Chân dung người lao động thời hậu dịch bệnh (Hữu Phan)

Trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 30,8 triệu lao động bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc có việc làm nhưng giảm giờ làm và thu nhập... do dịch Covid-19, theo Tổng cục Thống kê. Trong đó, số người bị giảm thu nhập trong sáu tháng đầu năm lên tới 17,6 triệu người, chiếm 57,3%. Có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Đây là những con số rất đáng báo động vì chưa có một dự báo khả tín nào về tình hình đại dịch trong vài tháng sắp tới có được khống chế hay không. Những gói hỗ trợ người dân bị trực tiếp ảnh hưởng đều chỉ diễn ra một cách rất hình thức và thiếu hiệu quả.




Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng quá xa vời với những người lao động tự do.. Ảnh: THÀNH HOA
1. Những ngày gần đây, văn phòng bảo hiểm thất nghiệp TPHCM tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh đông hơn thường lệ. Lượt xe ra vào tấp nập, người lao động, phần lớn vội vã, tay cầm sẵn một bộ hồ sơ, lao nhanh vào phòng làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhìn hàng chục người xếp hàng dài, bà Phạm Thị Lý (58 tuổi), không khỏi băn khoăn khi nào mới tới lượt mình. “Tôi làm tạp vụ cho một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại quận 10. Từ tháng 4 đến nay, do cách ly, giãn cách xã hội, phòng khám khó khăn nên cắt giảm nhân sự, tôi cũng bị công ty sa thải”, bà Lý chia sẻ.
Quê ở Huế, bà Lý vào TPHCM làm việc từ năm 2002 đến nay. Ngoài làm tạp vụ ở một cơ sở thẩm mỹ, bà Lý còn làm thêm ở một xưởng chế biến rau củ vào cuối tuần. Mỗi tháng, bà phải gửi ít nhất 2 triệu đồng về nuôi mẹ già ở Huế. Bà có một cậu con trai nhưng tiền làm thuê của người này cũng không đủ nuôi cả gia đình. “Ở Huế một mùa nắng đổ lửa, một mùa mưa xối xả, nước ngập cây cối chết queo, buôn bán hay nuôi trồng gì cũng khó khăn. Chẳng ai muốn tha hương cả, nhất là ở cái tuổi này, nhưng ở đây (TPHCM) có thể làm một lúc hai, ba việc, buổi tối đi rửa chén 1-2 tiếng cho người ta cũng có tiền”.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả cuộc sống của những người nhập cư như bà Lý. Thu nhập 6 triệu đồng giờ thu vén lắm cũng chỉ được 2 triệu. Trước thuê phòng trọ riêng thì nay phải ở ghép với 3, 4 người nữa. “Suốt mấy tháng nay chạy vạy khắp nơi tìm việc nhưng không chỗ nào chịu nhận. Cũng may có mấy chỗ nhận giúp việc theo giờ. Mấy việc như lau nhà, rửa chén... tôi đều nhận dù lương thấp lắm, chỉ 50.000 đồng/giờ”, bà Lý kể.

Thấy bà Lý lớn tuổi đứng xếp hàng, các nhân viên của trung tâm ưu tiên cho bà làm thủ tục trước. Hồ hởi sau khi nhận hơn 1 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp từ tháng trước, trong lần phải có mặt tại đây trong tháng này theo quy định để được tiếp tục nhận trợ cấp, bà Lý nói sẽ kiên quyết bám trụ lại TPHCM “bởi trong này còn khó khăn, ngoài ấy lấy gì mà sống”.

“Hết dịch hẳn, tôi muốn xin vào khách sạn làm việc, nghe nói chỗ ấy lương cao hơn”, bà Lý hy vọng.
Nếu như người lao động lớn tuổi như bà Lý khó tìm việc làm thì với những người trẻ như anh Trung (35 tuổi, nhân viên điều hành tour tại quận 1, TPHCM), làm sao để có thu nhập trong những ngày khó khăn này cũng không hề dễ dàng. Anh Trung cho biết công ty trước nay chuyên tổ chức tour cho khách quốc tế nên khi Việt Nam thực hiện cách ly, ngừng đón khách nước ngoài, doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Công ty đã chuyển sang phục vụ khách nội địa nhưng công việc cũng chỉ bằng 10-20% so với trước.

“Thời gian đầu, công ty cho hưởng 40-60% lương và làm theo ca luân phiên. Nhưng sau đó quá khó khăn nên khuyến khích nhân viên nghỉ không lương. Tôi bán hàng trực tuyến trong hai tháng nay để kiếm thêm thu nhập nhưng cũng chỉ lai rai đủ sống qua ngày”, anh Trung tỏ ra mông lung về những ngày sắp tới khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều nước, mảng du lịch quốc tế còn khá trắc trở.

Hỏi về khoản hỗ trợ của Chính phủ dành cho người lao động mất việc do Covid-19, anh Trung lắc đầu. “Tôi cũng thử đăng ký nhận hỗ trợ vì nhà còn hai con nhỏ, được đồng nào hay đồng ấy. Tuy nhiên, công ty tôi không thuộc diện được hỗ trợ. Lý do là vì công ty vẫn có doanh thu trong khi điều kiện là doanh thu phải bằng 0”, anh Trung nói.

Câu chuyện khó tiếp cận với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cũng xảy ra với chị Ngọc Linh, nhân viên một trung tâm tiếng Anh tại quận 3. Chị Linh kể chị bị ngừng việc không hưởng lương từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 5 bởi trung tâm không thể hoạt động do các quy định giãn cách xã hội. Thiết nghĩ mình “quá đủ tiêu chuẩn” để được trợ cấp nhưng cuối cùng lại không được xét. “Lý do là vì công ty vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Đây là nỗ lực của công ty giúp duy trì bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng lại là trở ngại của hồ sơ xin trợ cấp. Thật khó hiểu, rõ ràng là chúng tôi mất việc mà”, chị Linh bức xúc.
 
2. Dựng chiếc xích lô cũ lên vỉa hè, ông Nhơn (54 tuổi) ngả lưng ra nằm đợi khách như thường lệ. Đoạn vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) này vừa là địa điểm tiếp nhận đơn hàng, vừa là nơi ngủ nghỉ qua đêm của ông Nhơn và một vài người vô gia cư khác.
“Tôi chở hàng”, ông Nhơn vừa nói vừa chỉ vào chiếc xích lô xỉn màu, rách lỗ chỗ. “Mấy bữa cách ly chống dịch làm gì có ai kêu chở hàng. Hổm rày bình thường lại thì có khá hơn nhưng cũng không được bao nhiêu”.

Ông Nhơn kể những người bán vé số, chạy xe ôm... khu vực này đều được chính quyền địa phương đến khảo sát và hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Nhưng đấy đều là những người có hộ khẩu TPHCM. Người không có hộ khẩu thành phố, cũng chẳng đăng ký tạm trú, không có nơi ở cố định như ông Nhơn thì khó mà trông mong được gì.

“Tôi quê ở Bến Tre. Muốn được nhận hỗ trợ thì phải về Bến Tre xác nhận không nhận hỗ trợ tại nơi thường trú. Rồi phải có giấy xác nhận tạm trú tại khu vực này nữa”, ông Nhơn lắc đầu, nói.
Tuy nhiên, chỉ tay sang người đàn ông ngồi bên cạnh trên vỉa hè, ông Nhơn vẫn lạc quan nói: “May là tôi còn có xe chở hàng, như nó thì chẳng biết kiếm gì ăn”.

Nghe nhắc đến mình, anh Nam (33 tuổi) cười như mếu. Tóc bạc một chỏm trên mái, trông anh già hơn nhiều so với tuổi. Trước làm bảo vệ cho một nhà hàng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh mất việc. Không có hộ khẩu do trước đây anh là trẻ mồ côi, được nuôi trong một nhà dòng. Không có cả chứng minh nhân dân do giấy tờ bị thất lạc ở nhà dòng nhiều năm trước. Anh dĩ nhiên cũng không thuộc diện nhận trợ cấp từ Chính phủ.

“Tôi chỉ mong tìm được việc làm nhưng đi đâu người ta cũng nói không nhận. Đến trung tâm giới thiệu việc làm thì người ta cũng xua tay do mình không có giấy tờ gì”, anh nói.
Hiện chỉ sống bằng tiền và nhu yếu phẩm từ các đợt từ thiện của các mạnh thường quân, anh nói: “Người ta cho gì ăn nấy, đồ thừa, đồ thiu, miễn là có cái ăn. Đằng nào cũng chẳng còn ai thân thích, túng quẫn quá chắc đăng tin bán thận trên mạng sẽ có chút tiền sống qua ngày”.
Trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 30,8 triệu lao động bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc có việc làm nhưng giảm giờ làm và thu nhập... do dịch Covid-19, theo Tổng cục Thống kê. Trong đó, số người bị giảm thu nhập trong sáu tháng đầu năm lên tới 17,6 triệu người, chiếm 57,3%. Có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp và người lao động nhanh chóng được đưa ra, trong đó nổi bật là Nghị quyết 42 về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện lại không mấy khả quan. Tính đến ngày 25-6, các địa phương mới chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỉ đồng. Tình trạng giải ngân thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân: địa phương sợ sai nên quá cẩn trọng, chậm phê duyệt và triển khai; việc thẩm định rườm rà, phức tạp khiến người dân bỏ cuộc; tiêu chí để được hỗ trợ quá cao nên ít doanh nghiệp đạt đủ tiêu chuẩn...
Đặc biệt, gói 16.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc đối với người lao động vẫn chưa thể giải ngân được do không doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh quy định về điều kiện, thủ tục để được vay vốn rất phức tạp, rườm rà, nhất là quy định doanh nghiệp phải có từ 20% số người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên. Có doanh nghiệp dù khó khăn vẫn luôn nỗ lực để không phải cho nhân viên nghỉ việc. Không lẽ để vay được số tiền hỗ trợ này, doanh nghiệp lại phải sa thải 20% nhân viên của mình?

Ngoài chính sách khó thực thi thì thực tế cũng phát sinh những chính sách làm khó người lao động trong thời buổi khó khăn, như chuyện Công ty PouYuen tự động khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền công ty hỗ trợ thêm ngoài quy định của pháp luật cho người lao động mất việc. Tuy nhiên, sau đó Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền này.

Để giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất điều chỉnh nới điều kiện vay gói 16.000 tỉ đồng, theo đó bỏ tiêu chí “doanh nghiệp không có nguồn thu” bởi nếu doanh nghiệp không có nguồn thu thì doanh nghiệp gần như phá sản, đóng cửa. Đồng thời đề nghị cho doanh nghiệp vay đến hết tháng 12-2020 để kích cầu tiêu dùng và sản xuất.

Nguồn tin: The Saigontimes