Trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp Nga: Đối lập bất đồng về cách phản đối (Trọng Thành)

Sự chia rẽ và yếu kém của đối lập Nga một phần nào đó đã giúp chế độ độc tài của Putin vẫn có thể tồn tại, tuy nhiên với việc chế độ này đã tồn tại được hơn hai thập kỷ và vẫn có thể tồn tại thêm hàng thập kỷ nữa, tỉ lệ ủng hộ Putin dù đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức 59%, thì cần có thêm một giải thích nào khác ngoài sự yếu kém của đối lập Nga. Lý do quyết định khiến Nga vẫn chìm đắm trong độc tài sau gần 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ đến từ di sản về văn hoá và lịch sử của quốc gia này. Lịch sử của Nga là một chuỗi những cố gắng chống lại phương Tây và văn hóa phương Tây trong đó dân chủ là yếu tố cốt lõi. Họ đã chỉ học hỏi những kỹ thuật của phương Tây chứ không chấp nhận văn hóa phương Tây. Họ đã chỉ nghiên cứu văn hóa phương Tây trong mục đích tìm cách phản bác. Trước khi có một thay đổi tâm lý lớn Nga không thể là một nước dân chủ thực sự. 

Tâm lý chống phương Tây này chủ yếu do sự ghen tức nhưng cũng có lý do lịch sử của nó. Trong suốt bốn thế kỷ rưỡi, từ đầu thế kỷ 16 đến thế chiến II người phương Tây đã là những kẻ xâm lược ức hiếp, dầy xéo và làm nhục phần còn lại của thế giới. Chỉ từ cuối thập niên 1970 trở đi, sau một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hơn ba thập niên và chủ yếu là nhờ chính sự trỗi dậy phản kháng của thế giới, họ mới trở thành khối chuyên chở những giá trị dân chủ, nhân quyền, hợp tác và thị trường. Nhiều dân tộc đã không thể quên đi những nhục nhằn và mất mát mà người phương Tây đã gây ra cho họ. Nhưng Nga là nước đã va chạm với phương Tây một cách đặc biệt nhất, không giống với bất cứ nước nào. Do sự gần gũi Nga đã biết đến và đụng độ với phương Tây sớm nhất và đã mất mát nhiều nhất, một thí dụ là thủ đô lịch sử của Nga không phải là Moskva mà là Kiev, nay thuộc Ukraine. 

Nga đã thường xuyên bị đánh bại và bị đẩy dần về phía Đông. Nhưng do hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt không một kẻ xâm lược nào có chiếm đóng hoàn toàn được Nga hay ở lại lâu trên nước Nga để có thể áp đặt được văn hóa của mình. Kết quả là Nga tuy đã chịu nhiều thiệt hại nhất trong thời gian dài nhất vì phương Tây nhưng lại chưa bao giờ tiếp thu văn hóa phương Tây một cách đầy đủ. Sau cùng Nga vẫn là Nga và hơn thế nữa, vì bị đẩy lùi về phía Đông Bắc, nó còn trở thành một nước lục địa không có bờ biển nước ấm và rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Tình trạng này khiến Nga về tâm lý và văn hóa vẫn chưa vượt thoát được khỏi những nhân tố bẩm sinh đã khiến nó được thành lập trong đó bạo lực và bạo quyền là hai yếu tố nền tảng. Các phi thuyền không gian vẫn chưa đưa Nga ra khỏi hẳn được tâm lý Trung Cổ. Chính quyền Nga đầu tiên đã do quân cướp từ Bắc Âu tới lập ra, vị Nga Hoàng được biết đến và được tôn sùng như một anh hùng lập quốc, Vladimir, thuộc dòng dõi Viking. Trong suốt dòng lịch sử của nó nước Nga đã chỉ có những chế độ cực kỳ bạo ngược. Nước Nga cần có, và bắt buộc phải có, một cuộc cách mạng lớn về văn hoá và tưởng chính trị mới có thể chuyển hoá về dân chủ. 

Bỏ phiếu trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến pháp Nga. Ảnh chụp tại một đơn vị bỏ phiếu ở Vladivostok, ngày 25/06/2020.

Chính quyền Nga tổ chức trưng cầu dân ý về dự án cải tổ Hiến pháp hôm nay, 25/06/2020. Dự án cải tổ Hiến pháp, nếu được thông qua, sẽ cho phép tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, có nghĩa là đến năm 2036. Đối lập Nga lên án một « cú đảo chính Hiến pháp ». 

Tuy nhiên, phản đối bằng cách nào : tẩy chay hay bỏ phiếu chống ? Hiện tại, nội bộ đối lập đang bị chia rẽ cao độ trong vấn đề này. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva: 

« Không có cơ hội tham gia trên truyền hình, cũng không thể tổ chức mít tinh do dịch Covid-19, các thủ lĩnh đối lập buộc phải tranh luận trên mạng internet. Đối với người nổi tiếng nhất trong số họ, luật sư, blogger Alexei Navalny, sẽ không có chuyện tham gia vào cuộc bỏ phiếu được coi là một  trò hề này. Ông nói : 

''Tôi ủng hộ việc tham gia vào các cuộc bầu cử, trong 99% trường hợp. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này là hoàn toàn bất hợp pháp, như vậy không thể tham gia. Bên cạnh đó, còn có các nguy cơ liên quan đến dịch virus corona. Theo tôi, sẽ là vô đạo đức khi kêu gọi những người ủng hộ tham gia trong những điều kiện như vậy''. 

Đối với những người ủng hộ việc tẩy chay bỏ phiếu, tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý là một cách thừa nhận cải tổ Hiến pháp là hợp pháp. Biện pháp duy nhất để gây áp lực, theo quan điểm của họ, là giảm đến mức tối đa tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu. 

Ngược lại, theo cựu thành viên đảng Iabloko, Maxime Katz, cần phải đi bỏ phiếu, và phản đối dự án cải tổ của tổng thống Nga bằng chính lá phiếu của mình. Ông nói : 

''Kể từ cuộc bầu cử năm 2018, tỉ lệ được lòng dân của Putin đã tụt dốc thê thảm. Trên đường phố, tất cả mọi người đều nói rằng họ muốn phản đối cuộc cải tổ Hiến pháp. Trong xã hội, có một sự phẫn nộ ghê gớm, mọi người muốn đi bỏ phiếu chống''. 

Tuy nhiên, bất luận đối lập chọn chiến lược nào thì cải cách Hiến pháp, mà ông Putin muốn có, gần như chắc chắn sẽ được thông qua vào ngày 01/07 tới. Tổng thống Nga sẽ có quyền tại vị thêm hai nhiệm kỳ nữa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình cách đây ít hôm, ông Putin lần đầu tiên nêu khả năng sẽ ra ứng cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024 ». 

Theo thăm dò dư luận của Viện Levada, có quan điểm độc lập, tỉ lệ ủng hộ với ông Putin giảm mạnh, từ 79% xuống còn 59%, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2020. Để tránh gây phản cảm, chiến dịch quảng bá cho dự án cải tổ Hiến pháp trên đường phố không hề nhắc đến việc cải tổ sẽ cho phép ông Putin cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa. Các áp phích tuyên truyền tập trung cổ vũ cho việc « đức tin vào Chúa Trời » sẽ được ghi vào Hiến pháp, hay việc không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Đảng cầm quyền tin tưởng việc cổ vũ cho các giá trị bảo thủ như trên sẽ giúp thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Nga. Bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong một tuần lễ. 

Nguồn tin: RFI