Biển Đông : Nhật sẽ thay Mỹ ngăn chặn bành trướng Trung Quốc ? (Huyền Chi - Thu Thủy)
Nhật Bản có kế hoạch thêm 6,75 tỉ USD vào ngân sách quốc phòng thường niên để tăng cường sức mạnh quân sự, đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên. Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Sáu tuần này đã thông qua kế hoạch trên, như một phần bổ sung cho ngân sách quốc phòng.
Nhật Bản đẩy ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục, chạy đua tăng cường sức mạnh phòng thủ
Huyền Chi, VietTimes, 28/11/2021
Nhật Bản có kế hoạch thêm 6,75 tỉ USD vào ngân sách quốc
phòng thường niên để tăng cường sức mạnh quân sự, đối phó với Trung Quốc và Triều
Tiên.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Sáu
tuần này đã thông qua kế hoạch trên, như một phần bổ sung cho ngân sách quốc
phòng. Mặc dù khoản thêm như vậy là điều thường thấy, nhưng con số 774 tỉ Yen
mà các nhà lập pháp được đề nghị thông qua là con số lớn nhất từ trước đến nay,
theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
"Trong lúc môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang
xấu đi với tốc độ chưa từng có, nhiệm vụ cấp thiết của chúng ta là tăng tốc thực
thi nhiều dự án cùng lúc" – Bộ Quốc phòng nói trong đề xuất chi tiêu.
Việc bơm tiền thêm vào ngân sách quốc phòng sẽ giúp Nhật Bản
đẩy nhanh tiến trình nâng cấp các hệ thống phóng tên lửa đất-đối-không lắp đặt
trên các hòn đảo nằm ở rìa biển Hoa Đông và Patriot PAC-3 ở những nơi vốn được
xem là hàng phòng thủ cuối cùng trước các đầu đạn phóng từ Triều Tiên.
Sức ép ngày càng tăng mà Trung Quốc gây ra với Đài Loan cũng
khiến Nhật Bản lo lắng, bởi nếu Bắc Kinh kiểm soát hòn đảo này, lực lượng Trung
Quốc sẽ đóng ở vị trí chỉ cách Nhật Bản khoảng 100 km, đe dọa các tuyến đường
biển thương mại cung cấp dầu và nhiều hàng hóa khác cho Nhật Bản. Điều này cũng
cung cấp cho Trung Quốc điểm đặt những căn cứ để giúp quân đội của họ có thể tiếp
cận khu vực Tây Thái Bình Dương.
Khoản chi ngân sách bổ sung cũng giúp Nhật nhanh chóng mua
thêm các tên lửa chống ngầm, máy bay tuần tra hàng hải và các máy bay chở hàng quân
sự, theo Bộ Quốc phòng nước này.
Đề xuất ngân sách quốc phòng bổ sung được đưa ra sau khi đảng
cầm quyền của ông Kishida trong tháng 10 vừa qua đặt ra mục tiêu tăng gần gấp
đôi ngân sách quốc phòng, lên mức 2% GDP.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản luôn giữ vững chính
sách duy trì mức chi tiêu quốc phòng ở mức 1% GDP, làm giảm quan ngại cả ở
trong và ngoài nước về việc nước này vực lại chủ nghĩa quân phiệt từng dẫn dắt
họ vào Thế chiến II.
Khoản ngân sách bổ sung được chính phủ của ông Kishida thông
qua trong hôm thứ Sáu còn bao gồm các khoản chi trả trước cho nhiều nhà thầu quốc
phòng để mua trang thiết bị, giúp các nhà thầu này đối phó với sự gián đoạn nguồn
cung gây ra do đại dịch Covid-19.
Huyền Chi
Nguồn : VietTimes, 28/11/2021
********************
Nhật Bản muốn tăng khả năng tấn công căn cứ địch để đối
phó với Trung Quốc và Triều Tiên
Huyền Chi, VietTimes, 27/11/2021
Thủ tướng Nhật Bản cho hay Tokyo đang tìm cách tăng cường sức
mạnh phòng thủ trong bối cảnh nhiều nước láng giềng đang xây dựng quân đội.
Tuyên bố đưa ra đã vấp phải sự phản đối từ một số nhà phê
bình, những người cho rằng chính quyền Tokyo nên tập trung vào các vấn đề y tế
và an sinh xã hội trong bối cảnh Nhật Bản đã trở thành đất nước có dân số già
hóa nhanh nhất thế giới, trong khi dân số đang thu hẹp.
Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng Tokyo đang cân nhắc "mọi
lựa chọn" để tăng cường sức mạnh phòng thủ trong bối cảnh các nước láng giềng
như Trung Quốc và Triều Tiên đang tăng cường xây dựng quân đội. Một trong số
các biện pháp được đề xuất là tăng chi tiêu quốc phòng, mua thêm nhiều trang
thiết bị để tăng khả năng tấn công căn cứ của địch - ông Kishida cho hay.
Trong bài phát biểu tại một căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật
Bản, Thủ tướng Kishida nói rằng tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản
"đang thay đổi với vận tốc chưa từng có" và rằng "thực tế đang
nghiêm trọng hơn bao giờ hết".
"Những điều vốn chỉ xảy ra trong các tác phẩm khoa học
viễn tưởng thì ngày nay đã trở thành hiện thực" – ông Kishida nói.
Thủ tướng Nhật sau đó nói về việc Triều Tiên "cải thiện
những công nghệ mới như vũ khí lướt siêu thanh và tên lửa có quỹ đạo bất thường",
điều mà Tokyo không thể bỏ qua, ông Kishida nói. Bình luận về Trung Quốc, ông
nói Bắc Kinh đang đưa ra "những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng"
và tiếp tục tăng cường sức mạnh quân đội "mà không có sự minh bạch".
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính phủ Nhật
thông qua khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục, chờ được Quốc hội phê chuẩn. Nếu
được phê chuẩn, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm hiện tại sẽ ở mức cao
kỷ lục là 6,1 nghìn tỉ Yen (53,2 tỉ USD), tăng 15% so với năm trước đó. Theo kế
hoạch chi tiêu mới, Tokyo sẽ mua thêm nhiều tên lửa, tên lửa chống ngầm và nhiều
vũ khí khác.
Tuyên bố của ông Kishida cùng với kế hoạch tăng chi tiêu quốc
phòng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà phê bình. Tâm điểm gây tranh cãi
chính là khả năng tấn công căn cứ địch mà ông Kishida đề cập tới. Nhiều nhà phê
bình cho rằng điều này sẽ vi phạm Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản.
Điều 9 quy định không được sử dụng chiến tranh như biện pháp
để giải quyết các tranh chấp quốc tế có liên quan tới Nhật Bản và ngăn cấm việc
duy trì một lực lượng vũ trang. Bởi vậy, mặc dù Nhật Bản có quân đội, nhưng chỉ
được gọi là tổ chức phòng thủ không sở hữu những vũ khí tấn công như tên lửa đạn
đạo liên lục địa hay vũ khí hạt nhân,
Các nhà phê bình cũng cho rằng, thay vì tăng chi tiêu quốc
phòng, chính quyền Tokyo nên chi mạnh tay hơn vào chăm sóc sức khỏe và các dịch
vụ xã hội.
Huyền Chi
Nguồn : VietTimes, 28/11/2021
**********************
Nhật Bản chuẩn bị phương án đối phó Trung Quốc đánh Đài
Loan và tập trận tái chiếm đảo
Thu Thủy, VietTimes, 26/11/2021
Ngày 25/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi
nói khi trả lời phỏng vấn : nếu xuất hiện tình hình khẩn cấp ở Đài Loan, Nhật Bản
sẽ áp dụng các biện pháp chu toàn nhất.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi từ chối giải thích
nội dung cụ thể với lý do tính chất của vụ việc, chỉ tiết lộ rằng nói chung sẽ
bao gồm việc di tản các công dân Nhật Bản khỏi Đài Loan.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 26/11,
Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi hôm 25/11 nói với Kyodo News rằng hòa
bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng
quốc tế, và mong muốn các bên liên quan giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa
bình thông qua đối thoại.
Ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với đồng minh
Hoa Kỳ và kêu gọi Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một
cường quốc. Còn các chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật
Bản với tư cách khách mời nhà nước, hiện chưa phải ở giai đoạn bàn bạc lịch
trình cụ thể. Về việc một số nước đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao đối với Thế
vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào năm sau, ông nói Nhật Bản chưa
đưa ra quyết định vào thời điểm này và nhắc lại rằng Tokyo sẽ đưa ra quyết định
vào thời điểm thích hợp sau khi xem xét toàn diện các tình huống khác nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày
25/11 tuyên bố : "Một số cá nhân ở Nhật Bản đã gắn Thế vận hội Mùa đông Bắc
Kinh với các vấn đề chính trị song phương. Thực chất của việc này là chính
trị hóa thể thao và báng bổ tinh thần Olympic. Trung Quốc kiên quyết phản đối
điều này". Ông nói : "Hai nước Trung Quốc và Nhật Bản có sự nhất trí
quan trọng về việc ủng hộ lẫn nhau trong việc đăng cai Thế vận hội. Trung Quốc
trước đây đã hoàn toàn ủng hộ Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Tokyo, nay Nhật Bản
nên giữ chữ tín cơ bản".
Cùng ngày, ông Yoshimasa Hayashi đã có cuộc trao đổi qua điện
thoại với Ngoại trưởng Nga Lavrov lần đầu tiên sau khi nhậm chức, bày tỏ quan
ngại nghiêm túc về các hoạt động quân sự rầm rộ của Nga và Trung Quốc xung
quanh Nhật Bản. Hai bên cũng trao đổi về việc đàm phán hiệp ước hòa bình bao gồm
vấn đề lãnh thổ Bốn đảo phía bắc (Nga gọi là Quần đảo Nam Kuril), và xác nhận rằng
họ sẽ tiến hành các cuộc tham vấn dựa trên sự đồng thuận giữa hai nước cho đến
nay. Ông Yoshimasa Hayashi cũng tìm kiếm sự hiểu biết và hợp tác của Nga về vấn
đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản.
Cũng theo Đông Phương, đối mặt với việc Trung Quốc gia
tăng áp lực quân sự ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là
Điếu Ngư), Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận lớn trên
khắp đất nước từ ngày 19 đến ngày 30 tháng này. Hôm thứ Năm (25/11), Bộ Quốc
phòng Nhật Bản đã thông báo với giới truyền thông về cuộc tập trận thực binh tổng
hợp của các Lực lượng Phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không (Lục quân, Hải
quân và Không quân) ở đảo Tanegashima, tỉnh Kagoshima, nhằm mô phỏng các hoạt động
đổ bộ và chiếm lại các đảo bị đối phương chiếm đóng.
Tổng cộng 600 binh sĩ đã tham gia cuộc tập trận ở đảo
Tanegashima. Trong đó, khoảng 100 binh sĩ của Trung đoàn cơ động thủy bộ đã sử
dụng 9 xe tấn công đổ bộ AAV7, đổ bộ lên bãi biển từ một tàu vận tải ngoài khơi
cách bờ khoảng 10 km. Hai tàu đổ bộ đệm khí sau đó cũng chạy lên bờ với các chiến
xa lớn.
Trước khi đổ quân, Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân)
đã xác nhận hợp tác với Lực lượng Phòng vệ trên bộ (Lục quân) về cảnh báo thủy
lôi và các vấn đề hợp tác khác. Vào ngày đổ bộ, Lực lượng Hải, Lục, Không quân
đã phối hợp thực hiện trước diễn tập các cuộc tập trận tấn công của lực lượng
tàu chiến, máy bay. Trung đoàn Cơ động thủy bộ được thành lập vào năm 2018 và
đã được huấn luyện chung với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ để nâng cao khả năng của
mình. Đây là cuộc tập trận đổ bộ lần thứ 24 của lực lượng này.
Thu Thủy
Nguồn : VietTimes, 26/11/2021