Tương lai thế giới sau ngày 11 tháng 9 (Việt Dân)

Nhưng dù họ có muốn hay không thì có một điều rất chắc chắn đó là phong trào dân chủ Việt Nam không đợi họ. Một lực lượng trí thức mới ở Việt Nam đang hình thành cùng với sự kiên trì trong gần 40 năm qua của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Khi đội ngũ trí thức này tìm đến nhau và kết hợp lại để chuyên chở dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, như là một truyện thuyết mới để xây dựng lại đất nước...đến đông đảo người dân Việt Nam thì cuộc chuyển hóa về dân chủ đa nguyên cho mọi người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thành công. 


Những ký ức in sâu vào tâm trí

Xin bắt đầu bằng câu chuyện của cá nhân của tôi. Khi tôi gần 5 tuổi thì được bà dẫn vào trong Nam, lúc đó gia đình tôi đã di cư vào trước. Người ta thường nói một đứa trẻ sẽ quên hết mọi chuyện từng xảy ra với nó trước 5 tuổi. Nhưng dù mờ nhạt, rời rạc thì tôi vẫn nhớ rất rõ trải nghiệm cùng bà ngồi sau tay lái chiếc xe hao hao giống chiếc xe Minsk màu cam nhạt chạy ra ga tàu ngày hôm ấy. Có lẽ, những hình ảnh gắn liền với một sự kiện lớn trong đời hay một biến cố thường in đậm vào não bộ của chúng ta hơn chăng?

Kỉ niệm với tôi về sự kiện khủng bố ngày 11 Tháng 9 cũng như vậy. Khi ấy, tôi vẫn là một đứa trẻ và như nhiều gia đình thời ấy, mọi người vẫn giữ nếp ăn cơm sớm từ 5 - 6h chiều, đến 7h tối thì cái tivi sẽ mặc nhiên bắt đầu bằng bản tin thời sự trên VTV. Khi chứng kiến phát thanh viên đưa tin về hình ảnh tòa tháp World Trade Center đổ sụp xuống cùng cái chết của gần 3.000 người, khói bụi, gạch vỡ và đầy những khuôn mặt khóc nức nở của người dân...Trí óc non nớt của tôi cùng lúc nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của mẹ và nghe mẹ nói: “Mỹ nó ác quá, nên bị trả thù đấy!” Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra!

Tôi không hiểu gì về những chuyện này và coi câu nói của mẹ cũng thường giống như những câu ca dao, hay những khi mẹ vừa mắng, vừa đánh đòn vào mông tôi để dạy dỗ mà thôi. Toàn bộ ấn tượng về biến cố 11/9 vẫn bằng cách nào đó lưu giữ trong bộ nhớ của tôi. Và có lẽ với toàn bộ người Mỹ ngày hôm đó.

11-9-1

Hình ảnh không thể nào quên về ngày 11/9/2001

Hậu 11 Tháng 9

Khủng bố là gì? Một cách khái quát, khủng bố là một phương pháp dùng bạo lực nhằm hy vọng thay đổi một trật tự chính trị sẵn có bằng việc gieo rắc nỗi sợ hãi hơn là gây thiệt hại vật chất lên kẻ thù. Chính vì nhắm đến việc khuếch tán tối đa nỗi sợ hãi với kẻ thù Hoa Kỳ - Một siêu cường trên mọi mặt, các lực lượng khủng bố Hồi giáo Al Qaeda - Vốn dĩ biết chúng ở tương quan hoàn toàn yếu thế, thường nhắm đến những nhóm người vô can.

Trong sự kiện 11/9, 19 tên không tặc trong lực lượng khủng bố Al-Qaeda đã tiến hành cướp 4 chiếc máy dân sự để lao vào các mục tiêu đã định sẵn. Tổng cộng 2.977 người thiệt mạng. Nếu trong một cuộc chiến tranh qui ước đang diễn ra giữa các bên, toàn bộ người dân đã đổ dồn sự chú ý vào chiếc máy bay lao vào Lầu Năm Góc Pentagon gây thiệt hại nhiều nhân mạng và thương vong hôm đó. Nhưng vì nó là một cuộc khủng bố, hình ảnh đổ sụp của tòa nhà chọc trời World-Trade Center có ý nghĩa hơn. Vì sao? Vì Lầu Năm Góc phẳng còn tòa nhà World-Trade Center thì chọc trời. Hình ảnh đổ sụp của nó giống như một biểu tượng đã khắc sâu những kí ức kinh hoàng lên toàn bộ người dân Mỹ khi đó.

Hệ quả là họ tạo ra được một phản xạ tập thể đồng lòng, đoàn kết chưa từng có tiền lệ dù trước đó còn đang tranh cãi với nhau về việc kiểm phiếu giữa Al Gore - Ứng viên đảng Dân Chủ, với tổng thống đương nhiệm George Bush.

11-9-2

Tổng thống Mỹ George W. Bush được báo tin về vụ tấn công khủng bố khi ông đang tham dự sự kiện tại một trường học.

Cả nước Mỹ, dân biểu Dân Chủ cũng như Cộng Hòa cùng đồng thanh hát “God Bless America” (Thượng Đế phù hộ cho nước Mỹ) trước Quốc Hội. Bin Laden đã giúp cho tỉ lệ tín nhiệm của ứng viên đảng Cộng Hòa vọt lên đến 90%, một con số chưa từng thấy trong thời hiện đại. Một tháng trước khi khởi động cuộc chiến Afghanistan, hai phần ba người Mỹ ủng hộ việc can thiệp này.

Nước Mỹ lãnh đạo thế giới tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Mặt trận đầu tiên là Afghanistan. Chính quyền Bush cùng lực lượng đồng minh đã giương cao chiến dịch “Tự do mãi mãi” (Enduring Freedom) khi cùng lúc với tham vọng xóa sạch khủng bố, còn thiết lập một quốc gia dân chủ thực sự tại vùng Trung Á cũng như Iraq tại Trung Đông. Mỹ hy vọng tạo ra được những mẫu mực như Nhật Bản tại Đông Á kéo theo sự lan tỏa trong toàn bộ khu vực sau đó.

Cần nhấn mạnh, chính quyền Bush khi đó đã thực sự có tham vọng thiết lập quốc gia dân chủ tại Afghanistan và Iraq. Ông Bush có thể không có chiều sâu của một nhà tư tưởng, nhưng tôi có cảm giác ông là một người giản dị và lương thiện. Những phẩm chất đó giúp ông hiểu rằng hành động khủng bố của lực lượng Al Qaeda và lá thư Osama Bin Laden viết trong “Thư gửi nước Mỹ” năm 2002 có ý nghĩa sâu xa hơn một hành động bạo lực đơn thuần.

11-9-3

Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9

Hành động khủng bố của lực lượng Al Qaeda chỉ là kết quả của một cuộc xung đột về văn hóa. Văn hóa nhất nguyên đối nghịch với văn hóa dân chủ đa nguyên. Những cuộc khủng bố sau đó tại nước Mỹ, Châu Âu cũng nói lên điều này. Trong bản chất của kinh Koran thì thượng đế chính là vua, nghĩa là tôn giáo và chính trị chỉ là một. Luật Hồi Giáo Sharia trong tiếng Arab được dịch là “Con đường đúng”. Tư tưởng của Hồi Giáo, cũng như nhiều tôn giáo khác là một tư tưởng nhất nguyên, nên khi đồng hóa nó với chính trị hiển nhiên sẽ tạo ra một xã hội độc tài chuyên chế. Nó khác hoàn toàn với bản chất đa nguyên của những mô hình nhà nước “Dân chủ đa nguyên” và “thế tục” thường nằm trong “các giá trị Tây Phương”.

Sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1980 vì không thể gồng gánh nổi những phí tổn quân sự trước lực lượng kháng chiến Mujaheeden được Mỹ và CIA huấn luyện và tài trợ vũ khí, thì các thành phần này đã trở thành lực lượng chính nắm quyền tại khu vực này. Nhưng đồng thời, họ cũng bừng tỉnh nhận ra chính người bạn Hoa Kỳ - Đại diện cho các nước dân chủ, mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của họ. Nếu nếp sống của người Mỹ và các nước dân chủ trở thành mẫu mực và là sức hấp dẫn cho toàn nhân loại thì kéo theo đó là sự suy thoái không thể tránh khỏi của mô hình Hồi Giáo Toàn nguyên mà họ nhất định muốn duy trì.

Càng bi đát hơn, vì cuộc suy thoái này có thể diễn ra rất nhanh chóng, vì không giống như Công Giáo có sự tách bạch giữa tôn giáo và chính trị. Giê-su Ki-tô đã nói “Những gì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Nhưng kinh Koran chính là lời của Thượng đế nhập vào Muhammad để nói ra vì thế không thể thay đổi. Xét lại kinh Koran là mặc nhiên nhìn nhận hoặc Allah có thể sai (và như thế không thể là Allah Akbar), hoặc Allah đã không nhập vào Muhammad; trong cả hai trường hợp Hồi giáo chỉ là một sự hiểu lầm. Đoạn 69 của kinh Koran qui định những kẻ thêm bớt kinh Koran sẽ bị chặt tay.

Nước Mỹ 20 năm sau

Bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater là một bộ phim hết sức đặc biệt. Nó được quay từ năm 2002 cho tới khi hoàn thành và công chiếu vào năm 2014: 12 năm.

Nghĩa là đi cùng với một giai đoạn hết sức biến động của nước Mỹ sau biến cố ngày 11 Tháng 9. Bộ phim kể về sự trưởng thành của mọi nhân vật qua cái nhìn của nhân vật chính, cậu bé Mason từ lúc học lớp một cho đến khi rời trung học. Đây là một bộ phim hay và hết sức ý nghĩa khi thông điệp trong nó về tính cách con người Mỹ, về Giấc mơ Mỹ cũng như về những giá trị đã xây dựng lên quốc gia này. Tôi hết sức ấn tượng trong phim khi thấy cảnh bố của Mason do diễn viên gạo cội Ethan Hawke thủ vai. Ông là một người ủng hộ nhiệt tình cho đảng Dân Chủ, đến mức tranh thủ thời gian đi chơi với Mason để cắm những tấm áp phích ủng hộ cho Obama. Không may cho ông là lại cắm vào nhà dân biểu ủng hộ đảng Cộng Hòa. Nhưng rồi sau cuộc hôn nhân đầu đứt quãng với mẹ Mason là Olivia do Patricia Arquette thủ vai, chủ yếu do sự bồng bột của tuổi trẻ, ông lại tìm được ý trung nhân của mình là một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình rất truyền thống (Conservative) thuộc đảng Cộng Hòa. Nhưng tất cả họ, dù khác biệt quan điểm nhưng vẫn rất yêu thương nhau và đều cùng nhau chia sẻ những giá trị chung xây dựng lên nước Mỹ: Tình yêu, tình bạn, lòng chung thủy, tự do, khát vọng vươn lên.

11-9-4

Bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater về chủ đề hậu khủng bố ngày 11/9

Có thể tóm gọn trong đoạn hội thoại của ông bố Olivia với cô con gái lém lỉnh Samatha, chị của Mason: “Con có bao giờ giận mẹ, giận em không? Những lúc ấy con có la hét với họ không? Nhưng điều ấy không có nghĩa là con không thương mẹ, thương em. Điều tương tự xảy ra với người lớn”.

Thật đẹp và tôi từng nghĩ rằng đây là một bộ phim ngợi ca về những giá trị Mỹ qua lăng kính của cậu bé Mason từ bé cho đến khi sắp trưởng thành. Cho đến khi thường nghe lại bài nhạc nền chủ đề của phim nhiều lần thì tôi lại có một suy nghĩ khác. Xin chép lại nguyên văn và tôi cố gắng dịch lại theo khả năng của mình:

Hãy để tôi trở về

Tôi không muốn là anh hùng của các ông nữa

Tôi không cần trở thành người đàn ông vĩ đại

Tôi chỉ muốn “so găng” với những anh em chiến hữu

Các ông chỉ đang giấu mình

Tôi không muốn trở thành một phần của cuộc diễu binh này nữa

Mọi người đều xứng đáng một cơ hội

Tản bộ cùng bao người khác

Trong thời suy thoái này

Một công việc để tôi giữ người thương bên mình

Hay chí ít cũng mua cho tôi dây đàn mới

Hẹn hò cùng cô ấy vào cuối tuần

Và chúng tôi sẽ thì thầm với nhau

Về giấc mơ Mỹ của riêng mình

Ừ thì trẻ thơ cần sự bảo vệ

Nhưng tôi cũng chỉ là một đứa trẻ như bao người khác mà thôi

Hãy để tôi trở về

Tôi không muốn là anh hùng của các ông nữa

Tôi không cần trở thành người đàn ông vĩ đại

Tôi chỉ muốn “so găng” với những anh em chiến hữu

 

https://www.youtube.com/watch?v=mYFaghHyMKc&list=RDmYFaghHyMKc&start_radio=1

Hero – Family of The Year

Let me go

I don't wanna be your hero

I don't wanna be a big man

I just wanna fight with everyone else

You're a masquerade

I don't wanna be a part of your parade

Everyone deserves a chance to

Walk with everyone else

While holding down

A job to keep my girl around

Maybe buy me some new strings

And her a night out on the weekend

And we can whisper things

Secrets from our American dreams

Baby needs some protection

But I'm a kid like everyone else

So let me go

I don't wanna be your hero

I don't wanna be a big man

I just wanna fight like everyone else

       Hero – Family of The Year

Đây là một bài hát thể hiện rõ tâm trạng của một người lính Mỹ đã mệt mỏi, và không còn muốn tiếp tục tham gia chiến trận nữa. Cũng như thời điểm bắt đầu của bộ phim vào năm 2002, bài hát được đưa đến công chúng vào năm 2014 là một giai đoạn biến chuyển tâm lý rất lớn của nước Mỹ. Hay để liên hệ đến các sự kiện lớn hơn, thì năm 2001 cũng rất khác năm 2016 – Ngày mà nước Mỹ đã bầu lên Donald Trump. Nước Mỹ trở lên chia rẽ và bộ phim chỉ là cảnh báo, hay có thể là nỗi lòng của vị đạo diễn tài ba Richard Linklater về nước Mỹ đã trượt xa khỏi những giá mà ông lưu giữ trong bộ phim này đến đâu.

Giấc mơ Mỹ nào?

Michael Sandel – Nhà tư tưởng lớn của nước Mỹ, đã tóm lược về tình trạng phân hóa xã hội nghiêm trọng của nước Mỹ tiếp sau đà khủng tài chính 2008 như sau. Thử rút gọn thành một nền kinh tế GDP 100 đô-la, thì nhóm 20% người giàu nhất nước Mỹ nhận được 62 đô-la, trong khi 20% người nghèo nhất chỉ nhận được duy nhất 1.7 đô-la. Nếu bạn gộp toàn bộ thu nhập của một nửa bên dưới đáy xã hội, bạn cũng chỉ có tổng cộng 12.5 đô-la, ít hơn so với thiểu số 1% người giàu trên đỉnh chóp của xã hội 20.2 đô-la. Chủ nghĩa “Trọng người thành đạt” (meritocracy) hiểu giản dị là chúng ta được trao cơ hội bình quyền như nhau bất kể màu da, giới tính, sắc tộc, tôn giáo…Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, nếu không thành công thì đó là lỗi của bạn!...Sự thật có đơn giản như thế không?

Trong các bài viết cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng chủ yếu được tạo ra bởi mô hình xã hội Tân phóng khoáng (neo-liberalism), ông Nguyễn Gia Kiểng đã dẫn chứng trong vòng 40 năm tài sản của nhóm 1% những người giầu nhất đã gia tăng 21.000 tỷ USD trong khi tài sản của khối 50% những người ở "nửa dưới" đã giảm 900 tỷ USD và chênh lệch giầu nghèo vẫn tiếp tục tăng lên. Donald Trump có thể nói đã là một dấu ngoặc đơn qua đi khỏi nước Mỹ nhưng vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Sự chia rẽ không có xu hướng giảm đi. Theo một khảo sát uy tín gần đây, 40% người Mỹ được hỏi, muốn nước Mỹ này tan tành mặc dù họ đang là công dân Mỹ. Phải giải thích thế nào? Họ cảm thấy ngày nước Mỹ ngày hôm nay không còn là của họ nữa. Nghiêm trọng hơn, họ còn bị một mặc cảm bị bỏ lại trong xã hội mà không thể đổ lỗi cho ai ngoài việc bắt buộc tự trách bản thân họ.

11-9-5

Giấc mơ Mỹ có thể không còn là một lời thì thầm của đôi lứa yêu nhau mà dần dần chỉ còn là một huyền thoại!

Quyết định rút khỏi Afghanistan

Có lẽ hình ảnh chiếc trực thăng Chinook đậu trên nóc tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ tại Afghanistan để chuẩn bị cho cuộc di tản sẽ còn gắn liền với hình ảnh của chính quyền Joe Biden rất lâu, có thể nói là toàn bộ ký ức mà sau này người ta có thể lưu giữ khi nghĩ về nhiệm kỳ tổng thống của ông. Chủ nghĩa khủng bố lại có cơ hội trỗi dậy nhưng lần này không phải vì nó đã reo rắc được một nỗi sợ hãi nào lên thế giới nữa. Nước Mỹ đã rút đi vì sự chia rẽ nội bộ hay nói như lời ông Joe Biden là “Nền dân chủ của chúng ta đang lâm nguy!” (Our Democracy is in peril).

Các học giả hay những nhà ngoại giao sau một giai đoạn lúng túng đã bao biện đây là hành động cần thiết trong chiến lược dồn mọi nguồn lực đối phó với một Trung Quốc toàn trị đang trỗi dậy! Nhưng ngay cả với một tổn thất nhỏ nhằm duy trì và bảo vệ chính quyền dân chủ Afghanistan, nước Mỹ cũng không có đủ sự đồng thuận để làm thì ai có thể tin người Mỹ đủ đồng thuận đương đầu trước một thách thức Trung Quốc lớn hơn rất nhiều?

20 năm là một khoảng thời gian đủ dài để một thế hệ mới hiện diện. Tại các nước Trung Đông, trước đây khoảng 80% người dân từng ủng hộ lực lượng Taliban nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 13% ủng hộ. Nghĩa là làn sóng dân chủ vẫn đang tiến đến. Mặc dù sự rút lui của Mỹ và mặc dù lực lượng Taliban đang dần tiền đến ngưỡng cửa quyền lực thì họ cũng không thể áp đặt Luật Hồi Giáo Sharia được nữa. Họ sẽ khám phá ra khi bắt đầu tiến vào một giai đoạn quản trị Afghanistan rằng người dân sẽ không chấp nhận việc khước từ dân chủ - tự do, những quyền con người cơ bản…mặc dù đứng trước súng ống.

Súng ống không thể giết chết một ý tưởng, hay nói đúng hơn là tư tưởng đúng!

Bài học sau ngày 11 tháng 9

Chúng ta cần phải đồng ý với nhau và nói một cách đầy dõng dạc rằng, ngày hôm nay quyền con người là phổ quát. Không làm gì có những giá trị phương Tây, phương Đông, Hồi Giáo được nhìn nhận như những truyện thuyết riêng biệt.

Những giá trị phổ quát trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, những giá trị đúng muôn đời như gia đình, tình yêu, tự do, tình bạn, sự lương thiện, tinh thần liên đới, bao dung, lòng trắc ẩn, sự thủy chung…hiện hữu trong toàn bộ những nền văn minh và là sự đúc kết được của toàn nhân loại. Một người Mỹ, một người Trung Quốc, một người Afghan, một người Việt Nam…đều xứng đáng được nhìn nhận như một con người phổ cập trước khi là công dân của một quốc gia nào đấy. Nếu hiểu đúng điều này thì khủng bố hay mọi hình thức bạo lực, toàn trị nào khác như đảng Cộng sản Việt Nam, đảng Cộng sản Trung Quốc đều là giai đoạn phải qua đi trong khi tự do, dân chủ đa nguyên là kỷ nguyên phải đến và sẽ đến rất nhanh. Tương lai của Afghanistan ngày hôm nay sẽ vẫn có hy vọng, mặc dù bị nước Mỹ bỏ rơi.

Nước Mỹ cũng đang trong một giai đoạn xét lại cần thiết về tư tưởng chính trị và ý nghĩa của Giấc mơ Mỹ. Quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung. Nếu những giấc mơ Mỹ quá khác biệt nhau theo mức độ chênh lệch giàu nghèo thì hệ quả là nước Mỹ cũng sẽ mất đồng thuận và suy yếu dần. Nước Mỹ không còn là lãnh đạo duy nhất của thế giới nữa. Cuộc đụng độ giữa hai nước Mỹ - Trung được nhiều học giả, chuyên gia mô phỏng theo Chiến tranh Lạnh và cổ vũ nhiệt tình lúc ban đầu sẽ ngay lập tức lắng xuống, trước khi im bặt, khi những khó khăn của Trung Quốc lộ diện ngày càng rõ rệt.

Thế giới sẽ dần đi đến một đồng thuận “Hội đồng các Quốc gia Dân chủ” như khối G7, mà trong đó nước Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng. Hội đồng này sẽ có tác dụng lấy những quyết định quan trọng nhằm đảm bảo trật tự dân chủ đa nguyên trên toàn thế giới.

Bài học nào cho Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam đang đối diện với những tác động khủng khiếp do đại dịch Covid-19 gây ra. 20 năm đã trôi qua và tâm lý của họ cũng buộc phải thay đổi. Bây giờ họ cũng đã trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ và khối các nước Dân Chủ. Họ biết rằng đằng nào hạn kỳ Dân Chủ cũng đang đến gần. Việc chấp nhận trở thành tác nhân của một cuộc chuyển hóa dân chủ sớm trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc có lẽ sẽ là một trong những quyết định thông minh nhất mà họ có thể làm trong suốt hơn 70 năm độc quyền lãnh đạo và kìm hãm đà tiến của dân tộc Việt Nam.

Nhưng dù họ có muốn hay không thì có một điều rất chắc chắn đó là phong trào dân chủ Việt Nam không đợi họ. Một lực lượng trí thức mới ở Việt Nam đang hình thành cùng với sự kiên trì trong gần 40 năm qua của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Khi đội ngũ trí thức này tìm đến nhau và kết hợp lại để chuyên chở dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, như là một truyện thuyết mới để xây dựng lại đất nước...đến đông đảo người dân Việt Nam thì cuộc chuyển hóa về dân chủ đa nguyên cho mọi người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thành công.

Việt Dân

(13/9/2021)