Sau cải cách, bầu cử ở Hồng Kông "giống như bầu cử cấp thôn" ở Hoa lục - GS. Jean-Pierre Cabestan

Ngày 17/03/2021, Mỹ trừng phạt thêm 24 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc trấn áp các quyền tự do chính trị ở đặc khu hành chính sau khi Quốc Hội Trung Quốc biểu quyết thông qua quyết định về hoàn thiện chế độ bầu cử đặc khu hành chính Hồng Kông vào ngày 11/03.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong một phiên họp của Hội đồng Lập pháp Legco, ngày 17/03/2021.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong một phiên họp của Hội đồng Lập pháp Legco, ngày 17/03/2021. AP - Vincent Yu


Dù nội dung chưa được công bố rõ ràng, nhưng quyết định trên sẽ tăng cường sàng lọc ứng viên trung thành với chính quyền trung ương, tăng vai trò và số thành viên của « Ủy ban Bầu cử » Hồng Kông, từ 1.200 lên thành 1.500 người. Cơ quan này phục tùng Bắc Kinh, có quyền bầu ra gần 1/3 số đại biểu trong Hội đồng Lập pháp, nên giúp chính quyền trung ương luôn có được đa số ủng hộ tại Legco kể từ khi Hồng Kông được trao trả lại vào năm 1997. Nghị Viện Hồng Kông cũng được tăng thêm số nghị sĩ, từ 70 lên thành 90.

Công luận Hồng Kông phản ứng như thế nào về việc cải cách luật bầu cử ? Viễn cảnh nào đang chờ phe ủng hộ dân chủ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptist, Hồng Kông.

*****

RFI : Quyết định cải cách bầu cử Hồng Kông được Quốc Hội Trung Quốc thông qua ngày 11/03/2021, xin giáo sư cho biết những điểm mới trong quyết định này !

GS. Jean-Pierre Cabestan : Đây là một cải cách hạn chế rất nhiều thực tiễn dân chủ ở Hồng Kông bởi vì họ lập ra một « hệ thống dân chủ » do đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo.

Trước hết, các ứng viên được lựa chọn phải nhờ vào sự xét duyệt của Ủy ban Bầu cử gồm 1.500 thành viên, trong đó phần lớn là những người « thân chế độ »« thân Bắc Kinh ». Tiếp theo, những ứng cử viên khả quan phải là những người yêu nước. Có nghĩa là họ phải ủng hộ đảng Cộng Sản hoặc không được chỉ trích đảng, không được đấu tranh ủng hộ quá trình dân chủ hóa chế độ Trung Quốc ở Hoa lục.

Ủy ban Bầu cử này sẽ không chỉ lựa chọn những ứng viên, như trước đây vẫn làm, vào vị trí trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, mà giờ còn chỉ định ứng viên vào các chức vụ trong Hội đồng Lập pháp, có nghĩa là Nghị Viện.

Ngoài ra, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông cũng sẽ bị tổ chức lại hoàn toàn. Ở Nghị Viện, có một thiểu số, từ 20-30 thành viên, sẽ được các phân khu bầu trực tiếp. Một số ghế tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút, từ 30-40 ghế, vẫn do các đoàn thể chức năng bầu ra như trước đây. Cuối cùng, một nhóm dân biểu khác, khoảng 30 người hoặc nhiều hơn, sẽ do Ủy ban Bầu cử bầu ra, có nghĩa là được chính 1.500 thành viên của ủy ban này chọn ra.

Đúng là Hồng Kông sẽ có một Nghị Viện mở rộng hơn, với 90 ghế thay vì 70 ghế như trước đây. Nhưng đó lại là một Nghị Viện ít dân chủ hơn rất nhiều vì chỉ có khoảng 20 hoặc 30 thành viên trên tổng số 90 nghị sĩ được cử tri trực tiếp bầu lên. Ngoài ra, các ứng viên cho các cuộc bầu cử phải chỉ là những người đảng Cộng Sản phê chuẩn. Có thể thấy là thông qua hệ thống bầu cử này, Hồng Kông xích lại gần rất nhiều với hệ thống tồn tại cho những hội đồng nhân dân địa phương hoặc những cuộc bầu cử cấp làng ở Hoa lục.

RFI : Vậy thành viên của Ủy ban Bầu cử, được phép bầu ra gần 1/3 nghị sĩ, sẽ được lựa chọn như thế nào ?

GS. Cabestan : Vẫn hơi giống kiểu cũ. Theo cách lựa chọn trước thì kết cấu của ủy ban này khá phức tạp vì có 5 hoặc 6 khu vực khác nhau. Nhưng có một khu vực sẽ biến mất, đó là khu vực đại diện cho các hội đồng cấp quận, chiếm 117 ghế trên tổng số 1.200 trước đây của ủy ban. Lý do là phần lớn trong số họ được bầu lên vào tháng 11/2019, thể hiện ủng hộ phe dân chủ và công khai chỉ trích chính phủ. Vì thế mà những đại biểu này bị gạt bỏ.

Hiện không biết chính xác chi tiết về thành phần của cử tri đoàn mới này, được mở rộng lên thành 1.500 thành viên, có nghĩa là đông hơn trước đây. Nhưng Bắc Kinh vẫn thường chỉ định vào ủy ban này những đồng minh chính trị trong các khu vực bầu cử theo địa lý, các đoàn thể chức năng, kinh tế và tài chính…

Vì thế, điều mà người ta gọi là cử tri đoàn, thực chất là một kiểu tập hợp những nhân vật được Bắc Kinh thông qua. Sẽ có nhiều thành viên hơn nhưng là do Bắc Kinh chỉ định và nằm dưới sự điều khiển của những người đại diện trên vùng đất Hồng Kông, trong đó có văn phòng liên lạc Bắc Kinh tại Hồng Kông.

RFI : Người dân và truyền thông Hồng Kông phản ứng thế nào về luật cải cách bầu cử này ?

GS. Cabestan : Về phía người dân mà tôi nghĩ là phần lớn bỏ phiếu cho phe dân chủ, dĩ nhiên là họ bị mất tinh thần. Hiện giờ người dân không nói công khai quá nhiều bởi vì báo chí hoạt động rộng rãi cho chính quyền. Báo chí địa phương giờ không còn nhiều độc lập. Điều này có thể thấy qua một số bài báo lên tiếng chỉ trích, đài phát thanh bằng tiếng Anh vẫn mời một số người như bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau) hay một số nhân vật khác bên phía ủng hộ dân chủ. Những người này chỉ trích gay gắt luật cải cách bầu cử Hồng Kông vì cho rằng luật mới này vừa vi phạm nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », vừa giết chết mọi hy vọng dân chủ hóa hoàn toàn Hồng Kông. Về phía báo chí thân Trung Quốc, báo chí chính thức của Hồng Kông thì chỉ tán thành cải cách này nhưng mọi người thì ít nghĩ như thế hơn.

Tôi nghĩ là có nhiều cam chịu, có nhiều bất bình đối lập. Nhưng liệu một khi dịch Covid-19 qua đi, người dân có dám phản đối một cách công khai hơn hay không ? Bởi vì với cải cách này, câu hỏi thực sự là liệu giờ có thể làm được gì ? Bắc Kinh nắm tất cả các lá bài trong tay và tôi thấy tiếc là người dân Hồng Kông không còn phương tiện để ngăn cải cách này được thông qua. Biện pháp đấu tranh duy nhất hiện nay là phát triển bên ngoài hệ thống chính trị chính thống, một xã hội dân sự, thông qua những tổ chức phi chính phủ và thông qua những hành động tập thể được tổ chức ngoài hệ thống chính trị.

RFI : Phe ủng hộ dân chủ sẽ gặp những hạn chế nào ? Tương lai nào đang chờ đón họ ?

GS. Cabestan : Tôi nghĩ là Bắc Kinh sẽ phản ứng khôn ngoan bằng cách cố chia rẽ phe dân chủ. Có thể là chấp nhận một số ứng cử viên này nhưng lại loại một số khác trong phe để gây chia rẽ hoặc cho thấy rằng nhiều ứng viên hay thành viên ở bên phe dân chủ là người yêu nước, còn một số khác thì không.

Nhưng một lần nữa phải nhắc lại là chính đảng Cộng Sản mới quyết định về « người yêu nước » này và trao « bằng yêu nước » cho họ. Như vậy, không có cơ quan chính thức, độc lập nào xác minh tính chân thật của lòng yêu nước này. Và tôi muốn nói thêm rằng chẳng có nước nào trên thế giới đến yêu cầu người dân trình « bằng yêu nước » để có thể ra tranh cử. Đây thực sự là sáng tạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptist, Hồng Kông.