị bọc trong một bong bóng khổng lồ, bảo vệ họ khỏi virus corona và cả những ý tưởng về "lật đổ" đến từ nơi khác trên thế giới.
Tập Cận Bình cũng đã tranh thủ giai đoạn đóng cửa này để quảng bá cho sự tự chủ công nghệ, trí thông minh nhân tạo và mạng 5G, thông báo tập trung trở lại vào thị trường nội địa, với khái niệm "kinh tế đối ngẫu" để giảm sự lệ thuộc, vốn vẫn đang rất rõ rệt, vào thị trường thế giới.
Đóng cửa đất nước, nhưng Tập Cận Bình không ngừng chính sách "ngoại giao tấn công" ra khắp thế giới ?
Ẩn náu bên trong "pháo đài", không hề xuất ngoại trong gần 2 năm qua, thậm chí không dự thượng đỉnh G20, nhưng ông Tập đang triển khai chính sách "ngoại giao tấn công", tiến hành một cuộc đọ sức không khoan nhượng với nước Mỹ, phô trương sức mạnh với Ấn Độ ở dãy Himalaya, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đưa Hồng Kông vào "khuôn phép", thường xuyên điều máy bay xâm nhập khu nhận dạng phòng không Đài Loan, đe dọa một cuộc tấn công nhắm vào hòn đảo, tuyên bố "việc thống nhất là không thể tránh khỏi".
Các nước láng giềng Châu Á đang lo ngại vướng vào một cuộc "chiến tranh lạnh" mới giữa hai cừu địch Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực để bù đắp cho sự chậm trễ của Giải Phóng Quân Nhân Dân (PLA) so với Quân Đội Mỹ : về số lượng tàu, hạm đội của Trung Quốc giờ đã vượt Hải Quân Hoa Kỳ, và theo Financial Times, Bắc Kinh đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng bay một vòng quanh Trái Đất.
Đại dịch đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong mắt Tây Phương, càng khiến cho Tây Phương hiểu ra rằng thế giới và Trung Quốc không thể chung sống tốt đẹp với nhau. Trên mặt trận ngoại giao, các "chiến lang" càng làm dấy lên "mối đe dọa từ Trung Quốc" trong công luận Tây Phương.
Tập Cận Bình đã biến Covid-19 thành bàn đạp để khẳng định ưu thế của chế độ ?
Bắc Kinh đã tận dụng đại dịch Covid-19 để khẳng định mô hình chuyên quyền, toàn trị của Trung Quốc có ưu điểm vượt trội so với nền dân chủ Tây Phương. Tập Cận Bình từng tuyên bố : "Khi đối mặt với đại dịch, chúng ta có thể đánh giá ngay lập tức sự vượt trội của nhà lãnh đạo và chế độ của từng nước".
Theo nhà sử học Rana Mitter của đại học Oxford, trong mắt các nhà chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc, đại dịch chứng tỏ rằng chế độ chuyên quyền hiệu quả hơn và họ muốn lợi dụng điều này để khẳng định một mô hình thay thế mô hình dân chủ của phương Tây, cũng là để thu hút các nước nam bán cầu, cả Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Như trong ván cờ vây, Bắc Kinh có tham vọng chinh phục thế giới thông qua các vùng ngoại vi, "truất ngôi" phương Tây thông qua chiến lược bao bọc mà biểu tượng là dự án của Tập Cận Bình về "Những con đường tơ lụa mới".
Covid-19 là một yếu tố thúc đẩy lịch sử, đẩy nhanh tiến độ ông Tập áp đặt ý thức hệ một cách có phương pháp lên Đảng cộng sản và xã hội Trung Quốc mà ông bắt đầu thực hiện từ khi lên nắm quyền hồi năm 2013. Tập Cận Bình tin rằng làn gió lịch sử đang "thổi về phương Đông", tuyên bố gã khổng lồ Châu Á đã trở lại tâm điểm cuộc chơi thế giới, sau "một thế kỷ tủi nhục" từ khi khuất phục các pháo thuyền đến từ phương Tây sau "cuộc chiến thuốc phiện" ô nhục.
Tập Cận Bình khẳng định "Thời gian đứng về phía chúng ta", hy vọng đến năm 2049, nhân 100 năm thành lập, Trung Quốc cộng sản sẽ chiếm "quyền bá chủ" của Mỹ. "Hoàng tử đỏ" đã biết tận dụng cơ hội biến thách thức dịch bệnh thành bàn đạp để áp đặt quyền lực tuyệt đối lên toàn bộ hệ thống, đồng thời khởi động một thách thức đáng gờm đối với mô hình dân chủ trên toàn thế giới.
Liệu có thể nói là Covid-19 là điều trớ trêu của lịch sử ?
Một nhà ngoại giao làm việc tại Bắc Kinh nhận định là ở Trung Quốc, tất cả các thảm họa đều bắt đầu từ sự thất bại của hệ thống nhưng lại chấm dứt với thắng lợi của chính hệ thống đó.
Lần này, điều trớ trêu là cho dù ban đầu khi virus corona bùng phát, bất chấp sự báo động của bác sĩ Lý Văn Lượng, chính quyền vì bị ám ảnh bởi sự kiểm duyệt, lo sợ chế độ sụp đổ như chuyện từng xảy ra với Liên Xô, đã không phản ứng kịp thời. Đến khi người chết như ngả rạ tại tỉnh Hồ Bắc, Tập Cận Bình lại đóng vai một vị tướng chỉ huy "cuộc chiến tranh ái quốc" chống "quái vật virus" … và sau này dùng chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 để biện hộ, quảng bá cho mô hình độc tài.
Giờ đây, cuộc chiến chống Covid được dùng để phục vụ cho vinh quang vĩ đại hơn của Đảng cộng sản Trung Quốc, mạ ánh hào quang cho Tập Cận Bình trong công cuộc theo đuổi "giấc mộng Trung Hoa" về tái sinh, củng cố tiếng tăm của ông ta thông qua các hoạt động tuyên truyền, củng cố sự ủng hộ của dân chúng đối với bộ máy Nhà nước.
Không những vậy, chế độ Tập Cận Bình còn lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để làm tăng thái độ hoài nghi, ngờ vực trong dân chúng đối với người ngoại quốc. Bộ máy tuyên tuyên truyền của Trung Quốc ngày nào cũng "ra rả" nói rằng virus đến từ nước ngoài, trong bối cảnh người dân bị bưng bít thông tin, không được tiếp cận với các nguồn tin độc lập : Bắc Kinh đã phong tỏa các kênh truyền thông nước ngoài và các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội như Google, Twitter, thậm chí cả Wikipédia …
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 10/12/2021