Hòa giải và Hòa hợp dân tộc, nên hiểu thế nào cho đúng ? (Việt Hoàng)

Giai đoạn thứ hai là khi Việt Nam đã có dân chủ. Nếu lúc đó Tập Hợp được người dân Việt Nam tín nhiệm và lựa chọn làm đảng cầm quyền hoặc thuộc về liên minh cầm quyền thì chúng tôi sẽ thực thi việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ngay lập tức. Chúng tôi sẽ nhân danh sự liên tục và kế thừa của nhà nước để nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và giải quyết những vấn đề đang tồn đọng. 



Cứ mỗi khi tháng Tư về là người Việt Nam trên khắp thế giới, báo chí và những người lớn tuổi đã từng tham gia chiến tranh thời kỳ 1954-1975 đều nhắc đến Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Dù nói nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu và nắm được khái niệm (định nghĩa) về Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc. Vậy Hòa giải và Hòa hợp là gì? Hòa giải là cùng nhau giải quyết những xung đột và mâu thuẫn đã xảy ra để tiến tới cùng hợp tác và làm việc chung với nhau. Hòa hợp là cùng hợp tác và làm việc chung với nhau. Hòa hợp là mục đích còn Hòa giải là một quá trình để đi tới Hòa hợp.

Dự án chính trị của Tập Hợp có giải thích: “Hòa giải là tháo gỡ những hận thù và hiềm khích để tiếp tục sống chung với nhau, trong khi hòa hợp là quí mến nhau và hợp tác mật thiết với nhau. Như thế, khi giữa các cá nhân hay giữa các tập thể đã có sự xung đột và bất hòa thì Hòa giải phải được thực hiện trước, Hòa hợp chỉ có thể có sau khi đã hòa giải xong. Hòa hợp dân tộc, hay đoàn kết dân tộc cũng thế, là mục đích. Hòa giải là một chặng đường cần thiết để có hòa hợp.

Lập trường “Hòa giải và Hòa hợp dân tộc” là chủ trương Hòa giải người Việt Nam với nhau để tiến đến Hòa hợp dân tộc, nghĩa là tiến đến tình trạng trong đó người Việt tin tưởng và quí trọng nhau để cùng bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là vấn đề tình cảm giữa người và người, chứ không phải giữa các lực lượng và phe phái. Giữa các lực lượng và phe phái cùng lắm chỉ có vấn đề hợp tác hay thỏa hiệp”.

Như vậy phải có Hòa giải trước thì mới có Hòa hợp. Việc nhiều người nói và viết “Hòa hợp và Hòa giải dân tộc” là không chính xác. Hòa giải phải đứng trước Hòa hợp vì có giải quyết được các bất đồng trong quá khứ thì mới có thể tiến tới hợp tác với nhau trong hiện tại và tương lai.

hoagiai-0

Hòa giải phải có trước để dẫn đường cho Hòa hợp.

Người Việt Nam có cần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc hay không? Chắc chắn là có. Những người phản đối có lẽ chưa hiểu được các khái niệm và tầm quan trọng của chúng. Do lịch sử và các cuộc nội chiến liên miên trong quá khứ mà người Việt Nam rất chia rẽ và kỳ thị lẫn nhau. Dân tộc Việt Nam rất cần Hòa giải giữa người Công giáo và Phật giáo, giữa người Kinh và các sắc tộc thiểu số, giữa người Bắc - Trung - Nam, giữa người cộng sản và người Việt Nam Cộng Hòa, giữa người Việt hải ngoại và người trong nước và nhất là giữa người Việt Nam với đất nước Việt Nam...Từ các nhà nước phong kiến cho đến cộng sản, các chế độ cầm quyền đã nhân danh đất nước, tổ quốc để đày đọa người dân thay vì phục vụ người dân. Lòng yêu nước của người Việt Nam đã bị tổn thương rất nặng. Nhiều người đã bỏ nước ra đi trong tuyệt vọng và hờn tủi.

Hòa giải và Hòa hợp dân tộc không chỉ cần thiết để giải quyết những vấn đề trong quá khứ mà còn cần cho cả hiện tại và tương lai. Quá trình toàn cầu hóa khiến cho tất cả mọi quốc gia đều có vấn đề về bình đẳng xã hội. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn dẫn đến sự phẫn nộ của các thành phần dân chúng bị thua thiệt và bị bỏ rơi trong mọi quốc gia. Nước Mỹ, siêu cường số một thế giới cũng bị chia rẽ sâu sắc dẫn đến việc Donald Trump, một kẻ dân túy, thiếu cả khả năng lẫn nhân cách đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tân tổng thống Joe Biden đang cố gắng thay đổi và sửa chữa nước Mỹ bằng cách tăng cường liên đới xã hội và thu hẹp sự bất bình đẳng bằng một dự án lớn lên đến nhiều ngàn tỉ đô la để tài trợ cho trẻ em, học sinh - sinh viên và những gia đình nghèo khó. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc đã trở thành triết lý điều hành quốc gia. Hòa giải là bắt buộc của mọi dân tộc dù ở trình độ nào và có lịch sử nào và Việt Nam là một trong những dân tộc cần hòa giải hơn cả.

Hòa giải và Hòa hợp dân tộc cũng là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nhiều người không hiểu nên đã đồng hóa lập trường Hòa giải của chúng tôi với sự đầu hàng hay bắt tay với Đảng cộng sản...Chúng tôi xác quyết rằng việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và sòng phẳng với quá khứ dựa trên nền tảng dân chủ chứ không phải bỏ qua và xí xóa mọi thứ. Nếu không có Hòa giải thì sẽ không có Hòa hợp dân tộc và vì thế Việt Nam sẽ không có tương lai. Cũng như một gia đình sau một cuộc xung đột, chỉ có hai lựa chọn, một là Hòa giải để tiếp tục chung sống hai là chia tay nhau. Vợ chồng có thể chia tay nhau và đi lấy người khác nhưng một dân tộc thì không thể thích là chia tay và giải tán đường ai nấy đi. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là lựa chọn bắt buộc đối với chúng ta.

Đảng cộng sản Việt Nam có muốn Hòa giải và Hòa hợp dân tộc không? Chắc chắn là không. Họ chỉ nói đến Hòa hợp dân tộc chứ không bao giờ nhắc đến Hòa giải dân tộc. Tức là họ chỉ kêu gọi người Việt Nam cùng hợp tác với họ và quên đi quá khứ chứ không muốn Hòa giải dân tộc. Lý do cũng dễ hiểu, họ đã gây ra quá nhiều sai lầm và tội ác. Họ không đủ can đảm và bản lĩnh để nhìn nhận những sự thật đó. Tập Hợp kêu gọi Hòa giải và Hòa hợp dân tộc trong đó có cả những người cộng sản cấp tiến nhưng chúng tôi không chủ trương Hòa giải và Hòa hợp với Đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản.

giaiphap-2

Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì sao Tập Hợp chủ trương Hòa giải và Hòa hợp dân tộc? Có thể chia quá trình này ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn tranh đấu cho dân chủ hiện nay và giai đoạn hậu cộng sản. Cho đến bây giờ, dù mắc phải hết sai lầm này đến gia lầm khác nhưng Đảng cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại và cầm quyền vì trước mặt họ không hề có một tổ chức chính trị nào đủ tầm vóc để làm đối trọng. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để mọi người dân Việt Nam hiểu nhau, cảm thông cho nhau và đoàn kết với nhau để cùng hình thành một mặt trận dân chủ có tầm vóc. Chỉ khi đó thì phong trào dân chủ Việt Nam mới có đủ sức mạnh để buộc Đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán.

Giai đoạn thứ hai là khi Việt Nam đã có dân chủ. Nếu lúc đó Tập Hợp được người dân Việt Nam tín nhiệm và lựa chọn làm đảng cầm quyền hoặc thuộc về liên minh cầm quyền thì chúng tôi sẽ thực thi việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ngay lập tức. Chúng tôi sẽ nhân danh sự liên tục và kế thừa của nhà nước để nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và giải quyết những vấn đề đang tồn đọng. Trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có nói rõ:

Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ phải phục hồi danh dự cho những người đã bị hạ nhục, phải bồi thường thiệt hại, dù chỉ là một cách không đầy đủ, cho những nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới. Xóa bỏ hận thù có nghĩa là sẽ không có những vụ án chính trị, ngược lại sẽ có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì chức vụ mà họ đã giữ, trừ khi họ đã vi phạm một cách rất nghiêm trọng ngay chính những luật lệ đương hành lúc họ tại chức. Mọi công dân có quyền tố cáo những hà hiếp mà mình đã là nạn nhân và nhà nước sẽ xử lý những tranh tụng đó như những tranh tụng giữa những công dân bình đẳng trước pháp luật trong tinh thần hòa giải dân tộc”.

Sau khi chế độ cộng sản cáo chung và Việt Nam có dân chủ thì chúng ta vẫn còn tiếp tục sống trong khó khăn và nghèo khổ thêm một thời gian nữa. Hố ngăn cách giàu nghèo mà Đảng cộng sản tạo ra là quá lớn mà một nhà nước dân chủ không dễ dàng gì khắc phục được trong một thời gian ngắn. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc sẽ là một triết lý để điều hành quốc gia.

Đảng cộng sản không hề muốn Hòa giải mà chỉ muốn khoét sâu thêm sự chia rẽ của người Việt. Họ không cần người Việt Nam phải yêu họ mà chỉ muốn người Việt Nam không yêu nhau. Người Việt Nam càng mất đoàn kết chừng nào thì Đảng cộng sản sẽ còn cầm quyền lâu chừng ấy.

Hòa giải dân tộc chưa bao giờ là thói quen và là phản xạ của người Việt. Văn hóa Khổng giáo là “đuổi cùng giết tận”, kẻ thắng không cần phải hòa giải với kẻ thua vì họ đã bức hại tất cả những người thua cuộc. Thế hệ người Việt Nam mới cần thành tâm hàn gắn những vết thương do lịch sử để lại, chúng ta cần Hòa giải để dần dần tiến tới Hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Chúng ta sẽ cùng nhau khép lại một trang sử đau buồn của đất nước và mở ra một trang sử mới viết bằng tình tự dân tộc.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không chỉ có mỗi lý thuyết mà còn áp dụng trong thực tế. Chúng tôi là một tổ chức chính trị tiên phong trong quá trình Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Tập Hợp là tổ chức bao gồm các thành viên xuất thân từ mọi thành phần dân tộc, từ các cựu quân dân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa cho đến các cựu đảng viên Đảng cộng sản và nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên sau ngày 30 tháng 4/1975. Mục tiêu sau cùng (cứu cánh) của chúng tôi đó là dân chủ hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi người, thuộc mọi thành phần tham gia vào tổ chức của chúng tôi. Lãnh đạo hiện nay của Tập Hợp là ông Nguyễn Gia Kiểng, một cựu công chức của Việt Nam Cộng Hòa và trong tương lai chúng tôi sẵn sàng bầu chọn một cựu đảng viên Đảng cộng sản vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của Tập Hợp nếu người đó có khả năng và xứng đáng.

Sức mạnh của một dân tộc là sự đoàn kết. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để có đoàn kết dân tộc, cùng nhau chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên của tự do và dân chủ thật sự.

Việt Hoàng

(4/5/2021)