Tại sao Việt Nam cải cách thành công chữ viết, Trung Quốc thì không ?

Tiếng Việt kỳ diệu

Hai dân tộc Kinh Việt Nam và Hán Trung Quốc (Trung Quốc) có nhiều điểm giống và khác nhau. Trong 1000 năm Bắc thuộc, nước ta bị Hán hóa toàn diện, các khác biệt bị xói mòn rất nhiều, kể cả về huyết thống. May sao tổ tiên ta vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất – ngôn ngữ. Giữ được thế cũng là nhờ tiếng Việt tiềm ẩn những tính năng kỳ diệu, chẳng hạn ngữ âm cực kỳ phong phú, có thể ghi âm hầu như mọi ngữ âm ngoại ngữ.

caicach1

Sau 1.000 năm bị Hán hóa, ngôn ngữ Việt chấp nhận chữ Hán nhưng cấm cửa tiếng Hán. Tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt (gọi là từ Hán-Việt) mà không đọc bằng tiếng Hán, tức Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến thành chữ của mình, gọi là chữ Nho với ý nghĩa "Chữ của người có học". Chữ Nho chính là chữ Hán đượcphiên âm ra tiếng Việt, vì thế dễ học hơn. Tổ tiên ta có thể dùng chữ Nho bút đàm giao dịch với quan chức chính quyền chiếm đóng, đạt được yêu cầu bắt dân ta học chữ của chúng. Rốt cuộc người Việt có chữ để ghi chép và giao tiếp nhưng vẫn đời đời nói tiếng mẹ đẻ, không ai nói tiếng Hán. Mưu toan Hán hóa ngôn ngữ hoàn toàn thất bại.

Giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ và nhờ đó giữ được nòi giống và đất nước mình — đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, là tổ tiên ta đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng bản ngữ. Chữ Nho đã thầm lặng vô hiệu hóa quá trình Hán hóa ngôn ngữ. Từ Hán-Việt đã giúp kho tàng từ vựng tiếng Việt phong phú thêm nhiều lần cả về số lượng và mỹ cảm. Cho dù khoảng 60% từ vựng tiếng Việt hiện nay có gốc Hán ngữ nhưng đó chỉ là hiện tượng giao thoa ngôn ngữ bình thường. Chẳng hạn tại Trung Quốc, khoảng 70% từ ngữ tiếng Hán hiện đại có gốc tiếng Nhật.

Để sửa nhược điểm chữ Nho không ghi được tiếng Việt, vào khoảng thế kỷ 12 tổ tiên ta làm một thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo : sáng tạo chữ Nôm có yếu tố biểu âm, ghi được tiếng Việt. Chữ Nôm cấu tạo trên nền tảng chữ Hán, biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì vậy phụ thuộc Hán ngữ và khó phổ cập, lại chưa được nhà nước công nhận, thời gian tồn tại quá ngắn so với chữ Nho. Tuy vậy, do văn thơ chữ Nôm thể hiện được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tạo dựng được một nền văn học mới trội hơn hẳn văn học chữ Nho, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ nền văn hóa Việt. Thử nghiệm này còn hé lộ một tiềm năng cực kỳ quý giá của tiếng Việt — thích hợp chữ biểu âm(phonograph). Đây là điều kiện tất yếu để 5 thế kỷ sau các giáo sĩ Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes…làm được chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. Giả thử các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy đến Trung Quốc làm chữ biểu âm cho tiếng Hán thì chắc chắn họ sẽ thất bại, bởi lẽ tiếng Hán không thích hợp chữ biểu âm.
Với hai ưu điểm quý giá –– biểu âm và Latinh hóa, chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi hẳn đời sống ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền văn minh Việt. Loại chữ này ghi âm được 100% tiếng Việt, thực hiện nói/nghĩ thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy, lại dễ học dễ dùng chưa từng thấy. Giới tinh hoa nước ta ca ngợiChữ Quốc ngữ là hồn đất nước.

Nói chữ biểu âm Latin hóa là loại chữ viết tiên tiến chắc sẽ bị những người theo "Thuyết chữ Hán ưu việt" phủ định, nhưng lại được hai sự việc sau khẳng định :
1) Người Trung Quốc từng bỏ ra ngót 100 năm thực thi cải cách chữ viết theo hướng làm chữ biểu âm Latin hóa thay cho chữ Hán. 

2) Toàn bộ 14 phương án chữ viết do Nhà nước Trung Quốc sau năm 1949 làm cho 10 dân tộc thiểu số chưa có chữ đều dùng chữ biểu âm Latin hóa. Dân tộc Tráng từ xưa đã có chữ vuông kiểu chữ Nôm, Nhà nước vẫn làm chữ mới biểu âm Latin hóa cho họ.

Chữ Quốc ngữ đã thúc đẩy nền văn minh Việt phát triển với tốc độ gấp trăm lần quá khứ. Thứ chữ này nhanh chóng được toàn dân chào đón và học tập, vừa nâng cao dân trí vừa có tác dụng thống nhất âm tiếng Việt trong cả nước, qua đó góp phần thống nhất dân tộc. Dùng chữ Quốc ngữ có thể dịch các từ ngữ Hán hoặc Nôm và ngoại văn ra tiếng Việt, nhờ thế dân ta được tiếp xúc với kho tàng văn hóa của tổ tiên, các trào lưu tư tưởng mới và khoa học kỹ thuật phương Tây. Các lĩnh vực văn học, giáo dục, nghệ thuật, báo chí, xuất bản nhanh chóng hình thành và phát triển, vượt xa mấy nghìn năm cũ. Cây văn hóa Việt Nam vươn cao, thoát khỏi nguy cơ còi cọc vì cớm nắng do ở cạnh đại thụ văn hóa Trung Hoa. Phạm Quỳnh nói Chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Đúng thế, dùng chữ Quốc ngữ có thể ghi lại mọi ý nghĩ, không bị gián đoạn do phải tra tìm chữ như khi dùng chữ Hán, chữ Nôm. Trí tuệ được giải phóng dẫn đến sự hình thành một tầng lớp trí thức tân tiến. Do chữ cái Latin dùng được kỹ thuật in chữ rời, các sách báo, ấn phẩm đua nhau xuất bản. Các tổ chức cách mạng đều dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền tư tưởng yêu nước chống thực dân phong kiến.

Chữ Quốc ngữ làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ hoàn toàn độc lập với Hán ngữ. Thời xưa Việt Nam, Nhật, bán đảo Triều Tiên đều dùng chữ Hán ; khi thấy mặt hạn chế của nó, cả ba đều cố "Thoát Hán" về ngôn ngữ. Bán đảo Triều Tiên thế kỷ 15 làm chữ biểu âm Hangul, nhưng Hàn Quốc hiện vẫn phải dùng chữ Hán để chú giải các từ ngữ cần chính xác (như về pháp lý). Người Nhật thế kỷ 9 làm chữ biểu âm Kana, nhưng hiện vẫn dùng gần 2000 chữ Hán. Riêng Việt Nam nhờ dùng chữ Quốc ngữ mà từ năm 1919 chính thức bỏ chữ Hán. Quá trình "Thoát Hán -Thoát Khổng" này nhanh gọn, không gây ra sự đứt gãy văn hóa, là một thắng lợi văn hóa-tư tưởng cực kỳ quan trọng của dân tộc ta.

Hán ngữ nhìn từ tiếng Việt

Sau khi tiếp xúc phương Tây, giới tinh hoa Trung Quốc nhận ra các nhược điểm nghiêm trọng của chữ Hán. Từ cuối thế kỷ 19, họ bắt đầu nghiên cứu cải cách Hán ngữ theo hướng phiên âm hóa chữ Hán do nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đề ra năm 1605. Đầu tiên họ làm ra chữ thiết âm (1892), đến 1911 đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm. Thời Ngũ Tứ, nhiều học giả đòi bỏ chữ Hán, dùng chữ phiên âm. Năm 1918, Trung Quốc ban hành phương án "Chú âm Tự mẫu" dùng 39 chữ cái ghi âm Hán ngữ, là công cụ để nghiên cứu phần ngữ âm tiếng Hán. Phương án này hiện vẫn dùng ở Đài Loan và trong các tự điển của Trung Quốc.

Năm 1952, Mao Trạch Đông chỉ thị cải cách chữ Hán phải theo xu hướng phiên âm chung của thế giới. Năm 1954 Trung Quốc lập Ủy ban Cải cách chữ viết, tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô lớn chưa từng có. Ngô Ngọc Chương, Chủ nhiệm Ủy ban, nói : Trung Quốc sau này sớm muộn sẽ phải chuyển sang dùng chữ phiên âm (tức chữ biểu âm), đây là quy luật khách quan phát triển chữ viết của thế giới ; nhưng Trung Quốc không chủ trương bỏ chữ Hán…

Cải cách chữ viết đã đạt được thành tựu quan trọng : – Đơn giản hóa (bớt nét) được vài nghìn chữ Hán để chữ trở nên dễ học dễ nhớ ; – Làm ra Phương án Pinyin Hán ngữ dùng chữ cái Latin có thể ghi chú âm (phiên âm) cho chữ Hán, mã hóa chữ Hán đưa vào máy tính, đánh chữ trên máy tính và smartphone, quốc tế hóa chữ Hán ; – Chuẩn hóa chữ Hán, xác định Tiếng Phổ thông (Standard Mandarin) là tiếng nói của toàn dân. Các thành tựu trên đã được luật hóa và áp dụng trong cả nước, giúp nâng cao tỷ lệ biết chữ, thống nhất ngôn ngữ. Hiện nay Trung Quốc đã áp dụng rộng rãi chế độ "Nhất ngữ Song văn" (Một tiếng nói, hai chữ viết) : Toàn dân nói một thứ tiếng Phổ thông ; chữ Hán là chữ viết pháp định, vẫn dùng như cũ, kèm theo dùng chữ Pinyin Hán ngữ để ghi âm chữ Hán.

Từ 1986, Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc ngừng đặt vấn đề làm chữ biểu âm thay chữ Hán, và nói tương lai chữ Hán sẽ do các thế hệ sau quyết định. Nghĩa là rốt cuộc Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.
Ở đây có hai vấn đề : có nên bỏ chữ Hán không và có thể làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ không. Rõ ràng, bỏ chữ Hán sẽ gây thảm họa bỏ mất di sản vĩ đại của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm ; 1,4 tỷ người Hoa không thể chấp nhận. Mặt khác, việc làm chữ biểu âm có nhiều khó khăn, chủ yếu do Hán ngữ có quá nhiều chữ hoặc từ đồng âm.

Chữ/từ đồng âm (homophonic words) là những chữ/từ khác nhau về tự hình và ý nghĩa nhưng đọc cùng âm, do đó mỗi chữ/từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, khi nghe đọc hoặc khi dùng chữ biểu âm sẽ không phân biệt được, gây hiểu lầm. Chữ đồng âm dẫn tới cụm từ đồng âm, làm cho ngôn ngữ kém chính xác. Đây là vấn đề của Hán ngữ chứ không phải của chữ Hán. Một ngôn ngữ chính xác thì không nên có chữ/từ đồng âm, nhưng thực tế ngôn ngữ nào cũng ít nhiều có hiện tượng này. Khi có nhiều chữ/từ đồng âm thì không thể dùng chữ biểu âm –– vì nhìn chữ sẽ chẳng hiểu gì. Như câukhi nhìn chữ Hán (chữ biểu ý, ideograph) thì có thể hiểu ý nghĩa, nhưng nhìn chữ biểu âm Ta jiao ta gen ta zou thì chẳng thể hiểu, vì ba chữ  (he, she, it) cùng đọc [ta]. Đoạn văn 施氏食狮史  cho thấy rõ nạn nhiều chữ/từ đồng âm đã giết chết chữ biểu âm.

Tổ tiên người Trung Quốc hiểu lẽ đó nên đã làm chữ viết có tính biểu ý (tức chữ Hán) mà không làm chữ biểu âm. Thế nhưng hiện nay một số học giả Trung Quốc vẫn hy vọng giải quyết được vấn đề chữ đồng âm và do đó làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ.

Qua nghiên cứu tiếng Hán từ trên nền tảng tiếng Việt, chúng tôi cho rằng hy vọng nói trên là không hiện thực. Ngay từ năm 1954 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc đã đặt nhiệm vụ tham khảo chữ Quốc ngữ Việt Nam. Nhưng năm 2009 một học giả hàng đầu Trung Quốc chê bai : "Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười".Do nhìn chữ Quốc ngữ với con mắt trọng tự hình, nhẹ ngữ âm nên họ chỉ thấy "giày, mũ" mà chưa thấy một điều quan trọng : tiếng Việt giàu âm tiết, tiếng Hán nghèo âm tiết, do đó Hán ngữ có quá nhiều chữ đồng âm, hậu quả là không làm được chữ biểu âm.
"Nghèo âm tiết" là nói số âm tiết của ngôn ngữ đó nhỏ hơn số đơn từ thông dụng.

Để xác minh Hán ngữ nghèo âm tiết, chúng tôi đã dùng "Tự điển Tân Hoa" bản thứ 10 华字典第10 双色本 (có 8.700 đơn tự) để thống kê số âm tiết có trong tự điển, kết quả được 415 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 393 âm tiết có 2 chữ trở lên (tức có chữ đồng âm) ; đổ đồng mỗi âm tiết có 22 chữ đồng âm. Một số âm tiết có quá nhiều chữ đồng âm : [yi] có 135, [ji] – 123, [yu] – 118, [xi] – 103,…. So với 8.105 chữ thông dụng Nhà nước Trung Quốc quy định thì 415 âm tiết rõ ràng là nghèo âm tiết
Số liệu trên không khác với số liệu của Trung Quốc [1]. Li Gong-Yi dựa "Hán tự Tin tức tự điển" (7.785 đơn tự) thống kê, được414 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 392 âm tiết có chữ đồng âm ; [yi] có 131, [ji] – 121, [yu] – 115, [xi] – 102, [fu] – 99 chữ. Khi thống kê theo "Từ Hải" (19.485 đơn tự), âm [yì] (khứ thanh) có 195 chữ ! Thống kê âm tiết có xét thanh điệu thì tiếng Hán có khoảng 1.400 âm tiết –– so với 8105 chữ thông dụng thì vẫn là quá nghèo âm tiết. Nếu xét toàn kho chữ Hán có khoảng 100 nghìn chữ (và không ngừng tăng) thì số chữ đồng âm quá nhiều.

Dễ thấy tiếng Việt giàu âm tiết : có 11 âm ă, â, b, đ, gh, ô, ơ, ư, v, ng, nh mà tiếng Hán không có ; về thanh điệu tiếng ta có 6, tiếng Hán 4. Thống kê âm tiết (không xét thanh điệu) bắt đầu bằng nguyên âm A : tiếng ta có 27, tiếng Hán có 5 âm tiết [2]. Hơn nữa tiếng ta có nhiều âm tiết chưa dùng, như đỉu, đĩu, bỉa, bĩa… Hiện chưa có số liệu âm tiết tiếng Việt do Nhà nước công bố. Một công bố trên mạng cho biết tiếng Việt có 17.974 âm tiết, trong đó quá nửa chưa dùng. Một công bố khác nói có hơn 6.000 âm tiết đã dùng.
Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn âm tiết (đơn lập, monosyllabic), mỗi tiếng một âm tiết, do đó cần dùng rất nhiều âm tiết, vì thế dễ xảy ra nạn lắm chữ/từ đồng âm. Như đã nói, tiếng Việt giàu âm tiết nên không có nạn đồng âm, do đó làm được chữ biểu âm ; tiếng Hán nghèo âm tiết nên có nạn đồng âm nghiêm trọng, do đó không làm được chữ biểu âm. Theo chúng tôi, chừng nào Hán ngữ còn là ngôn ngữ đơn lập và nghèo âm tiết thì còn chưa thể làm chữ biểu âm, suy ra không thể thay được chữ Hán. Kết luận này dường như không hợp với quan điểm của một số học giả Trung Quốc.

Đặc điểm của ngôn ngữ đa âm tiết

Có một sự thực khó hiểu : tiếng Nhật ít âm tiết hơn tiếng Hán (100 so với 415) mà vẫn làm được chữ biểu âm Kana –– điều đó chứng tỏ tiếng Nhật có số đơn từ khác âm nhiều hơn số đơn từ thông dụng.
Như đã biết, tiếng Nhật thuộc loại ngôn ngữ đa âm tiết (đa lập, multisyllabic), ví dụ từ samurai và Hiroshima có 3 và 4 âm tiết.
Trong ngôn ngữ đa âm tiết, mỗi đơn từ có thể là một chỉnh hợp (arrangement, tức tổ hợp có phân biệt thứ tự) gồm ít nhất 2 âm tiết khác nhau. Sau đây sẽ dùng toán học để chứng minh kết cấu chỉnh hợp có khả năng tạo ra tổng số đơn từ lớn hơn tổng số âm tiết của ngôn ngữ. Khi ấy được bài toán tính số chỉnh hợp chập k của một tập hợp chứa n phần tử. nlà lượng âm tiết của ngôn ngữ ; k là số âm tiết khác nhau trong một đơn từ, A là số lượng các chỉnh hợp (đơn từ) tạo ra từ n âm tiết. Kết quả A bằng n giai thừa (factorial) chia cho (n – k) giai thừa :

A (n, k) = n ! / (n-k) !
Rõ ràng A lớn hơn n rất nhiều ; k càng lớn thì A càng lớn. Khi k=2 thì A= (n-1) n ; khi k=3 thì A=(n-2) (n-1) n…
Tóm lại, kết cấu chỉnh hợp có ưu điểm tạo ra số lượng đơn từ rất lớn, khiến cho ngôn ngữ nghèo âm tiết vẫn làm được chữ biểu âm (chẳng hạn tiếng Nhật).
Ví dụ một ngôn ngữ có 415 âm tiết (n = 415), khi mỗi đơn từ là một chỉnh hợp 2 âm tiết (k = 2, như city, семья) thì tổng số đơn từ A sẽ bằng (415-1)(415), tức 171810 đơn từ, quá nhiều so với 415 âm tiết. Khi k = 3 (như minister, привычка) được 70957530 đơn từ.
Giả thử Hán ngữ là ngôn ngữ đa âm tiết, mỗi từ 2 âm tiết, thì do có 171810 đơn từ nên không có chữ đồng âm. Tiếc rằng không thể cải tạo ngôn ngữ đơn âm tiết thành đa âm tiết. Người Nhật có thể chỉ dùng chữ Kana mà không dùng chữ Hán, nhưng vì để thừa kế di sản văn hóa cổ mà hiện nay họ vẫn dùng gần 2000 chữ Hán kết hợp với chữ Kana.

Kết luận

Các trình bày nói trên đã chứng minh hai luận điểm của tác giả :
1. Ngôn ngữ đơn lập nếu nghèo âm tiết thì không thể làm được chữ biểu âm, nếu giàu âm tiết thì làm được chữ biểu âm. 
2. Ngôn ngữ đa lập dù nghèo âm tiết vẫn có thể làm được chữ biểu âm.
Từ đó giải đáp được các câu hỏi vì sao cùng là ngôn ngữ đơn lập mà tiếng Việt làm được chữ biểu âm còn tiếng Hán thì không ; vì sao tiếng Nhật rất nghèo âm tiết lại làm được chữ biểu âm ; vì sao phần lớn các nước đều dùng ngôn ngữ đa lập và chữ biểu âm.
Xin nói thêm : cho dù hiện nay chữ Hán vẫn bị phê phán, song cần thấy rằng chữ Hán là lựa chọn hợp lý của tổ tiên người Trung Quốc. Chữ Hán có tính biểu ý thích hợp với một đất nước quá rộng và đông dân, nói hàng trăm phương ngữ khác nhau, hơn nữa ngôn ngữ nói có quá nhiều chữ/từ đồng âm, nếu chỉ dựa vào thính giác thì rất khó phân biệt (nhưng không thể tránh được tình trạng này, bởi lẽ Hán ngữ nghèo âm tiết). Những lý do ấy không cho phép Hán ngữ dùng chữ biểu âm ; từ đó suy ra chữ Hán sẽ không thể bị thay thế, –– nghĩa là chữ Hán sẽ không bao giờ bị từ bỏ. Giới học giả Trung Quốc ngày nay chấp nhận quan điểm Chữ Hán là báu vật của văn minh cổ đại lại là gánh nặng của văn minh hiện đại, nhưng người Trung Quốc sẽ không vì mang gánh nặng ấy mà tiến chậm trên con đường hiện đại hóa, bởi lẽ họ nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ lại được tiếp nguồn sức mạnh to lớn của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/06/2020
———–
[1]苏培成著 "二十世纪的现代汉语研究", 书海出版社2001.
[2] Tiếng Việt : a, ac, ach, ai, am, an, ang, anh, ao, ap, at, au, ay ; ăc, ăm, ăn, ăng, ăp, ăt ; âc, âm, ân, âng, âp, ât, âu, ây (27 âm tiết). Tiếng Hán : a, ai, an, ang, ao (5 âm tiết).