Afghanistan : Abdul Ghani Baradar, nhân vật trung tâm của Taliban

Abdul Ghani Baradar (G) dẫn đầu đoàn Taliban dự hội nghị quốc tế vầ hòa bình cho Afghanistan, Matxcơva, Nga, ngày 18/03/2021.
Abdul Ghani Baradar (G) dẫn đầu đoàn Taliban dự hội nghị quốc tế vầ hòa bình cho Afghanistan, Matxcơva, Nga, ngày 18/03/2021. AP - Alexander Zemlianichenko

Các thủ lĩnh của phong trào Taliban thường vẫn là những nhân vật trong bóng tối, như đồng sáng lập, giáo sĩ Omar hay lãnh tụ tối cao Haibatullah Akhundzda. Có một nhân vật vẫn được coi là số 2 của phong trào, xuất hiện thường xuyên và giữ vai trò trung tâm trong lần trở lại này của Taliban là Abdul Ghani Baradar, lãnh đạo chính trị, người đầu tiên tuyên bố chiến thắng trên mạng xã hội. Nhân vật này vừa trở về Afghanistan chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền của Taliban.

Khi các chiến binh Talliban tràn vào thủ đô Afghanistan ngày 15/08, một video của giáo sĩ Abdul Ghani Baradar đã được tung lên mạng xã hội. Mắt nhìn vào ống kính với vẻ tự tin, trước lá cờ trắng của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Baradar tuyên bố chào mừng thắng lợi của phong trào.

Abdul Ghani Baradar, từ lâu nay là một gương mặt ôn hòa của phong trào Hồi giáo cực đoan này, đã trở lại sau 20 năm lưu vong. Đằng sau gương mặt một lãnh đạo chính trị của Taliban, ẩn giấu một chỉ huy quân sự dày dạn, có niềm tin tôn giáo tuyệt đối, theo cách thế giới phải theo ông ta.

Từ người Liên Xô đến người Mỹ

Baradar sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan, miền nam Afghanistan, nhưng lại lớn lên ở Kandahar, cái nôi của phong trào Talibban. Cũng như nhiều người Afghanistan, cuộc đời của ông đã chuyển sang ngả mới do cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1979. Ông trở thành một chiến binh thánh chiến Moudjahidin. Vào thời điểm đó Abdul Ghani Barardar chiến đấu bên cạnh giáo sĩ Omar, bị chột một mắt trong chiến trận. Hai nhân vật này đã cùng sáng lập ra phong trào Taliban. Phong trào này trỗi dậy mạnh mẽ từ đầu những năm 1990 trong các trường Hồi Giáo ở miền nam đất nước và trong các trại tị nạn của người Afghanistan tại Pakistan. Theo một bài viết của BBC, hai người đã trở thành anh em trong nhà, khi Abdul Ghani Baradar kết hôn với em gái Omar.

Cả cuộc đời trưởng thành của Baradar là một chiến binh nổi dậy, trừ thời gian 5 năm Taliban nắm quyền ở Afghanistan (1996-2001). Khi Mỹ tấn công Afghanistan sau loạt khủng bố 11/09/2001, lúc đó Baradar đang giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng của chính quyền Taliban. Kể cả sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, nhân vật này vẫn giữ vai trò rất quan trọng.  Cụ thể ông đã chỉ huy nhiều vụ tấn công khủng bố cho tới khi bị tình báo Pakistan bắt năm 2010 tại Karachi, Pakistan. Khi đó ông ta bị chụp hình, đưa lên khắp các kênh truyền hình, để cho thấy chính quyền Pakistan coi việc đánh đuổi lực lượng nổi dậy Taliban là vấn đề nghiêm túc.

Dưới áp lực, đặc biệt từ Washington, đang muốn đẩy nhanh nỗ lực rút khỏi Afghanistan, Baradar được thả năm 2018. Là người được lắng nghe và tôn trọng trong các phe cánh Taliban, sau đó ông ta được chỉ định lãnh đạo bộ chính trị của phong trào, đóng tại Qatar.

Chính nhân vật này đã lãnh đạo các cuộc đàm phán với chính quyền Donald Trump để dẫn đến bản thỏa thuận lịch sử ký ngày 29/02/2020, dự trù rút toàn bộ quân đội nước ngoài từ ngày 01/05/2021 và đổi lại bằng bảo đảm an toàn cho lợi ích Mỹ, mở các cuộc thương lượng chưa từng có giữa quân nổi dậy và chính quyền Kabul.

Trong lúc chế độ đầu tiên của Taliban chỉ được 3 nước công nhận (Pakistan, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), thì lần này Abdul Ghani Baradar đã gặp gỡ nhiều quan chức nước ngoài để vận động được toàn thế giới công nhận. Tháng trước, ông đã dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc gặp ngoại trưởng Vương Nghị. Thành quả của chuyến đi đã được thấy ngày hôm nay. Bắc Kinh là chính quyền đầu tiên ngay nhôm 16/08 đã tỏ thiện ý duy trì các « mối quan hệ hữu nghị » với Taliban.

Một « bộ luật ứng xử »

Giờ đây, Taliban muốn thể hiện một diện mạo khác. Khi còn là một trong những chỉ huy quân sự của quân nổi dậy, Abdul Ghani Baradar đã tỏ ra quan tâm làm sao có được sự ủng hộ của nhân dân Afghanistan.

Năm 2009, theo New York Times, Abdul Ghani Baradar đã ra lệnh cho các chiến binh của mình mang theo một cuốn cẩm nang nhỏ hướng dẫn cách làm sao giành được tình cảm của những người dân làng Afghanistan.

Có thể coi đó là « bộ luật ứng xử », tập hợp những lời khuyên cách thức làm sao để tránh gây thương vong cho thường dân và khuyên can hạn chế các cuộc tấn công khủng bố tự sát. Cuốn sách phản ánh tinh thần chính trị của ông ta. Theo Baradar, phong trào Taliban từng áp đặt phiên bản cực kỳ hà khắc của luật Hồi Giáo ở thời điểm cầm quyền trước kia, giờ đây phải chiếm lại niềm tin của dân chúng.

« Giờ là lúc đánh giá và chứng minh, giờ đây, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta có thể phụng sự dân tộc và bảo đảm an ninh và hạnh phúc trong cuộc sống », Abdul Ghani Baradar đã khẳng định trong video phát trên các mạng xã hội sau khi chiếm Kabul hôm Chủ nhật vừa rồi, đồng thời ông kêu gọi quân của mình giữ kỷ luật.

Trên các trang twitter của mình, Taliban khoe khoang đã được chào đón nồng nhiệt tại Kabul, hay thậm chí họ nói rằng các thiếu nữ ngay ngày thứ Hai (16/08) đã trở lại trường học như thường lệ. Họ còn quả quyết rằng hàng nghìn chiến binh đổ về thủ đô để bảo đảm an ninh. Nhưng những lời lẽ như vậy không xóa được nỗi lo sợ của hàng nghìn người Afghanistan. Những hình ảnh video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy từ ngày 15/08 là những cảnh tượng hỗn loạn vô chính phủ. Đó là hình ảnh hàng trăm người chạy đuổi theo chiếc máy bay vận tải quân sự của Mỹ đang lăn bánh tới vị trí cất cánh. Nhiều người trong cơn hoảng loạn đã cố bám vào thân hay càng bánh máy bay hy vọng được rời khỏi Afghanistan.

(Theo France 24)

Nguồn tin RFI Tiếng Việt