Trung Quốc khai thác "đa phương" để củng cố vai trò của Đảng cộng sản

Càng phải đối mặt với những thử thách từ kinh tế đến địa chính trị, Bắc Kinh càng hô hào "thực thi chủ nghĩa đa phương" nhưng là để phục vụ quyền lợi của Trung Quốc. Trong bài tham luận "Trung Quốc-Nhật Bản : hai cái nhìn về chủ nghĩa đa phương…" đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tháng 12/2020, chuyên gia Pháp về Châu Á Valérie Niquet đưa ra nhận định như trên.

daphuong1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân hội nghị APEC 2020 nhấn mạnh đến hợp tác đa phương. Ảnh minh họa.  Reuters – Lim Huey Teng

Bài viết đúc kết những phát biểu của nhà nghiên cứu Valérie Niquet về địa chính trị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhân hội thảo hôm 23/11/2020 với chủ đề "The Future of Multilateralism in a (not yet) Post Pandemic World". 

RFI xin giới thiệu phần tác giả viết về Trung Quốc.

Quan điểm Trung Quốc về "thế giới đa phương"

"Tăng cường hợp tác, trao đổi và đẩy mạnh tinh thần liên đới" ngay cả việc chia sẻ vac-xin chống dịch Covid-19 : đó là những cụm từ chủ tịch Trung Quốc thường xuyên sử dụng kể từ khi cầm quyền cho đến tận ngày hôm nay. Từ 2012, lập trường của ông Tập Cận Bình không hề thay đổi : "Thực thi chủ nghĩa đa phương để bảo tồn trận tự quốc tế". Giọng điệu này giờ đây lại càng thêm cứng rắn nhằm "tô điểm lại hình ảnh của Trung Quốc đã bị đại dịch Covid-19 làm mai một trong mắt công luận quốc tế".

Nhiều phân tích cho rằng có ít nhất hai lý do để chính quyền của ông Tập khẩn trương khai thác chiêu bài đa phương đó : thử thách, từ về mặt y tế đến kinh tế và cả trước áp lực của nước ngoài buộc Bắc Kinh phải chứng tỏ gắn bó với mô hình "đa phương". Cùng lúc Trung Quốc nắm bắt cơ hội khẳng định vị trí trong một hệ thống toàn cầu đang "cần được dẫn dắt".

Thế giới đa phương và tự do mậu dịch, yếu tố sống còn đối với Trung Quốc

Theo Valérie Niquet, giọng điệu đó của ông Tập trước hết nhằm thuyết phục công luận Trung Quốc về thế thượng phong của Bắc Kinh, của hệ thống chính trị trên sân khấu quốc tế. Dù vậy tác giả bài tham luận cho rằng đã có một sự thành thật nào đó trong tính toán của ông Tập Cận Bình khi khai thác lá bài này do "Trung Quốc rất lệ thuộc vào các thị trường của nước ngoài, cho dù đang khẳng định tham vọng độc lập với thiên hạ. Trung Quốc cần kinh tế của thế giới năng động, đặc biệt là tại những điểm then chốt như ở Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, để những thị trường này mua hàng Trung Quốc".

Kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ thì ngay trong diễn văn tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos 2017 Trung Quốc nắm bắt cơ hội, nổi lên như một nhà "bảo vệ" mô hình mậu dịch tự do và rộng mở. Đầu tháng 12/2020 phát biểu qua cầu truyền hình trong khuôn khổ Diễn Đàn APEC ông Tập một lần nữa đã trở lại với những chủ đề như là một thế giới cùng "chia sẻ tương lai chung", hòa bình, rộng mở. Bắc Kinh gần như lập lại quan điểm này tại Diễn Đàn Hòa Bình Paris cũng với những từ ngữ như là "hợp tác", cùng nhau giải quyết những "thách thức chung toàn cầu" …

Vẫn theo nhà nghiên cứu Pháp, đả kích chính sách bảo hộ và đơn phương hành động của Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump luôn là kim chỉ nam trong tất cả những phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc. Kèm theo đó là mục đích "tăng cường trọng lượng và ảnh hưởng" của Trung Quốc mà qua đó là ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc với cộng đồng quốc tế cũng như với các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Biến mô hình Trung Quốc thành "chuẩn mực quốc tế"

Trung Quốc nhắc nhở đến vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc, chú trọng đến sự bình đẳng trong tiếng nói của mỗi thành viên trước hết là nhằm chiêu dụ các quốc gia đang trỗi dậy, nhằm lôi kéo các nước nghèo về phía mình trên những hồ sơ lớn như việc Trung Quốc đang bị lên án về chính sách đàn áp tại Tân Cương, trước những chỉ trích Bắc Kinh đã thao túng Tổ Chức Y Tế Thế Giới để che giấu tầm mức nguy hại của virus corona hay để gạt Đài Loan ra khỏi định chế có trụ sở tại Genève này.

Bà Valérie Niquet nhấn mạnh "mô hình thế giới đa phương theo kiểu của Trung Quốc" nhằm áp đặt một số "giá trị và chuẩn mực" của Bắc Kinh để làm đối trọng với mô hình tự do phương Tây.

Bằng chứng cụ thể nhất là gần đây, báo China Daily, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc "tự hỏi nên chăng cần viết lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc" để phản ánh trung thực hơn "tính đa dạng của các hệ thống chính trị trên toàn cầu ?"

Mục tiêu của Bắc Kinh là dùng lá bài "đa phương" để "mở rộng và củng cố sức mạnh của Trung Quốc qua đó tăng cường chính chính đáng của Đảng cộng sản đang nắm quyền". Chẳng vậy mà Hoàn Cầu Thời Báo nói thẳng là đã đến lúc Trung Quốc không chỉ "tham gia vào mô hình đa phương" mà còn phải "giành lấy vị trí lãnh đạo" trong mô hình đó. Để đạt được mục tiêu này, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đề ra hẳn mục tiêu "đưa khái niệm Đảng và Nhà nước" của Trung Quốc lên thành những "chuẩn mực quốc tế".

Loại Mỹ ra khỏi khu vực

Về quan hệ Mỹ-Trung sắp mở ra dưới chính quyền Joe Biden, chuyên gia Valérie Niquet tin chắc rằng Bắc Kinh muốn thiết lập lại một mối quan hệ "đặc biệt và ưu đãi" giữa hai siêu cường thế giới nhằm "giảm thiểu căng thẳng và vì mục tiêu ổn định tại Châu Á". Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc muốn "thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ, chấm dứt các mối liên minh kế thừa từ thời chiến tranh lạnh" giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á, làm "suy yếu tất cả các mối bang giao song phương mà Washington đã gầy dựng với nhiều nước trong vùng tương tự như chiến lược của Liên Xô cũ đối với Châu Âu" xưa kia.

Chính sách này đã được ghi rõ trong Sách Trắng về quốc phòng của Trung Quốc hồi 2015 và gần đây vừa được lập lại và mở rộng đến toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sau khi Bắc Kinh đặt bút ký hiệp định tự do mậu dịch mang tên Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực – RCEP với 10 thành viên Đông Nam Á cùng với 4 đối tác Châu Á-Thái Bình Dương.

Bắc Kinh đang xây dựng một "mô hình đa phương trong khu vực, độc lập" mà ở đó, trung tâm đầu não là Trung Quốc.

Phần phân tích về chính sách đa phương theo kiểu Trung Quốc của nhà nghiên cứu Pháp Valérie Niquet được kết luận bằng một chút hy vọng. Cái may đối với thế giới hiện nay là Trung Quốc bên cạnh lời lẽ hô hào về một thế giới "đa phương" vì lợi ích chung của nhân loại, về những sự hợp tác "có lợi cho cả đôi bên – win-win" thì đã lộ nguyên hình là một con cá mập.

Vào lúc truyền thông Bắc Kinh xem hiệp định RCEP được ký kết hôm 15/11/2020 như thành tích chưa từng có về mặt giao thương quốc tế thì chỉ hơn một chục ngày sau chính Trung Quốc đã cấm nhập rượu vang Úc để "trừng phạt" Canberra hủy hoại quan hệ song phương.

Một thí dụ khác nữa là trong lĩnh vực y tế, Bắc Kinh muốn chứng tỏ minh bạch về việc xử lý dịch Covid-19 và do vậy từ tháng 7/2020 đã đồng ý về nguyên tắc để cho các thanh tra viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến tận ổ dịch Vũ Hán. Nhưng 5 tháng sau, vẫn chưa một chuyên gia nào của thế giới đến được vùng đất cấm này !

Thanh Hà (tóm lược)

Nguồn : RFI, 16/12/2020