Tản mạn về trí thức (Nguyễn Hưng Quốc)

Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Kỹ năng là do rèn luyện. Nhưng trí thức lại là một lựa chọn. Chỉ có những người không thỏa mãn với mọi câu trả lời, lúc nào cũng bị ám ảnh với các câu hỏi nảy sinh từ những vấn đề mới hoặc từ những câu trả lời cũ mới được xem là nhà trí thức.


Phạm Công Thiện (1941-2011)

Phạm Công Thiện

Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn ; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng ; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.

Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ.

Đã đành trong giọng văn của hầu hết các nhà văn của Việt Nam đều ít nhiều có chất thơ, tuy nhiên, có lẽ, ít ở đâu mà chất thơ lại đậm đặc như là trong văn xuôi của Phạm Công Thiện. Có điều, Phạm Công Thiện làm thơ không nhiều. Đến nay, ông chỉ có một tập thơ duy nhất được xuất bản : Ngày sinh của rắn, trước, do Hoa Nắng in tại Paris, sau, An Tiêm in lại tại Sài Gòn năm 1966 và, Trần Thi in lại tại California năm 1988 (1). Ở lần in nào, tập thơ ấy cũng đều mỏng manh, chỉ có 12 bài, phần nhiều là ngắn và tự do. Nói chung, bài nào cũng có nét riêng, có thể nói là khá hay, đặc biệt là một bài thơ hai câu có sức ngân rất sâu :

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

Tuy nhiên, đó không phải là những cái hay lớn đủ để biến Phạm Công Thiện thành một nhà thơ có tầm vóc nổi bật so với những nhà thơ cùng thời. Tôi thích hơn, ở Phạm Công Thiện, là những bài thơ ông hoàn thành sau này, chủ yếu là sau năm 1975. Chúng không nhiều, về số lượng, và cũng không đều, về chất lượng, nhưng trong đó, có hai bài rất hay, theo tôi, xứng đáng được xếp ngang hàng với những bài thơ hay nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại: "Trường giang Mỹ tho" và "Thơ cho khoảng trống". Cả hai bài đều đẹp, trong ngôn ngữ và mới mẻ, trong kỹ thuật.

Làm thơ ít, hồn thơ của Phạm Công Thiện tràn vào cõi văn xuôi của ông. Biện pháp tu từ được ông sử dụng nhiều nhất trong văn xuôi là ẩn dụ. Mặt trời không bao giờ có thực là một ẩn dụ. Bay đi những cơn mưa phùn là một ẩn dụ. Trùng trùng ẩn dụ trong từng trang viết của Phạm Công Thiện. Điều đó làm cho hầu hết các bài viết văn xuôi của Phạm Công Thiện đều trở thành những bài tuỳ bút. Tôi nghĩ, rất nhiều tác phẩm triết lý của Phạm Công Thiện sẽ trở thành dễ hiểu và tuyệt vời vô cùng nếu chúng được đọc như những bài tuỳ bút. Ví dụ tập Bay đi những cơn mưa phùn trong đó có bài "Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo" cứ làm cho tôi, khi đọc lại -gần đây- thấy ngẩn ngơ thật lâu. Giọng văn của ông thật phóng khoáng, thật độc đáo và thật đẹp. Từ bài văn ấy, đọc lại các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, tôi phát hiện ra một điều khá bất ngờ, hình như chưa ai nói đến : không chừng Phạm Công Thiện là một trong những nhà tùy bút xuất sắc của Việt Nam.

"Thiền học và Thiền tông là gì ?

Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là những câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu trắng băng qua đại dương".

Đoạn văn trên, tôi tình cờ nhặt được ở trang cuối cùng của quyển "Bay đi những cơn mưa phùn". Câu thần chú chữ Phạn. Cánh bướm trắng bay qua đại dương. Rồi đây, có lẽ sẽ có người có thẩm quyền hơn tôi tìm hiểu và đánh giá câu thần chú chữ Phạn ấy. Hôm nay, tôi chỉ muốn dừng lại và giới thiệu Phạm Công Thiện như một cánh bướm bay qua cái cõi đại dương thơ bao la của Việt Nam.

(15/05/2021)

Chú thích :

(1) Sau này, Phạm Công Thiện có một tập thơ thứ hai, "Trên tất cả đỉnh cao là lặng im" do Hương Tích Phật Việt xuất bản năm 2014.

trithuc2

(Trích trong "Sống Với Chữ" của Nguyễn Hưng Quốc. Lotus Media tái bản, 2021. Có thể mua trên Amazon.com , hoặc Amazon.com.au nếu ở Úc)

************************

Nhiệm vụ của trí thức

Đối với đất nước, đóng góp lớn nhất có thể làm được, từ các chuyên gia, là xây dựng ; từ các trí thức, là phê phán.

trithuc.3

Đất nước cần cả hai. Không có chuyên gia, không thể phát triển được ; không có trí thức, sự phát triển ấy, nếu có, chỉ què quặt và có nguy cơ trở thành một bộ máy độc tài nghiền nát nhân dân, và cuối cùng, có khi đẩy đất nước xuống vực thẳm.

Ngay cả khi người ta phê phán sai thì bản thân sự phê phán của họ cũng là một bằng chứng của dân chủ đồng thời là chất dinh dưỡng của dân chủ : Nếu nó không làm lợi cho chính phủ thì ít nhất nó cũng làm lợi cho việc bảo vệ những giá trị căn bản của con người và góp phần đa dạng hóa nhận thức của con người, qua đó, bảo vệ con người.

Hơn nữa, đúng hay sai, mọi sự phê phán đều trở thành những thách thức đối với quyền lực ; và khi quyền lực bị thách thức, nó cũng bị hạn chế ; khi quyền lực bị hạn chế, nó cũng tránh được nguy cơ trở thành độc tài.

Chính vì thế, Tổng thống Mỹ, John F. Kenedy, có lần nói : "Không có tranh luận, không có phê bình, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không có một nền cộng hòa nào có thể sống sót".

Ước gì giới cầm quyền Việt Nam có thể hiểu được điều đó.

(11/05/2021)

********************

Trí thức

Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Kỹ năng là do rèn luyện. Nhưng trí thức lại là một lựa chọn.

Kiến thức và kỹ năng phát triển đến mức nào đó đủ để biết cách trả lời những câu hỏi quan trọng trong một lãnh vực nào đó, người ta trở thành một nhà chuyên môn, dưới những tên gọi như kỹ sư, luật sư, bác sĩ, nhà kinh tế, nhà toán học, v.v…

Chỉ có những người không thỏa mãn với mọi câu trả lời, lúc nào cũng bị ám ảnh với các câu hỏi nảy sinh từ những vấn đề mới hoặc từ những câu trả lời cũ mới được xem là nhà trí thức.

trithuc4

Nói cách khác, trí thức là người thường xuyên tra vấn, luôn luôn đau đáu rượt theo những câu hỏi hơn những cách trả lời.

Những người vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình để đặt ra những câu hỏi về những vấn đề ngoài phạm vi chuyên môn, những vấn đề liên quan đến chính trị và xã hội vốn tác động đến đời sống mọi người và tương lai của một dân tộc hoặc nhân loại nói chung mới là những trí thức công chúng (public intellectual).

Ở Việt Nam không thiếu những người có bằng cấp cao. Chúng ta chỉ thiếu trí thức. Càng thiếu hơn nữa những người đáng được gọi là trí thức công chúng. Cả nước, may lắm, chỉ được năm mười người.

Nguồn : Nguyễn Hưng Quốc, 13/05/2021