Làn Sóng Dân Chủ Thứ Tư, Afghanistan Và Hoa Kỳ - Dương Thuấn

Người Afghanistan đã tràn xuống đường biểu tình phản đối Taliban chỉ vài ngày sau khi lực lượng Hồi giáo toàn nguyên này chiếm được thủ đô Kabul. Họ cầm trên tay lá cờ của đất nước Afghanistan. Hai mươi năm dân chủ ít nhất đã tạo ra một ý niệm quốc gia trên một đất nước vốn chỉ là một tập hợp các bộ lạc không có chút liên đới gì. Họ đã chấp nhận dân chủ, dù là dân chủ chưa hoàn thiện vẫn hơn Hồi giáo toàn nguyên.
 
Dân chúng biểu tình, mang theo quốc kỳ Afghanistan nhân ngày Độc Lập (Quốc Khánh) tại Kabul (Afghanistan) ngày 19/08/2021.
Dân chúng biểu tình, mang theo quốc kỳ Afghanistan nhân ngày Độc Lập (Quốc Khánh) tại Kabul (Afghanistan) ngày 19/08/2021. REUTERS - Stringer .

Năm 2021 đã khác so với năm 1975. Người ta tưởng rằng Taliban sẽ tuyên bố đại thắng, sẽ căng băng rôn khẩu hiệu khắp đường với nội dung Chủ nghĩa Hồi giáo toàn nguyên bách chiến bách thắng vô địch muôn năm. Không, đã chỉ có những tuyên bố yếu ớt là sẽ áp đặt luật Sharia hoặc “phụ nữ sẽ có quyền tự do trong khuôn khổ Hồi giáo”. Những tuyên bố nước đôi kiểu này, chế độ cộng sản Việt Nam chỉ dám đưa ra sau năm 1990.
 
Thế giới đã thay đổi rất nhiều nhất là về tư tưởng. Khi Làn sóng dân chủ thứ ba xuất hiện, trước tiên nó xô đổ các chế độ độc tài cánh hữu, tạo ra thắng lợi tạm thời cho phe cộng sản, sau đó nó mới quay lại xử lý chủ nghĩa cộng sản. Vẫn có sự chần chừ, lưỡng lự trong việc xác định mục tiêu.
 
Nhưng Làn sóng dân chủ thứ tư lại khác. Nó tấn công một cách không khoan nhượng, đích danh vào hai đối tượng: các chế độ độc tài hậu cộng sản và chủ nghĩa Hồi giáo toàn nguyên. Cuộc tấn công diễn ra đồng thời và đã sắp sửa thắng lợi. Các chế độ độc tài hậu cộng sản như Nga, Trung Quốc hay Việt Nam đều đã khốn đốn, hoặc co lại để tự hủy hoặc phải chấp nhận lệ thuộc vào thế giới dân chủ. Ở Trung Đông và Trung Á, các lực lượng Hồi giáo toàn nguyên bị dồn đến chân tường nên phải phản kích để rồi bị tiêu diệt như Nhà nước Hồi giáo Daesh (IS) hoặc sắp phải hoà nhập với dân chủ như Taliban.
 
Điều đáng buồn nhất trong Làn sóng dân chủ thứ tư là sự triệt thoái của Hoa Kỳ. Quyết định rút quân khỏi Iraq hay Afghanistan của Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho các lực lượng Hồi giáo toàn nguyên có cơ hội phản kích, điều mà chắc chắc không thể có do tương quan lực lượng quá chênh lệch. Các quyết định này cũng cho thấy sự thiếu vắng hiểu biết về bối cảnh thế giới trong văn hoá chính trị của Hoa Kỳ. Các chính trị gia Mỹ đã quan tâm đến lá phiếu của họ hơn là những việc đáng ra phải làm cho nhân loại với tư cách là hình mẫu dân chủ thành công nhất, và cũng là những việc đáng phải làm cho những lợi ích lâu dài của chính nước Mỹ. Nước Mỹ co cụm lại bởi những chia rẽ bên trong đã lâu không được nhận diện và giải quyết. Phản ứng này sai nhưng chưa chắn đã còn chọn lựa khác do đã quá chậm trễ và thiếu nhân sự chính trị để thực hiện. Hậu quả xảy ra với nước Mỹ có thể là sự tan rã thành nhiều phần khác nhau với chính nước Mỹ. Điều này có thể gây sốc với mọi người nhưng không lạ bởi vì một trong những mục tiêu của Làn sóng dân chủ thứ tư là xét lại sinh hoạt quốc gia ở ngay những nước dân chủ. 
 
Dương Thuấn (20-08-2021)