Nhân quyền và tự do tôn giáo : Việt Nam bị Mỹ điểm mặt (Giang Nguyễn - RFA tiếng Việt)

Tự do tôn giáo không kém quan trọng hơn bất kỳ quyền con người nào khác và chính quyền Biden-Harris cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố như vậy trong buổi lễ ra mắt Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2020 hôm 12/5 tại Washington D.C. Về tình hình Việt Nam, tuy có ghi nhận một số tiến bộ, báo cáo năm nay vẫn tiếp tục lên án mạnh mẽ các vi phạm về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. 


Thượng Nghị sĩ John Cornyn phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam năm 2017. Ảnh minh họa. Courtesy of FB Vietnam Human Rights Day

Ngày Nhân quyền Việt Nam 2021 : Hà Nội phải để công dân có quyền tự do phát biểu mà không sợ bị trả thù

Giang Nguyễn, RFA, 12/05/2021

Ngày 11/5/2021 đánh dấu năm thứ 27 Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh ngày này là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam.

Buổi lễ kỷ niệm năm nay được tổ chức trực tuyến với hàng chục khách mời gồm các nghị sĩ Thượng viện, dân biểu Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ, đại diện Bộ Ngoại giao cũng như đại diện cộng đồng người Việt nhiều nơi tham gia.

Mở đầu buổi lễ chính là phát biểu của cựu dân biểu Leslie Byrne, tác giả của đạo luật đưa đến việc Tổng thống Bill Clinton vào năm 1994 đã ban hành công luật ghi nhận ngày 11/5 mỗi năm là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam.

tongiao2

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến hôm 11/5/2021.

Bà Leslie Byrne cùng các diễn giả và ban tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam khẳng định đây không phải là một ngày nhìn về quá khứ mà là cơ hội để thúc đẩy các chính sách hiện tại của Hoa Kỳ và các nước cấp tiến trên thế giới trong công cuộc giúp cải thiện tình hình vi phạm nhân quyền bị cho là trầm trọng tại Việt Nam hiện nay.

Ông Michael Orona, Cố vấn cấp cao về chiến lược tại Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ghi nhận quan hệ song phương Việt-Mỹ trong năm qua đã có những bước tiến lịch sử và một số xu hướng tích cực tại Việt Nam về các quyền của người phụ nữ, sắc tộc thiểu số, khuyết tật và LGBTQ ; tuy nhiên, ông nói Hoa Kỳ nhận thấy còn nhiều điều bất cập :

"Tôi rất buồn vì thực tế là không có đủ thời gian để tôi nêu tên mọi tù nhân hiện bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền con người của mình. Nhưng tôi ghi nhận bản án đáng lo ngại của (Thi sĩ bất đồng chính kiến) Trần Đức Thạch và các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ bị bỏ tù với tội danh mơ hồ gọi là "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Tôi thật buồn vì một người đàn ông 70 tuổi đã bị kết án 12 năm tù vì hoạt động cho những khát vọng hòa bình để Việt Nam được tự do và dân chủ hơn".

Ông Orona nói tiếp, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng rất quan tâm về Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam, ngăn cản quyền tự do thông tin, và ông nhắc đến trường hợp của Facebooker Nguyễn Đức Quốc Vượng, một người đấu tranh cho dân chủ vào năm ngoái bị chính quyền Việt Nam tuyên án 8 năm tù giam, và trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị bắt vào ngày 6/10/2020. Ông nói :

Về phía Quốc hội, một số dân biểu lưỡng đảng tham dự trực tiếp hoặc cử người dự buổi lễ Nhân quyền cho Việt Nam cho biết họ ủng hộ Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam được Dân biểu Chris Smith của tiểu bang New Jersey giới thiệu vào Hạ Viện cách đây một tuần.

Đại diện cho văn phòng Chris Smith, ông Pierro Tozzi cho biết đạo luật này nhằm bảo đảm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải đặt vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán, thương lượng với Việt Nam :

"Đạo luật này khuyến khích chính phủ của chúng tôi khi tiếp xúc với Việt Nam phải tiếp cận 'trên toàn diện.' Chỉ nói về thương mại hay quân sự hay hỗ trợ nhân đạo không thôi là chưa đủ. Vấn đề nhân quyền cần phải được đan xen vào tất cả các cuộc thảo luận của chúng ta và không thể bỏ nó qua một bên".

Từ Úc, dân biểu Liên bang Chris Hayes qua video cũng nêu lên quan ngại của ông về thực tế đàn áp các quyền con người tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Cụ thể là biện pháp dùng những điều luật mơ hồ để xử những người can đảm dám lên tiếng chống lại bất công. Ông cũng nêu trường hợp của ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc và thành viên Đảng Việt Tân, bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt khi về Việt Nam vào đầu năm 2019. Sau đó ông bị xét xử và tuyên 12 năm tù giam vì tội danh ‘khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân’.

Ông Hayes nói : 

"Ông Khảm đã bị bỏ tù mà không được xét xử công bằng hoặc không được tiếp cận với các luật sư bào chữa. Chính quyền Việt Nam không đưa ra bằng chứng nào để liên kết ông với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến khủng bố. Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của mình theo các quyền dân sự và chính trị quốc tế.

Gần đây, tôi lại nêu tình trạng của ông Khảm lên với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc, vì ông đã bị giam hơn hai năm rồi. Với mối quan hệ thương mại và chiến lược mạnh mẽ của Úc với Việt Nam và lợi ích chung về sự ổn định khu vực, chắc chắn chúng ta có thể và phải làm nhiều hơn nữa trong trường hợp của ông Khảm.

Do đó tôi nhắc lại lời kêu gọi của tôi đối với chính phủ Úc thực hiện tất cả các bước có thể để đảm bảo phúc lợi cho ông Châu Văn Khảm, bao gồm tất cả các hành động khả thi và thích hợp để ông Khảm có thể trở về an toàn với vợ và gia đình ở Úc".

Thành viên tham gia tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam năm nay có những bạn thuộc thế hệ trẻ. Họ tiếp bước những người đi trước để không chỉ cùng tổ chức hoạt động cho ngày 11 tháng 5 hàng năm, mà mục tiêu chính yếu là thường xuyên tiến hành những cuộc vận động Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ công cuộc đấu tranh cho nhân quyền trong nước.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 12/05/2021

*********************

Việt Nam vẫn còn vi phạm nhiều về quyền tự do tôn giáo

RFA, 12/05/2021

Tự do tôn giáo không kém quan trọng hơn bất kỳ quyền con người nào khác và chính quyền Biden-Harris cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố như vậy trong buổi lễ ra mắt Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2020 hôm 12/5 tại Washington D.C. Về tình hình Việt Nam, tuy có ghi nhận một số tiến bộ, báo cáo năm nay vẫn tiếp tục lên án mạnh mẽ các vi phạm về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

tongiao3

Một lớp học ở Học viện Phật giáo Việt Nam. Ảnh chụp ngày 28/6/2020 - Ảnh : AFP

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nêu rõ Chính phủ Việt Nam tiếp tục có nhiều hình thức can thiệp, hạn chế quyền tự do của các nhóm tôn giáo và các tín đồ, từ việc bắt giữ, đe dọa, giám sát cho đến hạn chế đi lại, tịch thu tài sản và từ chối yêu cầu đăng ký và các quyền khác.

Dọa nạt, quấy rối

Báo cáo cho biết Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam duy trì một quy trình đăng ký và công nhận bao gồm nhiều giai đoạn đối với các nhóm tôn giáo, nếu chưa có được đăng ký hoặc công nhận, hoạt động của các nhóm tôn giáo sẽ bị hạn chế và giám sát nghiêm ngặt. Một số giới chức tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm tôn giáo chưa được đăng ký chính thức hoặc không yêu cầu được công nhận đã phản ánh nhiều hình thức quấy rối, đe dọa của nhà cầm quyền.

tongiao4

Ông Dan Nadel, quan chức cấp cao phụ trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế tại buổi lễ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế ngày 12/5/2021. Ảnh : AFP

"Chính quyền địa phương ở một số khu vực của Tây Nguyên được ghi nhận là đã dọa nạt và đe dọa bạo lực đối với các thành viên của một số nhóm Tin lành chưa đăng ký vì đã thông tin về các vi phạm nhân quyền của Việt Nam với các tổ chức quốc tế" – báo cáo viết và cho biết theo Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ - chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã đe dọa giết các trưởng lão của Hội thánh Tin lành Đấng Christ (Evangelical Church of Christ ) chưa đăng ký ở Thành phố Buôn Ma Thuột và Hội thánh Truyền giảng Phúc âm (Good News Mission Church) ở huyện Cư Kuin trong các cuộc thẩm vấn được tiến hành sau khi các trưởng lão này có các cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài vào tháng 6. Đồng thời, các nhà chức trách của tỉnh này cũng bị cáo buộc là "đã gây áp lực buộc các trưởng lão trong Hội thánh phải từ bỏ đức tin của họ, ngừng hoạt động của hội nhóm mình và gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam (Evangelical Church of Vietnam) đã đăng ký" .

"Công an tỉnh Đắk Lắk được cho là đã đe dọa giết một thành viên của Hội thánh Truyền giảng Phúc âm nếu anh này không tiết lộ những gì anh ta đã nói với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ" – báo cáo viết.

Gây mâu thuẫn, phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo

Báo cáo cho hay đã có những phản ánh về sự can thiệp của Chính phủ, gây mâu thuẫn, xung đột giữa thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và với các nhóm đã đăng ký hoặc đã được công nhận hoặc giữa các tín đồ và những người không theo tôn giáo.

"Các nhà hoạt động tôn giáo buộc tội chính quyền thao túng các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cài cắm người gây ra xung đột để từ đó trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký" – báo cáo viết và cho biết một trong những ví dụ của hiện tượng này là vụ việc các thành viên của Hệ phái Cao Đài được công nhận (Cao Đài 1997) đã phá rối nghi thức của tín đồ Cao Đài chưa đăng ký (Cao Đài 1926) tại một tư gia ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh diễn ra ngày 11 và 13/9/2020.

tongiao5

Lễ Phục sinh tại Hà Nội. Ảnh : Reuters

Báo cáo cũng cho hay Chính phủ Việt Nam đã thể hiện một số phân biệt đối xử đối với các tín đồ tôn giáo và các nhóm tôn giáo trên khắp đất nước. Các thành viên của một số nhóm tôn giáo có thành viên là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số cho biết bị chính quyền từ chối một số lợi ích hợp pháp mà các thành viên được hưởng. Báo cáo dẫn phản ánh của Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) về việc chính quyền địa phương xã Thạch Lỗi, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, đã từ chối hỗ trợ tài chính của nhà nước đối với COVID-19 cho các thành viên của Giáo hội Báp-tít Việt Nam (VBC) – một nhóm tôn giáo chưa đăng ký.

Can thiệp vào công việc nội bộ

"Nhiều tổ chức xã hội dân sự bày tỏ lo ngại về khả năng chính phủ can thiệp vào các quyết định của Nhà thờ Công giáo liên quan đến việc phân công hoặc bổ nhiệm lại các linh mục, những người đặc biệt thẳng thắn về nhiều vấn đề nhân quyền" – báo cáo nhận định và cho biết việc thuyên chuyển của Linh mục Nguyễn Đình Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam từ Giáo phận Vinh là hai trong những trường hợp gây ra nhiều nhiều tranh luận trong năm. Báo cáo cho biết cả hai linh mục đều nổi tiếng vì sự ủng hộ của họ đối với các nạn nhân của thảm họa do nhà máy Formosa xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra môi trường hồi năm 2016 cũng như một loạt các hoạt động vận động nhân quyền và việc thuyên chuyển này diễn ra sau khi có thông báo vào tháng 6/2020 rằng Cha Đặng Hữu Nam sẽ bị hạn chế làm việc mục vụ trong giáo phận. Trong một diễn biến tương tự, trong tháng 10/2020, Giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã điều chuyển và đình chỉ công tác mục vụ của linh mục Nguyễn Duy Tân, một linh mục nổi tiếng thẳng thắn. Ông Tân cũng là người lên tiếng chỉ trích các điều kiện nhân quyền ở Việt Nam sau vụ Formosa năm 2016.

Hạn chế đi lại

Báo cáo cho biết một số nhà chức sắc tôn giáo phải đối mặt với các hạn chế đi lại ra bên ngoài, và các nhà lãnh đạo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo cũng gặp phải những hạn chế đi lại từ phía nhà cầm quyền. Cụ thể Dòng Chúa Cứu Thế Công giáo (Catholic Redemptorist Order) cho biết nhà chức trách vẫn giữ hộ chiếu bị tịch thu vào năm 2018 của ít nhất hai linh mục của dòng. Vào tháng 5/2020, nhà chức trách đã từ chối yêu cầu gia hạn hộ chiếu của Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Toản, với lý do ông có hành vi "hoạt động chống lại Nhà nước".

"Một số mục sư lên tiếng chỉ trích chính quyền bày tỏ lo ngại về việc đi du lịch nước ngoài vì sợ bị chặn lại biên giới hoặc bị giam giữ khi trở về nước" – báo cáo viết.

tongiao6

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Toản - người bị nhà chức trách Việt Nam từ chối yêu cầu gia hạn hộ chiếu. Ảnh : RFA-printscreen

Ngăn cản post ảnh, thông tin trên mạng

Tiếp tục trích dẫn Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS), báo cáo cho biết vào ngày 27/8/2020, chính quyền địa phương xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột đã thẩm vấn một thành viên nhà thờ Y Nguyệt Bkrông về hình ảnh trên trang Facebook của ông vì bức ảnh cho thấy các công an địa phương có mặt tại nhà ông khi thực hành nghi lễ tôn giáo của Hội thánh Tin lành của Đấng Christ. Báo cáo cũng cho biết các quan chức địa phương đã đe dọa sẽ trừng phạt nếu ông không gỡ bỏ các bức ảnh và yêu cầu ông ngừng tổ chức các cuộc tập trung của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký này. Trước đó, ngày 14/1/2020, chính quyền địa phương huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã thẩm vấn Y Khiu Niê và Y Blon Niê, các thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phúc Âm (Good News Mission Church) chưa đăng ký, về việc họ chia sẻ các báo cáo chỉ trích chính phủ với quốc tế và gây áp lực buộc họ phải dừng lại truy cập và đăng các báo cáo tiêu cực trên các website nhân quyền và Facebook.

"Nhiều vụ việc tương tự khác ở tỉnh Đắc Lắc đã được BPSOS ghi nhận" – báo cáo viết.

Gây phiền hà, thậm chí đòi hối lộ để cấp đăng ký

Báo cáo đã ghi nhận việc Ủy ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký để họ hoàn thành các thủ tục đăng ký cần thiết. Trong năm 2020, cơ quan này đã thông qua đăng ký khoảng 70 hội thánh địa phương, bao gồm bốn hội thánh địa phương Tin lành, khoảng 50 giáo xứ Công giáo và 12 hội thánh Cao Đài địa phương. Tuy nhiên báo cáo cũng cho hay trong năm 2020, Việt Nam vẫn "không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào" đồng thời vẫn duy trì nhiều thủ tục đăng ký phiền hà.

"Các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký tiếp tục tuyên bố rằng các cơ quan chính phủ đôi khi không trả lời đơn đăng ký hoặc yêu cầu chấp thuận cho các hoạt động tôn giáo trong khoảng thời gian quy định và thường không giải thích lý do từ chối theo quy định của pháp luật" – báo cáo viết. Theo báo cáo cũng đã có những phản ánh rằng một số chính quyền địa phương đã yêu cầu các tài liệu hoặc thông tin vượt quá quy định của pháp luật và nhà chức trách đôi khi đòi hỏi hối lộ để có được quyết định chấp thuận. Ngoài ra, các nhóm tôn giáo cho biết quá trình đăng ký về các hoạt động ở các địa điểm mới hoặc vùng sâu vùng xa là đặc biệt khó khăn.

"Một số nhóm tôn giáo báo cáo rằng chính quyền đã thúc giục họ đăng ký làm một nhánh của nhóm tôn giáo được công nhận" – báo cáo viết.

RFA, 12/05/2021