Mạn đàm : Thời gian (Nguyễn Gia Kiểng)

Xin giới thiệu lại với độc giả Thông Luận bài viết mạn đàm về Thời Gian của ông Nguyễn Gia Kiểng vào năm 1997. "Thời gian là liều thuốc chữa ưu phiền và chữa cả mê say''. Đúng là như thế! Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, thì trí thức Việt Nam cần quyết tâm hơn, cần phải dấn thân hơn nữa. Một điều quan trọng, tổ chức chính trị là nơi hoà giải những ưu phiền và làm đầy mê say cho một người tranh đấu chính trị.


Tả con chim bồ câu - Tri Thức - Tài Nguyên N.A


Mùa hè lại về với những người sống trên bắc bán cầu. Dân Nam Kỳ như Úc và Niu Zi-Lân cũng có mùa hè của họ, nhưng vào lúc dân Bắc Kỳ đang run cầm cập trong tiết đông hàn. Hè là mùa thoải mái nhất trong năm. Nhiều ánh sáng và hoa lá hơn, ít quần áo và bận rộn hơn. Dù đi hay ở thì hè vẫn là thời gian để nghỉ ngơi lấy sức và suy nghĩ vẫn vơ. Trong những lúc thư nhàn đó hầu xin hiến quí vị một vài câu chuyện tản mạn về thời gian.



Trước hết là một câu chuyện văn hóa nghệ thuật. Tôi có diễm phúc quen thân nhiều người làm thơ, phần lớn là thơ lục bát. Tôi rất có cảm tình với thể thơ này. Nó là một phương tiện giải trí quần chúng giản dị và lành mạnh. Thơ lục bát cũng gần gũi với người Việt Nam như tô phở. Người Việt Nam thích làm thơ lục bát như trẻ con Nam Mỹ ham đá banh. Trong số các nhà thơ này có một người làm thơ rất hay. Anh thường mời tôi ăn cơm, đọc thơ cho tôi nghe và giảng giải từng câu từng chữ để giúp tôi thưởng thức hết cái hay của những bài thơ anh sáng tác. Bạn tôi hận đời lắm. Anh nghĩ thơ anh còn hay hơn cả thơ Nguyễn Du, mà sao thơ Nguyễn Du vĩ đại đến thế, còn thơ anh thì phải nấu phở khoản đãi người ta mới chịu nghe. Tôi an ủi bạn tôi rằng bây giờ nếu Nguyễn Du có sống lại và làm thơ như trước cũng chẳng ai cho là hay. Chúng tôi đồng ý với nhau thời đại này rất thiếu văn hóa, không biết thưởng thức thơ. Nhưng điều tôi không dám nói với bạn tôi là Nguyễn Du đã đi trước thời đại của ông 200 năm và chính điều đó khiến ông thành vĩ đại, còn bạn tôi chỉ đi cùng nhịp độ với thời đại của mình nên lẫn lộn trong vô số nhà thơ lục bát khác.



Khi tôi vừa tới Pháp, thấm thoát cũng gần mười lăm năm rồi, tôi được nghe nói về một người bạn cũ đang tranh đấu full time cho một tổ chức chính trị. Các bạn tôi ca tụng anh như một Phan Bội Châu hay một Phan Chu Trinh thời nay. Anh ta có vẻ hài lòng với danh vị chí sĩ này mà theo tôi anh rất xứng đáng. Mức độ dấn thân, trình độ hiểu biết và lý luận của anh không thua gì hai ông Phan mà còn có phần hơn. Tôi đã làm nhiều người khó chịu khi hỏi : ''Nếu bằng Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh thì ăn cái giải gì ?''.



Không phải là tôi không kính phục hai nhà chí sĩ họ Phan. Tôi rất ngưỡng mộ tư cách, sự sáng suốt và dũng cảm của họ. Đối với Phan Chu Trinh, tôi còn kính nể cả về tư tưởng. Nhưng phải nhìn nhận là sự hiểu biết của họ khá sơ sài. Phan Bội Châu có chí khí, có tấm lòng son sắt và rất có tài hùng biện. Văn của ông hùng hồn, thống thiết và rực lửa, làm nức lòng người. Nhờ thế ông đã thức tĩnh sĩ phu Việt Nam hồi đó. Nhưng trong ''Việt Nam Vong Quốc Sử'', viết vào năm 1905 thì phải, ông rất sai về diện tích và dân số Việt Nam. Nếu những dữ kiện cơ bản như vậy mà ông còn lầm lẫn đến thế thì những kiến thức khác của ông cũng đáng ngờ vực lắm. Đó là lối đấu tranh bằng tâm huyết hồi đầu thế kỷ này. Nhưng chúng ta đang ở cuối thế kỷ.



Cũng nhân nói về Phan Bội Châu, tôi nhận xét trong các nhân sĩ hải ngoại có một vị hình như lấy Phan Bội Châu làm mẫu mực, và đã thành công. Không những ông đã đạt tới ngang tầm Phan Bội Châu mà còn trội hơn trên một số điểm. Ông cũng đầy nhiệt huyết và khí khái, văn của cũng hùng hồn rực lửa. Nhưng sao Phan Bội Châu thì được tôn kính, còn ông thì không những không được trọng vọng mà còn bị một số người ác miệng bảo là khùng ? Lý do là vì ba phần tư thế kỷ đã ngăn cách ông với ông Phan Bội Châu.



Đến đây, trước khi tiếp tục, xin được có đôi lời phi lộ. Một vài bài viết trước đây của tôi đã khiến một số người trách tôi là không tôn trọng tổ tiên. Tôi rất tôn trọng người trước vì đó là nguồn gốc và cũng là tài sản của mình. Nhưng tôi không quan niệm tôn trọng họ là phải ca tụng họ một cách không phê phán và lấy họ làm mẫu mực. Phân tích lịch sử của chính mình một cách không khoan nhượng để rút lấy những bài học cần thiết cho tương lai là điều mọi dân tộc phải làm. Điều đó không có nghĩa phủ nhận người xưa. Làm sao có thể phủ nhận ? Có ai có lựa tổ tiên mình đâu. Vả lại, nhìn thấy cái thiếu sót của tổ tiên mà vẫn kính mến mới thực sự kính mến.



Tôi từng có một người bạn vong niên, ông Ngô Đình Luyện. Ông sinh trước tôi tới hơn ba con giáp nhưng chúng tôi lại rất tâm đầu ý hiệp. Mỗi lần chúng tôi nói chuyện với nhau mà lại có chai bordeaux thì quả đúng như phương châm của một tờ báo mà quí vị có lẽ cũng biết như tôi : không có ý kiến nào cấm nêu ra và cũng không có đề tài nào cấm bàn đến. Chúng tôi nói chuyện thoải mái với nhau về cả tấn thảm kịch gia đình của ông, nghĩa là chế độ Ngô Đình Diệm. Ơ? đây tôi cũng cần đính chính với một số độc giả một sai lầm oan cho ông Ngô Đình Luyện : ông Luyện không phải do ông Diệm bổ nhiệm làm đại sứ, ông đã là đại sứ trước khi ông Diệm lên nắm chính quyền, dù không lâu. Ông Luyện rất thân với ông Bảo Đại vì đã được chọn ngay từ năm mười tuổi để làm bạn chơi và bạn học với ông Bảo Đại, cho thái tử khỏi cô đơn. Ông Luyện là một người rất cởi mở và tiến bộ nhưng ông đã không ảnh hưởng được lên chế độ của anh ông vì những lời ông nói không lọt tai ông Diệm. Có lẽ ông Luyện đã thiếu đức tính mà đáng lẽ do nghề nghiệp ông phải có là ngoại giao.



Ông Diệm cần kiệm, liêm chính, ''thức khuya dậy sớm, chăm lo công việc quốc gia từng giờ từng phút'' như lời ông nói sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960. Nhưng ông lầm thời đại. Ông vẫn lấy các vua chúa ngày xưa làm mẫu mực. Làm tổng thống nhưng ông lại tưởng mình làm vua. Ông anh minh hơn các vị vua ngày trước nhiều và ngạc nhiên tại sao dân chúng không hết lòng suy tôn ông. Ngay cả những từ ngữ ''anh minh'', ''suy tôn'' cũng tố giác tâm lý quân chủ của ông Diệm. Với tâm lý quân chủ này tất nhiên ông Diệm thấy mọi việc ông làm là quá đúng. Em vua thì tất nhiên phải có tước vương rồi. Vậy mà ông mới chỉ cho các em làm cố vấn thôi người ta đã gièm pha, thật là tệ. Và rồi thay vì được tôn kính như một anh quân, ông Diệm đã bị chống đối như một tổng thống lỗi thời. Ông chết trong tiếng reo hò vui mừng của rất nhiều người. Ông chết một cách rất anh hùng, nhưng sao không mấy ai thương nhớ ? Tất cả chỉ vì ông đã không theo kịp thời gian.



Đã nói tới ông Diệm thì cũng không thể không nói tới đảng cộng sản. Cuộc tranh cãi về công và tội của đảng cộng sản có cái gì rất không ổn. Đối với những người chống cộng, đảng cộng sản chỉ là một tai họa cho đất nước, nó chỉ là gian trá, độc ác, dã man, ngu dốt. Đối với người cộng sản thì trái hẳn, đảng cộng sản có công lớn nhất trong lịch sử, lớn đến độ nó cho phép họ cầm quyền vô hạn định. Cuộc tranh cãi này giống như cuộc cãi lộn trong đó hai người đều bịt tai lại và chỉ hò hét các lý của mình, càng thấy người trước mặt mình bịt tai không nghe càng hét to. Rốt cuộc cả hai đều đỏ mặt tía tai hò hét nhưng chẳng ai thuyết phục được ai.



Người cộng sản không phải không có lý. Họ đã giải phóng đất nước giành được độc lập, công trạng ấy kém gì Lê Lợi ? Họ đã đánh bại được cả hai cường quốc Pháp và Mỹ, có kém gì Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên ? Họ đã thống nhất đất nước, có thua gì Đinh Tiên Hoàng ? Tất cả những vinh quang nhất của lịch sử tập trung vào họ. Trong lịch sử Việt Nam đã có triều đại nào bằng được họ ? Họ còn hơn hẳn các triều trước về dân sinh và dân quyền. Có triều đại nào đề cao vai trò người dân và lo cho dân bằng họ, có triều đại nào thăng tiến những người dân cùng khổ bằng họ ? Bằng cớ là biết bao nhiêu người thuộc ''thành phần cơ bản'' nhờ họ đã thành tướng tá, giám đốc, chủ tịch ủy ban nhân dân, bí thư huyện ủy. Ngay chính ông Đỗ Mười xuất thân chỉ là một tay thiến heo mà cũng trở thành nhân vật quyền lực số một.



Với một công trạng hiển hách như vậy, họ cảm thấy rất phẫn nộ khi có những người nói họ chỉ là đồ phá hoại. Họ phẫn nộ vì cảm thấy bị đối xử rất bất công, và không nghe nữa. Vả lại có nghe đi nữa cũng chẳng thấy lập luận nào có sức thuyết phục. Bảo rằng công lao giải phóng là của toàn dân chứ không phải của đảng cộng sản ? Lý sự cùn ! Bộ Lê Lợi, Trần Hưng Đạo chiến đấu một mình hay sao, cuộc chiến đấu nào mà không do hy sinh của toàn dân ? Bảo rằng họ chạy theo một lý tưởng ngoại lai ? Cũng lý sự cùn ! Thế Phật Giáo, Khổng Giáo, Thiên Chúa Giáo là thuần túy Việt Nam hay sao ? Và tại sao họ lại không có quyền du nhập một chủ nghĩa nếu thấy nó có lợi cho đất nước ? Nói họ là tay sai của Quốc Tế Cộng Sản, họ cũng gạt đi một cách khinh bỉ. Họ dựa vào Trung Quốc và Liên Xô nhưng ít nhất cũng có quyền tự quyết hơn hẳn các chính quyền quốc gia đối với Pháp và Mỹ. Lên án họ là tàn bạo họ cũng không tin. Có triều đại Việt Nam nào mà không tiêu diệt những kẻ chống đối ? Nhưng họ nhân đạo hơn nhiều. Họ không tru di tam tộc như những vua chúa ngày trước, chỉ giết một số người thôi, còn thì bỏ tù. Họ cũng không trừng trị vợ con những người chống đối họ, dù có phân biệt đối xử, như thế vẫn là quá nhẹ so với các triều đại trước. Họ cũng không giết hại công thần như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, cùng lắm chỉ bỏ tù bọn ''xét lại chống đảng''. Họ nghĩ họ rất nhân đạo, họ đã tha tội chết cho ''ngụy quân ngụy quyền'', chỉ bắt đi cải tạo. Về điểm này tôi đã trao đổi với khá nhiều cán bộ cộng sản và thấy họ thành thực nghĩ là họ đã rất nhân đạo. Không phải chỉ có người cộng sản nghĩ như vậy, mà một số người khác - may là không nhiều - cũng đồng ý với họ. Cháu tôi vào năm 1975 rất phấn khởi hồ hởi với chiến thắng của đảng cộng sản, nó nói với ông nội là tội ''chống cách mạng'' của bố và các chú lớn lắm, đáng lẽ là tội chết mới đúng (lúc đó cả sáu anh em tôi đang ở tù). Ông nội nổi sùng táng cho nó một bớp tai, tống cổ đi. Nó đi Thanh Niên Xung Phong rồi được đưa qua Cambốt theo đạo ''quân tình nguyện'' làm nghĩa vụ quốc tế. Sau vài năm thân tàn ma dại trở về, gia đình lo cho nó vượt biên sang Mỹ, bây giờ đang làm kỹ sư. Tôi không không hỏi xem nó đã đổi ý kiến hay chưa. Có lẽ là chưa đổi hẳn vì cháu tôi không có thói quen suy nghĩ những vấn đề phức tạp.



Một ông thợ mộc tôi quen có lần làm một đại tá cộng sản hồi hưu rất trung thành với đảng lúng túng. Ông ta hỏi một cách rất thực thà : ''Thưa bác, đảng ta tài giỏi và có công lớn như vậy nhưng tại sao ở các nước không có đảng cộng sản người ta lại giàu mạnh hơn mình ?''. Ông đại tá biện bạch là đất nước khó khăn, đế quốc phá hoại, v.v... Ông thợ mộc nghe và gật đầu một cách lễ phép nhưng rõ ràng không được thuyết phục, ông đại tá nói ào ào nhưng rõ ràng là bối rối.



Tất cả vấn đề là đảng cộng sản so sánh sự nghiệp của họ với ngày xưa, và những người lên án họ cũng đã không làm nổi bật yếu tố thời gian.



Đảng cộng sản hơn các triều đại ngày xưa thực và hơn xa. Nhưng họ chỉ văn minh hơn sự bán khai và chỉ nhân đạo hơn sự dã man tuyệt đối của thời vua chúa. Các vua chúa ngày xưa tuy không bằng họ nhưng lại bằng hoặc hơn các lân bang vì thế nước ta đứng vững. Đảng cộng sản hơn các triều đại ngày xưa nhưng lại kém thế giới ngày nay vì thế mà nước ta tụt hậu. Và tụt hậu không phải chỉ là một ý niệm trừu tượng mà trước hết là một thảm kịch. Về mặt nhân quyền, tụt hậu là hàng ngàn tù nhân chính trị, hàng ngàn cuộc đời lương thiện bị gãy đổ, hàng ngàn gia đình đau khổ. Về mặt kinh tế xã hội, nó là hàng triệu khuôn mặt trẻ thơ xanh xao, gầy ốm, đói ăn và thất học. Nếu hướng về quá khứ thì đảng cộng sản quả là có công lớn, nhưng nếu hướng về tương lai thì khác hẳn. Cuối cùng, cái tội lớn nhất của đảng cộng sản là tội làm mất thì giờ. Và họ đã bắt dân tộc ta phải hy sinh vô kể về sinh mạng và tài sản để chỉ được mất thì giờ.



Có rất nhiều điểm giống nhau giữa Khổng Giáo và Cộng Sản. Cũng chuyên chính tuyệt đối, cũng giáo điều, cũng bài bác thương mại, cũng tập trung tài sản (một đằng tất cả là của vua, một đằng tất cả là của nhà nước), cũng phân biệt giai cấp, cũng phủ nhận tự do cá nhân. Cứ lấy ông Marx thay vào chỗ ông Khổng , lấy Tư Bản Luận và ''Lênin Toàn Tập'' thay vào chỗ Tứ Thư Ngũ Kinh, lấy trung ương đảng đặt vào chỗ triều đình, lấy đảng viên thay cho đám quân tử, ta sẽ thấy hai hệ thống chính trị này không khác gì nhau. Có khác nhau chỉ là ở mức độ. Chế độ cộng sản không khinh thường người dân bằng chế độ Khổng Giáo, có pháp luật hơn, có tổ chức qui mô hơn, có căn bản triết học hơn, và thực ra cũng nhân đạo hơn các chế độ quân chủ lấy Khổng Giáo làm nền tảng. Hà Sĩ Phu nói cộng sản chỉ là một thứ phong kiến biến tướng. Đúng lắm, như là một biến tướng theo chiều hướng tốt. Chủ nghĩa cộng sản xét cho cùng chỉ là một thứ Khổng Giáo cải tiến. Không phải là một sự tình cờ mà chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ Phương Tây nhưng lại phát triển ở Phương Đông và ba trong bốn chế độ cộng sản còn sót lại đều là những xã hội Khổng Giáo cũ.



Chủ nghĩa cộng sản có hoàn toàn xuất phát từ Phương Tây không đối với tôi vẫn chỉ là một dấu hỏi. Tôi ngạc nhiên không thấy một nhà tư tưởng nào đưa ra giả thuyết là Marx và Lênin đã nhập cảng hệ thống chính trị Trung Hoa rồi thêm cho nó những râu ria kinh tế, triết học của Phương Tây. Có thể lắm. Marx là một nhà báo, đọc rất nhiều, không có lý do gì ông lại không nghiên cứu xã hội Khổng Giáo. Vào thời đại của ông, người Phương Tây đã biết rõ Phương Đông lắm rồi và Khổng Giáo không còn xa lạ với một học giả nào. Marx cũng là một chuyên viên cóp nhặt, ông không sáng tạo gì cả, ông chỉ kết hợp những tư tưởng của người khác - Hegel, Rousseau, Ricardo và nhiều người khác, kể cả Darwin. Lý thuyết về diễn tiến của xã hội loài người từ cộng sản nguyên thủy, qua nông nô, phong kiến, tư bản đến cộng sản chỉ là một sự cóp nhặt không sáng tạo của thuyết tiến hóa của Darwin. Vả lại chính Marx đã muốn đề tựa cuốn Tư Bản Luận của ông cho Darwin nhưng Darwin đã từ chối. Lênin còn gần với mô hình xã hội Phương Đông hơn nữa. Nếu chủ nghĩa cộng sản không phải là sự tân trang của Khổng Giáo thì khó giải thích tại sao hai chế độ lại giống nhau đến như thế.

Nhưng sự giống nhau nhất giữa hai ý thức hệ Khổng Giáo và Cộng Sản theo tôi là cả hai đều gạt bỏ yếu tố thời gian. Khổng Giáo chủ trương ''thuật nhi bất tác'' (chỉ lặp lại chứ không sáng tạo), lập ra khuôn vàng thước ngọc, cứ như thế mà theo không cần thay đổi. Chủ nghĩa Marx cũng coi xã hội cộng sản là xã hội sau cùng, đoạn chót của tiến hóa, rồi sau đó không thể có thay đổi nữa, con đường xây dựng xã hội cộng sản bằng chuyên chính vô sản cũng là con đường duy nhất cứ thế mà đi không cần và không được thắc mắc. Cả hai ý thức hệ đều cấm đoán xét lại. Chính vì vậy cả hai đều đưa đến những xã hội bế tắc và dậm chân tại chỗ. Cả hai đều là những ý thức hệ chết.



Thời gian không phải chỉ là khoảng cách giữa hai thời điểm mà còn chuyển động. Thời gian không phải chỉ là những cột mốc mà còn là những thay đổi giữa những cột mốc. Không có chuyển động và thay đổi thì không làm gì có thời gian. Mầu thời gian không xanh mà cũng không tím ngắt, hương thời gian không nồng mà cũng không thanh như Đoàn Phú Tứ nói. Thời gian không không sắc, hoặc đủ mầu đủ sắc. Thời gian là chuyển động. Chuyển động chung của loài người là cuộc hành trình về một tương lai không ngừng đổi mới, là làm cho xã hội mỗi ngày một khác, ngày càng sung túc hơn và tự do hơn. Không có chuyển động, nghĩa là không có thời gian, thì lịch sử chỉ là sự ghi chép ông vua này chết, ông vua kia lên ngôi, năm nào có giặc giã, năm nào mất mùa, v.v... cứ như thế mà lặp đi lặp lại, có thay đổi mà thực ra không có thay đổi vì chỉ là thay đổi vụn vặt, tuần hoàn, có khác gì khu rừng thay cây đổi lá nhưng vẫn chỉ là khu rừng. Lịch sử chẳng khác gì địa lý ! Mọi lý thuyết xã hội không hội nhập yếu tố thời gian, không cổ võ cho sự đổi mới liên tục, ý thức và vô cùng tận đều chỉ là những lý thuyết chết.



Lập luận duy nhất có thể phơi bày sự tồi dở của chế động cộng sản là lập luận hướng về tương lai, lấy vận tốc tiến bộ làm tiêu chuẩn đánh giá, chứ không phải là lập luận ''về nguồn'', nhân danh quá khứ và truyền thống. Tiến bộ cũng chưa đủ, phải tiến nhanh. Và phải tiến nhanh hơn các dân tộc khác vì chúng ta đã tụt hậu. Cả thế giới đang tiến về dân chủ. Lập trường chống cộng duy nhất đứng đắn là lập trường dân chủ. Nhưng có phải mọi người chống cộng đều dân chủ không ? Tôi ngờ vực lắm. Không thiếu gì những người chống cộng rất hăng nhưng không dân chủ chút nào. Thật là khôi hài khi chống cộng mà lại tôn vinh Khổng Giáo, một thứ cộng sản chậm tiến. Nhiều người cố tình biện bạch Khổng Giáo cũng có dân chủ dựa vào câu ''dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh'' (dân là quí, xã tắc là sau, vua là nhẹ) của Mạnh Tử. Nhưng đó chỉ là một câu nói đơn độc và lẻ loi không bao giờ được áp dụng của Nho Giáo, và mâu thuẫn hẳn với câu nói nhiều trọng lượng hơn của chính Khổng Tử : ''Hình bất thướng đại phu, lễ bất há thứ dân'' (hình phạt không áp dụng cho quan lớn, lễ không dùng với bọn thứ dân). Vả lại chỉ có một ông Mạnh Tử nói một câu đó trong khi đã có hàng triệu người cộng sản nói vài trăm triệu lần những câu nói tâng bốc người dân hơn nhiều. Nhưng không phải vì thế mà cộng sản không phản dân chủ.





Buộc tội đảng cộng sản làm mất thì giờ có thể bị nhiều người xem là vẫn còn nhẹ. Nhưng đó là tội nặng, rất nặng. Bởi vì vào thời đại này thời gian là tất cả. Mất thời giờ là mất tất cả, có thể mất nước luôn. Tôi nói với tất cả nghiêm chỉnh. Ơ? vào thời đại này ý niệm tổ quốc thiêng liêng và vĩnh cữu không còn đứng vững nữa. Đất nước phải có ích cho người dân nếu muốn người dân yêu nước. Đất nước phải đem lại hạnh phúc và niềm hãnh diện mới có lý do tồn tại. Các quốc gia không theo kịp đà tiến hóa chung của loài người không sớm thì muộn cũng sẽ tan rã. Những quốc gia lạc hậu là những quốc gia bị đe dọa. Nếu vừa lạc hậu lại vừa kềm kẹp thì lại càng tan rã mau hơn. Lần đầu tiên trên thế giới chúng ta thấy nhiều nước không bị ngoại xâm mà vẫn tan rã chỉ vì độc tài và nghèo đói. Hiện nay giấc mơ của rất nhiều người Việt Nam chỉ giản dị là được thôi làm người Việt, ra nước ngoài làm công dân một nước khác. Nguy ngập lắm rồi. Chúng ta phải khẩn cấp cứu nước, nghĩa là vận động dân chủ hóa. Chúng ta không còn nhiều thì giờ, làm mất thì giờ là tội nặng nhất, trên hết mọi tội.



Nếu có thời gian cho mỗi quốc gia thì cũng có thời gian cho mỗi đời người. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, nhưng mấy ai sống lâu trăm tuổi ? Tuổi hoạt động và ý thức của mỗi đời người chỉ xấp xỉ một vạn ngày. Sự sống không chấm dứt đột ngột với cái chết, nó từ từ ra đi với thời gian.



Một huynh trưởng quí mến của tôi rất tài hoa, đạo đức, nhiều kiến thức và cũng nhiều kinh nghiệm. Tôi thán phục ông vô cùng và rủ ông cùng tranh đấu cho dân chủ. Huynh trưởng tán thành nhưng chưa nhập cuộc. Mới đầu ông nói hãy để ông xong việc cư trú và nhập tịch. Sau đó ông cần thời gian để nhận định đắn đo trước khi hành động. Rồi ông phải lo bề gia thế cho mấy đứa con. Cuối cùng ông cần thiền và suy nghĩ về Kinh Dịch, ông nói triết lý rất cần để soi sáng hành động. Ông rất có khả năng và cũng rất có lòng với đất nước nhưng rủi thay lúc nào cũng có một cái gì đó được dành ưu tiên cao hơn.



Một hôm tôi nhận được giấy báo tang. Ông qua đời đột ngột ở tuổi ngoài sáu mươi vì một bạo bệnh bất ngờ. Tôi bùi ngùi nhìn những bông hoa, rồi những nắm đất, phủ dần lên quan tài ông. Nhưng tôi không hề tiếc đã mất một người sắp tham gia tranh đấu vì dân chủ. Từ lâu tôi đã gạch tên ông khỏi danh sách những người cần động viên. Tôi biết ông đã bỏ cuộc lâu rồi. Cuộc đời tuy ngắn, nhưng quảng đời đam mê - còn biết phẫn nộ và dấn thân - lại còn ngắn hơn. Nó chỉ là một thoáng qua thôi. Quá một tuổi nào đó mà chưa bắt đầu người ta sẽ không bao giờ bắt đầu. Trì hoãn mãi người ta sẽ bỏ cuộc dù chưa nhập cuộc. Thời gian đã đi qua đó. Như thơ Nguyễn Hồi Thủ, thời gian là liều thuốc ''chữa ưu phiền và chữa cả mê say''.


Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 107, tháng 9-1997)