Hun Sen đang trả giá cho chọn lựa đối tác chiến lược (Thu Hằng - VOA tiếng Việt)
Nhân quyền là lý do thứ hai được bộ Tài Chính Mỹ nêu trong loạt trừng phạt có hiệu lực từ ngày 09/12. Chính phủ của thủ tướng Hun Sen bị lên án trấn áp đối lập chính trị, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông và buộc vài trăm chính trị gia, nhà đấu tranh vì nhân quyền và nhà báo Cam Bốt phải lưu vong.
Mỹ cấm vận vũ khí Cam Bốt
Thu Hằng, RFI, 10/12/2021
Cam Bốt bị Washington chính thức cấm vận vũ khí kể từ ngày 09/12/2021 do có "những hoạt động đi ngược lại với lợi ích quốc phòng và chính sách ngoại giao của Mỹ". Trong một thông báo được ghi trong sổ đăng ký liên bang Federal Register, Hoa Kỳ còn nhắc đến sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính phủ của thủ tướng Hun Sen và quân đội Cam Bốt.
Cụ thể, theo hãng tin Mỹ AP, khí tài và dịch vụ liên quan đến quốc phòng phải được chính phủ Mỹ thông qua mới được cung cấp cho Phnom Penh. Đây là bước tiếp theo trong loạt trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Cam Bốt, sau việc Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở tại căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville, được Mỹ tài trợ một phần, và có vị trí chiến lược nhìn ra vịnh Thái Lan dẫn đến Biển Đông.
Trước khi loạt biện pháp mới này được loan báo, hai quan chức quân đội Cam Bốt đã bị Mỹ trừng phạt vào ngày 10/11 vì tham nhũng. Ông Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc bộ Quốc Phòng và ông Tea Vinh, tư lệnh Hải Quân Cam Bốt, bị bộ Tài Chính Mỹ cáo buộc âm mưu với nhiều quan chức Cam Bốt khác thổi phòng chi phí của một dự án xây dựng tại căn cứ hải quân Ream và thu lợi bất chính.
Nhân quyền là lý do thứ hai được bộ Tài Chính Mỹ nêu trong loạt trừng phạt có hiệu lực từ ngày 09/12. Chính phủ của thủ tướng Hun Sen bị lên án trấn áp đối lập chính trị, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông và buộc vài trăm chính trị gia, nhà đấu tranh vì nhân quyền và nhà báo Cam Bốt phải lưu vong.
Mỹ muốn nâng quan hệ với ASEAN "lên mức chưa từng có"
Mỹ thông báo cấm vận vũ khí đối với Cam Bốt vào lúc nước này chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2022, trong khi các nước ASEAN đang bàn về cuộc họp thượng đỉnh trực diện, theo đề xuất của tổng thống Joe Biden.
Ngày 09/11, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, giải thích "tổng thống Biden cam kết nâng mối quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên mức chưa từng có". Và để cân bằng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, hai quan chức ngành ngoại giao Mỹ lần lượt công du nhiều nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng Antony Blinken đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan, từ ngày 9-17/12, ngay sau chuyến công du Cam Bốt và Indonesia của cố vấn bộ ngoại giao Derek Chollet, từ ngày 08/12.
Thu Hằng
**********************
Mỹ kêu gọi Campuchia không nhượng bộ quân đội Myanmar khi làm Chủ tịch ASEAN
VOA, 10/12/2021
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ hôm 10/12 thúc giục Campuchia không nhượng bộ quân đội Myanmar khi Phnom Penh giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Phát biểu của Tham tán Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet được đưa ra vài ngày sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng các quan chức Myanmar nên được mời quay trở lại các cuộc họp ASEAN, sau khi khối này đã loại trừ lãnh đạo chính quyền quân đội Mynamar trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay.
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi Tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử do khôi nguyên Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày 1/2, khiến các cuộc biểu tình lan rộng và các lực lượng vũ trang phản kháng bị đàn áp bạo lực. Quân đội nói rằng việc tiếp quản của họ phù hợp với hiến pháp và gọi phe đối lập là những kẻ khủng bố.
Tướng Min Aung Hlaing đã không được chủ tịch đương nhiệm Brunei mời tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 của ASEAN vì thiếu hợp tác với kế hoạch hòa bình của khối, bao gồm cả việc không cho phép phái viên tiếp cận với bà Suu Kyi, người đã bị kết án tù hôm thứ Hai.
Trong một chuyến thăm ngắn tới Phnom Penh, Tham tán Chollet không kêu gọi Campuchia tiếp tục loại trừ các quan chức quân đội Myanmar, nhưng ông kêu gọi nước này thúc đẩy và duy trì kế hoạch hòa bình ASEAN.
"Chúng tôi mong đợi bất kỳ cam kết nào thực sự mang lại kết quả, đó không chỉ là sự nhượng bộ đối với chính quyền", ông Chollet nói.
"Hoa Kỳ không chống lại sự can dự, chúng tôi vẫn có đại sứ quán ở Myanmar, nhưng chúng tôi rất rõ ràng rằng sự can dự cần phải có mục đích. Anh không thể đến chơi không, mà chúng tôi muốn thấy những tiến bộ thực sự trên thực tế".
Ngoại trưởng Myanmar do quân đội chỉ định đã đến thăm Campuchia và gặp Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Ba, một ngày sau khi quân đội bị toàn cầu lên án vì đã kết án bà Suu Kyi hai năm tù giam với tội danh kích động và vi phạm các quy định Covid-19.
Ông Hun Sen, người đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền và chính phủ phương Tây vì đàn áp dân chủ, cũng cam kết sẽ thăm Myanmar.