"Nhục hình" là "nghiệp vụ" của điều tra viên ? (Hoài Nguyễn)

Bộ luật hình sự 2015 bổ sung hành vi "đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào" là dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản của Tội dùng nhục hình.


"Việc nắm tóc giật là quá trình sử dụng ‘nghiệp vụ điều tra’, đâu phải lúc nào người phạm tội cũng nhận tội".

Nhóm bị cáo tuổi vị thành niên trong vụ án ‘Cướp tài sản’ ở Vĩnh Long khai trước tòa bị công an nắm tóc giật, khai sai một ý tát một cái. Nhưng những lời khai của các bị cáo và luật sư đã bị đại diện viện kiểm sát bác bỏ.

Ngày 26/11, Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, Vĩnh Long đưa vụ án "Cướp tài sản" ra xét xử. Các bị cáo gồm : Nguyễn Chí Hải (19 tuổi), Nguyễn Minh Khang ; Trần Thành Dinh (cùng 15 tuổi) và Nguyễn Hữu Nhân (17 tuổi), cùng ngụ xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, Hải và Nhân bị khởi tố, bắt tạm giam. Khang và Dinh bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú. Tại phiên xét xử, bị cáo Hải và Nhân không thể tự đứng, cần đến sự hỗ trợ của cán bộ công an.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2021 đến ngày 20/4/2021, Hải và đồng phạm đã đe dọa, thực hiện 6 lần cướp tài sản của em P.N.P.L. (12 tuổi) với tổng số tiền 14 triệu đồng. Trong đó, có một lần bị hại L. tự mang tiền đến tận nhà cho nhóm bị cáo. Theo Viện Kiểm sát nhân dân, hành vi trên của Hải cùng đồng phạm gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, truy tố các bị can về tội "cướp tài sản" theo khoản 2, điều 168 Bộ luật hình sự.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Khang, Dinh và Hải thừa nhận có chặn đường đe dọa để lấy tổng cộng 14 triệu đồng của em P.N.P.L.. Tuy nhiên, Nhân liên tục nói không biết hành vi của các bị cáo khác và kêu oan. Bị cáo Nhân khẳng định mình bị đe dọa trong quá trình viết bản tường trình nhận tội vào ngày 29/4/2021 và không có cha mẹ đi cùng. Bị cáo Khang, Dinh cũng khai tận mắt thấy trưởng Công an xã Tân Lược, huyện Bình Tân nắm tóc Nhân giật ngược ra phía sau lúc mời lên viết tường trình.

Ngoài ra, bị cáo Nhân, Hải còn khai có thời điểm bị điều tra viên ghi lời khai vào ban đêm và kết thúc hỏi cung lúc 24g khuya nhưng không có cha mẹ hay luật sư.

"Có lúc bị cáo chỉ làm việc với điều tra viên, anh này bắt khai theo ý. Khai sai ý sẽ bị tát một cái" – bị cáo Hải khai tại tòa.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng việc mời lấy lời khai các bị cáo như trên là đúng, không trái luật. "Do thời điểm đó dịch bệnh phức tạp, lực lượng công an phải xử lý tố giác tội phạm nên không thể chờ. Còn việc nắm tóc giật là quá trình sử dụng ‘nghiệp vụ điều tra’, đâu phải lúc nào người phạm tội cũng nhận tội" – đại diện viện kiểm sát nói.

‘Nghiệp vụ điều tra’ tát vào mặt, nắm tóc giật ngược ra sau theo lời biện minh của đại diện viện kiểm sát, thật ra là dấu hiệu của tội "Bức cung" và "Dùng nhục hình" trong Bộ luật hình sự năm 2015.

Về cấu thành cơ bản, thứ nhất, Bộ luật hình sự năm 2015 sử dụng thuật ngữ "trong hoạt động tố tụng" thay thế cho thuật ngữ "tiến hành điều tra, truy tố, xét xử".

Như vậy, diện đối tượng phạm tội bức cung đã được mở rộng hơn, bởi lẽ "người nào trong hoạt động tố tụng" đã bao trùm "người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử". Điểm mới này đã khắc phục thiếu sót trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 trong những trường hợp người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng nhưng không phải là người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ hai, Bộ luật hình sự 2015 sử dụng thuật ngữ "người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung" thay thế cho thuật ngữ "người bị thẩm vấn", phù hợp với nội dung quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại…

Thứ ba, theo quy định Điều 299 Bộ luật hình sự 1999, chỉ khi thực hiện hành vi ép buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội phạm bức cung.

Nhưng theo quy định tại Điều 374 Bộ luật hình sự 2015, thì chỉ cần thực hiện hành vi ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì đã cấu thành tội bức cung mà không bắt buộc thông tin đó là sai sự thật. Điểm mới này nhằm đảm bảo quyền con người và hạn chế việc bức cung của những người có thẩm quyền tố tụng.

Tiếc là quyền con người ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhạt nhòa lắm, đặc biệt là với những vị công tố đang nhân danh pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Nói thêm với những trẻ vị thành niên ở trên, Bộ luật hình sự 2015 đã mở rộng diện đối tượng phạm tội dùng nhục hình so với Bộ luật hình sự 1999, ngoài những người trong hoạt động tố tụng, thi hành án thì còn có người thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (các biện pháp tư pháp) cũng là đối tượng phạm tội dùng nhục hình.

Bộ luật hình sự 2015 bổ sung hành vi "đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào" là dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản của Tội dùng nhục hình.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 28/11/2021