Luật Người lao động Việt Nam ở nước ngoài

Luật Người lao động Việt Nam ở nước ngoài có giúp gì được cho chính đối tượng ?

Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được biểu quyết tại Quốc hội vào chiều ngày 13/11 với đại đa số, 93% đại biểu có mặt tán thành, chỉ 1 phiếu chống và 3 phiếu không biểu quyết.

laodong1

Một thực tập sinh Việt Nam lao động tại Nhật. Reuters

Luật sửa đổi này quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, cũng như về Quỹ Hỗ Trợ việc làm ngoài nước, và về chính sách quản lý người lao động của Nhà nước Việt Nam.

Báo chí Nhà nước ghi nhận, trước đó trong phần thảo luận, có đại biểu đặc biệt quan tâm và có một số ý kiến không đồng ý với quy định lao động phải đăng ký ở cấp Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ông Nguyễn Huy, quản trị viên một nghiệp đoàn lao động của Nhật, đã làm tư vấn cho lao động Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều năm nay tại Osaka, chia sẻ quan điểm với Đài Á Châu Tự Do về luật sửa đổi :

"Hiện nay thì có vẻ là thêm một số cơ quan, công ty xuất khẩu lao động của Ủy ban nhân dân tỉnh, hoặc thành, có lẽ là họ muốn nhảy vào cái lĩnh vực này. Theo kiểu họ trình bày là để giảm bớt chi phí lao động cho các em. Thường thường các em đi từ Việt Nam qua Nhật làm việc thì chi phí đó dao động từ khoảng 5.000-10.000 đô tùy theo vùng miền và tùy theo công ty. Đối với chính phủ Nhật thì họ không muốn các em lao động mất cái số tiền quá lớn như vậy, và họ thường xuyên làm việc với Bộ Lao động Việt Nam để giảm thiểu được chi phí cho các em, càng ít càng tốt để khi qua bên này các em làm việc, mấy em không bị áp lực nợ nần ở Việt Nam, rồi đâm ra bỏ trốn bởi vì thu nhập bên này cũng không phải gọi là cao".

Luật Người lao động được nói là sẽ bảo đảm quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhưng những chuyên gia lâu năm làm việc với lao động Việt Nam cho rằng phải chờ xem, thậm chí họ nói họ không kỳ vọng vào luật sửa đổi cho lắm.

Ông Huy nói tiếp : "Nó có những cái bất cập như vậy : Việt Nam mình nói là ra luật mới này đề giảm thiểu chi phí của người lao động. Nhưng đối với tôi làm trong các lĩnh vực này lâu năm, thì tôi nghĩ nó không có thấy đổi gì nhiều lắm. Lý do là các em bên đó vẫn phải qua những trung gian môi giới. Có thể mình rất muốn trực tiếp nộp đơn cho công ty xuất khẩu lao động của Nhà nước. Nhưng mà công ty đó nói các em phải qua ông A, ông B, ông C, rồi mới tới họ. Cứ mỗi lần qua một cửa như vậy, thì các em lại mất một số tiền. Đó là lý do tôi nghĩ nó không có sự thay đổi nào".

Với Luật Người lao động ở nước ngoài, chưa rõ chi phí phải trả cho cơ quan xuất khẩu, hay là những tư nhân môi giới mượn danh nhà nước để hoạt động, sẽ ra sao. Nhưng hiện nay, mức phí là gánh nặng lớn nhất đối với các lao động Việt Nam phải đi nước ngoài.

"Ở Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc thì nó có chung một cái bất cập lớn nhất mà em nhận thấy, đó là người lao động trước khi đi qua Nhật hay đi lao động (nước ngoài) thì phải trả một số tiền môi giới rất là lớn".

Đó là phát biểu của cô Nhật Minh, từng làm việc phiên dịch cho các thực tập sinh qua Nhật lao động. Thực tập sinh là một dạng lao động theo hợp đồng, 3-5 năm, qua

Cô Minh chia sẻ : "Khi mình qua đây lao động thông qua các công ty môi giới thì người ta thu rất là nhiều. Trung bình một người lao động muốn đi qua Nhật làm việc thì mất khoảng từ 120 triệu cho đến khoảng 200 triệu. Thường số tiền môi giới này các bạn qua đây làm một năm hoặc là những bạn nào mà làm những công ty ít có tăng ca, thì khoảng 1 năm rưỡi mới trả được hết số tiền mà mình đã bỏ ra trước khi mình sang. Cho nên là thực tế là đi 3 năm, nhưng số tiền mình có thể tiết kiệm được nó rất là ít. Nếu bạn nào tiết kiệm lắm thì có thể mang về được khoảng 2 đến 300 triệu".

Cô Nhật Minh nhận xét cho dù luật có quy định rõ ràng, nhưng vẫn bất cập khi được thi hành :

"Sau bao nhiêu lần sửa đổi thì tiền môi giới thực tế là không được vượt quá 3.600 đô/người. Nhưng do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ở Việt Nam quản lý không có được chặt chẽ nên một số công ty môi giới vẫn thu cao hơn cái mức như vậy mà không có biên lai. Cho nên đây là cái vấn đề từ phía bên Việt Nam".

Ông Nguyễn Huy giải thích chi tiết hơn : "Thường là 1 em thực tập sinh ở vùng Osaka, thì tiền lương chưa trừ gì hết là khoảng 1.500 đô. Khi trừ tiền bảo hiểm, tiền thuế, tiền nhà thì mấy em sẽ còn trong tay khoảng 1.000 đô thôi. Cái đó mình tính cách căn bản, chưa có tăng ca. Tăng ca thì cũng tùy theo công việc, tình hình kinh tế của Nhật Bản. Hiện nay do dịch Corona thì hầu như là tăng ca nó bị giảm, gần như là không. Nên mấy em có hàng tháng trong tay, 1.000 đô. Ăn uống, sinh hoạt, khoảng 300 đô, tiêu xài này kia 1-200 đô. Như vậy tiền để dành 500 đô 1 tháng. Đó là trung bình nhưng mà chẳng hạn như gặp những công ty nó đối xử không tốt. Nó không có việc, nên nhiều khi mấy em nhận tiền lương chỉ còn 6-700 thôi, thì hầu như là không còn tiền để dành để gửi về cho bố mẹ, hoặc gửi để trả nợ".

Cô Nhật Minh nói, đó có lẽ cũng là nguyên nhân một số người Việt Nam lao động tại Nhật không chịu nổi và bỏ việc, bỏ công ty trốn đi, làm người bất hợp pháp. Từ đó, thời gian qua nạn người Việt tại Nhật bị phạm tội cũng gia tăng đáng kể.

"Trong luật lao động thì người ta ghi nghĩa vụ của người lao động là không được trốn, không được vi phạm việc trốn ra ngoài. Ghi rất là chặt chẽ nhưng rồi qua đây người ta không có quản lý được chuyện này. Cho nên là nếu có luật mới ra thì em hy vọng là chính phủ Việt Nam cũng làm sao để có thể đào tạo như thế nào để người lao động họ làm việc hết hợp đồng thì họ về nước".

Tuy nhiên cô khẳng định cô không hy vọng nhiều qua Luật Người lao động này vì ngay cả Quỹ hỗ trợ làm việc, được nêu trong Điều 69 của Luật sửa đổi, đã không giúp được gì cho lao động Việt Nam ở nước ngoài, xét trên kinh nghiệm làm việc với hàng trăm người của cô.

Điều 69 nói, "Mục tiêu của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ phòng ngừa và giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp".

Cô Minh nhận định : "Quỹ này tồn tại để người ta đền bù hoặc là bồi thường cho người lao động nếu công ty môi giới gặp trục trặc gì hay bị phá sản hay bị rút giấy phép. Nhưng mà hồi giờ thì em chưa có thấy các bạn thực tập sinh nào mà được sử dụng hay được bồi thường từ phía Việt Nam cả".

Lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài cần giúp đỡ nhiều do còn lắm bất cập. Nhưng liệu luật mới được Quốc hội Việt Nam thông qua có khắc phục được không thì còn quá sớm để nói. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 13/11/2020