Dân trí và dân chủ (Đỗ Xuân Cang)

Thật buồn khi thời gian và sự hy sinh đã không đem đến sự vượt lên về chất, những gian khổ đã không đem tới sự hiểu biết cần thiết. Phải chăng vì người ta nhập cuộc đấu tranh với thành kiến là chính trị và đấu tranh chính trị không cần học tập? Kết quả là di sản để lại của cả một thời tranh đấu không phải là nền móng để thế hệ sau từ đó xây lên mà nó là sự thú nhận bất lực, tuyệt vọng và một lời can ngăn nhập cuộc. 


Ngày 13/6/2021 anh Lê Công Định, một Facebooker nổi tiếng từng bị tù vì tham gia thành lập một chính đảng cùng với anh Trần Huỳnh Duy Thức đã thẳng thắn chia sẻ sự thất vọng với “khả năng thay đổi thể chế này”. Bài viết đến giờ này được 446 ý kiến, 5.8 nghìn người ủng hộ và 161 người chia sẻ. Tôi không ngạc nhiên, không thất vọng, nhưng cũng khá buồn. Theo tôi sự “thất vọng” này vừa bi quan vừa sai. Tôi vẫn có niềm tin là người dân Việt xứng đáng với một tương lai tốt đẹp hơn và tương lai đó hoàn toàn có thể đạt được.

Trước hết xin minh định một điều là tôi không có mục đích chê trách hay công kích bất cứ ai mà chỉ muốn phản bác một quan điểm mà tôi cho là sai lầm khiến lực lượng dân chủ Việt Nam không mạnh lên được.

Lý do cho sự thất vọng được anh Định đưa ra và nhiều người đồng ý là: “Dân trí và tâm thức người Việt suy cho cùng vẫn là nan đề cho đến tận hôm nay.”

Như vậy “dân trí thấp” chính là lý do để Việt Nam chưa có dân chủ. Nhận định sai lầm này không chỉ là quan điểm của lực lượng đấu tranh mà còn là của nhà cầm quyền. Họ từng nhiều lần biện minh cho sự độc tài của họ là vì dân trí thấp nên dân chủ sẽ loạn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã liên tục phản bác lập trường này. Thực tế rất nhiều nước đã có được dân chủ khi dân trí của họ còn thua xa Việt Nam ngày nay. Dân trí Việt Nam không thấp, vấn đề là trí thức Việt Nam không ngang tầm với đòi hỏi của cuộc vận động dân chủ.

lcd-1

Một status của anh Lê Công Định được nhiều người chia sẻ hôm 13/6/2021

Chính vì nhận thức sai lầm này mà đa số các nhà đấu tranh coi việc khai dân trí là hoạt động quyết định cho công cuộc đấu tranh bằng cách lấy cụ Phan Châu Trinh làm lãnh tụ tư tưởng. Nội dung khai dân trí của đa số gói gọn trong nội dung “cộng sản là xấu, dân chủ là tốt”. Còn kết quả khai dân trí mà họ chờ đợi là người dân công khai ủng hộ họ. Chính vì nội dung khai dân trí và test chuẩn dân trí (kiểm tra mức độ dân trí) này mà nhiều nhà đấu tranh đã từ giã phong trào.

Kể tội cộng sản không phải là khai dân trí, không cần chúng ta chỉ bảo thì dân mới biết cộng sản xấu và dân chủ tốt. Mạnh mẽ chống cộng, cổ súy cho dân chủ hay chấp nhận gian nguy mới chỉ là “điều kiện cần” của một người đấu tranh cho dân chủ. “Điều kiện có” là văn hóa dân chủ, hay nói cách khác dân chủ không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết mà cả phản xạ dân chủ tự nhiên, một nếp sinh hoạt thể hiện các giá trị dân chủ.

Một quan điểm khác cũng cần được khai thông: Dân chủ là mục đích hay phương tiện. Khi nói về vấn đề đấu tranh, các cụm từ thường dùng là: Phong trào đấu tranh dân chủ, nhà đấu tranh dân chủ, công cuộc đấu tranh dân chủ v.v...làm cho chúng ta ngẫu nhiên coi dân chủ là mục đích. Đối với đa số người dân họ không cần biết dân chủ là gì? Cộng sản là gì? Quan trọng với họ là đời sống hạnh phúc.

Đường đi đến mục đích hạnh phúc mỗi người có thể có một con đường riêng, nhưng hạnh phúc của muôn người cho đến nay thì chỉ có một con đường dân chủ. Dân chủ là một phương thức tổ chức xã hội bảo đảm các quyền tự do của con người trong một đất nước phồn vinh và hòa hợp. Đó phương tiện đưa chúng ta đến một tương lai chung, một hạnh phúc chung.

Anh Định viết: "Tôi càng không có ảo tưởng tự do sẽ mang lại dân chủ cho đất nước". Nhận định chua chát này cũng là một ngộ nhận lớn. Dân chủ mang đến tự do chứ tự do không mang lại dân chủ. Tự do là cứu cánh, dân chủ là phương tiện. Nếu tạm tính từ Nguyễn vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang...những con người bước vào tranh đấu không hận thù, thuần túy là tinh thần yêu nước với một mục tiêu trong sáng là thay đổi số phận Việt Nam, thì lịch sử đấu tranh dân chủ đã có hơn 20 năm với hàng trăm người đã dấn thân với hàng trăm năm tù tội, trong đó có anh Lê Công Định. Không lẽ tất cả những hi sinh, mất mát đó chỉ là sự bồng bột cách mạng? Không lẽ dân tộc Việt Nam chưa xứng đáng để được dân chủ hay chúng ta chưa là con người đúng nghĩa để có quyền con người ? Chúng ta xứng đáng với độc tài cộng sản ?

giaiphap-3

Không có giải pháp riêng cho một dân tộc mà phải có giải pháp chung, một giấc mơ chung. Giải pháp chung đó là sự đồng thuận về một tương lai mà mọi người đều muốn có và lộ trình để đi tới tương lai đó...

Trao đổi với nhiều người đấu tranh tôi thấy phần đông cho là công cuộc đấu tranh chỉ thắng lợi khi được đa số người dân ủng hộ. Điều này có thể họ bị ảnh hưởng tuyên truyền cộng sản, không nghiên cứu các cuộc đấu tranh và không tham khảo lý thuyết chính trị. Nó cũng là một phần nguyên nhân cho sự rã hàng ngày nay.

Bằng kinh nghiệm đấu tranh của những người dấn thân thì phần đông đều thấy thuyết phục người thân mình còn khó thì hy vọng gì thành công với đa số quần chúng. Nhận định này rất sai. Mọi cuộc cách mạng trong đó có “cuộc cách mạng” của đảng cộng sản đều được tiến hành bởi một nhóm nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Không có cuộc cách mạng nào được đa số quần chúng nhân dân ủng hộ ngay từ đầu. Khi được đa số người dân ủng hộ thì cuộc cách mạng đó đã chắc chắn thành công. Lý thuyết đấu tranh cũng chỉ rõ chỉ cần 3.5% người dân kiên trì muốn thay đổi thì không một chính quyền nào trụ nổi.

Thật buồn khi thời gian và sự hy sinh đã không đem đến sự vượt lên về chất, những gian khổ đã không đem tới sự hiểu biết cần thiết. Phải chăng vì người ta nhập cuộc đấu tranh với thành kiến là chính trị và đấu tranh chính trị không cần học tập? Kết quả là di sản để lại của cả một thời tranh đấu không phải là nền móng để thế hệ sau từ đó xây lên mà nó là sự thú nhận bất lực, tuyệt vọng và một lời can ngăn nhập cuộc.

Chính trị là một môn khoa học xã hội phức tạp. Làm chính trị trong một xã hội dân chủ đã khó. Làm chính trị trong một xã hội độc tài bội phần khó hơn. Không thể làm chính trị chỉ bằng nhiệt tình và can đảm. Đây là cái giá quá đắt cho xu hướng “Hãy hành động đi! Đừng lý thuyết nữa”. Kết quả là không biết phải làm gì.

Muốn khai trí trong lĩnh vực chính trị thì cần có sự hiểu biết chính trị. Sự hiểu biết chỉ đến thông qua nghiên cứu, học tập và thảo luận. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn sẵn sàng đồng hành cùng mọi người trên con đường này. Hai tài liệu nhập môn chính trị mọi người có thể tìm được là cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng và Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Đỗ Xuân Cang

Praha (16/6/2021)